Thứ năm, Tháng Một 23, 2025
HomeĐời SốngTuổi 18 của Thiện Nhân

Tuổi 18 của Thiện Nhân

“Đây là ca phẫu thuật mang tính quyết định và trọng đại với thằng bé. Thiện Nhân tới tuổi trưởng thành cần phẫu thuật tiếp, trên những gì đã hoàn thành lúc trẻ con. Đúng ra kế hoạch cần mổ vào tháng 6.2019 tại Mỹ, nhưng dịch Covid-19 xảy ra. Sau đó, lại mất thêm 2 năm để thảo luận và sắp xếp do lúc đó Thiện Nhân đã qua tuổi điều trị nhi khoa nên phải thay toàn bộ ê kíp bác sĩ (BS) lẫn bệnh viện…”, nhà báo Trần Mai Anh, mẹ Thiện Nhân, cho biết. Cũng là lúc chị vừa “đóng máy” bản thảo Mất một chân quá vui đi! (tập 2 của Hành trình yêu thương – Nhật ký Thiện Nhân từng xuất bản năm 2019), để tiếp tục kể “câu chuyện cổ tích sinh ra từ lòng người…”.

Thêm lần nữa, người bạn đồng hành thân thiết của hai mẹ con cũng như Qũy Thiện Nhân và những người bạn – BS người Ý Roberto De Castro, lại sát cánh cùng họ. Trước ca mổ, hai người đàn ông, một già và một trẻ, cùng chia sẻ với Thanh Niên về hành trình họ đã cùng đi suốt 18 năm qua, về tuổi 18 của mỗi người, về cái cách mà “tuổi trẻ được phép sai lầm…” hay “tốt nhất là không nên sai”…

Tuổi 18 của Thiện Nhân- Ảnh 1.

Chứng kiến và đồng hành cùng sự trưởng thành của Thiện Nhân trong suốt 18 năm qua, từ lúc vừa lọt lòng đã phải mang trên mình nhiều vết thương thể xác, phải giành giật từng cơ hội được sống và nay đã là một chàng trai mạnh mẽ vui tươi ở ngưỡng cửa trưởng thành, cảm giác trong ông thế nào?

BS Roberto De Castro: Đương nhiên là trong tôi, tình yêu và niềm tự hào về Thiện Nhân và hành trình quả cảm mà con đã đi qua vẫn luôn là như thế. Đặc biệt là ngày hôm nay, khi con đã trưởng thành và bước tới một cột mốc quan trọng trong cuộc đời: sinh viên đại học. Cũng vì cùng có mối quan tâm đặc biệt đến Thiện Nhân mà tôi và vợ tôi (doanh nhân người Ý Silvia Galandini – PV) đã nên duyên. Chúng tôi thường trò chuyện rất nhiều về tương lai của con, và rất muốn được đưa con sang Ý học để được gần con hơn mỗi ngày. Nhưng ở tuổi 18, Nhân có những lựa chọn của riêng mình và chúng tôi tôn trọng quyết định đó của con.

Còn Thiện Nhân, vì sao con lại từ chối cơ hội sang Ý du học để trở thành cậu sinh viên năm nhất ngành khoa học máy tính của Trường đại học VinUni?

Thiện Nhân: Con chọn ngành khoa học máy tính vì thấy cần ưu tiên trước hết sở thích và mối quan tâm của mình. Con rất quan tâm đến trí tuệ nhân tạo (AI) và những gì nó có thể hay không thể làm thay con người, đặc biệt là trong lĩnh vực y tế. Trong mường tượng của con thì rất có thể công việc mà con lựa chọn sẽ gắn liền với Quỹ Thiện Nhân mà mẹ con và BS Roberto đã bỏ vào đó thật nhiều tâm huyết, và con cũng muốn được tiếp tục để có thể giúp đỡ được nhiều em bé cùng hoàn cảnh như con.

Ở lại VN cũng có nghĩa là sẽ được ở gần gia đình. Con cần gia đình và gia đình cũng cần con. Nếu có một thứ mà AI không tạo ra được, con nghĩ đấy chính là tình cảm gia đình.

Tuổi 18 của Thiện Nhân- Ảnh 2.

“Chú lính chì” Thiện Nhân

Một cậu bé mà ngay từ lúc chào đời đã gắn liền với giường bệnh và phải qua rất nhiều ca phẫu thuật, được các BS giúp viết lại số phận của mình, vì sao con lại không mong ước trở thành một BS?

Thiện Nhân: Theo tìm hiểu của con, AI sẽ giúp ích rất nhiều cho lĩnh vực y tế, tạo ra những tiến bộ vượt bậc trong ngành y và con mong những gì mình học sẽ được ứng dụng vào một nơi cần đến nó nhất, giúp đỡ được con người nhiều nhất.

