Gần như mọi du học sinh Việt học nghề có việc ngay sau khi tốt nghiệp, với lương 2.500-4.000 euro mỗi tháng, nhưng số người học còn ít, theo các chuyên gia.
Bà Lưu Thị Ngọc Tuý, Chủ tịch công ty cổ phần nhân lực quốc tế Việt (Vilaco), đưa ra nhận định trên tại một sự kiện về du học Đức, tại Hà Nội, hôm 8/1. Dẫn thống kê của Viện Goethe Hà Nội cho thấy số người Việt học nghề tại Đức năm ngoái khoảng 4.000, bà Túy cho rằng số này còn thấp. Số du học sinh diện học nghề từ Ấn Độ là 42.000, Trung Quốc 39.000.
Trong khi đó, nhu cầu lao động nghề ở Đức hiện ở mức cao. Tờ Welt của Đức cuối năm ngoái dẫn số liệu của Cơ quan việc làm Liên bang, cho biết các doanh nghiệp thiếu khoảng 1,3 triệu lao động, đa số trong lĩnh vực chăm sóc sức khỏe. Tờ Tagesspiegel cũng ước tính Đức thiếu khoảng 400.000 lao động nhập cư có tay nghề mỗi năm.
Đây là lợi thế lớn để lao động Việt tiếp cận thị trường này, theo bà Túy. Từ năm 2022 đến nay, Vilaco đưa khoảng 400 người Việt sang Đức học nghề, 70% theo nghề Điều dưỡng và Trợ lý nha khoa, sau đó là ngành Khách sạn và Kỹ thuật điện công nghiệp.
Bà Túy cho hay du học sinh nghề Việt Nam được trả lương 950-1.600 euro (25-42,3 triệu đồng) mỗi tháng khi đang học, đủ để trang trải sinh hoạt phí. Sau tốt nghiệp, gần như tất cả được doanh nghiệp tuyển dụng ngay, nhận lương 2.500-4.000 euro hàng tháng, ngang với mức trung bình tại Đức.
Đồng tình, ông Nguyễn Quang Đức, Chủ tịch hội đồng thành viên công ty tư vấn du học VNEU, cũng đánh giá số du học sinh nghề của Việt Nam tại Đức còn ít, trong khi thị trường này có tiềm lực lớn.
Ông nhận định yêu cầu để du học nghề Đức không quá phức tạp, quan trọng là lao động có tiếng Đức đạt trình độ B1 trở lên, có bằng tốt nghiệp THPT và không mắc các bệnh truyền nhiễm, nguy hiểm như ung thư, viêm gan B, là đủ điều kiện. Chi phí để một người sang Đức khoảng hơn 200 triệu đồng, chủ yếu là tiền làm giấy tờ, hợp đồng, học tiếng và ký túc xá. Chương trình học miễn phí, thường kéo dài ba năm, 70% thời lượng là thực hành tại các xí nghiệp, phân xưởng.
“Trừ trường hợp không thể ra trường, hầu hết các bạn sẽ ký hợp đồng ở lại làm việc hai năm, sau đó tái ký nếu đáp ứng đủ tiêu chí”, ông Đức nói.
Ngoài ra, Đức cũng nới loạt chính sách dành cho nhóm du học nghề. Từ tháng 3 năm ngoái, giới hạn độ tuổi của nhóm này tăng từ 25 lên 35 tuổi và giảm yêu cầu tiếng Đức từ B2 xuống B1. Người có giấy phép cư trú diện học nghề và thực tập sinh được làm thêm tối đa 20 giờ mỗi tuần.
Chính phủ ngày càng đơn giản hóa việc cấp phép cho lao động nước ngoài. Trước đây, ứng viên trong một số ngành nghề đặc biệt như sức khỏe, luật sư, phải làm thủ tục công nhận văn bằng trước khi nhập cảnh, thường khoảng bốn tháng. Hiện quá trình này được thực hiện sau khi người lao động đến Đức. Các yêu cầu vẫn như cũ. Người lao động phải có hợp đồng, chứng chỉ chuyên môn có thời gian đào tạo tối thiểu hai năm hoặc bằng đại học và bằng tiếng Đức cấp độ A2.
Thêm vào đó, du học sinh Việt có đức tính cần cù, chịu khó, phù hợp với các công việc như Điều dưỡng, chăm sóc người già, người bệnh tại Đức.
Tuy vậy, hai chuyên gia đều đánh giá lý do khiến người Việt du học Đức còn ít chủ yếu do khó khăn về ngôn ngữ. Bà Túy nói tiếng Đức khó học và trình độ mức B1 là không đủ, do việc học chủ yếu diễn ra tại doanh nghiệp, cần trao đổi trực tiếp thường xuyên. Các lý do khác là khác biệt văn hóa, và thủ tục xử lý có phần chậm chạp tại Đức.
Ông Đức còn nhận thấy một số du học sinh không được định hướng nghề nghiệp trước khi đi, lúc sang mới “vỡ mộng”, không theo nổi vì không phù hợp.
“Quan trọng là cần phải định hướng nghề nghiệp rõ ràng và nâng cao kỹ năng mềm, giao tiếp và ngôn ngữ, vì nhà tuyển dụng Đức dù thiếu nhưng cũng cần người có trình độ”, ông cho biết.
Doãn Hùng
Nguồn: https://vnexpress.net/nguoi-viet-nhieu-thuan-loi-du-hoc-nghe-o-duc-4837517.html