Thứ sáu, Tháng Một 24, 2025
HomeKinh Doanh10 dấu ấn nổi bật, đưa kinh tế Việt Nam vào kỷ...

10 dấu ấn nổi bật, đưa kinh tế Việt Nam vào kỷ nguyên mới

10 dấu ấn nổi bật, đưa kinh tế Việt Nam vào kỷ nguyên mới- Ảnh 1.
10 dấu ấn nổi bật, đưa kinh tế Việt Nam vào kỷ nguyên mới- Ảnh 2.

Năm 2024, GDP ước đạt trên 7%. Năm 2025, Quốc hội “chốt” tăng trưởng GDP đạt 6,5 – 7%, phấn đấu 7 – 7,5%

Vượt qua tác động khủng khiếp của cơn bão mạnh nhất trong 70 năm qua – bão số 3 (Yagi), VN ghi nhận mức tăng trưởng GDP cao nhất khu vực ASEAN-6 (bao gồm VN, Malaysia, Singapore, Indonesia, Philippines và Thái Lan) với 7,4% trong quý 3/2024 (theo Tổng cục Thống kê). Sản xuất và thương mại tiếp tục dẫn đầu quá trình phục hồi kinh tế. Dự kiến, tăng trưởng GDP năm 2024 đạt trên 7%, vượt chỉ tiêu Quốc hội đề ra, thuộc top 34 nền kinh tế lớn nhất thế giới và gấp đôi tốc độ tăng trưởng kinh tế toàn cầu. Đồng thời, lạm phát duy trì dưới 4%, trong ngưỡng Quốc hội cho phép.

Đáng lưu ý, 15/15 chỉ tiêu phát triển KT-XH của cả nước trong năm 2024 đều đạt hoặc vượt kế hoạch đề ra. Kết quả này nhờ vào sức bật trong quý 4/2024 từ các đầu tàu kinh tế như TP.HCM, Hà Nội, Hải Phòng, Đà Nẵng, Bình Dương, Đồng Nai… Đặc biệt, thu hút vốn đầu tư nước ngoài (FDI) trong năm 2024 đạt hơn 31 tỉ USD, đưa VN vào nhóm 15 quốc gia đang phát triển thu hút vốn FDI lớn nhất thế giới. Theo đó, giá trị thương hiệu quốc gia tăng, đạt 507 tỉ USD, xếp thứ 32/193 quốc gia.

10 dấu ấn nổi bật, đưa kinh tế Việt Nam vào kỷ nguyên mới- Ảnh 3.
10 dấu ấn nổi bật, đưa kinh tế Việt Nam vào kỷ nguyên mới- Ảnh 4.

Dự án đường dây 500kV mạch 3 đạt nhiều kỷ lục

Ngày 29.8, công trình đường dây 500kV mạch 3 từ Quảng Trạch (Quảng Bình) đến Phố Nối (Hưng Yên) được khánh thành sau hơn 6 tháng triển khai, xác lập kỷ lục về thủ tục đầu tư và thời gian thi công ngắn nhất. Đường dây tải điện 500 kV mạch 3 Phố Nối – Quảng Trạch có tổng chiều dài khoảng 519 km thi công trong các điều kiện thời tiết khắc nghiệt và đi qua nhiều địa hình hiểm trở. Song với sự chỉ đạo quyết liệt của Thủ tướng Chính phủ; sự chủ động, sáng tạo trong điều hành của Bộ Công thương và các bộ, ngành, địa phương, Tập đoàn Điện lực VN (EVN), chỉ sau hơn 6 tháng thi công, công trình đã về đích.

Đây là một kỳ tích không chỉ riêng của ngành điện mà còn là kỳ tích của VN, mang lại bài học quý cho việc triển khai công trình trọng điểm quốc gia. Công trình do các kỹ sư VN thiết kế và thi công, bảo đảm an ninh năng lượng quốc gia, khắc phục tình trạng thiếu điện cục bộ tại miền Bắc, ghi dấu ấn tinh thần dân tộc, sự đồng lòng của cả hệ thống chính trị. Dự án đường dây 500 kV mạch 3 Quảng Trạch – Phố Nối hoàn thành cùng với các tuyến đường dây 500 kV mạch 1 và 2 sẽ trở thành trục xương sống quan trọng, góp phần cung cấp điện cho phát triển KT-XH, đảm bảo an ninh năng lượng quốc gia trong giai đoạn mới.

