Trong chuyến hành trình chinh phục những vùng đất xa xôi, hiểm trở, việc lựa chọn chiếc xe đồng hành luôn là ưu tiên hàng đầu, đặc biệt là dịp du xuân đầu năm bên gia đình. Hàng dài những công nghệ, tính năng điện tử hữu dụng trong cuộc sống nơi đô thị có thể tiềm ẩn nguy cơ khi đi xa, nếu gặp phải những rủi ro ở nơi cách hàng chục km mới có một gara sửa chữa.
Hơn hết, chiếc xe phải phù hợp với nhu cầu, địa hình và điểm đến. Tôi nghĩ vậy, và chọn mẫu bán tải Hilux Adventure cho chuyến hành trình đầu năm.
Ở phiên bản mới nhất, Hilux không thay đổi quá nhiều, vẫn giữ những đường nét thiết kế vuông vức, to lớn và đậm chất nam tính. Bên trong, màn hình giải trí tăng kích thước so với phiên bản cũ, giao diện bắt mắt hơn. Phía dưới màn hình vẫn là hàng loạt nút bấm vật lý to bản, dễ quan sát và tiện sử dụng mỗi khi cần tinh chỉnh hệ thống điều hòa và các chức năng lấy gió. Bên cạnh là núm xoay của hệ thống gài cầu, khóa vi sai, kiểm soát thân xe điện tử VSC, thay đổi chế độ vận hành và cần số rãnh đặc trưng Toyota.
Tính thực dụng thể hiện ngay ở nội thất với “bao la” không gian chứa vật dụng hàng ngày, hộc để đồ dưới bệ tì tay, phía trước ghế phụ, vị trí trung tâm và hai bên cánh cửa. Hàng ghế sau có thể gập lại với thao tác đơn giản, chứa những vali cỡ lớn khỏi xê dịch trong suốt hành trình đa số là đường đèo dốc. Sàn xe có hai khay chứa đồ, để gọn gàng những vật dụng cứu hộ như bộ kích, keo tự vá, bơm điện, đèn pin, miếng phản quang…
Chất đầy đủ đồ đạc cho chuyến đi 4 ngày 3 đêm của hai người, chiếc Hilux khởi hành với tiếng động cơ dầu trầm đục, bên trong cabin là bản nhạc hứng khởi từ dàn âm thanh 9 loa của JBL, kết nối qua Apple CarPlay không dây tiện dụng. Điểm đến trong ngày hôm nay là Lô Lô Chải, bản làng “đi đến nơi có gió” nằm dưới chân cột cờ Lũng Cú, nơi cách Thủ đô gần 500 km. Google Map báo khoảng 10 tiếng lái xe liên tục. Khá hãi. Nhưng tôi tin cuộc đời sẽ quá nhàm chán nếu ngại ngùng trước những chuyến đi đòi hỏi sức bền, và hơn hết, tôi có trong tay phiên bản cao cấp nhất của Hilux tại Việt Nam.
Ở phiên bản mới, hãng Nhật Bản bổ sung một số tính năng thuộc gói công nghệ an toàn chủ động Toyota Safety Sense cho Hilux Adventure. Với camera 360 độ, 6 cảm biến, hệ thống cảnh báo điểm mù BSM, cảnh báo phương tiện cắt ngang khi lùi RCTA, tự động phanh khoảng cách… Hilux trở nên hợp thời hơn trong xu hướng phát triển của công nghệ ôtô trên thị trường.
Chiếc Hilux bước ra khỏi Hà Nội lúc tờ mờ sáng, chạy dọc cao tốc Nội Bài – Lào Cai khoảng 100 km rồi chuyển sang hơn 50 km cao tốc Phú Thọ – Tuyên Quang, hướng về phía thành phố Hà Giang. Đây là cung đường nhàn nhã nhất trong suốt chuyến đi, bởi xe có trọng tâm cao cho tầm quan sát thoáng, hệ thống Adaptive Cruise Control nhàn nhã, âm thanh bay bổng từ dàn loa JBL, và hơn hết là tâm trạng “sổ lồng” của hai du khách đi tìm kiếm những giây phút yên bình nơi địa đầu Tổ quốc.
