Thứ sáu, Tháng Một 24, 2025
HomeGiáo DụcHọc sinh vẫn chọn môn học, môn thi trong mơ hồ?

Học sinh vẫn chọn môn học, môn thi trong mơ hồ?

THIẾU CĂN CỨ NÊN HAY CHỌN THEO CẢM TÍNH

Theo số liệu được các chuyên gia cung cấp tại tọa đàm Nhìn lại 5 năm thực hiện chương trình Giáo dục phổ thông (GDPT) 2018 do Hiệp hội Các trường ĐH, CĐ VN tổ chức mới đây, nhiều tỉnh có số học sinh (HS) chọn nhóm các môn lý, hóa, sinh chỉ đạt 11 – 15% khi vào lớp 10.

Học sinh vẫn chọn môn học, môn thi trong mơ hồ?- Ảnh 1.

Tư vấn, hướng nghiệp trước khi chọn môn học tự chọn ở lớp 10 là khâu quan trọng giúp học sinh có định hướng đúng về nghề nghiệp

Theo hiệp hội, về nguyên tắc, HS được đăng ký chọn tự do đối với các môn học lựa chọn để chủ động tạo ra các tổ hợp môn học phù hợp với năng lực, sở trường và định hướng nghề nghiệp theo các tổ hợp xét tuyển dự kiến của các trường ĐH (các tổ hợp truyền thống A00, A01, B00, B03, C00, D01…); nhưng trên thực tế quyền sắp xếp các tổ hợp môn học lựa chọn lại thuộc nhà trường, tùy thuộc vào tình hình giáo viên (GV) và cơ sở vật chất cụ thể của mỗi trường.

Trường THPT Nguyễn Thị Minh Khai (Hà Tĩnh) có 318/410 HS lớp 12 chọn tổ hợp môn xã hội cho kỳ thi tốt nghiệp THPT 2025, chiếm tỷ lệ 77,5%; chỉ có 22,5% HS chọn môn tự nhiên. Trường THPT Nguyễn Huệ (Thái Bình) trong đợt khảo sát đăng ký môn thi tốt nghiệp mới đây có tới 80% HS chọn các môn thi khoa học xã hội; chỉ có 20% HS lựa chọn các môn khoa học tự nhiên.

Trường THPT Thuận Thành số 1 (Bắc Ninh), số HS lựa chọn môn học và môn thi thiên về khoa học xã hội cũng chiếm tỷ lệ áp đảo. Điều này khiến nhà trường đang phải đối mặt tình trạng thừa GV các môn khoa học tự nhiên như vật lý, hóa học, sinh học, tin học. Ông Nguyễn Xuân Năng, Phó hiệu trưởng nhà trường, chỉ ra một số khó khăn khi HS lớp 10 chọn môn, không phải em nào cũng có đủ kiến thức cũng như thông tin có thể tự định hướng nghề nghiệp cho mình. Việc phải lựa chọn tổ hợp môn khiến nhiều HS và thậm chí là phụ huynh rất lúng túng, băn khoăn, nhất là khi chưa rõ các trường ĐH sẽ thay đổi tổ hợp xét tuyển thế nào.

BẤT CẬP VÀ HỆ LỤY

PGS Trần Xuân Nhĩ, Phó chủ tịch thường trực Hiệp hội Các trường ĐH, CĐ VN, chỉ ra nhiều bất cập trong việc tổ chức dạy học tự chọn ở cấp THPT hiện nay. Trong đó, HS phải chọn các môn lựa chọn ngay từ đầu cấp THPT, tức là phải khẳng định về hướng chuyên môn sâu cho mình ngay từ khi vào trường THPT. Số lượng HS muốn được thay đổi môn học lựa chọn trong quá trình học THPT là khá khó khăn.