10 dấu ấn nổi bật, đưa kinh tế Việt Nam vào kỷ nguyên mới- Ảnh 5.
10 dấu ấn nổi bật, đưa kinh tế Việt Nam vào kỷ nguyên mới- Ảnh 6.

Chỉ 2 năm sau khi chuyển sang xe thuần điện, VinFast, hãng xe điện Việt đã vượt qua tất cả thương hiệu xe xăng và điện quốc tế, trở thành hãng xe bán chạy nhất thị trường

Tháng 9.2024, thị trường ô tô VN chứng kiến cột mốc đáng nhớ khi lần đầu tiên VinFast, hãng xe điện Việt đã vượt qua tất cả thương hiệu xe xăng và điện quốc tế, trở thành hãng xe bán chạy nhất thị trường. Số xe bán ra trong 1 tháng của hãng xe Việt gấp 1,5 lần Toyota (ở vị trí thứ 2), thậm chí gấp 2 – 3 lần so với những hãng như KIA, Honda, Ford… Nối tiếp đà thành công tháng 9, VinFast tiếp tục bàn giao số lượng lớn ô tô điện cho khách hàng trong tháng 10 với hơn 11.000 chiếc, nâng tổng số lũy kế lên hơn 51.000 chiếc, giữ vững vị trí thương hiệu ô tô bán chạy số 1 thị trường VN trong 10 tháng đầu năm.

Sự kiện VinFast trở thành hãng xe bán chạy nhất VN là dấu mốc mang ý nghĩa bước ngoặt với ngành công nghiệp ô tô nước nhà. Chỉ trong vòng 5 năm gia nhập thị trường, VinFast không chỉ khẳng định vị thế vững chắc mà còn chính thức vượt qua các hãng xe nước ngoài để chiếm lĩnh thị phần lớn nhất. Đáng chú ý, cột mốc đáng nhớ này của VinFast được ghi nhận chỉ sau hơn 2 năm kể từ khi chính thức chuyển hướng sang thuần điện. Đây là điều chưa hãng xe nào trên thế giới có thể làm được. “Như một phép màu”, “chiến binh dẫn dắt công cuộc chuyển đổi xanh toàn cầu”, “người tiên phong”, “minh chứng cho tinh thần quyết liệt của người Việt”… là cách báo chí quốc tế nhận định về cột mốc VinFast trở thành thương hiệu ô tô số 1 thị trường VN. “Hàng nghìn người VN đã tham gia vào cuộc cách mạng xanh trên toàn cầu bằng cách lựa chọn xe điện VinFast. Việc VinFast thành công trong việc thuyết phục người tiêu dùng VN chuyển đổi sang xe điện là một tuyên ngôn mạnh mẽ cho triển vọng của xe điện ở Đông Nam Á”, CNN Indonesia viết.

10 dấu ấn nổi bật, đưa kinh tế Việt Nam vào kỷ nguyên mới- Ảnh 7.
10 dấu ấn nổi bật, đưa kinh tế Việt Nam vào kỷ nguyên mới- Ảnh 8.

Lương cơ sở tăng 30%, mức tăng cao nhất từ trước đến nay

Ngày 29.6, 100% đại biểu Quốc hội tham gia biểu quyết tán thành thông qua Nghị quyết, thống nhất thực hiện các nội dung cải cách tiền lương; điều chỉnh lương hưu, trợ cấp bảo hiểm xã hội, trợ cấp ưu đãi người có công và trợ cấp xã hội, có hiệu lực từ ngày 1.7.2024. Theo đó, mức lương cơ sở từ 1,8 triệu đồng/tháng tăng lên 2,34 triệu đồng/tháng, tăng đến 30%, mức tăng cao nhất từ trước đến nay. Song song đó, lương hưu và trợ cấp bảo hiểm xã hội cũng được điều chỉnh tăng 15%.

