Thông tin trên được Tổng thống Ukraine đưa ra trên mạng xã hội X vào ngày 4-11. Ông Zelensky hy vọng sẽ nhận được hệ thống này vào cuối năm nay.
Ngoài ra, ông Zelensky và ông Trudeau đã thảo luận về việc hợp tác tổ chức hội nghị thượng đỉnh hòa bình lần thứ hai và thu hút các quốc gia từ Nam bán cầu tham gia vào nỗ lực này.
Nhà lãnh đạo Ukraine cảm ơn Thủ tướng Canada về việc hỗ trợ tổ chức thành công hội nghị chuyên đề về điểm thứ tư của Công thức hòa bình do ông đề xuất hồi cuối tháng trước.
“Bước tiếp theo là chuẩn bị một tài liệu cuối cùng, tức Kế hoạch hòa bình, trong đó tóm tắt kết quả của tất cả các hội nghị chuyên đề” – ông Zelensky viết trên X.
Theo Tổng thống Zelensky, ông và ông Trudeau cũng thảo luận về việc tiếp tục hỗ trợ quốc phòng cho Ukraine, tình hình thực địa và phối hợp hợp tác trong khuôn khổ nhiệm kỳ chủ tịch G7 của Canada vào năm 2025.
Theo tờ Kyiv Independent, hồi tháng 1-2023, Canada thông báo sẽ mua một hệ thống tên lửa đất đối không tiên tiến (NASAMS) do Mỹ sản xuất để cung cấp cho Ukraine. Ottawa được cho là đã thanh toán tiền cho hệ thống này vào cuối mùa xuân, nhưng việc giao hàng bị trì hoãn.
Bộ trưởng Quốc phòng Canada Anita Anand cho biết NASAMS là hệ thống phòng không tầm ngắn và trung bình, có thể chống lại các mối đe dọa từ máy bay không người lái, tên lửa và tấn công từ máy bay.
Được trang bị động cơ tên lửa nhiên liệu rắn, tên lửa có thể đạt tốc độ ấn tượng lên tới Mach 2,7 (khoảng 3.300 km/giờ). Tốc độ này, kết hợp với phạm vi hoạt động 180 km, cho phép NASAMS phản ứng chủ động và nhanh chóng với các mối đe dọa di chuyển nhanh trong không phận.
NASAMS được triển khai để bảo vệ bầu trời Ukraine kể từ tháng 11-2022. Đối với Ukraine, việc đưa NASAMS vào sử dụng là một tài sản chiến lược quan trọng, khi Ukraine phải liên tục ứng phó các cuộc không kích.
Trước đó, cũng trong ngày 4-11, Tổng thống Zelensky cho biết Ukraine bắt đầu nhận được ngày càng nhiều viện trợ quân sự từ các đối tác, cụ thể là về mặt pháo binh. Chính quyền Ukraine đã vận động các đối tác quốc tế tăng cường năng lực phòng không sau khi Nga dồn lực không kích nhắm vào cơ sở hạ tầng năng lượng.
Canada cam kết hỗ trợ quân sự 3,2 tỉ USD cho Kiev kể từ khi Nga bắt đầu chiến dịch quân sự đặc biệt.
Trong khi đó, hãng thông tấn TASS dẫn lời Bộ trưởng Ngoại giao Ukraine Andrey Sibiga cho biết viện trợ quân sự của Mỹ và châu Âu dành cho Ukraine đã vượt quá 100 tỉ euro.
Phát biểu tại một cuộc họp báo ở Kiev với người đồng cấp Đức Annalena Baerbock, ông Sibiga nói: “Tính đến ngày 31-8-2024, Mỹ đã cung cấp 56,8 tỉ euro viện trợ quân sự cho Ukraine. Đồng thời, viện trợ quân sự cho Ukraine từ các quốc gia châu Âu tổng cộng là 54,6 tỉ Euro”.
Về phía Nga, Tổng thống Vladimir Putin nhấn mạnh việc cung cấp thêm vũ khí cho Kiev sẽ không thay đổi tình hình trên thực địa, mà chỉ khiến xung đột kéo dài hơn.
Nguồn: https://nld.com.vn/diem-nong-xung-dot-ngay-6-11-la-chan-thep-chan-mua-ten-lua-nga-den-ukraine-196241105173324983.htm