Tham vọng vẽ lại bản đồ Tây bán cầu
Trong cuộc họp báo kéo dài hàng giờ đầu tuần này, Tổng thống đắc cử Mỹ Donald Trump đã hé lộ về “bình minh thời kỳ hoàng kim của nước Mỹ”.
Kế hoạch đó bao gồm mua lại đảo Greenland từ Đan Mạch, giành lại quyền kiểm soát kênh đào Panama, biến Canada thành bang thứ 51 của Mỹ, đổi tên Vịnh Mexico thành Vịnh Mỹ.
Hiện chưa rõ mức độ nghiêm túc của Tổng thống đắc cử Mỹ trong việc theo đuổi bất kỳ ý tưởng cụ thể nào trong số này. Với ông Trump, các đề xuất chính sách nghiêm túc và những lời hùng biện nhằm thu hút sự chú ý của giới truyền thông không phải lúc nào cũng phân biệt rõ ràng. Tuy nhiên việc ông liên tục đề cập đến quyền kiểm soát Greenland, Panama và Canada cho thấy đó chắc chắn không chỉ là ý tưởng thoáng qua.
Đây không phải lần đầu tiên một tổng thống Mỹ có ý định mua hay sáp nhập một vùng lãnh thổ vào Mỹ.
Lịch sử cho thấy Mỹ từng thực hiện các thương vụ mở rộng lãnh thổ, Mỹ mua lại quần đảo Virgin từ Đan Mạch vào năm 1917 với giá 25 triệu USD sau nhiều thập niên thương lượng. Năm 1959, 2 vùng lãnh thổ gồm Alaska và Hawaii trở thành tiểu bang thứ 49 và thứ 50 của Mỹ dưới thời Tổng thống Đảng Cộng hòa Dwight Eisenhower.
Đối với Greenland, Mỹ tìm cách mua lại hòn đảo này từ năm 1846. Tổng thống Mỹ Harry Truman từng đặt vấn đề mua lại Greenland vào năm 1946 với số vàng giá trị 100 triệu USD. Chính ông Trump trong nhiệm kỳ đầu cũng đưa ra đề nghị cho Đan Mạch về việc mua lại Greenland vào năm 2019.
Tuy nhiên, đề nghị đã bị từ chối thẳng thừng. Thủ tướng Đan Mạch lúc đó, bà Mette Frederiksen, tuyên bố rõ: “Greenland không phải để bán”. Ông Trump đã hủy chuyến thăm Đan Mạch ngay sau lời từ chối của Copenhagen.
Lời từ chối không khiến ông từ bỏ ý định. Ông khơi lại đề xuất mua Greenland và giải thích quyền sở hữu của Mỹ đối với Greenland “là một điều tuyệt đối cần thiết”. Câu trả lời ông nhận lại vẫn là: “Greenland sẽ không bao giờ được bán”. Chính phủ Đan Mạch cũng đã công bố một gói ngân sách mới để tăng cường an ninh cho hòn đảo tại Bắc Cực này.
Với kênh đào Panama, lịch sử liên hệ giữa kênh đào này và nước Mỹ còn phức tạp hơn nữa. Mỹ xây dựng và hoàn thiện kênh đào vào năm 1914. Con kênh củng cố vị thế của Mỹ như một siêu cường kỹ thuật và công nghệ.
Đáng nói, mối quan hệ giữa Mỹ và Panama dần dần rạn nứt vì những bất đồng về quyền kiểm soát kênh đào, việc đối xử với công nhân Panama và sở hữu chung kênh đào. Những căng thẳng đó lên đến đỉnh điểm vào năm 1964, khi các cuộc bạo loạn chống Mỹ dẫn đến thương vong trong khu vực kênh đào và khiến 2 nước cắt đứt quan hệ ngoại giao trong thời gian ngắn.
