Thứ sáu, Tháng Một 24, 2025
HomeGiáo DụcChọn trường gần nhà hay thành phố lớn?

Chọn trường gần nhà hay thành phố lớn?

Lên thành phố lớn hay học tập tại cơ sở giáo dục địa phương là “bài toán” với nhiều thí sinh khi chọn trường.

HỌC PHÍ Ở PHÂN HIỆU GIẢM MỘT NỬA SO VỚI CƠ SỞ CHÍNH

Ngoài 2 thành phố lớn là Hà Nội và TP.HCM, nhiều tỉnh thành đều có ít nhất một trường ĐH hoặc phân hiệu của trường ĐH. Đáng chú ý, nhiều trường ĐH có chính sách học phí khác nhau cho sinh viên học tập tại cơ sở chính và phân hiệu.

Học phí ĐH tăng cao: Chọn trường gần nhà hay thành phố lớn?- Ảnh 1.

Học sinh tham dự chương trình Tư vấn mùa thi của Báo Thanh Niên tại Trường ĐH Đà Lạt

Từ năm 2019, ĐH Kinh tế TP.HCM thành lập phân hiệu tại Vĩnh Long trên cơ sở Trường CĐ Kinh tế-Tài chính Vĩnh Long. Thí sinh trúng tuyển vào phân hiệu sẽ học tập ở phân hiệu trong 2 năm rưỡi trước khi chuyển sang cơ sở chính tại TP.HCM học năm cuối. Theo thông tin của trường, học phí sinh viên trúng tuyển khóa 2024 vào phân hiệu chương trình tiếng Việt là 625.000 đồng/tín chỉ. Mức thu này chỉ bằng 60-65% học phí cùng chương trình tại cơ sở chính TP.HCM.

Cùng xu hướng này, Trường ĐH Tôn Đức Thắng cũng có chính sách học phí khác biệt giữa cơ sở chính và phân hiệu. Theo thông tin học phí trường công bố áp dụng cho sinh viên trúng tuyển khóa 2024 trong năm học 2024-2025, chương trình tiêu chuẩn tại cơ sở TP.HCM trung bình khoảng 27-31,6 triệu đồng/năm (riêng ngành Việt Nam học thu 50,1 triệu đồng/năm và dược 60,7 triệu đồng/năm). Trong khi đó, học phí trung bình các ngành tại Phân hiệu Khánh Hòa từ 20,5-24 triệu đồng/năm. Cùng chương trình tiêu chuẩn nhưng học phí có sự khác nhau giữa cơ sở chính TP.HCM và Phân hiệu Khánh Hòa ngay trong một ngành học.

Tương tự, Trường ĐH Công nghiệp TP.HCM hiện cũng tuyển sinh Phân hiệu tại Quảng Ngãi. Trong đó, học phí phân hiệu chỉ bằng 50% so với cơ sở chính TP.HCM. Cụ thể, năm 2024 các ngành đào tạo tại cơ sở chính thu 32,8 triệu đồng/năm (khối ngành kinh tế); 33,5 triệu đồng/năm (khối ngành công nghệ kỹ thuật); dược học 53,5 triệu đồng/năm. Tiến sĩ Nguyễn Trung Nhân, Trưởng phòng Đào tạo nhà trường, cho biết: “Sinh viên học tập tại Phân hiệu Quảng Ngãi chỉ đóng học phí bằng một nửa so với sinh viên học tập tại cơ sở chính. Chính sách này của trường nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho sinh viên học tập tại chỗ. Dù phạm vi tuyển sinh toàn quốc nhưng sinh viên học tập tại phân hiệu chủ yếu có hộ khẩu tại Quảng Ngãi và các địa phương lân cận”.

TRƯỜNG ĐH ĐÓNG TẠI ĐỊA PHƯƠNG, HỌC PHÍ CÓ THẤP HƠN?

Bên cạnh các phân hiệu, mức học phí của các trường ĐH có trụ sở chính tại các địa phương không phải thành phố lớn cũng là mối quan tâm của người học.

