Nguyên Phó Bí thư thường trực Thành ủy, nguyên Chủ tịch HĐND TP.HCM Phạm Chánh Trực cho rằng cuộc cách mạng về tinh gọn bộ máy là một trong những bước đi quan trọng khi cả nước đang thực hiện đổi mới nội dung, phương thức lãnh đạo của Đảng.
Cũng theo ông Trực, việc tinh gọn trước hết là tạo sự đột phá về bộ máy. Tiếp đó, con người được bố trí vào từng vị trí, từng bộ máy mới như thế nào cho phù hợp chính là sự đột phá tiếp theo về mặt nhân sự.
Đột phá về bộ máy, thúc đẩy đột phá về nhân sự
. Phóng viên: Thời điểm này, Đảng ta rất quyết liệt thực hiện tinh gọn bộ máy. Với quan sát của mình, ông đánh giá vấn đề này như thế nào?
+ Ông Phạm Chánh Trực: Vấn đề tinh gọn bộ máy đã có chủ trương từ lâu nhưng qua nhiều nhiệm kỳ, đến nay vẫn chưa đạt mục tiêu đề ra. Lần này, Tổng Bí thư Tô Lâm và Bộ Chính trị đã rất quan tâm, quyết liệt thực hiện. Tôi nghĩ điều đó là đương nhiên và tinh thần “quyết liệt” thể hiện rất cao, từ Trung ương đến địa phương.
Kể từ sau Hội nghị toàn quốc triển khai tổng kết Nghị quyết 18/2017, nhiều bộ, ngành, địa phương đã công bố dự kiến kế hoạch tinh gọn bộ máy và chính sách tinh giản biên chế.
Trong bối cảnh hiện nay, chúng ta hoàn toàn có thể tận dụng những kết quả, thành tựu của khoa học công nghệ, kỹ thuật vào để tổ chức một cách khoa học hệ thống, bộ máy tổ chức.
. Vậy theo ông, tinh gọn bộ máy có tạo ra bước đột phá về nhân sự?
+ Trước tiên là đột phá về bộ máy. Từ đó, con người được bố trí vào từng vị trí, từng bộ máy mới đó như thế nào cho phù hợp – là sự đột phá tiếp theo.
Cũng là chừng đó con người nhưng khi tinh gọn lại thì bớt đi sự rườm rà, trùng lặp. Những nhân sự cần thiết trong bộ máy thì không thể bỏ. Còn trình độ, năng lực, bản lĩnh của từng nhân sự là bài toán cần có phép tính đúng, đủ và có chọn lọc, huấn luyện, có thời gian rèn luyện trong thực tiễn mới ra được những con người phù hợp với bộ máy mới.
Trước mắt, tôi nghĩ chúng ta chỉ cần chọn lọc, bố trí đúng người, đúng việc, chọn người phù hợp nhất trong những nhân sự hiện có thì bộ máy sẽ vận hành tốt.
. Liệu công cuộc tinh gọn này cũng là một bước đi mới để tìm người tài cho bộ máy lãnh đạo của Đảng?
+ Việc có chính sách thu hút thêm người tài vào hệ thống là cần thiết và phải làm. Trong quá trình phát triển của xã hội, ở ngành này ngành kia, trong mọi lĩnh vực của đời sống, ở trong nước hay cả kiều bào ta ở nước ngoài đều xuất hiện người tài, người có bản lĩnh. Dù vậy, câu chuyện ở đây là liệu có cách làm nào linh hoạt hơn trong sử dụng người tài, bằng nhiều cách chứ không chỉ là đưa vào bộ máy.
Tôi tin ở ngoài bộ máy họ vẫn phát huy được, miễn họ có năng lực, có kỹ năng phát triển và có các mối quan hệ xã hội tốt… Nếu Nhà nước, hay ở đây cụ thể là TP.HCM có những dự án, công trình, đề án để giao cho cán bộ, cơ quan, phối hợp cùng với người tài bên ngoài làm thì cũng rất tốt.
