Thứ bảy, Tháng Một 25, 2025
HomeGiáo DụcTăng tốc đào tạo nguồn nhân lực AI

Tăng tốc đào tạo nguồn nhân lực AI

ĐƯA AI TRỞ THÀNH LĨNH VỰC CÔNG NGHỆ QUAN TRỌNG CỦA VN

Trước nhu cầu nhân lực lĩnh vực trí tuệ nhân tạo (AI), năm 2021 Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Chiến lược quốc gia về nghiên cứu, phát triển và ứng dụng AI đến năm 2030. Mục tiêu của chiến lược nhằm đẩy mạnh nghiên cứu, phát triển và ứng dụng AI, đưa AI trở thành lĩnh vực công nghệ quan trọng của VN trong cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư. Đến năm 2030, VN trở thành trung tâm đổi mới sáng tạo, phát triển các giải pháp và ứng dụng AI trong khu vực ASEAN và trên thế giới.

Năm 2022, UBND TP.HCM có kế hoạch triển khai chương trình Nghiên cứu và phát triển ứng dụng AI giai đoạn 2020 – 2030. Trong đó, TP.HCM giao ĐH Quốc gia TP.HCM chủ trì nghiên cứu, đề xuất phương án, Sở TT-TT phối hợp xây dựng và triển khai dự án đầu tư. Một nội dung của kế hoạch này là triển khai Đề án đào tạo nguồn nhân lực AI. ĐH Quốc gia TP.HCM hiện cũng đã xây dựng dự thảo khung chương trình khoa học và công nghệ nghiên cứu ứng dụng AI giai đoạn đến năm 2030. Theo đó, từ nay đến 2030, ĐH này có ít nhất 20 sản phẩm mới từ công nghệ chủ chốt như AI, dữ liệu lớn, IoT…, chế tạo thành công chip AI.

Tăng tốc đào tạo nguồn nhân lực AI- Ảnh 1.

Trí tuệ nhân tạo đang là trọng tâm trong chiến lược phát triển của quốc gia nên việc đào tạo nguồn nhân lực cũng đang được các trường tăng tốc

TỪ NHỮNG BƯỚC ĐI ĐẦU

Nhiều năm nay, một số trường thành viên ĐH Quốc gia TP.HCM đã bắt tay vào đào tạo nhân lực lĩnh vực này.

Theo thạc sĩ Hoàng Thanh Tú, Phó trưởng phòng TT-TT Trường ĐH Khoa học tự nhiên (ĐH Quốc gia TP.HCM), đây là trường đầu tiên tại VN đào tạo ngành AI bậc ĐH đến sau ĐH. “AI là một lĩnh vực đặc thù, đòi hỏi người lao động phải có chuyên môn và kiến thức sâu. Nếu không được đào tạo bài bản thì người lao động rất khó có thể sẵn sàng cho các công việc đòi hỏi kiến thức về AI trong tương lai”, thạc sĩ Tú nhấn mạnh và cho hay, ngay từ khi bắt đầu tuyển sinh, ngành học này đã nhận được sự quan tâm của nhiều thí sinh nên luôn nằm trong tốp các ngành học có kết quả tuyển sinh đầu vào rất cao (từ 27 điểm trở lên). Để đảm bảo chất lượng đào tạo và tập trung những sinh viên (SV) tiềm năng, đến nay chỉ tiêu tuyển sinh của ngành chỉ giới hạn khoảng 50 SV/năm. “Tuy nhiên, các SV thuộc nhóm ngành máy tính và công nghệ thông tin vẫn có thể tìm hiểu hướng nghiên cứu AI khi học ngành khoa học máy tính”, thạc sĩ Tú thông tin thêm.