Con hiểu BS Roberto đã có một lựa chọn vô cùng ý nghĩa khi đã dành gần như cả cuộc đời mình để đi khắp nơi trên thế giới giúp đỡ những bệnh nhi và mang lại tương lai tốt đẹp hơn cho những cậu bé như con. Con rất ngưỡng mộ lựa chọn lớn lao đó của BS, nhưng con nghĩ chắc con chỉ học được bác phần nào thôi, chứ chưa chắc đã đi theo được con đường của bác.

Tuổi 18 của Thiện Nhân- Ảnh 3.

Ở tuổi 18 của mình, tại ngưỡng cửa trưởng thành, ông đã đến với lựa chọn nghề nghiệp của mình thế nào?

BS Roberto De Castro: Tôi may mắn được sinh ra trong một gia đình luôn nhận được sự hậu thuẫn từ bố mẹ trong việc họ luôn tôn trọng mọi quyết định của tôi và để tôi được tự đưa ra quyết định về nghề nghiệp của mình. Nhưng một mặt, tôi cũng chịu ảnh hưởng sâu sắc từ người bác của tôi, một BS đa khoa, người đã cho tôi lời khuyên mà suốt đời tôi không quên: “Đừng tìm kiếm những công việc mang lại nhiều tiền bạc mà hãy chọn những công việc giúp đỡ được nhiều người nhất”.

Ngay từ đầu, tôi đã muốn trở thành một BS phẫu thuật, muốn làm được một điều gì đó đưa lại sự thay đổi mạnh mẽ bằng chính đôi tay của mình. Trở thành một BS phẫu thuật tiết niệu nhi, đó là một lựa chọn định mệnh và tôi chưa bao giờ phải ân hận về quyết định đó của mình. Mặc dù cùng một ngành học đó, nhưng nếu chữa trị cho bệnh nhân người lớn, bạn sẽ có được mức thu nhập tốt hơn nhiều. Nhưng tôi luôn lấy làm vui khi được là một người đến sớm, khi những bệnh nhân của mình còn có rất nhiều thời gian ở phía trước và tôi có thể giúp họ sớm nhất có thể.

Tuổi 18 của Thiện Nhân- Ảnh 4.

Đừng tìm kiếm những công việc mang lại nhiều tiền bạc mà hãy chọn những công việc giúp đỡ được nhiều người nhất – Bác sĩ Roberto De Castro

Có câu: “Tuổi trẻ thì được phép sai lầm”, ông đã từng phạm phải sai lầm nào khi còn trẻ không, và có thường tự ban cho mình cái quyền đó?

BS Roberto De Castro: Đúng thế, tuổi trẻ thì được phép sai lầm, bản thân tôi cũng từng trải qua các sai lầm khác nhau chỉ vì chứng lãng đãng của mình và cho đến giờ vẫn đang không ngừng lãng đãng.

Thiện Nhân: Con cũng biết khi người ta còn trẻ, người ta sẽ ít phải chịu trách nhiệm về những sai lầm của mình hơn so với người trưởng thành. Nhưng con vẫn nghĩ tốt nhất là không nên sai, vì sai thì sẽ phải sửa, và như thế rất mất thời gian.

(“Nói về sai lầm, Thiện Nhân có một câu rất “kinh điển”: “Nhờ bị người đẻ ra con bỏ rơi thì con mới may mắn được làm con mẹ. Nhưng nếu lúc bỏ con mà gói con gọn gọn tí rồi để ở đâu an toàn, đỡ bị con thú ăn thì mẹ bây giờ đỡ vất vả hơn…”, chị Mai Anh góp chuyện).

Tuổi 18 của Thiện Nhân- Ảnh 5.
Tuổi 18 của Thiện Nhân- Ảnh 6.

Có bao giờ một cậu bé lớn lên giữa rất nhiều vòng tay yêu thương sẽ cảm thấy biên độ lựa chọn của mình hẹp hơn so với bạn bè đồng trang lứa: rằng mình phải thật đúng, thật ngoan, để xứng đáng hơn với điều mình nhận được?

Thiện Nhân: Con chưa bao giờ nghĩ yêu thương lại là một áp lực. Mình chỉ đơn giản là yêu thương lại thôi, sao phải áp lực? Với những sự giúp đỡ mà mình đã nhận được, nếu lúc này mình còn trẻ, chưa đủ tuổi để trả ơn được cho họ thì sau này mình làm cũng không muộn, mình có thể giúp họ, cũng có thể giúp đỡ người khác, miễn sao mình mang lại được những niềm vui cho mọi người như mình từng nhận được.

