(PLO)- Trong 4 năm nhiệm kỳ, chính quyền Tổng thống Biden đã có nhiều dấu ấn chính sách được ghi nhận, nhưng di sản được đánh giá là thành công nhất của ông là thành công phủ sóng vaccine COVID-19 khi ông nhậm chức trong bối cảnh nước Mỹ đang bị đại dịch hoành hành với mức độ tàn khốc nhất thế giới.
Nhiệm kỳ tổng thống Mỹ của ông Joe Biden chính thức kết thúc vào ngày 20-1. Trong bốn năm làm lãnh đạo nước Mỹ, ông Biden không chỉ để lại di sản to lớn về đối ngoại, kinh tế, mà còn góp phần đáng kể cho sự phát triển của ngành khoa học, công nghệ nước này.
Theo trang tin The Conversation, di sản của Tổng thống Biden bao gồm những thay đổi về mặt cấu trúc, thể chế và thực tiễn đối với cách tiến hành khoa học. Dựa trên các phương pháp tiếp cận mới, chính quyền của ông đã nâng cao vị thế của khoa học ở Mỹ và thúc đẩy sự tham gia của cả cộng đồng vào quá trình phát triển khoa học.
Thành công phủ sóng vaccine phòng COVID-19
Tháng 1-2021, ông Biden nhậm chức tổng thống Mỹ trong bối cảnh đại dịch COVID-19 đang hoành hành mạnh ở Mỹ, với hơn 24 triệu ca mắc và hơn 400.000 ca tử vong tại Mỹ được ghi nhận vào thời điểm đó. Sau khi nhậm chức, Tổng thống Biden nhanh chóng công bố kế hoạch tiêm chủng cho 100 triệu người Mỹ trong ba tháng.
Đến cuối tháng 4-2021, 145 triệu người Mỹ – gần một nửa dân số Mỹ – đã được tiêm một liều vaccine và 103 triệu người được coi là đã được tiêm vaccine đầy đủ. Các nhà hoạch định chính sách khoa học và công nghệ đã ca ngợi sự phối hợp này giữa khoa học, doanh nghiệp và chính phủ Mỹ để giải quyết một cuộc khủng hoảng y tế chưa từng có tiền lệ.
Để có thể kiểm soát đại dịch COVID-19 tại Mỹ, chính quyền Tổng thống Biden đã thực hiện một quy trình bài bản.
Đầu tiên, Tổng thống Biden đã dồn toàn bộ sức lực của chính quyền vào việc sản xuất và phân phối vaccine. Trước khi rời Nhà Trắng trao lại quyền lực cho ông Biden vào tháng 1-2017, Tổng thống Donald Trump đã cho triển khai đợt tiêm chủng, nhưng khi ấy kế hoạch tiêm chủng vẫn chưa được triển khai trên toàn quốc. Khi ông Biden nhậm chức, chỉ có khoảng 5% người Mỹ được tiêm vaccine.
Chính quyền Tổng thống Biden đã hợp tác với các chuỗi bán lẻ tư nhân để xây dựng kho lạnh và khả năng phân phối vaccine. Để đảm bảo nguồn cung vaccine đầy đủ, chính phủ Mỹ đã nỗ lực hỗ trợ các nhà sản xuất dược phẩm lớn. Trong suốt thời gian đó, đội ngũ của ông Biden đã tiến hành một chiến dịch truyền thông để thông tin, giáo dục và thúc đẩy người dân Mỹ đi tiêm vaccine.
Trong vòng 10 tuần đầu tiên của nhiệm kỳ tổng thống ông Biden, 1/3 dân số Mỹ đã được tiêm ít nhất một liều vaccine. Đến cuối năm 2021, 70% người dân Mỹ đã được tiêm ít nhất 1 liều. Việc tiêm chủng mở đường cho việc dỡ bỏ các lệnh cấm, mở cửa lại trường học và thúc đẩy hoạt động kinh doanh dần trở lại bình thường.
