Thỏa thuận ngầm giữa hai bên được thiết lập.
Hành vi của ông Thái (62 tuổi, cựu chủ tịch NXB Giáo Dục Việt Nam) cùng các đồng phạm được nêu trong bản cáo trạng vừa được Viện KSND tối cao ban hành. Trong đó ông Thái bị cáo buộc nhận hối lộ số tiền lên đến gần 25 tỉ đồng để tạo điều kiện cho Công ty Phùng Vĩnh Hưng và Công ty Minh Cường Phát tham gia cung cấp giấy in sách giáo khoa.
Điều đáng nói “lợi ích nhóm” giữa quan chức NXB Giáo Dục và doanh nghiệp trong việc mua giấy in giá cao, làm tăng giá sách khiến phụ huynh trong nhiều năm phải “còng lưng” vì giá sách cao bất hợp lý.
Nhận hối lộ hằng năm
Năm 2017, Công ty Phùng Vĩnh Hưng trúng ba gói thầu tổng trị giá hơn 282 tỉ đồng. Bà Tô Mỹ Ngọc (chủ tịch công ty) đã chuẩn bị số tiền 3 tỉ đồng bay từ TP.HCM ra Hà Nội gặp ông Thái. Số tiền này được chia thành 6 cọc, mỗi cọc 10 thếp, mỗi thếp 50 triệu đồng, đựng trong túi xách giấy và lồng thêm một túi giấy cùng loại bên ngoài.
Nữ chủ tịch công ty đến phòng làm việc của chủ tịch NXB Giáo Dục Việt Nam, để túi tiền ở cạnh bàn uống nước và nói: “Có chút quà biếu cảm ơn anh đã giúp công ty trúng thầu”. “Anh cảm ơn”, ông Thái đáp. Cuộc gặp kết thúc, ông Thái mở túi kiểm tra và cất tiền vào két sắt trong phòng làm việc.
Lần thứ hai vào cuối năm 2018 đầu năm 2019, cũng tại phòng làm việc của ông Thái. Trước khi ra về, bà Ngọc trình bày “mong các anh giúp đỡ, công ty sẽ đồng hành với NXB Giáo Dục trong việc cung cấp giấy”, rồi để lại túi tiền đựng 4 tỉ đồng.
Ba lần sau đó lần lượt vào các dịp cuối năm 2019, 2020, 2021, bà cũng đến phòng làm việc biếu ông Thái mỗi lần một túi quà 4 tỉ đồng. Và cũng giống trước đó, ông Thái lại cất tiền vào két sắt.
Ngoài ra vào dịp Tết Nguyên đán của 5 năm liên tiếp 2018 – 2022, bà Ngọc đều cảm ơn ông Thái 200 triệu đồng mỗi năm, tổng 1 tỉ đồng.
Như vậy từ năm 2017 – 2022, bà Ngọc đã đưa hối lộ cho ông Thái tổng cộng 20 tỉ đồng vì được tạo điều kiện trúng 13 gói thầu tổng trị giá hơn 2.100 tỉ đồng, cáo trạng nêu.
Ngoài công ty trên, ông Thái còn bị cáo buộc nhiều lần nhận tiền “giúp đỡ” Nguyễn Trí Minh, giám đốc Công ty TNHH giấy Minh Cường Phát. Ông Thái đã “tạo điều kiện” bằng cách chỉ đạo cấp dưới hợp thức hóa thủ tục để công ty của ông Minh trúng gói thầu số 6 và số 7.
Cáo trạng nêu tại phòng làm việc của mình, ông Thái đã hai lần nhận “quà cảm ơn” từ ông Minh với số tiền 2,9 tỉ đồng cùng rượu và bánh.
Ngoài ra năm 2018 – 2020, để được vào danh sách tham dự và cung ứng giấy in, ông Minh đều gặp, đề nghị và được ông Thái đồng ý cho tiếp tục tham gia chào hàng, cung cấp giấy in. Nhờ sự giúp đỡ của ông Thái, công ty này trúng ba gói thầu và sau đó giám đốc doanh nghiệp ba lần mang theo túi quà với tổng số tiền 2 tỉ đồng đến “cảm ơn” ông Thái.
Viện kiểm sát cáo buộc năm 2017 – 2020, ông Minh đã đưa hối lộ tổng số tiền 4,9 tỉ đồng cho ông Thái để được tạo điều kiện trúng các gói thầu.