Việc cải cách tiền lương doanh nghiệp được thực hiện đầy đủ 2 nội dung theo đúng Nghị quyết số 27 gồm điều chỉnh mức lương tối thiểu vùng theo quy định của Bộ luật Lao động (tăng bình quân 6% áp dụng từ ngày 1.7.2024); quy định cơ chế tiền lương đối với doanh nghiệp nhà nước (áp dụng từ ngày 1.1.2025).

10 dấu ấn nổi bật, đưa kinh tế Việt Nam vào kỷ nguyên mới- Ảnh 9.
10 dấu ấn nổi bật, đưa kinh tế Việt Nam vào kỷ nguyên mới- Ảnh 10.

Kim ngạch xuất khẩu tăng trưởng hai con số góp phần đưa kim ngạch xuất nhập khẩu ghi dấu ấn lịch sử với gần 800 tỉ USD

Trong cỗ xe “tam mã”: Đầu tư – xuất khẩu – tiêu dùng, điểm sáng nhất thuộc về xuất khẩu khi 11 tháng năm 2024 tăng gần 15% so với năm ngoái, xuất siêu tới hơn 24 tỉ USD. Vượt qua những khó khăn trong nước lẫn quốc tế, xuất khẩu của VN đạt kỷ lục khi vượt 400 tỉ USD, vượt xa mức 354,7 tỉ USD của cả năm 2023, tăng 13,6% so với năm 2023 (năm 2023 giảm 4,6%). Cùng với sản xuất công nghiệp, hoạt động xuất khẩu đã tích cực tranh thủ cơ hội từ sự phục hồi của các thị trường lớn, truyền thống. Đáng nói, cơ cấu hàng hóa xuất khẩu tiếp tục cải thiện theo chiều hướng tích cực, giảm hàm lượng xuất khẩu thô, tăng xuất khẩu sản phẩm chế biến, sản phẩm công nghiệp, tạo điều kiện cho hàng hóa VN tham gia sâu hơn vào chuỗi sản xuất và cung ứng toàn cầu.

Theo Bộ Công thương, nền kinh tế nước ta đã mất nhiều năm để vượt mốc xuất khẩu 100 tỉ USD vào năm 2012, sau đó thêm 5 năm để vượt mốc 200 tỉ USD vào năm 2017 và 4 năm để vượt mốc 300 tỉ USD vào năm 2021. Nhưng chỉ sau 3 năm, kim ngạch xuất khẩu lại tăng thêm 100 tỉ USD, đạt mốc 400 tỉ USD. Đây có thể coi là một cột mốc đáng ghi nhận cho những nỗ lực phát triển thương mại quốc tế của VN. Con số này càng trở nên ấn tượng nếu đặt trong bối cảnh năm 2024, kinh tế toàn cầu vẫn tràn ngập khó khăn với nhiều biến động như căng thẳng quân sự, chính trị ở nhiều nước lên cao; lạm phát gia tăng khiến sức mua của nhiều thị trường chưa hồi phục mạnh. Kim ngạch xuất khẩu tăng trưởng cao ở mức hai con số góp phần đưa kim ngạch xuất nhập khẩu trong năm 2024 ghi dấu ấn lịch sử gần 800 tỉ USD, tạo động lực để kinh tế VN tiếp tục tăng trưởng mạnh trong năm tới.

10 dấu ấn nổi bật, đưa kinh tế Việt Nam vào kỷ nguyên mới- Ảnh 11.
10 dấu ấn nổi bật, đưa kinh tế Việt Nam vào kỷ nguyên mới- Ảnh 12.

