Thứ năm, Tháng Một 23, 2025
HomeThời SựĐẩy mạnh thực thi bản quyền tác giả trên môi trường số

Đẩy mạnh thực thi bản quyền tác giả trên môi trường số

Tuy nhiên, vi phạm bản quyền trên môi trường số đang ngày càng diễn biến phức tạp, đòi hỏi nhiều giải pháp đồng bộ để bảo đảm một nền tảng bền vững cho công nghiệp văn hóa, tăng sức cạnh tranh của các sản phẩm công nghiệp văn hóa Việt Nam trên thị trường thế giới.

Sự phát triển của công nghệ số mang đến những lợi ích to lớn cho người sử dụng, mở ra một môi trường rộng lớn giúp mỗi người dân có thể tham gia sáng tạo văn hóa. Cơ hội, lợi ích của người sử dụng trong việc tiếp cận, sử dụng tác phẩm mọi lĩnh vực văn hóa nghệ thuật, cung cấp bản ghi âm, ghi hình, chương trình phát sóng trên các nền tảng số là không thể phủ nhận.

Tuy nhiên, thách thức về vấn đề bảo vệ bản quyền cũng không hề nhỏ. Tại Hội nghị quốc tế thực thi bản quyền trên môi trường số diễn ra mới đây tại Hà Nội, những số liệu vi phạm bản quyền được các cơ quan quản lý cung cấp khiến dư luận không tránh khỏi băn khoăn và lo ngại.

Việt Nam hiện là quốc gia đứng thứ 3 trong khu vực châu Á-Thái Bình Dương về tỷ lệ vi phạm bản quyền với khoảng 15,5 triệu lượt người thường xuyên truy cập các trang web chứa nội dung lậu. Tháng 1/2024, Cục Phát thanh, Truyền hình và Thông tin điện tử (Bộ Thông tin và Truyền thông) đã công bố hơn 400 website có dấu hiệu vi phạm pháp luật, trong đó có đến gần 100 website được xác định là địa chỉ chuyên cung cấp dịch vụ cá độ bóng đá, bài bạc trực tuyến, phát sóng các giải đấu thể thao trực tuyến vi phạm bản quyền.

Vừa qua, cơ quan chức năng tiếp tục liệt kê rất nhiều trang web có dấu hiệu vi phạm bản quyền cung cấp nội dung các trận đấu cũng như cá độ trực tuyến ở hai giải thể thao gần đây nhất là EURO 2024 (Giải vô địch bóng đá châu Âu) và Copa America 2024 (Giải vô địch bóng đá Nam Mỹ). Số trang web phim lậu, nhạc trực tuyến lậu cũng rất nhiều.

Hàng loạt phim truyền hình phát sóng giờ vàng được khán giả yêu thích bị các trang web lậu khai thác bất hợp pháp. Nhiều trang nghe nhạc trực tuyến ngang nhiên sử dụng các sản phẩm của nghệ sĩ mà không hề xin phép. Gần đây nhất, cơ quan chức năng phát hiện một số trang web vi phạm bản quyền các sản phẩm truyện tranh Nhật Bản.

Ông Phạm Hoàng Hải – Giám đốc Trung tâm Đo kiểm phát thanh, truyền hình và thông tin điện tử (Cục Phát thanh, Truyền hình và Thông tin điện tử – Bộ Thông tin và Truyền thông) cho biết, đã có một số tổ chức của Nhật Bản đến làm việc với Bộ Thông tin và Truyền thông, cho rằng những vi phạm bản quyền truyện tranh trên không gian mạng đã và đang gây thiệt hại nghiêm trọng cho các đơn vị sở hữu bản quyền, đề nghị có giải pháp nhanh chóng chấm dứt hiện tượng này.

