Trong cuốn sách Raising an Entrepreneur, bà Margot Machol Bisnow – chuyên gia người Mỹ chuyên tư vấn cách nuôi dạy con – nêu ra 5 nét tính cách thường thấy ở những đứa trẻ có triển vọng thành công trong tương lai.
Kiên trì
Những đứa trẻ có tính cách kiên trì sẽ không dễ dàng từ bỏ cho tới khi tìm được giải pháp xử lý vấn đề, hoặc đã học được điều gì đó từ trải nghiệm. Những đứa trẻ này có sự kiên nhẫn và không bị nhụt chí bởi suy nghĩ, phản ứng của người xung quanh.
Một ví dụ được bà Bisnow đưa ra là doanh nhân người Mỹ Jonathan Neman. Ông Neman đã thử sức với nhiều hoạt động kinh doanh từ khi còn học trung học. Dù vậy, không có ý tưởng nào của ông Neman thành công.
Sau khi tốt nghiệp đại học, ông thành lập chuỗi nhà hàng Sweetgreen chuyên bán đồ ăn nhanh tốt cho sức khỏe. Cho tới nay, chuỗi nhà hàng này kinh doanh phát đạt và đã có hơn 900 cơ sở tại Mỹ.
Doanh nhân Neman chính là một ví dụ điển hình của tính cách kiên trì, bất chấp những thất bại liên tiếp gặp phải. Ông đã thể hiện nét tính cách đáng quý này từ khi còn ở tuổi thiếu niên.
“Tôi cứ tiếp tục bước về phía trước, dù thất bại nhiều nhưng tôi vẫn nỗ lực vững bước với những ý tưởng mới. Tôi không thông minh hơn ai, không tài giỏi hơn ai, nhưng tôi kiên trì, bền bỉ hơn nhiều người”, ông Neman cho hay.
Hiếu kỳ
Tò mò, hiếu kỳ trong cách thức quan sát và thích đặt ra nhiều câu hỏi về sự vật, sự việc quanh mình là một dấu hiệu của đứa trẻ giàu tiềm năng.
Doanh nhân người Mỹ Tania Yuki, người sáng lập công ty phân tích xu hướng mạng xã hội Shareablee, vẫn nhớ một kỷ niệm thuở nhỏ. Có lần, bà cùng cha ghé vào một cửa hiệu bán quà tặng đắt tiền.
Trong cửa hàng có tấm biển đề “Quý khách không chạm vào các mặt hàng”, dù vậy, bà Tania vẫn chạm vào các món đồ. Một nhân viên cửa hàng tiến lại và định nhắc nhở cha con bà Tania, nhưng cha của bà đã nói ngay: “Con bé chỉ hiếu kỳ chút thôi. Nếu con tôi làm vỡ hỏng bất cứ thứ gì, tôi sẽ trả tiền cho món đồ đó”.
Về sau này khi trưởng thành, bà Tania mới hiểu rằng cha mẹ bà đã luôn trân trọng nét tính cách tò mò, hiếu kỳ của bà trong suốt những năm tháng ấu thơ.
Có đam mê
Trong quá trình khám phá thế giới xung quanh, trẻ sẽ phát hiện ra những điều mình thực sự đam mê, hứng thú. Cha mẹ nên để con được theo đuổi niềm đam mê đích thực của con, thay vì theo đuổi một điều gì đó chỉ để làm hài lòng cha mẹ.
Doanh nhân người Mỹ Robert Stephens là một ví dụ điển hình của người biết biến thú vui thuở nhỏ trở thành ý tưởng kinh doanh thành công.
Thuở nhỏ, có lần ông Stephens tháo tất cả tay nắm cửa trong nhà, cha mẹ ông không giận dữ nhưng họ yêu cầu ông phải tự đi lắp lại. Sự việc này khiến ông Stephens sớm nhận ra bản thân rất hứng thú với việc sửa chữa các món đồ gia dụng.
Sau này, khi khởi nghiệp, ông Stephens mở công ty Geek Squad chuyên hỗ trợ sửa chữa đồ gia dụng. Ông nhanh chóng bán lại công ty khởi nghiệp với giá 3 triệu USD, trở thành triệu phú và dấn thân vào những ý tưởng kinh doanh lớn hơn.
Xuyên suốt hành trình trưởng thành của con trai, cha mẹ ông Stephens đã luôn ủng hộ niềm đam mê của con, đặt niềm tin vào những quyết định của con. Chính điều ấy đã giúp ông tự tin vào bản thân.
Biết tự thúc đẩy bản thân
Những người có năng lực tự thúc đẩy bản thân luôn có nội lực dồi dào và biết chớp lấy thời cơ để thực hiện những điều mình mong muốn.
Câu chuyện khiến chuyên gia Bisnow ấn tượng là của nữ doanh nhân người Mỹ Paige Mycoskie. Ở tuổi ngoài 20, ông bà của Mycoskie tặng cô 200 USD nhân dịp sinh nhật.
Mycoskie quyết định sử dụng ngay số tiền này để thực hiện ước mơ của cô, đó là mở một công ty thời trang. Trước tiên, Mycoskie khởi nghiệp bằng việc đi mua một chiếc máy khâu. Cô mạnh dạn xin nghỉ việc, rồi dành toàn bộ thời gian để bắt tay vào hoạt động thiết kế và may đồ.
Năm 2006, nhận thấy bản thân đã có đủ nguồn vốn và kinh nghiệm trong lĩnh vực thời trang, cô thành lập thương hiệu Aviator Nation. Tính đến năm 2021, thương hiệu này đã có doanh số bán hàng đạt mốc 110 triệu USD.
Hành trình kinh doanh thời trang thành công của Mycoskie bắt đầu từ 200 USD và lòng quyết tâm theo đuổi ước mơ bắt đầu từ những bước đi nhỏ.
Dám mạo hiểm
Doanh nhân người Mỹ Dhani Jones từng là cầu thủ bóng bầu dục. Sau khi khép lại sự nghiệp thi đấu, ông trở thành người dẫn chương trình truyền hình kiêm nhà đầu tư huy động vốn.
Trong sự nghiệp thi đấu của mình, không phải lúc nào ông Dhani Jones cũng là ngôi sao nổi bật, nhưng ông không bao giờ ngần ngại thử nghiệm và mạo hiểm trong những lĩnh vực mới.
Mẹ của ông Dhani Jones đánh giá: “Nhiều người sợ phải bước ra khỏi lĩnh vực mà họ đã đạt được thành tựu, nhưng Dhani không như vậy. Trong suốt hành trình nuôi dạy con, gia đình chúng tôi đã luôn chú trọng việc giúp con có sự tự tin vào bản thân và luôn nhìn cuộc sống theo hướng không sợ hãi”.
Nguồn: https://dantri.com.vn/giao-duc/5-dau-hieu-cho-thay-con-ban-se-la-nguoi-thanh-cong-20250106101419625.htm