3 luật chính thức có hiệu lực gồm luật Đất đai (sửa đổi), Kinh doanh bất động sản (sửa đổi) và Nhà ở (sửa đổi) được kỳ vọng sẽ đưa thị trường bất động sản Việt Nam sang một giai đoạn phát triển lành mạnh, bền vững

Ngày 1.8, ba dự án luật: Đất đai (sửa đổi), Kinh doanh bất động sản (BĐS – sửa đổi) và Nhà ở (sửa đổi) chính thức có hiệu lực sớm. Đây là động lực quan trọng để “phá băng” thị trường BĐS sau 5 năm vô cùng khó khăn. Từ dịch bệnh Covid-19 tới các xung đột địa chính trị ở một số khu vực làm tăng nguy cơ lạm phát, giảm tổng cầu, đứt gãy chuỗi cung ứng toàn cầu, thị trường BĐS VN liên tiếp ghi nhận tăng trưởng âm. Đặc biệt, những rào cản, vướng mắc về thủ tục đất đai gây ách tắc hàng trăm dự án, đẩy hàng ngàn DN BĐS đứng trước bờ vực phá sản.

Trong bối cảnh đó, ba luật liên quan đến BĐS với những thay đổi quan trọng như định giá đất sát thị trường, cập nhật bảng giá đất hằng năm, phân cấp xuống địa phương… đã khắc phục nhiều vấn đề hạn chế về pháp lý, giải tỏa khó khăn, giúp các dự án đang dừng có thể được khởi động lại, cũng như tạo điều kiện ra đời các dự án mới. Các chuyên gia cho rằng trong thời gian chờ các bộ luật mới có tác động sâu rộng, thị trường BĐS sẽ tiếp tục phục hồi một cách chậm rãi nhưng bền vững, bước vào một chu kỳ phục hồi và tăng trưởng mạnh mẽ từ 2025.

10 dấu ấn nổi bật, đưa kinh tế Việt Nam vào kỷ nguyên mới- Ảnh 13.
10 dấu ấn nổi bật, đưa kinh tế Việt Nam vào kỷ nguyên mới- Ảnh 14.

Quốc hội bấm nút thông qua đề án đường sắt tốc độ cao Bắc – Nam với tổng vốn đầu tư sơ bộ hơn 67 tỉ USD, đây là dự án đầu tư công lớn nhất trong lịch sử

Chiều 30.11.2024 ghi dấu “thời khắc lịch sử” quyết định VN chính thức bước vào thập niên đường sắt cao tốc khi Quốc hội bấm nút thông qua đề án đường sắt tốc độ cao (ĐSTĐC) Bắc – Nam. Có tổng vốn đầu tư sơ bộ hơn 67 tỉ USD, đây là dự án đầu tư công lớn nhất trong lịch sử đất nước. Với hàng triệu người dân VN, ĐSTĐC Bắc – Nam sẽ thực hiện hóa giấc mơ “sáng ăn phở Hà Nội, trưa cơm tấm Sài Gòn”, mang đến tương lai giao thông hiện đại, bền vững. Còn với nền kinh tế, đây không chỉ là một công trình của riêng ngành giao thông mà còn mang tính “xoay chuyển tình thế, chuyển đổi trạng thái”, góp phần đưa đất nước bước vào kỷ nguyên mới, kỷ nguyên vươn mình của dân tộc. Cụ thể, hành lang kinh tế Bắc – Nam đóng vai trò quan trọng nhất của cả nước, kết nối 3/6 vùng KT-XH, đóng góp trên 51% GDP cả nước. Nối dài 2 cực Bắc – Nam bằng 23 ga hành khách cùng 5 ga hàng hóa, tuyến ĐSTĐC sẽ góp phần tăng cường kết nối vùng miền, các cực tăng trưởng, tạo động lực lan tỏa, mở ra không gian phát triển kinh tế mới, đồng thời tái cấu trúc các đô thị, phân bố dân cư, chuyển dịch cơ cấu kinh tế; tăng năng lực cạnh tranh của nền kinh tế.