Vi phạm bản quyền trên môi trường số đang diễn ra ở mọi lĩnh vực. Thậm chí, hiện tượng người sáng tạo vi phạm bản quyền của nhau cũng không ít. Mặc dù các cơ quan quản lý đã chung tay rà soát, xử lý nhiều vụ việc nhưng tốc độ phát triển ngày càng nhanh chóng, mạnh mẽ của công nghệ cùng sự phức tạp của mỗi vụ việc cho nên không dễ để phát hiện, gỡ bỏ, xử lý kịp thời. Khó khăn nhất nằm ở những vụ việc có tính chất xuyên biên giới.

Hòng qua mặt cơ quan chức năng, các trang web lậu thường đặt máy chủ ở nước ngoài. Với những trang trong nước, tình trạng hoạt động bất hợp pháp, vi phạm bản quyền vẫn tái diễn, bởi việc xử lý của cơ quan chức năng còn hạn chế, chưa đủ sức răn đe, ngăn ngừa. Bên cạnh đó, ở nhiều địa phương, đơn vị, cơ sở hạ tầng công nghệ còn kém, chưa kịp thời phát hiện các nội dung xấu, độc, vi phạm bản quyền. Sự phối hợp của các cơ quan thực thi bản quyền nhiều nơi cũng còn không ít bất cập, chưa đồng bộ.

Các trang web vi phạm bản quyền trên môi trường mạng thường chứa nhiều nội dung xấu, độc hại, thậm chí là lừa đảo và thường phân phối những nội dung không rõ nguồn gốc, bịa đặt nhằm phục vụ cho mục đích riêng. Bằng những nội dung giật gân, các đối tượng bán quảng cáo để thu lợi bất chính, trốn thuế.

Cơ quan an ninh mạng từng nhiều lần cảnh báo về việc các trang web lậu thường xuyên chứa mã độc với mục đích ăn cắp thông tin người dùng, chuyển hướng người dùng đến những trang bất hợp pháp khác để trục lợi. Nhiều loại hình tội phạm mạng cũng đang hoạt động thông qua các trang web bất hợp pháp.

Nguy hại hơn là sự xuất hiện của những trang web có ý đồ chính trị đen tối, tạo diễn đàn cho những phần tử cực đoan, thù địch lợi dụng để chống phá chế độ, xuyên tạc vai trò lãnh đạo của Đảng, Nhà nước, phủ định những thành tựu trong xây dựng và phát triển kinh tế-xã hội của đất nước.

Trên thực tế, các cơ quan chức năng đã sớm nhận ra tầm quan trọng của vấn đề bảo vệ bản quyền nói chung và bảo vệ bản quyền trên môi trường số nói riêng. Đến nay, Việt Nam đã tham gia hầu hết các điều ước quốc tế đa phương cũng như tham gia ký kết các hiệp định song phương, hiệp định kinh tế thương mại tự do song phương, đa phương với các quốc gia, khu vực về vấn đề quyền tác giả và quyền liên quan.

Năm 2022 đánh dấu một bước tiến quan trọng của lĩnh vực bản quyền Việt Nam khi Việt Nam gia nhập Hiệp ước về quyền tác giả (WCT) và Hiệp ước về cuộc biểu diễn và bản ghi âm (WPPT) của Tổ chức Sở hữu trí tuệ thế giới. Trong nước, những hành vi liên quan đến bản quyền số được điều chỉnh bởi Luật Sở hữu trí tuệ.

Ngày 26/4/2023, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 17/2023/NĐ-CP quy định chi tiết về một số điều và biện pháp thi hành Luật Sở hữu trí tuệ về quyền tác giả, quyền liên quan, trong đó có đề cập đến vấn đề bản quyền trên môi trường số. Những nỗ lực nêu trên cho thấy Việt Nam luôn sẵn sàng thích ứng trong dòng chảy hội nhập, tham gia vào cuộc chơi bình đẳng liên quan đến vấn đề bản quyền, nhất là trên không gian mạng.