Thử thách thực sự của chuyến đi nằm ở quãng đường từ TP Hà Giang đến thôn Lô Lô Chải, dù chỉ 150 km nhưng ngốn đến 5 giờ lái xe trong điều kiện thuận lợi và không gặp “đặc sản” sương mù. Men theo quốc lộ 4C, con đường đưa chúng tôi đi qua những địa danh “nức lòng người hâm mộ” như cổng trời Quản Bạ, rừng thông trải dài ở Yên Minh, Mã Pí Lèng – một trong tứ đại đỉnh đèo của phía bắc hay dòng sông Nho Quế xanh biếc vào mùa khô.
Với những kẻ ưa chinh phục và cầm lái như tôi, Mã Pí Lèng tạo phấn khích chẳng khác gì cảm giác khi các chị em được selfie cùng “nam thần” bước ra từ những bộ phim Hàn Quốc. Vắt vẻo vô-lăng hàng chục km không mấy khi là đường thẳng, liên tục là những những khúc cua tay áo hay độ dốc lớn nhất mà giới hạn đường bộ cho phép… chiếc Hilux linh hoạt và lầm lũi đi qua, văng vẳng giữa không gian núi rừng là tiếng máy dầu trầm lực, gằn gừ đầy nam tính. Nếu chọn thoải mái, người lái có thể chuyển chế độ dẫn động hai cầu nhanh (4H) thông qua núm xoay, khiến bốn bánh của Hilux đạt độ bám đường tối ưu, nhẹ nhàng bon qua những khúc cua gắt.
Nhưng chế độ dẫn động cầu sau sẽ “bơm” thêm chút adrenaline cho người lái mỗi khi vẩy chân ga lúc thoát cua, thứ trải nghiệm phấn khích dường như chỉ có ở dòng bán tải và trên cung đường có tên gọi “Hạnh Phúc” này. Trời nhá nhem tối cũng là lúc người bạn đồng hành của tôi thức dậy, gần như không có cảm giác gì về những khúc cua đã qua. Tám giờ tối, chiếc xe đặt chân đến lối rẽ vào bản Lô Lô Chải, nơi nồi lẩu gà đen nghi ngút khói và những căn nhà trình tường với mái ngói âm dương ấm cúng đang chờ đợi.
Trong phân khúc bán tải, Hilux là cái tên bảo chứng cho độ tin cậy, bởi gần 60 năm qua, dòng xe dã chiến này xuất hiện khắp mọi nơi trên thế giới. Sa mạc châu Phi, rừng rậm Nam Mỹ, giá lạnh châu Âu hay thậm chí những chiến trường nóng bỏng nhất Trung Đông, tất cả đều có “dấu chân” mẫu bán tải cỡ trung của Toyota.
Việt Nam cũng không ngoại lệ khi Hilux quen mặt với thị trường trong gần 20 năm qua. Mẫu xe của Toyota không chạy theo trào lưu “bán tải dạo phố”, mà nhóm khách chủ lực vẫn là những người dùng thích xe thuần công năng, phục vụ công việc hoặc những tay chơi ưa khám phá, trải nghiệm địa hình.
Toyota Việt Nam phân phối Hilux với ba phiên bản 2.4 4×4 MT; 2.4 4×2 AT và 2.8 4×4 AT Adventure. Giá bán lần lượt 668 triệu, 706 triệu và 999 triệu đồng, đã bao gồm VAT. Xe đạt tiêu chuẩn khí thải Euro 5 và nhập khẩu trực tiếp từ Thái Lan.
Nội dung: Quang Anh
Thiết kế: Thái Hưng
Nguồn: https://vnexpress.net/1-200-km-chinh-phuc-cuc-bac-to-quoc-cung-toyota-hilux-4839729.html