Theo tính toán của Bộ GTVT, việc đầu tư tuyến ĐSTĐC tạo ra thị trường xây dựng với giá trị khoảng 33,5 tỉ USD. Tính cả hệ thống đường sắt quốc gia, đường sắt đô thị sẽ tạo ra thị trường về xây dựng khoảng 75,6 tỉ USD; phương tiện, thiết bị khoảng 34,1 tỉ USD (đầu máy, toa xe khoảng 9,8 tỉ USD; hệ thống thông tin tín hiệu và thiết bị khác khoảng 24,3 tỉ USD) và hàng triệu việc làm. Dự án ĐSTĐC Bắc – Nam dự kiến sẽ đóng góp khoảng 0,97 điểm phần trăm vào tăng trưởng GDP mỗi năm trong quá trình xây dựng. Nguồn thu từ khai thác quỹ đất và hoạt động thương mại có thể mang về khoảng 22 tỉ USD, chưa kể doanh thu từ bán vé.

10 dấu ấn nổi bật, đưa kinh tế Việt Nam vào kỷ nguyên mới- Ảnh 15.
10 dấu ấn nổi bật, đưa kinh tế Việt Nam vào kỷ nguyên mới- Ảnh 16.

Sau 8 năm tạm dừng, dự án điện hạt nhân được Quốc hội bấm nút tái khởi động

Chiến lược phát triển công nghiệp bán dẫn, chip, số hóa nền kinh tế đi kèm nhu cầu sử dụng điện càng lớn. Để đáp ứng mục tiêu tăng trưởng GDP 6,5 – 7%, VN hiện đối mặt nhiều thách thức về nguồn cung năng lượng bền vững, và điện hạt nhân được đánh giá là nguồn điện nền ổn định, góp phần quan trọng vào chuyển đổi năng lượng sạch. Ngày 30.11, bên cạnh đường sắt cao tốc Bắc – Nam, Quốc hội cũng bấm nút thông qua sự kiện lịch sử: Khởi động dự án điện hạt nhân tại Ninh Thuận sau 8 năm bị dừng vào năm 2016. Tại luật Điện lực 2024, Quốc hội cũng đồng ý về chủ trương đưa điện hạt nhân vào phạm vi điều chỉnh của luật.

Việc phát triển điện hạt nhân được coi là giải pháp chiến lược để bảo đảm an ninh năng lượng và đáp ứng mục tiêu phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050. Chủ trương đầu tư, phát triển điện hạt nhân được sự đồng thuận từ Trung ương, Bộ Chính trị, Quốc hội và Chính phủ trước thực tiễn đất nước phát triển ngày một nhanh chóng, nhu cầu điện quốc gia ngày càng lớn. Theo Bộ Công thương, cơ quan này sẽ cùng EVN và địa phương rà soát bổ sung quy hoạch dự án điện hạt nhân Ninh Thuận; đồng thời kiến nghị Chính phủ giao EVN làm chủ đầu tư dự án này, quy mô đầu tư có thể lên hàng tỉ USD.

10 dấu ấn nổi bật, đưa kinh tế Việt Nam vào kỷ nguyên mới- Ảnh 17.
10 dấu ấn nổi bật, đưa kinh tế Việt Nam vào kỷ nguyên mới- Ảnh 18.

Thỏa thuận hợp tác giữa Việt Nam và NVIDIA được coi là “cú bắt tay lịch sử” mở ra cơ hội lớn cho Việt Nam trong việc phát triển công nghệ AI và bán dẫn

Ngày 21.9.2024, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính ký Quyết định số 1018 ban hành Chiến lược phát triển công nghiệp bán dẫn VN đến năm 2030 và tầm nhìn 2050; Chiến lược định hướng phát triển công nghiệp bán dẫn ở VN đến năm 2050 theo lộ trình 3 giai đoạn. Ngày 2.12.2024, thỏa thuận hợp tác giữa VN và NVIDIA được coi là “cú bắt tay lịch sử” mở ra cơ hội lớn cho VN trong việc phát triển công nghệ trí tuệ nhân tạo (AI) và bán dẫn, đồng thời tạo động lực mạnh mẽ cho nền kinh tế số của đất nước.