Nhiều năm đàm phán đã cho ra đời 2 hiệp ước dưới thời chính quyền Tổng thống Jimmy Carter, trong đó tuyên bố kênh đào trung lập và mở cửa cho tất cả các tàu thuyền. Thỏa thuận cũng quy định quyền kiểm soát chung của Mỹ và Panama đối với kênh đào cho đến cuối năm 1999, khi Panama được trao toàn quyền kiểm soát.
Không phải ai cũng ủng hộ kế hoạch của cố Tổng thống Carter. Trong một bài phát biểu năm 1976, ứng cử viên tổng thống khi đó là Ronald Reagan nói rằng “người dân Mỹ là chủ sở hữu hợp pháp của kênh đào”.
Tổng thống đắc cử Donald Trump đang tỏ rõ mong muốn Washington giành lại quyền kiểm soát kênh đào Panama. Ông lập luận chính quyền Panama đang áp mức phí “cắt cổ” đối với tàu Mỹ qua kênh đào. Ông Trump cũng bày tỏ lo ngại về tầm ảnh hưởng ngày càng tăng của Trung Quốc đối với kênh đào chiến lược này.
Dù rất mong chờ được làm việc với chính quyền ông Trump, nhưng Tổng thống Panama Jose Raul Mulino đã thẳng thừng bác bỏ giao lại quyền quản lý kênh đào cho Mỹ, cũng như phủ nhận tầm ảnh hưởng của Trung Quốc. Ông Mulino đã đăng một tuyên bố dài bằng tiếng Tây Ban Nha và tiếng Anh trên mạng xã hội tuyên bố quyền sở hữu kênh đào là “không thể thương lượng”.
Còn đối với Canada, đây là lần đầu tiên ông Donald Trump đề cập đến việc sáp nhập quốc gia này vào Mỹ. Tuy vậy, nguyên nhân dẫn tới lời đề nghị này của ông Trump, vấn đề thương mại giữa hai nước, đã tồn tại từ nhiệm kỳ thứ nhất của ông.
Ông Trump đã sử dụng biện pháp thuế quan vào năm 2018 trong các cuộc đàm phán xây dựng Hiệp định Canada – Mỹ – Mexico (CUSMA). Ông áp thuế đối với thép và nhôm, đe dọa đánh thuế đối với xuất khẩu ô tô, hơn nữa còn gọi Thủ tướng Canada Justin Trudeau là “không trung thực và yếu đuối”.
Trong cuộc gặp tháng trước tại dinh thự ở Mar-a-Lago, ông Trump gọi đùa ông Trudeau là “thống đốc Canada” và đề cập đến ý tưởng biến Canada trở thành bang thứ 51 của Mỹ.
Tại cuộc họp báo hôm 7/1, ông tuyên bố sẵn sàng dùng sức mạnh kinh tế để “sáp nhập” Canada vào Mỹ.
Sức hấp dẫn của Greenland, kênh đào Panama và lời đe dọa của ông Trump
Điều mà ông Trump đang nhắm tới là củng cố hơn nữa lợi ích của Mỹ ở 2 khu vực quan trọng trên thế giới, Panama và Greenland. Có một đặc điểm chung tạo ra mối liên kết giữa hai khu vực hoàn toàn tách biệt nhau này: mối lo ngại của Mỹ về Trung Quốc.
Ở cả Panama và Greenland, Trung Quốc đang cho thấy tầm ảnh hưởng lớn hơn. Do đó, ông Trump yêu cầu các biện pháp ngay lập tức để Mỹ bảo vệ lợi ích và tránh đứng sau Trung Quốc trong các lĩnh vực quan trọng như thương mại quốc tế, vận tải hàng hải, năng lượng và công nghiệp.
Theo truyền thông, 2 trong số 5 cảng hàng hóa của Panama đã chuyển sang quyền sở hữu của Hutchison Whampoa, một công ty được niêm yết trên Sở giao dịch chứng khoán Hong Kong và về cơ bản là lợi ích của Trung Quốc.
