Thứ năm, Tháng Một 23, 2025
HomeKinh DoanhTăng vốn tín dụng vào nền kinh tế

Tăng vốn tín dụng vào nền kinh tế

Dự kiến thêm 2,5 triệu tỉ đồng tín dụng

Ngày 30.12 vừa qua, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đã có văn bản gửi các NH thông báo công khai, minh bạch về nguyên tắc giao tăng trưởng tín dụng năm 2025 để các NH chủ động triển khai thực hiện. Theo đó, cơ quan này dự kiến tăng trưởng tín dụng toàn hệ thống năm 2025 là khoảng 16%, tăng thêm khoảng 1% so với kế hoạch năm trước. Mức giao chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng của NH căn cứ kết quả chấm điểm xếp hạng năm 2023 theo quy định tại Thông tư 52/2018 (đã được sửa đổi, bổ sung) nhân với hệ số áp dụng chung cho các NH.

Tăng vốn tín dụng vào nền kinh tế- Ảnh 1.

Tăng trưởng tín dụng năm 2025 dự kiến khoảng 16%

Mặc dù chưa có con số tăng trưởng tín dụng năm 2024 nhưng ông Đào Minh Tú, Phó thống đốc NHNN, khẳng định tăng trưởng tín dụng năm 2024 hoàn toàn có thể đạt được mức 15%. Với mức tăng trưởng này, hệ thống NH đã bơm ra nền kinh tế khoảng 2,035 triệu tỉ đồng, dư nợ tín dụng đạt 15,6 triệu tỉ đồng vào cuối năm. Với tỷ lệ tăng trưởng tín dụng năm 2025 khoảng 16%, các nhà băng sẽ tăng thêm lượng tiền cho vay gần 2,5 triệu tỉ đồng, lên 18,099 triệu tỉ đồng.

Nhìn lại có thể thấy tốc độ tăng trưởng tín dụng trong 3 năm trở lại đây luôn tăng, năm sau cao hơn năm trước. PGS-TS Nguyễn Hữu Huân (ĐH Kinh tế TP.HCM) cho rằng để đạt được mức tăng trưởng 7% thì tăng trưởng tín dụng khoảng 16% là hợp lý. Dù vậy, theo ông Huân, đây là mức tăng cao nhưng vốn tín dụng nhiều hay ít cũng chưa quan trọng bằng chất lượng tín dụng như thế nào. “Tín dụng chảy vào thị trường bất động sản đầu cơ thì tăng trưởng kinh tế sẽ tăng nhanh nhưng không được bền vững. Điều này trên thực tế đã được chứng minh trong nhiều năm trước. Vì thế, việc tăng trưởng tín dụng phải đi kèm với quản lý chất lượng, không để xảy ra nợ xấu”, ông Huân nêu quan điểm.

Tín dụng chảy vào thị trường bất động sản đầu cơ thì tăng trưởng kinh tế sẽ tăng nhanh nhưng không được bền vững. Điều này trên thực tế đã được chứng minh trong nhiều năm trước. Vì thế, việc tăng trưởng tín dụng phải đi kèm với quản lý chất lượng, không để xảy ra nợ xấu.

PGS-TS Nguyễn Hữu Huân (ĐH Kinh tế TP.HCM)

Cũng theo chuyên gia này, chất lượng tín dụng đã được cải thiện hơn. Trước đây, cứ 1 đồng tăng trưởng thì có 3 đồng tín dụng nhưng nay đã thay đổi. Tăng trưởng kinh tế năm 2024 ở mức 7%, tăng trưởng tín dụng 15%, như vậy 2,5 đồng vốn tạo ra 1 đồng tăng trưởng. Bên cạnh đó, dòng vốn được nắn vào hoạt động sản xuất kinh doanh. Tương tự, chuyên gia tài chính Nguyễn Trí Hiếu cho rằng giữa GDP và tăng trưởng tín dụng có sự tương quan với nhau, để tăng trưởng kinh tế thì nguồn vốn cho nền kinh tế cũng được cung ứng tốt hơn. Vì thế, mức tăng trưởng tín dụng năm nay dự kiến cao hơn năm 2024 cũng là phù hợp khi tăng trưởng kinh tế năm nay và những năm sau dự báo cao hơn.

Ở góc độ các NH, ngay sau khi tiếp nhận thông tin tăng trưởng tín dụng, họ sẽ phải tính toán mức tăng trưởng tín dụng dựa vào một số yếu tố như vốn, chất lượng tài sản, quản trị điều hành, kết quả hoạt động kinh doanh, khả năng thanh khoản, mức độ nhạy cảm với rủi ro thị trường. Chính vì vậy, cần chờ thêm vài ngày nữa để có thể rõ nhất mức tăng tín dụng trong năm 2025 của mỗi nhà băng. Ngoài việc xác định tăng trưởng tín dụng theo công thức này, một số NH trong năm 2024 còn được cấp tín dụng khi đã tăng trưởng hạn mức cao. Do đó, để có mức tăng trưởng tín dụng cao hơn thì NH phải đảm bảo tốt các chỉ tiêu, tín dụng tăng trưởng nhanh.

