Ngay sau khi Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD-ĐT) công bố Quy chế thi tốt nghiệp THPT năm 2025, nhiều trường THPT tại TP HCM tổ chức khảo sát, thăm dò việc đăng ký môn thi tự chọn của học sinh (HS) lớp 12, đồng thời lên kế hoạch ôn tập.
Nhiều môn không được học sinh chọn
Theo quy định mới về kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2025 mà Bộ GD-ĐT vừa công bố, HS thi tốt nghiệp THPT 4 môn trong 3 buổi là ngữ văn, toán và bài thi tự chọn gồm 2 môn thi. Các môn tự chọn gồm: Vật lý, hóa học, sinh học, lịch sử, địa lý, giáo dục kinh tế và pháp luật, tin học, công nghệ định hướng công nghiệp (gọi tắt là công nghệ công nghiệp), công nghệ định hướng nông nghiệp (gọi tắt là công nghệ nông nghiệp), ngoại ngữ (tiếng Anh, Nga, Pháp, Trung Quốc, Đức, Nhật, Hàn).
Bà Nguyễn Thị Hồng Chương, Hiệu trưởng Trường THPT Nguyễn Thị Minh Khai (quận 3), cho biết nhà trường thực hiện thống kê tỉ lệ đăng ký môn tự chọn của HS trong kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2025 vào khoảng ngay sau Tết âm lịch. Dù chưa thực hiện khảo sát đăng ký, bà Chương dự đoán kết quả sẽ không khác mấy so với các năm trước. Theo bà, HS của trường đa số vẫn chọn các môn tự nhiên và tiếng Anh là môn thi tốt nghiệp.
Tại Trường THPT Dương Văn Thì (TP Thủ Đức), theo khảo sát từ đầu năm học, khi đăng ký môn tự chọn thi tốt nghiệp, dẫn đầu vẫn là tiếng Anh với 354 HS chọn, sau đó đến môn vật lý, hóa học, lịch sử, địa lý, giáo dục kinh tế và pháp luật, sinh học. Hai môn tin học và công nghệ không có HS chọn.
Tại Trường THPT Nguyễn Hữu Huân (TP Thủ Đức), trong số 621 HS lớp 12, chỉ có 1 HS chọn thi môn công nghệ, 2 HS chọn môn tin học, 5 em chọn giáo dục kinh tế và pháp luật; còn lại chủ yếu là chọn các môn tiếng Anh, hóa, sinh, vật lý…
Tại Trường THPT Nguyễn Hữu Thọ (quận 4), theo ông Đỗ Đình Đảo, Hiệu trưởng nhà trường, tỉ lệ HS chọn tiếng Anh là môn thi tốt nghiệp vẫn rất cao dù là môn tự chọn, bên cạnh đó là các môn vật lý, hóa, sinh, sử, địa lý…
Nói thêm về tỉ lệ chọn môn thi tốt nghiệp, bà Nguyễn Thị Thanh Trúc, Hiệu trưởng Trường THPT Dương Văn Thì, cho biết từ đầu năm học, nhà trường thực hiện cho HS đăng ký lớp theo môn thi tốt nghiệp. Theo số liệu đăng ký, đa số HS vẫn chọn tiếng Anh và các môn khối tự nhiên là môn tự chọn trong kỳ thi tốt nghiệp.
Khó rớt tốt nghiệp
Theo ông Đỗ Đình Đảo, căn cứ vào số liệu khảo sát, trong học kỳ II, nhà trường sẽ có kế hoạch tăng tiết ôn tập, phụ đạo để HS chuẩn bị cho kỳ thi tốt nghiệp THPT được tốt nhất.
Trong khi đó, theo bà Nguyễn Thị Hồng Chương, thực tế với công thức xét tốt nghiệp năm 2025 như Bộ GD-ĐT công bố, việc HS rớt tốt nghiệp rất khó xảy ra, cũng khó có tình trạng khiến HS học lệch, vì còn tính điểm học bạ. Do đó, với những em đặt mục tiêu xét tuyển vào các trường đại học nào thì sẽ nỗ lực hơn, còn kế hoạch học tập, các trường đã thực hiện từ đầu năm, đầy đủ các môn và cụm chuyên đề học tập.
Bà Nguyễn Thị Thanh Trúc cho rằng với công thức xét tốt nghiệp 50-50 (học bạ và điểm thi tốt nghiệp) như quy chế thì thực tế sẽ rất khó để HS không đậu tốt nghiệp. Dù vậy, sẽ có phần thiệt thòi nếu cơ sở giáo dục nào thực hiện đánh giá sát năng lực HS.
“Thực tế tại trường, ngay từ đầu năm, nhà trường đã yêu cầu giáo viên đánh giá sát năng lực HS, nên sẽ có những em điểm thấp. Tuy nhiên, cần phải căn cứ vào điểm thi tốt nghiệp để đánh giá chất lượng dạy học của một trường, một địa phương chứ không nên căn cứ trên tỉ lệ tốt nghiệp” – bà Trúc đề xuất.
ThS Phạm Lê Thanh, giáo viên Trường THPT Nguyễn Hiền (quận 11), nhìn nhận việc thay đổi kết quả thi tốt nghiệp THPT từ năm 2025 chiếm tỉ trọng 50% sẽ kéo theo đề thi các môn tăng cường tính phân hóa cao hơn nhằm sàng lọc nhiều đối tượng HS. Qua đó, đánh giá đúng kết quả học tập của người học theo mục tiêu và chuẩn cần đạt theo yêu cầu của chương trình giáo dục phổ thông 2018; lấy kết quả thi để xét công nhận tốt nghiệp THPT và là một trong các cơ sở để đánh giá chất lượng dạy và học của các cơ sở giáo dục phổ thông, cung cấp dữ liệu đủ độ tin cậy cho các cơ sở giáo dục đại học, giáo dục nghề nghiệp sử dụng trong tuyển sinh.
Theo thầy Phạm Lê Thanh, việc tăng số năm học để tính điểm học tập và tỉ lệ phần trăm kết quả học tập ở THPT (từ 30% lên 50%) trong xét công nhận tốt nghiệp là hợp lý. Lý do là vì bài thi trên giấy chỉ đánh giá được năng lực đặc thù của môn học ở phạm vi giới hạn về mặt kiến thức, hoàn toàn không thể đánh giá các năng lực chung, phẩm chất của HS. Năng lực chung và phẩm chất của HS muốn phát triển phải thông qua các hoạt động dạy học, sự tương tác của giáo viên và HS xuyên suốt quá trình học tập gắn với sự đánh giá quá trình, đánh giá sự tiến bộ của các em.
Tư vấn kỹ cho HS có chứng chỉ tiếng Anh
Lãnh đạo Trường THPT Nguyễn Thị Minh Khai cho biết ở trường, HS có chứng chỉ tiếng Anh – theo quy định thì được miễn thi – rất nhiều. Nhưng ở quy định mới, do không được quy ra điểm 10 như trước nên nhà trường sẽ tư vấn kỹ để những em dùng môn tiếng Anh xét tuyển đại học thì cân nhắc thi để có điểm cao hơn, còn nếu chỉ dùng để xét tốt nghiệp thì lựa chọn phương án an toàn hơn.
Nguồn: https://nld.com.vn/chon-mon-thi-de-khong-rot-tot-nghiep-thpt-196241229213805532.htm