Hai cảng khác thuộc sở hữu của các công ty từ Singapore và Đài Loan. Trong số 5 cửa ngõ thương mại của Panama, Mỹ chỉ kiểm soát một. Như vậy, tầm quan trọng chiến lược của Panama nằm ở kênh đào Panama, một lối đi đóng vai trò đáng kể trong vận tải biển thế giới.
Trong khi đó, Greenland còn có tiềm năng lớn hơn. Thứ nhất, giá trị chiến lược của Greenland được liên kết chặt chẽ với các tuyến đường hàng hải mới ở Bắc Đại Tây Dương được mở ra do các chỏm băng ở vùng cực tan chảy. Các tuyến đường mới đã làm giảm đáng kể thời gian di chuyển thương mại hàng hải, thường bao gồm việc đi qua kênh đào Panama hoặc Suez để đi vòng quanh thế giới.
Theo ông Ulrik Pram Gad, nhà nghiên cứu viên cấp cao tại Viện Nghiên cứu Quốc tế Đan Mạch, với vị trí chiến lược ở Bắc Cực, Greenland được đánh giá có ý nghĩa quan trọng đối với an ninh của Mỹ để đối phó với các cuộc tấn công tiềm tàng từ Nga.
Đặc biệt, trong bối cảnh toàn cầu nóng lên, băng ở Bắc Cực ngày càng tan nhanh, Greenland càng trở nên quan trọng về mặt chiến lược đối với Washington khi Nga thúc đẩy khai thác Bắc Cực. Băng tan sẽ giúp mở thêm các tuyến hàng hải qua Greenland cho cả tàu hàng và tàu quân sự.
Ngoài ra, Greenland còn hấp dẫn bởi nguồn tài nguyên khoáng sản dồi dào. Một khảo sát năm 2023 cho thấy ngoài dầu mỏ và khí tự nhiên, hòn đảo này còn có 25 trong tổng số 34 loại khoáng sản quý hiếm rất thiết yếu đối với công nghiệp bán dẫn như than chì, lithium, niken, coban và đất hiếm.
Các nhà địa chất tin rằng Greenland là nơi tồn tại của 43 trong số 50 loại đất hiếm với trữ lượng khổng lồ. Những tài nguyên thiên nhiên này có giá trị để sản xuất pin cho xe điện, cũng như cho một loạt ứng dụng trong lĩnh vực công nghệ xanh. Do vậy, Greenland nổi lên như mục tiêu số một của Mỹ.
Giáo sư Klaus Dodds thuộc Đại học London cho rằng, các mỏ tài nguyên thiên nhiên phong phú của Greenland là điều hấp dẫn ông Trump hơn cả.
Trong mắt một doanh nhân như ông Trump, Greenland là khu vực có tầm quan trọng địa chiến lược tối cao, một cơ sở cho sự phát triển của mọi loại hoạt động, từ thương mại và vận chuyển hàng hóa đến việc khẳng định sức mạnh của Mỹ trong không gian. Cần nhớ rằng, Mỹ đã thỏa thuận với Đan Mạch để thành lập căn cứ không gian Pitufik (trước đây là căn cứ không quân Thule) ở Greenland.
Sức hấp dẫn của kênh đào Panama và đảo Greenland khiến việc ông Trump dọa sử dụng sức mạnh quân sự để Mỹ có quyền sở hữu các vùng này là hoàn toàn dễ hiểu.
Tuy nhiên, các nhà phân tích cho biết, việc Mỹ sử dụng vũ lực để giành quyền kiểm soát kênh đào Panama và hòn đảo Greenland trái ngược với quan điểm mà ông đưa ra trong chiến dịch tranh cử và ngay sau khi đắc cử là Mỹ sẽ chấm dứt mọi cuộc chiến.
Hơn nữa, điều này làm tổn hại đến lợi ích của Mỹ nhiều hơn là lợi ích của Trung Quốc. Đối với Bắc Kinh, cả 2 khu vực này đều có tầm quan trọng chiến lược vì chúng cung cấp khả năng tiếp cận các tuyến đường hàng hải trong thương mại toàn cầu và cho vận chuyển tài nguyên khoáng sản.