Ví dụ, một dự án nghiên cứu, phát triển khoa học công nghệ, nếu Nhà nước chưa đủ điều kiện làm, hoàn toàn có thể phối hợp cùng với người giỏi bên ngoài hay thậm chí chỉ là người có năng lực phù hợp với đề tài, dự án đó thì hãy mạnh dạn hợp tác, huy động họ cùng tham gia…
Chúng ta có thể sử dụng người tài bằng nhiều cách, chứ không nhất thiết là phải đưa vào cùng bộ máy của Nhà nước.
TP.HCM cần tính toán kỹ các yếu tố đặc thù
. Với một đô thị đặc thù như TP.HCM cần lộ trình ra sao để vừa thực hiện đúng chủ trương, vừa đảm bảo cân chỉnh đội ngũ, phục vụ công việc chung?
+ Lãnh đạo TP chắc chắn sẽ có cân nhắc, xin ý kiến của Trung ương, Bộ Chính trị để có phương án tinh gọn, tổ chức, sắp xếp lại đồng bộ với cả nước nhưng có tính đến yếu tố đặc thù riêng của TP.HCM.
TP.HCM có hơn 10 triệu dân, nếu tính cả dân nhập cư, khách du lịch thì có lẽ là khoảng 13 triệu người. Con số này lớn hơn rất nhiều so với một số tỉnh và đây đã là yếu tố đặc thù.
Vì vậy, TP.HCM cần xem xét các yếu tố đặc thù đó đang đặt ra vấn đề gì để khi thực hiện tinh gọn có thể báo cáo, xin ý kiến Trung ương. Nếu không có sự tính toán phù hợp, e là sẽ có những khó khăn trong vận hành bộ máy sau này.
Tinh gọn, sắp xếp mục đích là để cho bộ máy hoạt động trơn tru, giảm bớt đi các tầng nấc, như lời Tổng Bí thư Tô Lâm là phải “nhẹ đi mới bay được cao”. Tuy nhiên, cũng cần đảm bảo cho hoạt động của bộ máy không bị ngưng trệ.
Từ trước tới nay, Trung ương luôn dành sự quan tâm đặc biệt cho TP.HCM. Tôi cho rằng TP cần nắm rõ đặc điểm, báo cáo cụ thể những yếu tố đặc thù, khó xử lý, như một phường với 100.000 dân thì bộ máy như thế nào so với phường ở đô thị khác, phải giải quyết làm sao…
Tôi tin là Trung ương cùng TP.HCM sẽ xử lý được.
. Câu chuyện giảm đi ai, xây dựng, đào tạo ra đội ngũ cán bộ thế nào để phù hợp với bộ máy, đảm đương được khối lượng công việc đồ sộ tại TP.HCM vẫn rất cần một lời giải?
+ Theo tôi, các ban ngành, các sở thuộc UBND TP cần tham mưu cho Thành ủy, Ủy ban về việc cần giảm chỗ nào, ai thuộc diện tinh giản. Muốn bộ máy sau khi tinh giản hoạt động tốt, cần xem xét nhiều yếu tố liên quan chứ không chỉ tinh giản một cách cơ học.
Không ai khác, chính những người trong bộ máy hiện tại phải ngồi lại nghiên cứu, bàn bạc, có thể mời chuyên gia, nhà khoa học cùng ngồi lại…, tạo ra cơ chế vận hành phù hợp, đúng với quy luật phát triển, đúng đặc điểm địa phương, đúng với định hướng phát triển của đất nước.
Việt Nam đang phát triển kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, vậy thì với TP.HCM, tôi cũng cho rằng TP phải tìm ra được cơ chế vận hành có thể hài hòa được những mối quan hệ trên – dưới, trong – ngoài.
Mặt khác, chúng ta đang thực hiện chuyển đổi số, giúp Nhà nước quản lý các hoạt động hiệu quả hơn nhưng đó cũng chỉ là phương tiện. Khi chuyển đổi số tốt, liên thông được dữ liệu từ cơ sở lên tới Trung ương và ngược lại thì đây sẽ là công cụ hỗ trợ cho cán bộ trong công việc.