Theo thỏa thuận, NVIDIA sẽ thành lập Trung tâm Nghiên cứu và phát triển (R&D) và Trung tâm Dữ liệu AI tại VN, với mức dự kiến đầu tư từ 4 – 4,5 tỉ USD trong vòng 4 năm tới, tạo ra khoảng 4.000 việc làm trực tiếp và từ 40.000 đến 50.000 việc làm gián tiếp. “Đây cũng là thời khắc chuyển giao quan trọng để VN đẩy nhanh công cuộc chuyển đổi số, bước vào kỷ nguyên mới – kỷ nguyên vươn mình của dân tộc – như thông điệp của Tổng Bí thư Tô Lâm, nhằm hiện thực hóa khát vọng xây dựng đất nước VN thịnh vượng và hùng cường”, Bộ trưởng Bộ KH-ĐT Nguyễn Chí Dũng nhấn mạnh.

Trong năm 2024, VN là điểm đến của nhiều tập đoàn lớn trên thế giới ở nhiều lĩnh vực từ công nghệ, bán dẫn, bán lẻ… đến năng lượng tái tạo. Nhiều tên tuổi lớn trong mảng công nghệ như NVIDIA, Intel, Samsung, Synopsys, Qualcomm, Infineon, Amkor… cho biết đã có kế hoạch mở rộng đầu tư tại VN. Với những chuyến đi đến VN của các tỉ phú công nghệ, VN trở thành điểm sáng trong thu hút vốn FDI, không chỉ dòng vốn đăng ký mới tăng mạnh mẽ, đạt gần 31,4 tỉ USD trong 11 tháng; vốn FDI thực hiện tiếp tục tăng cao năm thứ 3 liên tiếp, đạt gần 21,68 tỉ USD…

10 dấu ấn nổi bật, đưa kinh tế Việt Nam vào kỷ nguyên mới- Ảnh 19.
10 dấu ấn nổi bật, đưa kinh tế Việt Nam vào kỷ nguyên mới- Ảnh 20.

Viettel thiết kế sản xuất thành công các thiết bị hạ tầng 5G

Tính đến 16.10.2024, đã có 18 triệu khách hàng tại VN chuyển từ 2G lên 4G. Đây là thời điểm thích hợp nhất để Bộ TT-TT chính thức “khai tử” sóng 2G. Việc tắt sóng 2G là một bước tiến quan trọng để VN thực hiện mục tiêu trong Chương trình chuyển đổi số quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030, nhằm phổ cập mạng di động 4G, 5G. Trước đó 1 ngày, Tập đoàn Công nghiệp – viễn thông Quân đội (Viettel) đã chính thức khai trương kinh doanh dịch vụ 5G chỉ sau 6 tháng nhận giấy phép sử dụng tần số 2.600 MHz. Việc Viettel thiết kế sản xuất thành công các thiết bị hạ tầng 5G đáp ứng tiêu chuẩn Open RAN đã đưa VN vào một trong rất ít quốc gia trên thế giới làm chủ và tự sản xuất được các thiết bị hạ tầng 5G. Đây là bước tiến quan trọng đưa VN tiến vào kỷ nguyên số. Các thiết bị hạ tầng 5G chuẩn Open RAN là công nghệ mà nhiều quốc gia muốn làm chủ và đều muốn chủ động tự sản xuất các thiết bị. VN là một trong số rất ít các quốc gia phát triển thành công công nghệ này, khẳng định sự quyết tâm và nền tảng cốt lõi vững chắc cho công cuộc chuyển đổi từ kinh tế truyền thống sang kinh tế số.

Nguồn: https://thanhnien.vn/10-dau-an-noi-bat-dua-kinh-te-viet-nam-vao-ky-nguyen-moi-185241228204819483.htm

ThanhNien Logo

Hello Mình là Cải

Theo dõi
Thông báo của
0 Góp ý
Mới nhất
Cũ nhất Được bỏ phiếu nhiều nhất
Phản hồi nội tuyến
Xem tất cả bình luận

Tin Nóng Hôm Nay