Trả lời báo Strait Times, Tiến sĩ Scott Kennedy thuộc Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế của Mỹ khẳng định: “Khả năng Mỹ sử dụng vũ lực ở Greenland hoặc Panama là bằng không. Đó chỉ là lời hùng biện thể hiện sự quan tâm của Mỹ đối với 2 lĩnh vực đó. Đây là mối quan tâm rất bình thường về khả năng tiếp cận khoáng sản, tuyến đường vận chuyển và tính tự cường.”
Nhiều nhà phân tích Trung Quốc nghĩ rằng ông Donald Trump sẽ tránh khả năng sử dụng sức mạnh quân sự.
“Hầu hết mọi người đều biết ông Trump là người đưa ra yêu sách trên trời khi bắt đầu đàm phán nhưng sẵn sàng giải quyết ở cấp độ cơ bản”, Giáo sư Cui Hongjian, một chuyên gia châu Âu tại Đại học Ngoại ngữ Bắc Kinh, cho biết.
Ông nghĩ rằng ông Trump có thể đạt được mục tiêu đảm bảo an ninh kinh tế của Mỹ ở Greenland bằng cách tiếp cận nhẹ nhàng hơn, chẳng hạn như khuyến khích hòn đảo yêu cầu quyền tự trị nhiều hơn từ Đan Mạch, điều này có thể để lại nhiều chỗ hơn cho ảnh hưởng của Mỹ.
Cũng theo giáo sư Cui, nếu áp dụng một cách tiếp cận mềm mỏng hơn, ông Trump sẽ khó có thể đáp ứng các lợi ích thương mại của Greenland, vốn là cơ sở để Greenland cho phép Trung Quốc đầu tư vào các mỏ của họ.
Đối với kênh đào Panama, sẽ rất khó để ông Trump hạn chế các tàu buôn Trung Quốc đi qua đây.
Một hiệp ước đã đảm bảo tính trung lập vĩnh viễn của kênh đào kể từ khi Mỹ bàn giao tuyến đường thủy cho Panama vào năm 1999. Kênh đào hiện nay cho phép khả năng tiếp cận công bằng cho tất cả các quốc gia và thu phí không phân biệt đối xử.
“Tôi không biết bất kỳ sáng kiến nào để thay đổi tình hình hiện tại”, Tiến sĩ Evan Ellis, giáo sư nghiên cứu về Mỹ Latinh tại Viện Nghiên cứu Chiến lược Đại học Chiến tranh Quân đội Mỹ, nói với Straits Times.
Theo các nhà phân tích, ông Trump có thể có nhiều cách để gây áp lực lên Panama và Đan Mạch, kể cả bằng sức mạnh quân sự, để họ cung cấp những gì ông muốn. Tuy nhiên, bất kỳ hành động nào để ép buộc các quốc gia trên bằng vũ lực sẽ có nguy cơ gây hiệu ứng ngược.
Người phát ngôn Ủy ban châu Âu Paula Pinho cảnh báo, một cuộc tấn công vào Greenland sẽ kích hoạt điều khoản hỗ trợ phòng thủ chung của EU theo Điều 42 trong hiệp ước của khối.
Một quan chức khác của Ủy ban nhấn mạnh: “Chủ quyền của các quốc gia cần phải được tôn trọng”.
Dù khó thành hiện thực, nhưng tham vọng của ông Trump sẽ có ảnh hưởng nhất định. Khả năng cao các đề xuất của Mỹ sẽ biến thành một chiến thuật thương lượng để giảm chi phí đi qua kênh đào Panama hoặc cho phép Mỹ tăng cường hiện diện quân sự ở Greenland.
Láng giềng đồng minh Canada đối mặt sức ép kinh tế
Trong khi không loại trừ dùng biện pháp quân sự để đạt được mục tiêu ở Greenland và Panama, ông Trump cho biết, ông sẽ dùng sức ép kinh tế để buộc Canada trở thành một bang của Mỹ.