Nhưng cần lưu ý nếu không có con người – chủ thể có yếu tố quyết định trong việc ban hành và thực thi các chính sách thì cũng rất khó để thành công.
Mối quan hệ kiềng ba chân
Cuộc cách mạng về tinh gọn bộ máy là một trong những bước đi quan trọng khi cả nước đang thực hiện việc đổi mới nội dung, phương thức lãnh đạo của Đảng.
Đất nước ta đang vận hành theo cơ chế Đảng lãnh đạo, Nhà nước quản lý, nhân dân làm chủ. Tất cả sự lãnh đạo của Đảng, quản lý, điều hành đất nước của Nhà nước đều đi đến đích cuối cùng là để nhân dân làm chủ.
Mối quan hệ giữa ba thực thể chính trị này quyết định cho sự phát triển chung của đất nước. Nếu một trong ba yếu tố này có gì đó trục trặc sẽ ảnh hưởng ngay đến xã hội, đến sự phát triển kinh tế.
Chủ trương đổi mới nội dung, phương thức lãnh đạo của Đảng cũng đã có từ trước. Nhưng ở từng giai đoạn, việc đổi mới phải phù hợp với thực tiễn và theo những yêu cầu, mục đích cụ thể.
Trong giai đoạn hiện nay, chúng ta thực hiện tinh gọn bộ máy nhưng phải tinh gọn làm sao để bộ máy đó thích ứng, phù hợp, đồng bộ với phương thức lãnh đạo của Đảng, đó là sự đổi mới trước tiên và theo tôi điều này đóng vai trò quyết định về sau.
Khi sự lãnh đạo đó có hiệu quả, việc tinh gọn dần mang lại kết quả trong câu chuyện phục vụ người dân, doanh nghiệp – đó đã là sự đổi mới. Bộ máy mới sau khi tinh gọn, sắp xếp phải vận hành một cách trơn tru, thông suốt, có hệ thống, chặt chẽ và khoa học.
Nguyên Phó Bí thư thường trực Thành ủy TP.HCM PHẠM CHÁNH TRỰC
Tạo sự cân bằng, bền vững trong phát triển
. Là thế hệ lãnh đạo đi trước, từng gắn bó với một thời kỳ sôi động của TP mang tên Bác, ông có kỳ vọng gì về sự phát triển của TP.HCM, nhất là trước thềm đại hội đảng bộ các cấp tới đây?
+ Suốt 40 năm đổi mới, TP.HCM đã làm rất hiệu quả, mang lại nhiều thành tựu tích cực và TP.HCM cần tiếp tục làm tốt hơn nữa câu chuyện này.
Cho đến nay, thế hệ lãnh đạo TP.HCM qua các thời kỳ luôn giữ được sự đoàn kết nội bộ, luôn vì lợi ích chung, cùng nhau vượt qua mọi khó khăn để lãnh đạo TP ngày càng đi lên, phát triển và hội nhập tốt.
Tôi mong đội ngũ lãnh đạo, cán bộ TP.HCM sẽ có tầm nhìn dài hạn, luôn tiên phong, tạo ra những bước chuyển mạnh mẽ hơn nữa về mục tiêu tăng trưởng kinh tế, đóng góp ngân sách chung…
Trong bối cảnh phải thực hiện tinh gọn thì bài toán cho lãnh đạo TP.HCM để xây dựng được bộ máy mới hiệu quả hơn là rất khó. Dù vậy, tôi tin rằng TP sẽ làm được, cùng với sự quan tâm, đôn đốc, hỗ trợ của Trung ương thì TP.HCM chỉ có thể tiến lên thôi, không phải ngần ngại.
Một vấn đề nữa là Nghị quyết 57/2024 của Bộ Chính trị về đột phá phát triển khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia, đã cho thấy rõ chúng ta phải vươn lên, nhất là TP.HCM – nơi hoàn toàn có đủ điều kiện để làm tốt điều này, dần phải đạt thứ hạng cao trong lĩnh vực khoa học công nghệ, dần tiếp cận với các nước nằm trong top đầu, nếu không chúng ta sẽ tụt hậu. Khoa học công nghệ phải là động lực chính, toàn xã hội phải cùng tham gia để cùng phát triển.