Năm 2020, Trường ĐH Công nghệ thông tin tuyển sinh chuyên ngành AI thuộc ngành khoa học máy tính và phát triển thành ngành riêng từ năm 2022. Trường ĐH Bách khoa có 2 chuyên ngành AI ứng dụng, xử lý ảnh và thị giác máy tính (thuộc ngành khoa học máy tính); Trường ĐH Kinh tế – Luật có ngành AI trong kinh tế, kinh doanh và quản lý…

ĐA DẠNG HƯỚNG ĐÀO TẠO

Dù được đào tạo ở nhiều trường nhưng định hướng đào tạo nhân lực AI có sự khác nhau tùy trường. Chẳng hạn, Trường ĐH Bách khoa, Trường ĐH Khoa học tự nhiên và Trường ĐH Công nghệ thông tin đào tạo AI theo hướng chuyên sâu. Trong khi đó, Trường ĐH An Giang, Trường ĐH Kinh tế – Luật đào tạo AI theo hướng liên ngành và ứng dụng.

Trường ĐH Quốc tế cũng đặt mục tiêu mở mới ngành đào tạo AI trình độ ĐH trên cơ sở ngành khoa học máy tính vào cuối năm 2025, đồng thời phát triển các ngành đào tạo ứng dụng AI trong lĩnh vực chăm sóc sức khỏe y tế và điện tử – viễn thông.

Tiến sĩ Nguyễn Trung Nhân, Trưởng phòng Đào tạo Trường ĐH Công nghiệp TP.HCM, cho biết từ năm 2020 trường đã đào tạo chuyên ngành IoT và AI ứng dụng (trong ngành công nghệ kỹ thuật điện tử viễn thông). Mỗi năm, trường tuyển sinh 100 SV và tiếp tục duy trì ổn định trong thời gian tới. Về định hướng đào tạo, tiến sĩ Nhân cho biết trường đào tạo các kỹ sư theo định hướng ứng dụng AI trong các sản phẩm công nghiệp như: hệ thống điều khiển thông minh, robot, hệ thống nhân dạng… Do đó, ngoài học kiến thức chuyên sâu về AI, SV ngành này còn được trang bị thêm các kiến thức liên ngành về tự động hóa, điện, cơ khí… “Tuy nhiên, ngoài việc học đúng chuyên ngành AI thì SV các chuyên ngành gần của lĩnh vực công nghệ thông tin vẫn có thể tham gia vào thị trường lao động thuộc lĩnh vực AI”, tiến sĩ Nhân nói thêm.

Tăng tốc đào tạo nguồn nhân lực AI- Ảnh 2.

Sinh viên Thừa Thiên-Huế trải nghiệm các ứng dụng AI trong ngày hội “AI Open Day 2024”

SÔI ĐỘNG CÁC CHƯƠNG TRÌNH

Không đứng ngoài cuộc, các trường ngoài công lập cũng nhập cuộc rất nhanh quá trình tham gia đào tạo nguồn nhân lực cho ngành AI.

Tiến sĩ Võ Thanh Hải, Phó giám đốc ĐH Duy Tân, cho biết hiện nay ĐH Duy Tân đào tạo nhiều ngành bao gồm AI, khoa học máy tính, khoa học dữ liệu, chuyên ngành big data & machine learning với tổng chỉ tiêu mỗi năm khoảng 200 – 300 SV.

“Chương trình đào tạo AI của ĐH Duy Tân hướng tới việc đáp ứng các xu hướng công nghệ hiện đại như học máy (Machine Learning), học sâu (Deep Learning), học tăng cường (Reinforcement Learning), AI có thể giải thích (Explainable AI), các mô hình ngôn ngữ lớn (LLMs)… nhằm giải quyết các thách thức trong thực tế, đồng thời tạo nền tảng học thuật vững chắc cho nghiên cứu và ứng dụng AI trong tương lai cho SV”, tiến sĩ Hải thông tin.

Theo tiến sĩ Hải, ĐH Duy Tân tuyển chọn học sinh tốt nghiệp THPT có nền tảng tốt về toán học và tư duy lập trình. Bên cạnh đó tạo cơ hội cho những SV có năng lực toán học từ ngành khác chuyển ngành sang học về AI.