Tuy nhiên, soi chiếu vào thực tế, việc thực thi bản quyền trên môi trường số hiện còn nhiều thách thức, và không chỉ là vấn đề của Việt Nam. Riêng lĩnh vực điện ảnh, chỉ trong năm 2022, toàn cầu có khoảng 191,8 tỷ lượt truy cập các trang web chứa nội dung vi phạm bản quyền phim và truyền hình. Đây là con số được đại diện Hội điện ảnh Singapore chia sẻ trong Hội nghị quốc tế thực thi bản quyền trên môi trường số.

Thực tiễn cho thấy, để hạn chế tình trạng vi phạm bản quyền trên môi trường số bên cạnh việc nâng cao nhận thức, ý thức chấp hành pháp luật cho mọi thành viên xã hội thì yếu tố quan trọng không kém là nâng cao năng lực thực thi, phát hiện và ngăn chặn kịp thời các địa chỉ và nội dung bất hợp pháp.

Trong đó, yếu tố đầu tiên cần phải hoàn chỉnh là hệ thống quy định pháp luật. Nhiều chuyên gia cho rằng cần tách nội dung bản quyền ra khỏi Luật Sở hữu trí tuệ để xây dựng Luật Bản quyền giống như nhiều quốc gia đã làm. Trong đó, cần cụ thể những quy định liên quan đến bản quyền trên môi trường số. Dự báo sắp tới công nghệ AI sẽ tham gia rất sâu vào công việc sáng tạo nội dung số, do đó cần sớm có những quy định liên quan để thực hiện.

Có thể nói, tính nghiêm minh của luật sẽ là rào chắn cần thiết đầu tiên giúp xây dựng ý thức cho các chủ thể sáng tạo và sử dụng nội dung số. Những chế tài xử phạt hành chính hiện nay đang được xem là quá nhẹ so với nguồn lợi nhuận mà các đối tượng thu được từ các nội dung bất hợp pháp trên môi trường mạng, do đó cần được điều chỉnh để mang tính răn đe mạnh mẽ hơn.

Tuy nhiên, những quy định pháp luật chỉ là phần cứng. Việc phát hiện các dấu hiệu vi phạm bản quyền trên môi trường số cần đến những công cụ công nghệ hiện đại.

Nhà nước và các cơ quan quản lý cần có chính sách ưu tiên đầu tư vào công nghệ, xây dựng hệ thống tự động phát hiện nhanh và hiệu quả nhằm ngăn chặn kịp thời các trang web, cũng như các nội dung vi phạm bản quyền. Song song với hiện đại hóa công nghệ là đẩy mạnh tăng cường hợp tác quốc tế, bảo đảm kết nối giữa các cơ quan thực thi bản quyền trong nước và quốc tế.

Một giải pháp căn cơ nữa là đầu tư cho công tác đào tạo nguồn nhân lực, nâng cao chất lượng, năng lực của đội ngũ cán bộ làm công tác bản quyền liên quan môi trường số.

Những kiến thức mới liên quan đến môi trường số cần được cập nhật thường xuyên, đồng thời tăng cường nhận thức cho các doanh nghiệp và người sử dụng mạng xã hội thông qua công tác truyền thông. Việc giáo dục kiến thức về bản quyền cho mọi người, nhất là giới trẻ – lực lượng tham gia mạng xã hội đông đảo nhất cần phải thường xuyên, liên tục.

Đưa kiến thức bản quyền trên môi trường mạng vào trường học là một gợi ý rất đáng được ngành giáo dục quan tâm. Khi người tham gia mạng xã hội có kiến thức về bản quyền, họ sẽ trở thành “bộ lọc” tốt trong lựa chọn, đánh giá, tham gia sáng tạo và hưởng thụ các nội dung trên môi trường số một cách sáng suốt.

Nguồn: https://nhandan.vn/day-manh-thuc-thi-ban-quyen-tac-gia-tren-moi-truong-so-post824004.html

NhanDan Logo

Hello Mình là Cải

Theo dõi
Thông báo của
0 Góp ý
Mới nhất
Cũ nhất Được bỏ phiếu nhiều nhất
Phản hồi nội tuyến
Xem tất cả bình luận

Tin Nóng Hôm Nay