Bộ trưởng ngoại giao Thổ Nhĩ Kỳ Hakan Fidan ngày 3/11 cho biết họ đã đệ trình một lá thư lên Liên hợp quốc, có chữ ký của 52 quốc gia và hai tổ chức liên chính phủ, kêu gọi ngừng cung cấp vũ khí cho Israel.
“Chúng tôi đã viết một bức thư chung kêu gọi tất cả các nước ngừng bán vũ khí và đạn dược cho Israel. Chúng tôi đã chuyển bức thư này, có 54 bên ký kết, tới Liên hợp quốc vào ngày 1/11”, ông Fidan cho biết, khẳng định đây là đề xuất do Thổ Nhĩ Kỳ đưa ra.
Trong số những bên ký kết vào lá thư có Ả Rập Xê Út, Brazil, Algeria, Trung Quốc, Iran và Nga. Liên đoàn Ả Rập và Tổ chức Hợp tác Hồi giáo, cả hai đều là tổ chức liên chính phủ trong Liên hợp quốc, cũng đã ký vào văn bản này.
Tháng trước, Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan đã kêu gọi Liên hợp quốc áp đặt lệnh cấm vận vũ khí đối với Israel. Ông cho biết biện pháp này sẽ là một “giải pháp hiệu quả” để chấm dứt cuộc chiến của Israel với Hamas ở Gaza.
Ông Erdogan đã chỉ trích gay gắt Israel trong suốt cuộc chiến ở Gaza, thậm chí từng cảnh báo có thể tiến vào Israel. Vào tháng 5, ông ban hành lệnh cấm Thổ Nhĩ Kỳ giao thương với Israel. Ông cũng từng kêu gọi thành lập liên minh các nước Hồi giáo để đối phó với Tel Aviv.
Một số đồng minh của Israel đã đề cập tới phương án hạn chế việc cung cấp vũ khí cho Tel Aviv để làm dịu căng thẳng ở Trung Đông.
Tổng thống Pháp Emmanuel Macron đã nói vào tháng trước rằng lệnh cấm vận vũ khí có thể là cách duy nhất để chấm dứt cuộc chiến ở Gaza.
Vào tháng 9, Thủ tướng Anh Keir Starmer đã dừng việc cung cấp một số vũ khí cho Israel vì lo ngại chúng có thể được sử dụng để nhằm vào dân thường, nhưng đã không kêu gọi lệnh cấm hoàn toàn. Bộ trưởng Ngoại giao Canada Melanie Joly cũng đã tuyên bố vào tháng 9 rằng bà sẽ đình chỉ khoảng 30 giấy phép cung cấp vũ khí cho Israel, nói rằng Ottawa sẽ không để “vũ khí hoặc một phần vũ khí được gửi đến Gaza”.
Mặt khác, Chính quyền Mỹ đã gửi thư cho chính phủ Israel yêu cầu Tel Aviv hành động để cải thiện tình hình nhân đạo ở Gaza trong vòng 30 ngày tới.
Nếu Israel không thực hiện điều này, họ có nguy cơ vi phạm luật pháp Mỹ về viện trợ quân sự nước ngoài, kịch bản có thể khiến viện trợ quân sự của Washington cho Tel Aviv rơi vào tình thế nguy hiểm.
Nguồn: https://dantri.com.vn/the-gioi/52-nuoc-keu-goi-dung-ban-vu-khi-cho-israel-20241104163605415.htm