Song song đó, cần tập trung nâng cao đời sống tinh thần, đời sống văn hóa của người dân. Phải có những tác phẩm văn học, nghệ thuật phù hợp với đời sống, dần đi vào lòng dân, giữ chân, thuyết phục và giáo dục giới trẻ với bản sắc văn hóa của nước mình, của quê hương mình.
Của cải vật chất tăng lên thì đời sống tinh thần, văn hóa cũng phải được quan tâm để tạo sự cân bằng, tạo sự phát bền vững. Phải xây dựng khoa học công nghệ thành động lực mạnh, thúc đẩy mọi lĩnh vực đời sống xã hội khác cùng đi lên.
Nhân dân TP.HCM bao đời nay luôn là những người thiết tha yêu nước, anh hùng, cần cù lao động và tạo ra nhiều giá trị cho xã hội. Mong rằng với tinh thần đổi mới tích cực, TP.HCM sẽ phát triển bền vững hơn, cùng với cả nước chung tay xây dựng cuộc sống tốt hơn, với tâm niệm rằng mục đích cuối cùng của mọi sự phát triển chính là vì con người, vì đồng bào của mình.
. Xin cảm ơn ông.
TS HOÀNG VĂN TÚ (*):
Đổi mới đội ngũ cán bộ phù hợp với siêu đô thị TP.HCM
Thực tiễn việc sắp xếp, tinh gọn bộ máy của hệ thống chính trị đặt ra vấn đề lớn liên quan đến công tác cán bộ. Việc ai ở lại, ai rời đi, đặc biệt là đối với những người nắm giữ chức danh lãnh đạo, quản lý là câu chuyện khó, nhất là với TP.HCM.
Ở một TP có tính năng động, đóng vai trò là đầu tàu khu vực phía Nam như TP.HCM thì yêu cầu đối với cán bộ làm việc trong hệ thống chính trị càng trở nên đặc biệt quan trọng để có thể chèo lái con thuyền đi đúng hướng.
Tư duy đột phá, chiến lược
Để bảo đảm thực hiện thắng lợi mục tiêu chính trị đã đặt ra của TP, đáp ứng yêu cầu của kỷ nguyên vươn mình của dân tộc, cán bộ TP.HCM phải có đạo đức với nghề nghiệp, đạo đức với nhân dân.
Khi số nhân lực ít hơn so với trước đây mà khối lượng công việc vẫn được duy trì hoặc nhiều hơn do yêu cầu phát triển kinh tế – xã hội thì người cán bộ cần phải có ý thức trách nhiệm nhiều hơn, thậm chí phải có đức hy sinh nhiều hơn để hoàn thành công việc.
Cán bộ phải không ngừng học tập và phát triển bản thân để ngày càng hoàn thiện, đáp ứng tốt yêu cầu của công việc.
Đạo đức với nhân dân là đạo đức của người cán bộ trong xử lý công việc của dân. Trong bối cảnh công việc nhiều, cán bộ cần đồng cảm với mong muốn của nhân dân, vì nhân dân phục vụ, bảo đảm những yêu cầu chính đáng cho nhân dân.
Cán bộ cũng phải có tầm nhìn bao quát rộng lớn, có khả năng đánh giá, tổng kết thực tiễn vấn đề, đặc biệt là những vấn đề có tính liên đới với nhau để đưa ra quyết định phù hợp, hiệu quả.
Bởi lẽ các vấn đề cần giải quyết ở một đô thị lớn như TP.HCM sẽ có tính chất phức tạp cao. TP cũng là nơi dễ phát sinh các vấn đề mới nhiều nhất. Do đó, cán bộ phải nhanh nhạy với thời cuộc, nhận thức vấn đề thấu đáo, đúng bản chất để đưa ra định hướng phù hợp.
