Thứ sáu, Tháng Một 24, 2025
HomeThời SựChống lãng phí: Từ chủ trương đến hành động

Chống lãng phí: Từ chủ trương đến hành động

“Ai chịu trách nhiệm cho những mảnh đất bỏ hoang, cỏ mọc hàng chục năm?”, Tổng Bí thư Tô Lâm đã nêu câu hỏi cụ thể này tại phiên thảo luận tổ của Quốc hội trong tuần qua, khi đề cập vấn đề chống lãng phí tài sản Nhà nước.

Người đứng đầu Đảng nêu ra 2 điển hình gây lãng phí rất lớn là “dự án chống ngập ở TPHCM được đầu tư tổng cộng gần 10.000 tỷ đồng, nhưng sau hai nhiệm kỳ vẫn chưa hoàn thành khiến người dân chịu cảnh ngập lụt”; hay như trường hợp “hai bệnh viện được đầu tư hàng nghìn tỷ đồng (Bệnh viện Bạch Mai và bệnh viện Việt Đức cơ sở 2 ở Hà Nam), nhưng sau 10 năm vẫn chưa đưa vào sử dụng. Trong khi đó, nếu là của tư nhân thì họ đã thu hồi vốn xong rồi”.

Sau bài viết “Chống lãng phí”, phát biểu của Tổng Bí thư tại phiên họp tổ của Quốc hội một lần nữa cho thấy sự quan tâm đặc biệt và tầm nhìn, quyết tâm của lãnh đạo Đảng về công tác phòng, chống lãng phí. Việc nêu lên các địa chỉ lãng phí chính là yêu cầu giải quyết vấn đề cụ thể với tinh thần “vướng chỗ nào tháo gỡ chỗ đó và phải có người chịu trách nhiệm bởi đây là tài sản của Nhà nước, là tiền của nhân dân”, thể hiện bước chuyển quan trọng từ chủ trương sang hành động, với quyết tâm khắc phục nhanh những lãng phí trong sử dụng tài sản Nhà nước.

Chống lãng phí: Từ chủ trương đến hành động - 1

Bệnh viện Bạch Mai cơ sở 2 có quy mô 1.000 giường bệnh nội trú, với tổng diện tích sàn xây dựng trên 123.000m2 (Ảnh: Quân Đỗ)

Cũng tại diễn đàn Quốc hội, Bộ trưởng Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng cho biết mới đây, Thủ tướng thành lập Ban Chỉ đạo về rà soát, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc liên quan đến các dự án “đắp chiếu” lâu nay.

“Nếu làm được, sẽ khơi thông cho nền kinh tế. Hiện chúng tôi mới rà soát được 160 dự án với 59.000 tỷ đồng, thực tế chắc chắn còn nhiều hơn rất nhiều. Lần này, chúng ta sẽ tổng rà soát cả nước xem mỗi địa phương còn ách tắc bao nhiêu dự án, bao nhiêu tiền, đâu là những nhóm nguyên nhân chính để tìm ra giải pháp”, Bộ trưởng Dũng nói.

Có thể thấy, việc tháo gỡ khó khăn cho các dự án “đắp chiếu” không chỉ hỗ trợ doanh nghiệp mà còn giải phóng nguồn vốn lớn, giúp tăng thu ngân sách, đóng góp ngay cho tăng trưởng GDP, tạo công ăn việc làm cho người dân.

Mỗi mét vuông đất, mỗi dự án “đắp chiếu” không chỉ là sự lãng phí về giá trị tài sản mà còn là cơ hội phát triển bị bỏ lỡ, ảnh hưởng trực tiếp đến tiến trình phát triển kinh tế – xã hội của đất nước. Nhiều chuyên gia đã tính toán, chỉ riêng tại các thành phố lớn, thiệt hại từ đất bỏ hoang, dự án treo lâu nay có thể lên tới hàng tỷ USD, đó là chưa kể đến những tác động tiêu cực khác về xã hội và môi trường.

Để giải quyết căn cơ những vấn đề liên quan đến chống lãng phí, lãnh đạo Đảng, Nhà nước đã chỉ ra cách tiếp cận tổng thể và giải pháp đồng bộ từ ít nhất 3 lĩnh vực quan trọng nhất là thể chế, công nghệ và con người.

Về thể chế, điều đã được Tổng Bí thư xác định là “điểm nghẽn của điểm nghẽn”, việc hoàn thiện khung pháp lý về quản lý tài sản công cần được đặt trong mối quan hệ với cải cách hành chính, tăng cường phân cấp, phân quyền và đơn giản hóa thủ tục.