PGS Nhĩ cho rằng: “Việc bắt buộc HS ngay từ đầu cấp phải xác định các môn học lựa chọn và hầu hết khó được điều chỉnh trong quá trình học đồng nghĩa với việc buộc HS phải khẳng định sớm hướng chuyên môn sâu. Mặt khác, HS chưa được tư vấn hướng nghiệp đầy đủ ở cấp THCS để lựa chọn môn học lựa chọn ở cấp THPT, rồi từ đó căn cứ vào các môn học lựa chọn để quyết định chọn cơ sở giáo dục ĐH sẽ đăng ký tuyển sinh (trong khi các trường ĐH còn chưa công bố phương án tuyển sinh), là một đòi hỏi rất vô lý”.

Nhiều tổ hợp môn học lựa chọn do trường THPT lập ra có thể không phù hợp với năng lực, sở trường và định hướng nghề nghiệp của HS, dẫn đến hệ quả nguồn nhân lực đầu vào các môn khoa học tự nhiên sụt giảm và hệ lụy là chất lượng các ngành khoa học cơ bản và khoa học STEM sẽ giảm về số lượng, ảnh hưởng lâu dài đến chất lượng của hệ thống trong tương lai.

Hệ lụy ngay trước mắt, theo PGS Nhĩ, là GV các môn khoa học tự nhiên ở cấp THPT, đặc biệt là GV môn sinh học và hóa học không có giờ dạy phải thực hiện các nhiệm vụ khác.

Cần tạo nhiều cơ hội trải nghiệm, rèn kỹ năng cho học sinh

Cô Huỳnh Thị Hồng Hoa, GV Trường THPT Kiên Lương (Kiên Giang), cho hay trong khảo sát định hướng nghề nghiệp đầu năm lớp 10, đa số HS cũng đã xác định được khối thi và ngành nghề trong tương lai. Tuy nhiên, theo cô Hoa, thách thức trong công tác hướng nghiệp nằm ở việc HS chưa mở lòng trao đổi với GV, cũng như thiếu sự chia sẻ với gia đình khi bày tỏ mục tiêu nghề nghiệp.

Một thách thức khác trong công tác hướng nghiệp là nhu cầu trao đổi với chuyên gia tư vấn nghề nghiệp. Theo cô Lê Thị Thủy, GV Trường THPT Kiên Lương, HS cần có những buổi nói chuyện với chuyên gia hướng nghiệp để định hướng sát sao hơn. Tuy nhiên, điều kiện để mời các chuyên gia về tư vấn ở trường vẫn còn hạn chế.

“Trường ở một huyện cách xa trung tâm các thành phố lớn. HS thiếu, thậm chí không có điều kiện trải nghiệm các hoạt động nghề nghiệp đa dạng trong thực tế”, cô Nguyễn Thị Thu Hà, Hiệu trưởng Trường THPT Kiên Lương, thông tin. Cô Hà cho biết trước bối cảnh trên, nhà trường đã tổ chức các chuyến tham quan trường ĐH,CĐ; tổ chức các buổi tư vấn tuyển sinh với các cơ sở giáo dục; mời các cựu HS trao đổi kinh nghiệm…

Liên quan vấn đề định hướng nghề nghiệp, thầy Huỳnh Thanh Hoàng, Phó hiệu trưởng Trường THCS và THPT Ba Hòn (Kiên Giang), cho rằng tâm lý chưa vững vàng, dễ thay đổi sở thích, quan điểm là một yếu tố tác động lựa chọn nghề nghiệp của HS. Thầy cũng đề xuất trường học tăng cường quan tâm vấn đề tâm lý để HS có thể lựa chọn nghề nghiệp một cách thuận lợi.

Tuấn Hồ

TRƯỜNG ĐH NÊN SỚM CÔNG BỐ PHƯƠNG ÁN TUYỂN SINH

Trước thực tế này, ông Nguyễn Xuân Năng đề xuất các trường ĐH nên sớm công bố các phương án tuyển sinh năm 2025 và các phương án phù hợp với các nhóm tổ hợp mà các trường đã xây dựng và tổ chức học tập từ năm học 2021 – 2022. Tương tự, ông Đàm Tiến Nam, Hiệu trưởng Trường THPT Nguyễn Bỉnh Khiêm (Hà Nội), cho hay rất cần các trường ĐH công bố sớm hơn phương án tuyển sinh.

