(PLO)- Một trong những cái “không” mà Thông tư 28 quy định về dạy thêm, học thêm nêu: “Không tổ chức dạy thêm đối với học sinh tiểu học, không dạy thêm có thu tiền với học sinh chính khoá…”.
Bộ GD&ĐT vừa công bố Thông tư số 29/2024 ngày 30-12-2024 quy định về dạy thêm, học thêm. Thông tư này sẽ thay thế Thông tư số 17 từ năm 2012.
Thông tư quy định về dạy thêm, học thêm nêu rõ cấm giáo viên thu tiền học sinh chính khoá. Quy định này gây nhiều tranh cãi đối với giáo viên.
Không dạy thêm với học sinh tiểu học
Khoản 1, Điều 4 của Thông tư quy định không tổ chức dạy thêm đối với học sinh tiểu học, trừ các trường hợp bồi dưỡng về nghệ thuật, thể dục thể thao, rèn luyện kỹ năng sống.
Cấm dạy thêm có thu tiền ngoài nhà trường với học sinh chính khoá
Khoản 2, Điều 4 của Thông tư quy định giáo viên đang dạy học tại các nhà trường không được dạy thêm ngoài nhà trường có thu tiền của học sinh đối với học sinh mà giáo viên đó đang được nhà trường phân công dạy học theo kế hoạch giáo dục của nhà trường.
Theo Bộ GD&ĐT, điều này sẽ hạn chế tình trạng giáo viên đưa học sinh ra ngoài dạy thêm. Quy định mới ban hành khác so với dự thảo Bộ GD&ĐT đưa ra lấy ý kiến trước đó.
Cụ thể, dự thảo nêu: “Trường hợp trong lớp dạy thêm ngoài nhà trường của GV có HS của lớp mà GV đang trực tiếp dạy học trong nhà trường thì phải báo cáo, lập danh sách các HS đó (họ và tên HS; lớp đang học trong nhà trường) gửi hiệu trưởng và cam kết không dùng bất kỳ hình thức nào ép buộc HS học thêm”.
Giáo viên công lập không được quản lý việc dạy thêm ngoài nhà trường
Khoản 3, Điều 4 của Thông tư quy định giáo viên thuộc các trường công lập không được tham gia quản lý, điều hành việc dạy thêm ngoài nhà trường nhưng có thể tham gia dạy thêm ngoài nhà trường.
Dạy thêm, học thêm trong trường không được thu tiền học sinh
Khoản 1, Điều 5 của Thông tư về dạy thêm, học thêm trong nhà trường quy định không được thu tiền của học sinh. Việc dạy thêm học thêm chỉ dành cho các đối tượng học sinh đăng ký học thêm theo từng môn học.
Cụ thể, học sinh có kết quả học tập môn học cuối học kỳ 1 liền kề ở mức chưa đạt; học sinh được nhà trường lựa chọn để bồi dưỡng học sinh giỏi; học sinh lớp cuối cấp tự nguyện đăng ký ôn thi tuyển sinh, ôn thi tốt nghiệp theo kế hoạch giáo dục của nhà trường.
Không xếp giờ dạy thêm xen kẽ với thời khoá biểu
Khoản 4, Điều 5 của Thông tư quy định các yêu cầu cần đảm bảo về việc xếp lớp, xếp thời khoá biểu và tổ chức dạy thêm, học thêm.
Theo đó, lớp dạy thêm được xếp theo môn học đối với từng khối lớp; mỗi lớp có không quá 45 học sinh. Mỗi môn học được tổ chức dạy thêm không quá hai tiết/tuần.
Đặc biệt, Thông tư mới quy định không xếp giờ dạy thêm xen kẽ với thời khoá biểu và không dạy thêm trước các nội dung so với việc dạy học theo phân phối chương trình môn học trong kế hoạch giáo dục của nhà trường.
Bộ GD&ĐT cho biết các quy định về dạy thêm trên nhằm đảm bảo tăng cường trách nhiệm của các nhà trường trong việc thực hiện đầy đủ các yêu cầu cần đạt theo quy định của chương trình giáo dục phổ thông 2018.
Các nhà trường có cơ hội dành quỹ thời gian và không gian của nhà trường chưa được khai thác hết để tổ chức các hoạt động giáo dục, rèn luyện, kỹ năng sống, tổ chức các hoạt động văn hoá, văn nghệ, thể dục, thể thao… nhằm phát triển toàn diện học sinh; đồng thời hạn chế được hành vi “ép buộc học sinh học thêm” gây bức xúc trong dư luận.
Nguồn: https://plo.vn/5-cai-khong-trong-quy-dinh-ve-day-them-hoc-them-dang-luu-y-post828952.html