Về vấn đề này, tiến sĩ Trần Hữu Duy, Trưởng phòng Đào tạo Trường ĐH Đà Lạt, cho biết học phí ĐH phụ thuộc vào loại hình trường công lập hay tư thục, trong đó nhiều trường tư thục thu học phí cao hơn. Trong hệ thống trường công lập, học phí cũng khác nhau tùy mức độ tự chủ hoàn toàn, tự chủ một phần hay chưa tự chủ.

Tiến sĩ Duy nêu ví dụ Trường ĐH Đà Lạt là trường công lập trực thuộc Bộ GD-ĐT và thuộc loại hình tự chủ một phần chi thường xuyên. Do trường vẫn thụ hưởng ngân sách nhà nước cấp một phần cho chi thường xuyên nên học phí trung bình chỉ khoảng 15-18 triệu đồng/năm tùy ngành. “Tuy nhiên quan điểm của trường nếu tự chủ hoàn toàn thì cũng sẽ chỉ áp dụng mức học phí phù hợp với thu nhập của các gia đình ở khu vực miền Trung và Tây nguyên. Bởi khu vực này chính là nguồn sinh viên chủ yếu của trường, cần tạo cơ hội tiếp cận với giáo dục ĐH cho con em trong vùng”, tiến sĩ Duy chia sẻ thêm.

Một số trường ĐH đóng tại các địa phương khác hiện cũng có mức học phí khá mềm so với mặt bằng chung do chưa chuyển sang tự chủ. Ví dụ, Trường ĐH Nha Trang (Khánh Hòa) hiện đang thực hiện thu học phí theo nhóm trường công lập chưa tự chủ, trung bình khoảng 12-13 triệu đồng/năm. Trường ĐH Tây Nguyên cũng công bố học phí năm học 2024-2025 các ngành từ 14-20 triệu đồng/năm. Đáng chú ý, học phí ngành y khoa của trường này chỉ ở mức 27,6 triệu đồng/năm, thấp hơn nhiều so với học phí ngành y khoa của các trường ĐH công lập và tư thục khác.

Học phí ĐH tăng cao: Chọn trường gần nhà hay thành phố lớn?- Ảnh 2.

Trường ĐH Đà Lạt áp dụng mức học phí phù hợp với thu nhập của các gia đình ở khu vực miền Trung và Tây nguyên

MỖI LỰA CHỌN CÓ ƯU THẾ RIÊNG

Theo đại diện nhiều trường ĐH, việc học ĐH gần nhà hay lên thành phố lớn đều có những ưu điểm riêng.

Tiến sĩ Trần Hữu Duy phân tích: “Học ở trường địa phương hay đi ra các thành phố lớn, phụ thuộc rất nhiều yếu tố, gồm mong muốn của gia đình và của chính người học, điều kiện kinh tế, hay uy tín của các trường ĐH để lựa chọn”. Với các thành phố lớn, tiến sĩ Duy cho rằng: “Nhìn chung mức sống và học phí sẽ cao hơn. Thành phố lớn là mảnh đất hấp dẫn đối với mọi người nhưng đi kèm nó là các thách thức về môi trường sống, chi phí nên đòi hỏi các em phải nỗ lực vượt bậc. Các trường mang tính khu vực đóng ở các địa phương cũng là lựa chọn tốt”.

Cùng góc nhìn, tiến sĩ Tô Văn Phương, Trưởng phòng Đào tạo Trường ĐH Nha Trang, cho rằng việc thí sinh chọn học ở các thành phố lớn hay ở địa phương, gần nhà là một bài toán có nhiều lời giải, nhiều phương án. “Học trường gần nhà tiết giảm rất nhiều chi phí ăn ở, đi lại, thậm chí không phải thuê nhà, trong khi nếu học ở thành phố lớn sẽ có chi phí khá cao. Đặc biệt, trong bối cảnh các trường ĐH tự chủ như hiện nay thì việc phải đóng một khoản học phí lớn sẽ làm tăng áp lực tài chính cho phần lớn gia đình các em ở khu vực nông thôn”, tiến sĩ Phương phân tích.