Nhiều chuyên gia và nhà quản lý các cấp cũng đã từng đề xuất cần có cơ chế đặc thù cho những dự án trọng điểm, đồng thời tăng cường trách nhiệm giải trình của người đứng đầu. Đặc biệt là cần xây dựng một cơ chế giám sát chặt chẽ từ nhiều phía. Việc thành lập các tổ công tác chuyên trách, xây dựng hệ thống chỉ số đánh giá hiệu quả (KPI) cụ thể cho từng dự án, cùng với cơ chế báo cáo định kỳ sẽ giúp việc giám sát được thực hiện một cách hiệu quả và minh bạch.

Về công nghệ, áp dụng thành tựu công nghệ không chỉ giúp tối ưu hóa quy trình quản lý mà còn tạo ra cơ chế giám sát hiệu quả, giảm thiểu rủi ro tham nhũng, lãng phí. Việc xây dựng cơ sở dữ liệu tài sản Nhà nước cần được triển khai đồng bộ với ứng dụng công nghệ trong giám sát, quản lý. Đặc biệt, cần tận dụng các thành tựu của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0, trí tuệ nhân tạo, dữ liệu lớn hay Blockchain để nâng cao hiệu quả quản lý và tăng cường tính minh bạch.

Việc xây dựng nền tảng số để theo dõi tiến độ dự án theo thời gian thực, cùng với hệ thống cảnh báo sớm về các rủi ro lãng phí sẽ góp phần quan trọng vào việc ngăn chặn và phát hiện kịp thời các biểu hiện lãng phí tài sản công.

Về yếu tố con người, điều luôn được Đảng và Nhà nước ta khẳng định vai trò trung tâm trong mọi chính sách, nay rất cần có chiến lược toàn diện trong việc nâng cao năng lực điều hành, quản lý. Việc xây dựng cơ chế trách nhiệm rõ ràng cần gắn với chế tài đủ mạnh và cơ chế khen thưởng phù hợp. Đồng thời, cần có cơ chế đánh giá hiệu quả công việc dựa trên kết quả cụ thể, tránh tình trạng né tránh trách nhiệm hoặc đùn đẩy công việc.

Một vấn đề quan trọng khác là huy động sự tham gia tích cực của người dân thông qua việc tăng cường tính công khai, minh bạch trong quản lý tài sản công, thiết lập các kênh phản hồi hiệu quả và xây dựng cơ chế khuyến khích người dân tham gia giám sát, phát hiện lãng phí.

Kinh nghiệm quốc tế cho thấy nhiều nước đã thành công trong quản lý tài sản công thông qua việc áp dụng mô hình quản trị hiện đại, tăng cường sự tham gia của xã hội và đổi mới công nghệ quản lý. Chẳng hạn như ở Singapore, nơi đã xây dựng hệ thống quản lý tài sản công điện tử toàn diện cho phép theo dõi và quản lý hiệu quả nguồn tài sản của nhà nước. Hay như ở Hàn Quốc, nơi từ lâu người ta đã áp dụng mô hình đối tác công – tư trong quản lý và khai thác tài sản công, tạo hiệu quả kinh tế cao.

Với Việt Nam chúng ta, chống lãng phí không còn dừng lại ở chủ trương chung mà đã chuyển sang trạng thái triển khai những hành động cụ thể, với trách nhiệm rõ ràng của từng cá nhân, tổ chức liên quan. Đây là lúc cần có sự vào cuộc quyết liệt của cả hệ thống chính trị với vai trò của người đứng đầu và trách nhiệm cá nhân, đồng thời cần có sự tham gia tích cực của người dân, doanh nghiệp trong quá trình giám sát và thực hiện. Chỉ có như vậy, việc chống lãng phí mới thực sự chuyển từ chủ trương sang hành động hiệu quả, góp phần quan trọng vào công cuộc phát triển bền vững ở nước ta trong giai đoạn hiện nay.

Tác giả: Ông Ngô Tiến Long là nhà ngoại giao đã nghỉ hưu; nguyên là Cục trưởng Cục Cơ yếu Bộ Ngoại giao. Ông cũng từng là Phó Tổng Biên tập báo Quốc tế (nay là Báo Thế giới & Việt Nam).

Chuyên mục TÂM ĐIỂM mong nhận được ý kiến của bạn đọc về nội dung bài viết. Hãy vào phần Bình luận và chia sẻ suy nghĩ của mình. Xin cảm ơn!

Nguồn: https://dantri.com.vn/tam-diem/chong-lang-phi-tu-chu-truong-den-hanh-dong-20241028083413832.htm

DanTri Logo

Hello Mình là Cải

Theo dõi
Thông báo của
0 Góp ý
Mới nhất
Cũ nhất Được bỏ phiếu nhiều nhất
Phản hồi nội tuyến
Xem tất cả bình luận

Tin Nóng Hôm Nay