Giá sách giáo khoa tăng bất hợp lý
Ở thời điểm kết thúc vụ án, cơ quan điều tra cho rằng giá giấy in chiếm 30 – 40% cơ cấu giá bán sách giáo khoa nên việc mua giấy in với giá cao sẽ làm tăng giá sách.
Việc mua sắm giấy in theo hình thức chào hàng cạnh tranh cho phép chủ đầu tư tự quyết định danh sách rút gọn, làm hạn chế sự tham gia của các đơn vị cung cấp có năng lực và giá bán thấp. Từ đó không đảm bảo sự cạnh tranh, tính công bằng, minh bạch và hiệu quả kinh tế.
Cơ quan điều tra kiến nghị Bộ Giáo dục và Đào tạo cần quy định cụ thể về việc giám sát, kiểm soát hoạt động mua sắm thường xuyên của NXB Giáo Dục. Trong đó phải cho kiểm soát viên được tham gia giám sát trực tiếp quá trình đấu thầu và các trường hợp bắt buộc phải báo cáo bộ về kết quả chọn nhà thầu.
Trước đó những bất thường trong in ấn sách giáo khoa cũng được Thanh tra Chính phủ phát hiện và chỉ ra trong kết luận. Theo đó, NXB Giáo Dục bán ba loại giấy in có mức thuế suất thuế GTGT đầu vào là 5% cho các nhà trúng thầu in sách giáo khoa.
Tuy nhiên khi xây dựng giá trần của gói thầu in, NXB tính chung vào với mức thuế của dịch vụ in sách giáo khoa có thuế suất thuế GTGT là 10%.
Việc này, theo cơ quan thanh tra, làm giá trần gói thầu tăng thêm 5% thuế GTGT của ba loại giấy, dẫn đến gia đình học sinh phải mua sách giáo khoa cao hơn giá phải đăng ký đúng giá với số tiền hơn 14,8 tỉ đồng.
Cùng với việc phân bổ chi phí lãi vay vào giá thành sách giáo khoa, kết quả thanh tra cho thấy trong giai đoạn 2014 – 2018, quá trình xây dựng giá gói thầu in sách giáo khoa, hạch toán của NXB Giáo Dục có sai sót dẫn đến gia đình học sinh phải mua sách giáo khoa cao hơn với số tiền hơn 85 tỉ đồng.
Thanh tra Chính phủ nhận định chính việc lựa chọn nhà thầu cung cấp giấy in, nhà thầu in, phát hành, kinh doanh sách giáo khoa có thiếu sót, vi phạm dẫn đến giá sách giáo khoa được NXB Giáo Dục đăng ký cao bất hợp lý.
Dọn đường cho doanh nghiệp thân quen trúng thầu
NXB Giáo Dục Việt Nam do Nhà nước sở hữu 100% vốn, với ngành nghề kinh doanh chính là tổ chức biên soạn, biên tập, xuất bản, in và phát hành các loại sách giáo dục, giáo trình điện tử, bản đồ, thiết bị, đồ dùng học tập, vở học sinh.
Các trang thiết bị này dùng để phục vụ giảng dạy và học tập của các ngành học thuộc hệ thống giáo dục quốc dân trong cả nước.
Từ năm 2017, ông Thái được bổ nhiệm làm chủ tịch HĐTV, đại diện pháp luật NXB Giáo Dục. Để hạn chế sự tham gia của các nhà thầu có năng lực, ông Thái chỉ đạo thuộc cấp tổ chức mua sắm giấy in sách theo phương thức “chào hàng cạnh tranh rút gọn”. Việc làm này bị cáo buộc là trái quy định khi các gói thầu đều có giá trị lớn hơn 1 tỉ đồng.
Ông Thái còn chỉ đạo cấp dưới đưa hai công ty “thân quen” trên vào “danh sách ngắn” được nhận yêu cầu báo giá để các đơn vị chuẩn bị tham gia thầu.
Thậm chí trước khi ký thông báo mời thầu, ông Thái điện cho chủ tịch Công ty Phùng Vĩnh Hưng hỏi trước về giá dự kiến bỏ thầu để đảm bảo chắc chắn không bị “trượt”. Kết quả: công ty này trúng ba trên sáu gói thầu.
Nguồn: https://tuoitre.vn/khi-quan-chuc-bat-tay-doanh-nghiep-day-gia-sach-giao-khoa-20241105223044289.htm