Trường ĐH Công nghệ TP.HCM cũng đang đào tạo các ngành AI, robot mỗi năm với khoảng 50 chỉ tiêu tuyển sinh cho mỗi ngành.

“Trường tuyển sinh chú trọng thu hút thí sinh có năng lực tư duy logic, yêu thích tìm tòi các xu hướng công nghệ mới và sáng tạo. Về chương trình đào tạo, chủ trương của trường là theo định hướng ứng dụng cao. Những ngành liên quan AI sẽ cung cấp từ kiến thức chuyên sâu về AI đến kiến thức bổ trợ về toán học, khoa học máy tính, khoa học dữ liệu, robot, máy học… Qua đó các em có khả năng ứng dụng vào thiết kế, vận hành các giải pháp phát triển, ứng dụng AI vào sản xuất và đời sống”, thạc sĩ Nguyễn Thị Xuân Dung, Giám đốc Trung tâm truyền thông Trường ĐH Công nghệ TP.HCM, chia sẻ.

Tiến sĩ Lê Đình Phong, Trưởng khoa Công nghệ thông tin Trường ĐH Hoa Sen, cho biết ngành AI được đào tạo tại trường từ khóa 2022, với chỉ tiêu hằng năm là 50 SV. Tiến sĩ Phong chia sẻ: “Chương trình đào tạo được xây dựng theo hướng ứng dụng. Các em được học kiến thức nền tảng và sau đó là theo hướng phát triển cụ thể như xử lý ngôn ngữ tự nhiên, xử lý ảnh hay máy học. SV còn được tham gia các kỳ thực tập doanh nghiệp 2 lần, các môn học áp dụng hình thức thực hiện đồ án thay cho thi tự luận”.

Trong khi đó, Trường ĐH Quốc tế Sài Gòn đang đào tạo 2 chương trình thuộc nhóm máy tính và công nghệ thông tin. Trong đó, ngành khoa học máy tính có các chuyên ngành gồm AI, hệ thống dữ liệu lớn, kỹ thuật phần mềm, mạng máy tính và an ninh thông tin. Ngành công nghệ thông tin có các chuyên ngành công nghệ thông tin, công nghệ thông tin y tế, thiết kế vi mạch, thiết kế đồ họa. Ngoài ra, trường cũng tích hợp khối kiến thức, kỹ năng về AI và ứng dụng của AI trong các ngành khác như công nghệ giáo dục, quản trị kinh doanh hay truyền thông đa phương tiện… (còn tiếp)

Cơ hội cao và thu nhập hấp dẫn

Chia sẻ trong buổi nói chuyện tại Trường ĐH Quốc tế (ĐH Quốc gia TP.HCM) vào ngày 16.10, thạc sĩ Đào Trung Thành, Phó viện trưởng Viện Công nghệ blockchain và trí tuệ nhân tạo ABAII, cho rằng kỹ sư AI đang là công việc có cơ hội và thu nhập hấp dẫn. Đáng chú ý, lương kỹ sư AI xấp xỉ 200.000 USD/năm (gấp 2 – 3 lần kỹ sư phần mềm). Những kỹ sư AI giỏi có thể được trả từ 500.000 – 800.000 USD/năm. OpenAI có thể cung cấp gói thu nhập tới 10 triệu USD/năm cho nhà khoa học về AI. Tại VN, kỹ sư AI và Machine Learning là các vị trí được trả lương cao nhất trong ngành IT, có thể lên tới 10 tỉ đồng/năm đối với kỹ sư cấp cao.

Nguồn: https://thanhnien.vn/tang-toc-dao-tao-nguon-nhan-luc-ai-185241212155735517.htm

ThanhNien Logo

Hello Mình là Cải

Theo dõi
Thông báo của
0 Góp ý
Mới nhất
Cũ nhất Được bỏ phiếu nhiều nhất
Phản hồi nội tuyến
Xem tất cả bình luận

Tin Nóng Hôm Nay