“Tôi sẽ dùng sức mạnh kinh tế. Chúng ta sẽ xóa bỏ ranh giới tự nhiên. Điều này rất tốt cho an ninh quốc gia. Đừng quên rằng, về cơ bản chúng tôi đang bảo vệ Canada”, ông Trump nói.
Ông cũng viết trên mạng xã hội: “Nếu Canada sáp nhập vào Mỹ thì sẽ không còn thuế quan, trong khi nhiều mức thuế sẽ giảm mạnh. Đồng thời, Canada sẽ hoàn toàn an toàn trước mối đe dọa đến từ các tàu của một số quốc gia liên tục bao vây họ. Mỹ và Canada cùng nhau, đây sẽ là một đất nước vĩ đại”.
Xét đến Canada, vấn đề quan tâm chủ yếu của ông Trump có lẽ là thương mại và kiểm soát biên giới.
Canada là quốc gia láng giềng đồng minh láng giềng quan trọng của Mỹ và cũng là một trong những nơi tạo ra của cải lớn nhất của thế giới, với tốc độ vận chuyển hàng hóa qua lại qua biên giới Canada – Mỹ rất cao.
Không chỉ xuất khẩu điện, Canada còn là nhà cung cấp dầu mỏ lớn nhất của Mỹ với 4,6 triệu thùng/ngày. Canada cũng là nhà cung cấp một số nguyên liệu quan trọng cho Mỹ.
Kịch bản biến Canada thành bang thứ 51 có thể đem lại cho Washington những lợi ích kinh tế khổng lồ và giúp giảm thâm hụt thương mại mà ông Trump gọi là “khoản trợ cấp” 200 tỷ USD mỗi năm cho nước láng giềng.
Theo giới quan sát, Tổng thống đắc cử Trump đang cố gắng giành lợi thế trong các cuộc đàm phán thương mại. Ông Trump từng tuyên bố sẽ áp thuế quan 25% đối với hàng hóa có nguồn gốc từ Canada và Mexico. Đó là minh chứng cho cách tiếp cận của ông trong việc đàm phán với các nhà lãnh đạo nước ngoài.
Kết quả là lãnh đạo Canada và Mexico lập tức tìm kiếm một cuộc gặp gỡ với ông Trump để tái khẳng định cam kết hỗ trợ Mỹ về các vấn đề biên giới. Điều này giúp ông có thể tuyên bố đã đạt được một số thành công về đối ngoại trước cả khi nhậm chức. Ít nhất mối đe dọa về thuế quan sẽ khiến các quốc gia này nhượng bộ trong các thỏa thuận thương mại với Mỹ.
Những gì ông Trump đang đề nghị tới Panama, Đan Mạch hay Canada đều là vấn đề liên quan tới chủ quyền và lãnh thổ của các quốc gia này. Vì vậy, viễn cảnh mà Mỹ có thể sở hữu những vùng lãnh thổ này gần như bất khả thi.
Thay vào đó, những tuyên bố gần đây của ông Trump được cho là chủ yếu nhắm đến những lợi ích kinh tế, thương mại và an ninh, song cũng cho thấy tham vọng củng cố vai trò toàn cầu của Mỹ. Điều này có thể làm nức lòng những người ủng hộ ông, nhưng một số chuyên gia đối ngoại cho rằng chúng có thể khiến các quốc gia Mỹ Latinh xích lại gần Trung Quốc hơn.
Lợi ích về kinh tế và an ninh trong kế hoạch đầy tham vọng của ông Trump rất rõ ràng, nhưng ông có lẽ đủ khôn ngoan để cân nhắc đến cả những thách thức và rủi ro đằng sau.
Theo Straits Times, Rolling Stone, Axios, The Hil
Nguồn: https://dantri.com.vn/the-gioi/ong-trump-voi-tham-vong-ve-lai-ban-do-tay-ban-cau-20250112213810966.htm