Khi bộ máy được sắp xếp tinh gọn, khoa học thì đội ngũ vận hành bộ máy ấy phải là những người có tác phong chuyên nghiệp. Tính chuyên nghiệp ở đây là phải có tác phong giờ giấc, trách nhiệm với công việc, thực hiện đúng nhiệm vụ, quyền hạn được giao, khách quan, minh bạch, làm đúng bổn phận đối với nhân dân.
Bên cạnh đó, là cán bộ của TP năng động, trung tâm của cả nước, người cán bộ phải là những điển hình cho tư duy mới, tư duy đột phá, chiến lược. Họ cần phát huy tính vượt trước của chính trị so với thực tiễn để dẫn dắt thực tiễn đi đúng quy luật khách quan, tạo ra những cái mới, mô hình mới, phương thức hoạt động mới hiệu quả hơn.
Ngoài ra, cán bộ cũng cần sử dụng tốt các công cụ khoa học công nghệ trong thực hiện nhiệm vụ chính trị. Khi số lượng con người trong bộ máy giảm, tất yếu cần đến các công cụ hỗ trợ – đó là khoa học công nghệ.
Cải cách tiền lương trước tiên
Có thể thấy yêu cầu khách quan đối với cán bộ làm việc trong hệ thống chính trị phải là những người thật sự có năng lực, giỏi giang, tinh túy và trở thành niềm tự hào của người dân. Tuy nhiên, để có người cán bộ tốt tất yếu cần phải có những cơ chế, chính sách phù hợp nhằm khuyến khích họ dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm.
Do vậy, để giữ chân người tài giỏi trong hệ thống chính trị, cơ quan, đơn vị cần cải cách chính sách tiền lương trước tiên. Khi số lượng người ít, công việc nhiều thì thu nhập của cán bộ theo đó phải được cải thiện. Mặt khác, khi cán bộ là những người tài giỏi thì việc trả lương cao cho họ cũng là phù hợp thực tiễn.
Như chúng ta đều biết, khu vực công hiện nay đang chịu sự cạnh tranh gay gắt với khu vực tư về chất xám. Các chế độ đãi ngộ tốt của khu vực tư đã và đang thu hút mạnh mẽ người tài giỏi; dòng chảy chất xám ra khu vực tư đã và đang trở thành xu thế phổ biến.
Chúng ta cần xác định rõ rằng cán bộ là người dẫn dắt nhân dân, chăm lo cho nhân dân nên với những người có năng lực, phẩm chất, họ xứng đáng nhận được sự đãi ngộ phù hợp với những đóng góp của mình.
Các chính sách liên quan đến chế độ an sinh cho cán bộ cũng là điều cần thiết để họ có thêm động lực làm việc, đóng góp cho sự nghiệp chung. Chẳng hạn như các chế độ về bảo hiểm, y tế, nghỉ dưỡng, hỗ trợ học tập, nâng cao trình độ…
Đồng thời, môi trường làm việc là yếu tố cần được quan tâm đầy đủ. Đây là nơi cần thể hiện được trình độ phát triển của văn hóa chính trị, văn hóa công vụ. Môi trường làm việc tốt sẽ thúc đẩy, khơi dậy động lực cho cán bộ làm việc hiệu quả hơn…
Để hướng đến xây dựng một bộ máy nhân sự mới, TP.HCM cần tiếp tục thực hiện tốt chính sách thu hút, trọng dụng nhân tài. Tại TP.HCM, chính sách này cần được vận dụng một cách linh hoạt và có thể xây dựng cơ chế riêng cho các đối tượng có những phẩm chất, năng lực đặc biệt.
Khi sử dụng cán bộ là nhân tài cần có môi trường làm việc phù hợp, được bố trí đúng sở trường, năng lực của họ, lấy yêu cầu công việc để sử dụng con người, tránh tình trạng bất công trong công tác cán bộ, bảo đảm nhân tài được bảo vệ.
Đặc biệt, cần có cơ chế phát huy và bảo vệ sự sáng tạo của họ, bởi đóng góp của nhân tài chính là ở sự sáng tạo có tính đột phá. LÊ THOA ghi
Nguồn: https://plo.vn/tinh-gon-bo-may-o-tphcm-can-tinh-den-yeu-to-dac-thu-post833094.html