Chủ Nhật, Tháng hai 9, 2025
HomeCông Nghệ3 đài thiên văn bắt được tia vô tuyến cực lạ từ...

3 đài thiên văn bắt được tia vô tuyến cực lạ từ quái vật 12,6 tỉ tuổi

Theo Sci-News, một tia vô tuyến “quái vật” đến từ một chuẩn tinh cũng thuộc hàng quái vật trong vũ trụ sơ khai vừa được ghi nhận đồng thời bởi nhiều đài quan sát quốc tế bao gồm mảng tần số thấp (LOFAR), kính thiên văn Gemini North và kính thiên văn Hobby Eberly.

Dài tới 215.000 năm ánh sáng, đây là tia vô tuyến khủng khiếp nhất từ vũ trụ sơ khai từng chạm đến “mắt thần” của các đài thiên văn địa cầu.

3 đài thiên văn bắt được tia vô tuyến cực lạ từ quái vật 12,6 tỉ tuổi- Ảnh 1.

Hình ảnh mà LOFAR đã ghi nhận về tia vô tuyến khủng khiếp và chuẩn tinh đã phát ra nó, đều thuộc dạng “quái vật” trong vũ trụ – Ảnh: LOFAR NOIRLab

Theo TS Anniek Gloudemans từ Phòng thí nghiệm NOIRLab thuộc Quỹ Khoa học quốc gia Mỹ (NSF), tia vũ trụ quái vật đã được phát hiện trong quá trình họ dùng các cơ sở quan sát thiên văn nhằm tìm kiếm các chuẩn tinh phát ra tia phản lực mạnh trong vũ trụ sơ khai.

Điều này nhằm giúp biết được loại tia vô tuyến này bắt đầu hiện diện từ khi nào cũng như tác động của chúng đến sự hình thành và tiến hóa ban đầu của các thiên hà.

Các tia này cũng phản ánh các đặc tính của chuẩn tinh, chẳng hạn như khối lượng và tốc độ tiêu thụ vật chất của nó, là điều cần thiết để hiểu được lịch sử hình thành của nó.

Chuẩn tinh vốn là các lỗ đen “cải trang” thành sao, do tiêu thụ vật chất quá dữ dội. Chúng thường là hạt nhân của các thiên hà.

Tia vô tuyến kỷ lục trên đã được tìm thấy khi họ hướng về J1601+3102, một chuẩn tinh nằm trong vùng không – thời gian khi vũ trụ mới chỉ 1,2 tỉ năm tuổi.

Đó là hoảng hơn 12,6 tỉ năm trước, bởi vũ trụ của chúng ta hiện hơn 13,8 tỉ tuổi.

Ánh sáng vốn cần thời gian để chạm đến Trái Đất. Do vậy việc dùng các kính viễn vọng quan sát các vật thể cách xa hàng tỉ năm ánh sáng cũng là đang nắm bắt hình ảnh của các vật thể đó trong quá khứ, khi chúng còn nguyên sơ và chưa bị sự giãn nở vũ trụ đẩy đi quá xa.

Trong khi các chuẩn tinh chúng ta quan sát gần đây có thể có khối lượng lớn hơn Mặt Trời hàng tỉ lần thì chuẩn tinh cổ đại này lại khá nhỏ, chỉ nặng gấp 450 triệu lần khối lượng Mặt Trời.

Tia vô tuyến phát ra từ 2 mặt của chuẩn tinh này không đối xứng về cả độ sáng và độ dài, cho thấy chúng có thể bị ảnh hưởng bởi môi trường khắc nghiệt và khác biệt đáng kể ở 2 bên mặt phẳng lỗ đen.

Bài công bố trên tạp chí khoa học Astrophysical Journal Letters kết luận rằng trong vũ trụ sơ khai, các tia vô tuyến khổng lồ có thể được tạo ra mà không cần lỗ đen quá lớn.

Bằng chứng này góp thêm vào một loạt bằng chứng cho thấy vũ trụ thời kỳ đầu hoang dã hơn chúng ta tưởng tượng, với những quá trình mạnh mẽ và những vật thể “quái vật” hoạt động theo những phương thức mà ngày nay có thể đã không còn tồn tại.

Nguồn: https://nld.com.vn/3-dai-thien-van-bat-duoc-tia-vo-tuyen-cuc-la-tu-quai-vat-126-ti-tuoi-196250208083740169.htm

NLD Logo

Hello Mình là Cải

Theo dõi
Thông báo của
0 Góp ý
Mới nhất
Cũ nhất Được bỏ phiếu nhiều nhất
Phản hồi nội tuyến
Xem tất cả bình luận

Tin Nóng Hôm Nay