Chúng ta gắn kết với nhau bằng một số phận duy nhất và một vận mệnh chung. Chúng ta cùng vươn lên. Hoặc chúng ta sụp đổ. Tôi tham gia tranh cử Tổng thống cho toàn bộ nước Mỹ, chứ không phải cho một nửa nước Mỹ, đó không phải chiến thắng khi thắng cử chỉ vì một nửa nước Mỹ.
– Ông Donald Trump phát biểu chấp nhận đề cử làm ứng viên đại diện đảng Cộng hòa ngày 18/7/2024
Khi được hỏi về bí quyết thắng cử, ông Trump cho rằng người dân Mỹ khao khát một cuộc sống tốt đẹp, với chi phí sinh hoạt hợp lý và an ninh được bảo đảm hơn. Xuyên suốt 3 lần tranh cử của ông Trump là sự cam kết bảo đảm lợi ích của người dân và nước Mỹ hàng đầu.
Tổng thống đắc cử Donald Trump khẳng định sẽ tiếp tục các hoạt động kinh tế thương mại xoay quanh ba mục tiêu lớn là đưa sản xuất trở lại nước Mỹ, tạo thêm việc làm cho người lao động Mỹ và giảm thâm hụt thương mại cho nền kinh tế lớn nhất thế giới. Các đề xuất chính sách trong chiến dịch tranh cử cho thấy ông có thể tăng thuế nhập khẩu để bảo vệ các nhà sản xuất trong nước, song song với giảm thuế cho doanh nghiệp và người dân, và thực hiện chính sách nhập cư cứng rắn hơn.
Vị Tổng thống đắc cử khẳng định kiểm soát biên giới và vấn đề năng lượng sẽ là ưu tiên hàng đầu ngay khi nhậm chức lần thứ hai. Ông Trump nhấn mạnh sẽ sử dụng quân đội và lực lượng Vệ binh Quốc gia trong trường hợp cần thiết để ngăn chặn “cuộc xâm lược” của người di cư từ 182 quốc gia, đồng thời đe dọa áp thuế nặng với các nước không nhận lại công dân bị trục xuất. Ông cũng nhắc lại kế hoạch thúc đẩy hoạt động khoan dầu trong nước và giảm thuế doanh nghiệp đối với các sản phẩm do Mỹ sản xuất.
Trở lại Nhà trắng, ông Trump cho thấy kế hoạch gây thêm sức ép lên các nước có thặng dư thương mại lớn với Mỹ nhằm tái cân bằng các mối quan hệ thương mại; đàm phán lại các thỏa thuận thương mại, trong đó có Hiệp định thương mại rất quan trọng với Mỹ là Hiệp định Mỹ-Mexico-Canada (USMCA). Tại các cơ chế đa phương, Tổ chức Thương mại thế giới (WTO) hay Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO), Mỹ có thể đưa ra các biện pháp nhằm gây sức ép lên các quốc gia thành viên, thúc đẩy cải tổ.
Bảo vệ kế hoạch áp thuế đối với nhiều mặt hàng nhập khẩu vào Mỹ, ông Trump khẳng định rằng thuế quan có thể tiếp tục làm cho nước Mỹ giàu có, với dẫn chứng không có lạm phát trong nhiệm kỳ đầu tiên của mình năm 2016, thời điểm ông đã áp thuế đối với thép và một số mặt hàng khác. Việc Mỹ tăng từ 10% đến 60% thuế nhập khẩu có nguy cơ làm gia tăng căng thẳng thương mại với các nước, đồng thời có thể kéo chậm đà tăng trưởng kinh tế và thương mại toàn cầu.
Trên trường quốc tế, ông Trump thậm chí ám chỉ rằng ông nghiêm túc về việc mở rộng lãnh thổ Mỹ khiến không ít các quốc gia bày tỏ lo ngại và phản đối. Đưa ra nhận định việc mua lại Greenland hay giành lại quyền kiểm soát Kênh đào Panama là vì lợi ích an ninh quốc gia của Mỹ, song ông từ chối loại trừ khả năng sử dụng vũ lực quân sự hoặc áp lực kinh tế để đạt được cả hai mục tiêu. Có lúc, ông gọi biên giới với Canada là “ranh giới được vẽ nhân tạo” và bảy tỏ quan điểm rằng sẽ tốt hơn nếu Canada từ bỏ chủ quyền và trở thành một phần của Mỹ, những tuyên bố nhanh chóng khiến Chính quyền Ottawa nổi giận.
Liên quan các điểm nóng xung đột trên thế giới, ông Trump cam kết sẽ đàm phán để đạt được thỏa thuận hòa bình bền vững tại Ukraine; tỏ ra lạc quan về khả năng giải quyết xung đột ở Trung Đông; đồng thời cũng cảnh báo, với Iran “mọi tình huống đều có thể xảy ra”.
Nguồn: https://nhandan.vn/donald-trump-tong-thong-hoa-ky-thu-47-post856866.html