Một người muốn sống tốt cuộc đời của mình, nhất định phải luôn tỉnh táo, thực sự hiểu được điều gì là nên làm và điều gì là không nên. Chỉ khi trong lòng có chừng mực, bạn mới không dễ đi sai đường.
Khi bạn quyết định làm một việc gì đó, hãy có tiêu chuẩn để cân nhắc có nên làm hay không. Mối quan hệ có thân thiết đến đâu cũng đừng bao giờ làm thay người khác 3 việc này:
1. Đừng bao giờ dễ dàng đứng ra bảo lãnh cho người khác
Ban đầu, việc đó chẳng liên quan gì đến bạn nhưng vì bạn chủ động tham gia vào thì những hậu quả xấu xảy ra cũng sẽ liên quan trực tiếp đến bạn. Chính vì vậy, dù cho người đó có thân thiết với bạn đến đâu hay cả hai quen biết nhau bao lâu đi nữa, một khi họ nhờ bạn đứng ra bảo lãnh, đừng bao giờ dễ dàng đồng ý, cho dù họ hứa hẹn cho bạn nhiều lợi ích đến đâu.
Bạn cần hiểu rõ logic đằng sau vấn đề này: Trong cuộc sống hiện tại, uy tín của mỗi người đều rất quý giá. Nếu một người phải nhờ đến uy tín của người khác để thực hiện một việc gì đó, điều đó chứng tỏ uy tín của họ đã có vấn đề, không đủ để khiến nhiều người tin tưởng. Nếu lúc này bạn cố tình xen vào, dùng tài sản, uy tín hoặc những thứ khác của mình để giúp đỡ, thì một khi người đó gặp vấn đề, đồng nghĩa với việc bạn cũng gặp vấn đề.
Đừng vì nể nang, vì mối quan hệ mà ngại từ chối. Nếu họ tìm được người khác, họ sẽ không đến nhờ bạn.
Suy cho cùng, bạn không thể nắm bắt đầy đủ những mối quan hệ phức tạp đằng sau người đó. Một khi dính líu vào, bạn sẽ rất khó thoát ra được. Đừng ngại từ chối. Khi bạn tạo cơ hội cho người khác, điều đó đồng nghĩa với việc bạn đang tăng thêm rủi ro mắc sai lầm cho bản thân mình.
2. Đừng thay người khác đưa ra những quyết định quan trọng trong cuộc đời
Mỗi người đều là duy nhất và có con đường riêng của mình. Chính vì vậy, khi ai đó nhờ giúp đỡ, bạn có thể hỗ trợ và đưa ra ý kiến của mình nhưng tuyệt đối đừng thay người khác đưa ra những quyết định quan trọng trong cuộc đời.
Bạn không nên can thiệp vào nhân quả của người khác mà nên để họ tự chịu trách nhiệm với cuộc đời. Đó mới là sự tôn trọng lớn nhất.
Có những người sẽ rơi vào bế tắc tạm thời hoặc không biết phải làm gì. Việc giúp đỡ thực sự là cung cấp cho họ một số gợi ý, giúp họ hiểu rõ hơn lựa chọn nào phù hợp với họ, không phải dùng sở thích của bản thân để quyết định họ nên rẽ trái hay rẽ phải.
Mối quan hệ có thân thiết đến đâu, chúng ta cũng không nên tước đoạt quyền lựa chọn của người khác, nếu không mối quan hệ sẽ càng trở nên tệ hơn. Ngay cả giữa cha mẹ và con cái, việc thay con đưa ra quyết định trong cuộc đời cũng dễ dẫn đến bất hòa. Với bạn bè thân thiết, bạn cho rằng mối quan hệ rất thân mật, nhất định phải khuyên người kia làm những gì bạn cho là đúng thì cuối cùng nếu họ không thích, họ sẽ đổ hết trách nhiệm lên đầu bạn.
Không thay người khác đưa ra quyết định là một sự khôn khéo trong giao tiếp. Nó cũng có nghĩa là bạn hiểu mỗi người đều có con đường riêng của mình, tốt hay xấu đều do chính họ quyết định.
Mở rộng hơn đến môi trường làm việc hoặc các mối quan hệ khác, việc tự ý thay người khác đưa ra quyết định rất dễ dẫn đến việc phải chịu trách nhiệm về những hậu quả sai lầm. Vì vậy, khi bạn không rõ ràng về nguồn gốc và diễn biến của một vấn đề, cũng không biết người đó đã trải qua những gì, đừng vội đưa ra kết luận. Bạn có thể đưa ra một số lời khuyên, nhưng cố sức để ai đó lựa chọn theo cách bạn muốn.
3. Đừng tùy tiện giúp người khác giải quyết chuyện gia đình
Có câu nói: “Thanh quan khó xử việc nhà”.
Mỗi nhà mỗi cảnh, mỗi gia đình đều có những khúc mắc riêng, chỉ người trong cuộc mới hiểu rõ nhất. Là người ngoài cuộc, nếu chỉ nghe một phía, bạn không thể nào nắm rõ toàn bộ sự thật, huống hồ một vấn đề, nhìn từ góc độ khác nhau sẽ có câu trả lời khác nhau. Nếu bạn nhiệt tình xen vào chuyện gia đình của người khác, có thể sẽ không giúp được gì mà còn phản tác dụng, càng thêm rắc rối.
Quan trọng hơn, vì bạn can thiệp quá sâu, dù giúp đỡ bên nào đi nữa, cuối cùng cũng sẽ làm mất lòng bên kia, khiến mối quan hệ trong gia đình họ càng trở nên tồi tệ. Cuối cùng, họ sẽ đổ lỗi cho bạn về sự bất hòa, cãi vã trong gia đình, thậm chí cả gia đình sẽ cùng chống lại bạn, coi bạn như “kẻ phá hoại” sự ổn định gia đình họ.
Chính vì vậy, đừng tùy tiện giúp người khác giải quyết chuyện gia đình. Bạn có thể lắng nghe, có thể đưa ra lời khuyên, nhưng đừng biến mình thành người hòa giải trong gia đình họ.
Bạn cần hiểu rằng, trong mọi chuyện gia đình, với tư cách người ngoài, những gì bạn nhìn thấy và nghe được chỉ là một phần rất nhỏ. Đằng sau đó thường ẩn chứa nhiều cảm xúc và những mối ràng buộc phức tạp. Nếu bạn nhiệt tình giúp đỡ, rất có thể sẽ “lợi bất cập hại”, khiến bản thân vướng vào những tranh cãi không đáng có.
Nhiều khi, lòng tốt không nhận được sự biết ơn, mà lại trở thành công cụ làm tổn thương chính bạn. Bạn cần phân biệt rõ ràng từng vấn đề cụ thể, đừng hành động vội vàng. Dám từ chối, sự nỗ lực của bạn mới được nhìn nhận và bạn mới có thể tỉnh táo bước đi trên con đường phía trước.
Không nóng vội, không nản lòng, giữ vững hy vọng, kiên trì từng ngày, chắc chắn sẽ có những điều bất ngờ đang chờ đón bạn.
Nguồn: https://eva.vn/eva-tam/quan-he-than-den-may-nguoi-khon-ngoan-cung-khong-lam-thay-nguoi-khac-3-viec-c66a622376.html