Theo chuyên gia Grant, mỗi người có thể hỏi từ 15 đến 20 người thường xuyên tiếp xúc với mình, như các thành viên trong gia đình, bạn bè, thầy cô… để được nghe nhận xét về hình ảnh đẹp nhất của mình lưu lại trong ấn tượng của những người xung quanh.
Từ những câu chuyện ấy, chúng ta có thể đọc ra những chủ đề và chi tiết thường xuất hiện nhất trong các chia sẻ. Sau cùng, mỗi cá nhân sẽ tự xây dựng được hình ảnh ấn tượng nhất của bản thân qua góc nhìn của những người xung quanh.
Chuyên gia tâm lý Adam Grant đang giảng dạy tại trường kinh doanh Wharton thuộc Đại học Pennsylvania (Mỹ). Ông Grant thường yêu cầu các sinh viên của mình tự nhìn nhận bản thân thông qua góc nhìn của những người khác.
“Đây là một trong những bài tập mà tôi rất thích giao cho sinh viên. Điều thú vị là khi thực hiện việc sưu tầm chia sẻ từ những người xung quanh, chính sinh viên cũng không thể hình dung trước về những thế mạnh của bản thân qua góc nhìn của người khác. Thực tế, có những thế mạnh của bản thân mà chính chúng ta lại không nhận ra”, ông Grant cho hay.
Việc hiểu rõ thế mạnh của bản thân có thể giúp chúng ta vượt qua những thời điểm khó khăn một cách dễ dàng hơn.
Chẳng hạn, một doanh nhân rất có tài ngoại giao và luôn có khả năng làm chủ những cuộc đối thoại, nhưng có lần, anh thấy bối rối vì bất ngờ phải bước vào một cuộc đối thoại quan trọng nhưng chưa có sự chuẩn bị trước.
Nếu doanh nhân đó biết được thế mạnh của bản thân là sức hút từ sự duyên dáng, thanh lịch, người doanh nhân đó có thể trải qua cuộc gặp một cách hiệu quả hơn. Anh sẽ biết tận dụng những thế mạnh của bản thân trong tình huống bối rối.
Ông Grant cho biết bản thân ông cũng đã thu thập ý kiến từ những người xung quanh và được biết nhiều người ấn tượng về trí nhớ sắc bén của ông. Điều này khiến ông nhận rõ thế mạnh của mình và chủ động ghi nhớ những thông tin hữu ích xung quanh mình.
Chẳng hạn, khi ông lần đầu làm giảng viên trong một chương trình đào tạo thạc sĩ quản trị kinh doanh, ông khá lo lắng về khả năng kết nối với các học viên. Ông liền nhanh chóng ghi nhớ tên gọi của các học viên trong lớp và khiến họ bất ngờ.
“Việc tôi nhanh chóng ghi nhớ chính xác tên của các học viên làm thay đổi mức độ cởi mở trong những tương tác giữa tôi và họ. Tôi sẽ không nhận ra mình có một trí nhớ sắc bén đến mức gây ấn tượng, nếu tôi không thử hỏi ý kiến của những người xung quanh về thế mạnh của tôi.
Khi đã biết về thế mạnh này, ngay lập tức tôi tìm cách tận dụng để tạo nên lợi thế cho bản thân trong quá trình tương tác với các đồng nghiệp và học viên”, ông Grant cho hay.
Nguồn: https://dantri.com.vn/giao-duc/cach-giup-con-tim-ra-the-manh-cua-ban-than-mot-cach-chinh-xac-nhat-20241223154204312.htm