Theo The Conversation, một nghiên cứu sau đó phát hiện ra rằng chương trình tiêm chủng của ông Biden đã ngăn ngừa được hơn 3,2 triệu ca tử vong và 18,5 triệu ca nhập viện ở Mỹ, đồng thời tiết kiệm được 1.150 tỉ USD từ chi phí y tế và thất thoát kinh tế.
Nâng cao vị thế của khoa học trong chính phủ
Mỹ không có cơ quan cấp nội các phụ trách khoa học và công nghệ. Các cơ quan và văn phòng trên toàn nhánh hành pháp của Mỹ nghiên cứu khoa học tại một số phòng thí nghiệm quốc gia và tài trợ cho nghiên cứu của các tổ chức khác. Bằng cách nâng Văn phòng Chính sách Khoa học và Công nghệ của Nhà Trắng lên thành tổ chức cấp nội các, Tổng thống Biden đã trao cho cơ quan này quyền lực lớn hơn trong việc ra quyết định cấp của liên bang.
Được thành lập chính thức vào năm 1976, Văn phòng Chính sách Khoa học và Công nghệ cung cấp cho tổng thống và các nhân viên cấp cao lời khuyên về khoa học và kỹ thuật, đưa khoa học vào các chính sách của chính phủ. Việc Tổng thống Biden đưa giám đốc của cơ quan này vào nội các là bằng chứng về vai trò ngày càng cao của khoa học và công nghệ trong các giải pháp của chính quyền Mỹ đối với những thách thức lớn của xã hội.
Dưới thời Tổng thống Biden, Văn phòng Chính sách Khoa học và Công nghệ đã thiết lập các hướng dẫn buộc các cơ quan trên toàn chính phủ tuân theo khi họ thực hiện các luật quan trọng. Điều này bao gồm phát triển các công nghệ loại bỏ carbon dioxide (CO2) khỏi khí quyển để giải quyết vấn đề biến đổi khí hậu, xây dựng lại ngành công nghiệp sản xuất chip của Mỹ và quản lý việc triển khai các công nghệ trí tuệ nhân tạo (AI).
Văn phòng Chính sách Khoa học và Công nghệ cũng giới thiệu những cách mới để các cơ quan tham vấn với cộng đồng, bao gồm người bản địa, người Mỹ nông thôn và người da màu. Điển hình, cơ quan này đã ban hành hướng dẫn trên toàn chính phủ để công nhận và đưa kiến thức của người bản địa vào các chương trình liên bang. Các cơ quan như Bộ Năng lượng đã kết hợp quan điểm của người dân trong việc triển khai các công nghệ loại bỏ carbon dioxide trong khí quyển và xây dựng các trung tâm sản xuất hydrogen mới.
Đẩy mạnh nghiên cứu lấy cảm hứng từ nhu cầu sử dụng
Việc những kết quả nghiên cứu thường không được áp dụng trực tiếp vào xã hội đã khiến nhiều người không hài lòng. Nhận thấy vấn đề này, chính quyền Tổng thống Biden đã thành lập ban giám đốc công nghệ, đổi mới và quan hệ đối tác tại Quỹ Khoa học Quốc gia vào tháng 3-2022.
Ban giám đốc này sử dụng các phương pháp khoa học xã hội để giúp có thể tìm ra các nghiên cứu cần thiết cho xã hội. Điều này giúp các kỹ sư phát triển công nghệ năng lượng trong tương lai có thể tham khảo nhu cầu của người dân trước khi triển khai dự án, thay vì đưa ra giải pháp của họ dựa trên kết quả làm việc trong phòng thí nghiệm.
Về cơ bản, nghiên cứu “lấy cảm hứng từ nhu cầu sử dụng” nhằm mục đích kết nối các nhà khoa học và kỹ sư với người dân và cộng đồng, vượt ra khỏi phòng thí nghiệm và các bài nghiên cứu trên giấy tờ.
Nguồn: https://plo.vn/dau-la-di-san-lon-nhat-cua-tong-thong-biden-post830803.html