So sánh giữa cơ sở chính và phân hiệu của một trường ĐH, tiến sĩ Võ Thái Dân, Trưởng phòng Đào tạo Trường ĐH Nông lâm TP.HCM, cho biết không có sự khác biệt về bằng cấp, chương trình đào tạo giữa 2 nơi. “Sinh viên vẫn có xu hướng chọn vào thành phố lớn học tập. Thực ra mỗi nơi có mặt mạnh riêng, nếu việc học tại địa phương tiết kiệm tài chính hơn thì ở thành phố lớn cơ hội làm thêm, cơ hội trải nghiệm tham gia các hoạt động nhiều hơn”, tiến sĩ Dân nói thêm.

Tuy nhiên, một điểm khác biệt dễ nhận thấy cũng ảnh hưởng không ít đến việc lựa chọn địa điểm học tập là điểm trúng tuyển đầu vào, đặc biệt giữa phân hiệu và cơ sở chính của cùng một trường ĐH. Trong đó, điểm chuẩn các ngành tại phân hiệu luôn thấp hơn tại cơ sở chính. Ngoài ra, một số phân hiệu có tiêu chí tuyển sinh bắt buộc như hộ khẩu thường trú. Ví dụ, Phân hiệu Vĩnh Long của ĐH Kinh tế TP.HCM yêu cầu thí sinh xét tuyển vào một số ngành cần có hộ khẩu thường trú tại 13 tỉnh ĐBSCL.

Thạc sĩ Nguyễn Hứa Duy Khang, Phó trưởng phòng Đào tạo Trường ĐH Cần Thơ, cũng cho rằng việc lựa chọn học ở trường nào cần đánh giá và cân nhắc nhiều yếu tố. Trong đó, học phí và chi phí học tập cũng có sự khác biệt lớn, tùy thuộc vào từng trường, từng ngành và từng chương trình đào tạo. “Học gần nhà có nhiều lợi thế, đặc biệt là chi phí sinh hoạt. Học xa nhà sẽ phải nỗ lực nhiều hơn nhưng bản thân người học cũng trưởng thành hơn, khả năng tự lập tốt hơn…”, thạc sĩ Khang chia sẻ thêm.

Theo Dự thảo báo cáo tóm tắt quy hoạch mạng lưới cơ sở giáo dục ĐH và sư phạm thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 của Bộ GD-ĐT, hiện cả nước có 244 cơ sở giáo dục ĐH. Trong đó, 172 cơ sở giáo dục ĐH công lập, 67 cơ sở giáo dục ĐH ngoài công lập (5 cơ sở giáo dục ĐH có vốn đầu tư nước ngoài). Các trường ĐH phân bổ tập trung chủ yếu tại đồng bằng sông Hồng (44,3%), Đông Nam bộ (18,4%); thấp nhất ở vùng Tây nguyên (1,6%); Trung du miền núi phía bắc (5,7%), Bắc Trung bộ và Duyên hải miền Trung (18,4%); đồng bằng sông Cửu Long (7,0%).

Cả nước hiện có 30 phân hiệu của các cơ sở giáo dục ĐH. Trong đó, 20 phân hiệu hình thành mới (trong đó có 6 phân hiệu của các cơ sở giáo dục ĐH tư thục), 4 phân hiệu được hình thành trên cơ sở trường CĐ sư phạm, 9 phân hiệu trên cơ sở trường ĐH.

Nguồn: https://thanhnien.vn/hoc-phi-dh-tang-cao-chon-truong-gan-nha-hay-thanh-pho-lon-185241224221234646.htm

ThanhNien Logo

Hello Mình là Cải

Theo dõi
Thông báo của
0 Góp ý
Mới nhất
Cũ nhất Được bỏ phiếu nhiều nhất
Phản hồi nội tuyến
Xem tất cả bình luận

Tin Nóng Hôm Nay