Ông Hoàng Phó Thạo, chủ nhà trọ tại khu phố 9, phường Tân Tạo, quận Bình Tân, cho biết: “Tôi có tổng cộng 39 phòng trọ, hiện tại chỉ 14 phòng có người ở. Không tăng giá phòng, thậm chí tôi còn giảm giá thuê chỉ còn 1 triệu đồng/tháng mà cả tháng cũng không ai hỏi đến. Mới tháng trước có 2 vợ chồng chuyển đi vì thất nghiệp, không còn trụ lại được”.
Ông Thạo chia sẻ thêm, gắn bó với nhau lâu ngày, ông coi những người thuê như người thân. “Từ sau đại dịch Covid-19, kinh tế khó khăn, nhìn từng người cứ lần lượt rời khỏi đây, lòng tôi cũng thắt lại”, ông Thạo bồi hồi.
Chiều muộn hoặc những ngày cuối tuần là thời điểm công nhân có mặt đông đủ ở nhà trọ nhưng nay, nhiều phòng trọ vẫn “cửa đóng then cài”, tắt đèn tối om vì không có ai thuê.
Các tuyến đường sầm uất công nhân thuê trọ như Trần Văn Giàu, Trần Thành Mại, Lê Đình Cẩn… được treo bảng “còn phòng”, “cho thuê phòng trọ”, “trọ giá rẻ” cả năm nhưng không có người đến hỏi.
Nhiều người chọn rời đi, cũng có nhiều người ở lại, cố bám trụ nơi “miền đất hứa” với hy vọng cuộc sống sẽ tốt đẹp hơn.
Chị Kim Tiến (40 tuổi) sống trong căn trọ vài m2 cùng con gái 6 tuổi, với mức lương hơn 5 triệu đồng, chị kể tháng nào chi tiêu cũng thiếu trước hụt sau.
Chứng kiến nhiều người bỏ phố về quê, chị cũng chạnh lòng nhưng vẫn chọn ở lại, “ở đâu thì cũng khó khăn như vậy thôi, may mắn tôi còn có con gái là chỗ dựa vững chắc và động lực lớn nhất để tôi cố gắng. Hai mẹ con cứ lạc quan, nương tựa nhau sống vui vẻ là được”, chị Tiến chia sẻ.
Anh Tùng (40 tuổi), cho biết đã thuê nhà trọ ở đây gần 10 năm. Là công nhân của Công ty Pouyuen, anh may mắn là một trong những nhân sự không bị cắt giảm, thu nhập của anh ở mức 8-10 triệu/tháng. Anh chia sẻ tiền trọ không tăng, tiền lương cũng không tăng, chi phí sinh hoạt lại tăng mới chính là lý do khiến nhiều người rời bỏ nơi vốn được mong đợi là “miền đất hứa” này.
Mức sống tại TPHCM quá cao, nhiều công nhân không đủ trang trải việc học cho con. Nhiều đứa trẻ nơi “thủ phủ nhà trọ” phải ở nhà, chờ ngày về quê để được đến trường.
Trong căn trọ chưa đầy 2m2, ông Lê Văn Bình (66 tuổi, quê Bến Tre) hàng ngày vẫn tất tả với công việc bán vé số. Mỗi buổi chiều, ông Bình lấy vé số về đi bán buổi tối, sáng hôm sau mới bán được khoảng 150 tờ. Dẫu vất vả, ông vẫn cố bám trụ vì hai chữ “mưu sinh”.
Cuộc sống của người dân nơi được mệnh danh là “thủ phủ nhà trọ” trên đường Sinco, phường An Lạc A, quận Bình Tân, TPHCM.
Cửa vẫn đóng, then vẫn cài, cuộc sống của những phận người nơi “thủ phủ nhà trọ” vẫn lặng lẽ trôi. Với những người còn ở lại, mong muốn đổi đời, có cuộc sống khá khẩm nơi phố thị xa hoa ít nhiều đã thuyên giảm so với ngày mới đặt chân lên TPHCM. Như chị Tiến, anh Tùng hay ông Bình, họ đều cố bám trụ lại xóm trọ nghèo ở cạnh khu công nghiệp Tân Tạo đến chừng nào hay chừng đó bởi về quê thì cũng vậy…
Nguồn: https://dantri.com.vn/doi-song/thu-phu-nha-tro-tphcm-e-am-treo-bang-ca-nam-nhung-khong-co-nguoi-thue-20241104212303690.htm