Học sinh vẫn chọn môn học, môn thi trong mơ hồ?- Ảnh 2.

Học sinh lớp 12 chuẩn bị cho kỳ thi tốt nghiệp THPT đầu tiên thực hiện theo chương trình Giáo dục phổ thông mới

ảnh: đào ngọc thạch

Bà Nguyễn Thị Nhiếp, Hiệu trưởng Trường THPT Chu Văn An (Hà Nội), chia sẻ tình trạng mất cân đối giữa việc lựa chọn nhóm môn khoa học tự nhiên và khoa học xã hội là một vấn đề đáng lo ngại và buộc các trường phải có phương án tư vấn, hướng nghiệp tốt hơn cho HS trước khi lựa chọn môn. Trường THPT Chu Văn An có 6 nhóm môn lựa chọn cho các lớp 10, trong đó các lớp đều phải học lý và hóa.

Tương tự, Trường Marie Curie (Hà Nội) tạo điều kiện khá rộng rãi với nhiều tổ hợp cho HS lựa chọn. Tuy nhiên, có những môn HS dù chọn tổ hợp nào cũng cần học. Cụ thể là môn tin học, các tổ hợp lựa chọn đều có môn này. Hoặc như môn lịch sử cũng “xuất hiện” tới 4/6 tổ hợp, kể cả tổ hợp thiên về khoa học tự nhiên, nhiều tổ hợp thiên về khoa học xã hội cũng có môn vật lý…

Kiến nghị cho học sinh thi thêm các môn lựa chọn

Hiệp hội Các trường ĐH, CĐ VN ký văn bản kiến nghị gửi Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Nguyễn Kim Sơn về việc triển khai chương trình GDPT 2018, tổ chức thi tốt nghiệp THPT và tuyển sinh ĐH từ năm 2025.

Trong đó, với kỳ thi tốt nghiệp THPT, hiệp hội kiến nghị cần xem lại thời gian làm bài của các bài thi môn lựa chọn và có giải pháp hạn chế khả năng “đoán mò” trong dạng thức câu hỏi đúng, sai (chiếm tới 40% số điểm của mỗi môn thi) để đánh giá hết các năng lực của người học, đảm bảo độ giá trị và tính phân loại của đề thi để các trường ĐH thuận lợi trong phương thức xét tuyển bằng kết quả thi tốt nghiệp THPT.

Đáng chú ý, hiệp hội đề nghị Bộ GD-ĐT cần cho các thí sinh lựa chọn thêm các môn thi lựa chọn (kể cả khi không học môn lựa chọn trong chương trình nhà trường quy định) để đảm bảo người học phát triển hết năng lực tự học và có thêm cơ hội xét tuyển vào các trường ĐH khi đảm bảo chất lượng đầu vào.

Về tuyển sinh ĐH, hiệp hội kiến nghị Bộ GD-ĐT loại bỏ các phương thức tuyển sinh không bảo đảm chất lượng đầu vào. Đồng thời, cần yêu cầu các trường giải trình việc lựa chọn các tổ hợp môn học, các bài thi đánh giá năng lực của các kỳ thi riêng bảo đảm chuẩn đầu vào năng lực cơ bản để học tập thành công ở bậc ĐH. Đặc biệt, cần quy định thống nhất các tổ hợp xét tuyển hợp lý, kiên quyết loại bỏ các tổ hợp “lạ”.

Nguồn: https://thanhnien.vn/hoc-sinh-van-chon-mon-hoc-mon-thi-trong-mo-ho-185241205233631941.htm

ThanhNien Logo

Hello Mình là Cải

Theo dõi
Thông báo của
0 Góp ý
Mới nhất
Cũ nhất Được bỏ phiếu nhiều nhất
Phản hồi nội tuyến
Xem tất cả bình luận

Tin Nóng Hôm Nay