(PLO)- Sau chức vô địch AFF cup 2024, giấc mơ bóng đá Việt Nam vươn tầm châu lục không phải là điều xa vời, nhưng để tiến xa hơn và sánh ngang với những nền bóng đá hàng đầu như Nhật Bản, Hàn Quốc luôn cần một chiến lược toàn diện và bền vững.
Chiến thắng tại giải Đông Nam Á của thầy trò HLV Kim Sang-sik như tia lửa nhỏ khơi lại giấc mơ tiến xa hơn tầm châu Á và thế giới. Để hiện thực hóa tham vọng lớn lao này, bóng đá Việt Nam cần một cuộc cách mạng toàn diện.
Và muốn đạt mục tiêu, các nhà làm bóng đá Việt Nam cần có sự đầu tư dài hạn và cải cách đồng bộ các giải đấu, phát triển cầu thủ trẻ đến nâng cấp cơ sở hạ tầng.
Đường băng để cất cánh
Dù đăng quang AFF Cup 2024 mang đến niềm hy vọng lớn, bóng đá Việt Nam vẫn cần nhìn nhận rõ những hạn chế. Hệ thống cơ sở vật chất còn chưa đạt tiêu chuẩn hoàn hảo. Tài chính đầu tư cho bóng đá vẫn thiếu ổn định, dẫn đến nhiều đội bóng nợ lương và giải thể. Nếu không có dòng tiền bền vững từ các nhà đầu tư, mọi kế hoạch dài hạn đều trở nên mong manh.
Hơn nữa, việc phát triển bóng đá không chỉ là trách nhiệm của VFF hay các ông bầu lớn như bầu Hiển, bầu Đức,… Các địa phương và doanh nghiệp cần chung tay để xây dựng một nền bóng đá mạnh mẽ, từ đào tạo trẻ đến cải thiện cơ sở vật chất.
Tương lai bóng đá Việt Nam cần có một đường băng vững chắc, chỉ khi mọi yếu tố từ tài chính, đào tạo, cơ sở vật chất đến chiến lược đều được đồng bộ hóa, mới có thể “cất cánh” mạnh mẽ. AFF Cup 2024 chỉ là một cột mốc. Hành trình chinh phục châu lục và thế giới đòi hỏi sự kiên trì, đoàn kết và chiến lược dài hạn. Để giấc mơ trở thành hiện thực, bóng đá Việt Nam cần một đường băng rộng và đủ chắc chắn để bứt phá.
Hơn thế nữa, việc nâng cao chất lượng giải V-League, cải thiện hệ thống đào tạo trẻ tại các học viện, trung tâm bóng đá và CLB, cũng như tạo điều kiện cho cầu thủ xuất ngoại thi đấu ở môi trường chuyên nghiệp hơn, là những bước đi cần thiết. Đây không chỉ là thách thức của riêng VFF hay HLV Kim Sang-sik, mà còn là nhiệm vụ của cả một hệ thống bóng đá quốc gia, từ quản lý đến người hâm mộ.
Chặng đường đến World Cup, trước mắt là mùa 2030 chắc chắn sẽ không dễ dàng, nhưng với tầm nhìn đúng đắn, sự quyết tâm và đoàn kết, bóng đá Việt Nam hoàn toàn có thể mơ về một ngày góp mặt trên sân khấu lớn nhất thế giới. Tương lai của bóng đá nước nhà nằm trong chính những bước đi được thực hiện ngay từ hôm nay.
Bài toán cầu thủ nhập tịch và xuất ngoại chơi bóng
Trường hợp của Nguyễn Xuân Son, cầu thủ Brazil nhập tịch Việt Nam nổi bật tại AFF Cup 2024, là minh chứng rõ nét cho giá trị mà các tài năng nhập tịch có thể mang lại. Son đã giúp đội tuyển nâng cao sức mạnh đáng kể, nhưng để đưa thêm các tài năng khác vào đội tuyển quốc gia, không chỉ cần hoàn tất thủ tục pháp lý mà còn phải vượt qua những quan niệm cũ.
HLV Kim Sang-sik đã từng nói về vấn đề này, tương đồng với VFF nhấn mạnh có thể tiếp tục nhập tịch một cách khôn ngoan và có chọn lọc. Ngược lại, nếu quá phụ thuộc vào lực lượng này, bóng đá Việt Nam có nguy cơ bỏ qua nhiệm vụ quan trọng nhất: phát triển nguồn cầu thủ trẻ trong nước. Đó không chỉ là câu chuyện về một vài mùa giải, mà chính là nền tảng cho tương lai dài hạn.
Chiến dịch vòng loại Asian Cup 2027 đang chờ đợi đội tuyển Việt Nam với những thử thách không nhỏ. Malaysia tăng cường nhập tịch mạnh mẽ, chính là đối thủ cạnh tranh trực tiếp. Trong bối cảnh Nguyễn Xuân Sơn khó hồi phục kịp thời sau chấn thương, HLV Kim Sang-sik sẽ phải đối mặt với bài toán nhân sự khó giải.
Bên cạnh các giải pháp ngắn hạn, bóng đá Việt Nam cần tập trung xây dựng chiều sâu đội hình. Các lò đào tạo như Hà Nội, HA Gia Lai hay SL Nghệ An, Viettel, PVF… đã cho thấy hiệu quả, nhưng vẫn chưa đủ để đáp ứng nhu cầu phát triển. Các CLB cần nghiêm túc đầu tư vào hệ thống đào tạo trẻ, xây dựng lực lượng từ U-15 đến U-21, để đảm bảo sự kế thừa lâu dài.
Không thể phủ nhận rằng cầu thủ Việt kiều như Đặng Văn Lâm hay Nguyễn Filip đã góp phần không nhỏ vào thành công của đội tuyển. Những cầu thủ này mang lại kinh nghiệm quốc tế và tinh thần chuyên nghiệp, điều mà bóng đá Việt Nam đang rất cần. Với cách tiếp cận hợp lý, đây là nguồn lực quý giá trong việc nâng tầm đội tuyển.
Bên cạnh đó, việc đưa cầu thủ Việt Nam ra nước ngoài cũng là một mục tiêu cần được đẩy mạnh. Công Phượng, Quang Hải hay Văn Hậu từng gặp khó khăn khi thi đấu ở nước ngoài, nhưng giá trị thực sự không nằm ở số lần ra sân, mà chính là những bài học họ mang về: sự thích nghi, tính chuyên nghiệp và kỷ luật trong môi trường bóng đá hiện đại. Các CLB cần tích cực quảng bá, hợp tác quốc tế và trang bị hành trang cần thiết để cầu thủ Việt Nam tự tin chinh phục các sân chơi lớn.
Nguồn: https://plo.vn/bong-da-viet-nam-va-hanh-trinh-vuon-tam-chau-luc-post830861.html