Tuổi 18 của Thiện Nhân- Ảnh 7.

Giữa họ là sự kết nối của tình thân

Điện ảnh Ý có một bộ phim nổi tiếng Cuộc sống tươi đẹp. Ông quan niệm thế nào là một cuộc sống tươi đẹp?

BS Roberto De Castro: Như đã nói, tôi đã lựa chọn một nghề nghiệp không mang lại nhiều tiền nhưng mang lại cho tôi nhiều hạnh phúc vì đã không ngừng nỗ lực sáng tạo, đã luôn tiên phong trong lĩnh vực của mình để tìm ra những phương pháp mới nhằm giúp các bệnh nhi của mình rút ngắn được thời gian chữa bệnh hơn, ít phải chịu thương tổn hơn cả về thể xác lẫn tinh thần. Vì những nỗ lực không mệt mỏi đó mà tôi đã nhận được rất nhiều lời mời cộng tác trên thế giới, được chia sẻ với các đồng nghiệp trẻ những phương pháp mới và kinh nghiệm chuyên môn quý giá mà tôi đã tích lũy được trong nhiều năm qua… Với tôi, đó là một cuộc đời hạnh phúc.

Ông nghĩ, tuổi thật của ông là bao nhiêu?

BS Roberto De Castro: Nếu không soi gương và cứ ở trên đường chạy marathon, tôi vẫn tin là mình… 18 tuổi, như Thiện Nhân bây giờ (cười). Tôi nhìn thấy ở Thiện Nhân tuổi trẻ của tôi, gương mặt thánh thiện của con phản chiếu những điều tốt đẹp mà tôi luôn hướng tới từ khi tôi còn là chàng thanh niên 18 tuổi, bị mất hết đồ đạc tư trang trước cổng trường đại học, nhưng không mất đi ngọn lửa trong lòng mình, suốt hàng chục năm qua. Tôi nhìn thấy ở Nhân cả khả năng dẫn dắt người khác ngay từ khi con còn nhỏ và ở giữa một nhóm bạn. Tôi tin là Nhân cũng sẽ có trong lòng một ngọn lửa như tôi.

Tuổi 18 của Thiện Nhân- Ảnh 8.

Như bạn cũng biết đấy, cuộc sống bây giờ quá phức tạp, thế giới xung quanh ta có biết bao điều tồi tệ, biết bao điều không mong muốn có thể xảy ra, cũng như những bất ổn ở châu Âu và Trung Đông… Nhưng mỗi cá nhân có thể chọn những điều tốt đẹp để hướng đến. Không thể nào thay đổi được thế giới nhưng có thể thay đổi bản thân mình.

Nếu được quay lại tuổi 18, ông sẽ thay đổi điều gì?

BS Roberto De Castro: Tôi chưa bao giờ phải hối tiếc về quyết định quan trọng nhất cuộc đời mình: Trở thành BS phẫu thuật tiết niệu nhi, nếu được quay lại tuổi 18. Dù trên đường đi tôi cũng từng vấp phải những sai lầm, từng dằn vặt và trách móc bản thân nhưng tôi chấp nhận nó như một sự trả giá cho con đường mình đã chọn…

Ai đó đã nói rằng những cơn đau sẽ giúp con người ta trưởng thành. Khi bài báo này lên khuôn, Thiện Nhân sẽ bước vào ca phẫu thuật được hy vọng sẽ là ca mổ cuối cùng ở vào tuổi 18 của con. Một cậu bé mà từ lúc lọt lòng cho tới lúc trưởng thành đã phải trải qua vô số ca phẫu thuật và những cơn đau thể xác, nhưng đã được giữ lại trên cuộc đời này bằng những vòng tay yêu thương sẽ đi qua những ngày đầu năm 2025 này bằng một cơn đau cuối. Cậu sinh viên năm nhất ngành khoa học máy tính nói rằng: AI có thể mang lại nhiều thứ, trong đó có những tiến bộ vượt bậc trong y học; nhưng có một thứ mà AI không thể mang lại, đó chính là lòng yêu thương, là những câu chuyện “cổ tích sinh ra từ lòng người” mà Quỹ Thiện Nhân đã cần mẫn viết lên trong suốt 18 năm qua…

Tuổi 18 của Thiện Nhân- Ảnh 9.

 

Nguồn: https://thanhnien.vn/tuoi-18-cua-thien-nhan-18525011821474344.htm

ThanhNien Logo

Hello Mình là Cải

Theo dõi
Thông báo của
0 Góp ý
Mới nhất
Cũ nhất Được bỏ phiếu nhiều nhất
Phản hồi nội tuyến
Xem tất cả bình luận

Tin Nóng Hôm Nay