Tiến tới bỏ trần tín dụng

Đặc biệt, NHNN thông tin tiếp tục triển khai lộ trình hạn chế và tiến tới xóa bỏ việc điều hành phân bổ chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng cho từng NH. Đây là vấn đề mà thị trường đã chờ đợi rất lâu, nhất là có năm việc chờ đợi chỉ tiêu tín dụng khiến nghẽn vốn chảy vào sản xuất. Tuy nhiên, chuyên gia Nguyễn Trí Hiếu cho rằng thời điểm này cũng chưa thực hiện ngay được bởi liên quan đến vấn đề kiểm soát lạm phát. Nguồn vốn ra thị trường như thế nào cần được định hướng rõ. Dù vậy, việc cấp hạn mức tín dụng cho từng NH thì nên bỏ để các NH tùy vào “sức khỏe” của mình như thế nào, có nguồn vốn để cho vay hay không, có “đủ sức khỏe” khi cho vay hay không… chứ không nên quản lý một cách cơ học. 

“NHNN có thể quản lý các NH thông qua những chỉ số như hệ số an toàn vốn tối thiểu (CAR), tỷ lệ dư tín dụng trên số vốn huy động (LDR), tỷ lệ vốn ngắn hạn cho vay trung dài hạn 30%, kiểm soát tỷ lệ nợ xấu… Đối với những NH có chỉ số tốt, quản trị rủi ro tốt thì cũng không nhất thiết áp dụng hạn mức tín dụng. Các nhà băng này có thể tăng trưởng tín dụng 20%, miễn sao đảm bảo được các chỉ tiêu đề ra”, ông Hiếu đề xuất.

Ông Nguyễn Hữu Huân cũng ủng hộ bỏ hạn mức tín dụng từng năm cho NH để các nhà băng chủ động trong kinh doanh. Trong năm 2024, NHNN đã chủ động cấp hạn mức toàn bộ từ đầu năm và 2 lần thực hiện điều chỉnh cho những NH có tăng trưởng tín dụng tốt. Việc cấp hạn mức là giải pháp hành chính không thể áp dụng quá lâu. Cũng như chuyên gia Nguyễn Trí Hiếu, PGS-TS Nguyễn Hữu Huân nhận định cần phải xem xét, lựa chọn thời điểm bỏ cấp hạn mức tín dụng cho NH để còn kiểm soát vấn đề lạm phát. 

“Các NH trung ương đều điều tiết qua thị trường mở; tỷ lệ dự trữ bắt buộc; cửa sổ chiết khấu (là một công cụ cho vay của các NH trung ương nhằm giúp NH thương mại giải quyết nhu cầu thanh khoản trong ngắn hạn). Thời điểm bỏ cấp hạn mức tín dụng là lúc các công cụ này được sử dụng và phát huy hiệu quả. Nếu không sẽ xảy ra tình trạng NHNN bơm hút tiền ra vào thị trường không tính đến độ trễ sẽ dẫn đến thiếu thanh khoản, lãi suất tăng. Thêm vào đó, tăng trưởng tín dụng nhanh, lên 50% như những năm trước đây tác động đến lạm phát. Lúc này, một biện pháp hành chính khác được ban hành sẽ tạo ra tiền lệ không tốt cho thị trường”, ông Nguyễn Hữu Huân khuyến cáo.

Theo NHNN, trong năm 2025, đơn vị này sẽ theo dõi sát diễn biến tình hình thực tế để điều hành tăng trưởng tín dụng một cách chủ động, linh hoạt, kịp thời, hiệu quả, khoa học, để hệ thống NH cung ứng đủ vốn tín dụng phục vụ nền kinh tế và đảm bảo an toàn hệ thống, gắn với ưu tiên thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát. NHNN sẽ chủ động điều chỉnh chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng để tạo điều kiện cho NH cung ứng đủ và kịp thời vốn tín dụng cho nền kinh tế mà NH không cần có văn bản đề nghị. 

Xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm pháp luật trong hoạt động cấp tín dụng

NHNN yêu cầu các NH thực hiện tăng trưởng tín dụng an toàn, hiệu quả, đúng quy định của pháp luật trên cơ sở phù hợp với năng lực quản trị rủi ro, tình hình thanh khoản và khả năng huy động vốn, bảo đảm chất lượng tín dụng, sử dụng vốn đúng mục đích, hạn chế nợ xấu gia tăng và phát sinh, đảm bảo an toàn hoạt động; tăng trưởng tín dụng đúng, trúng mục tiêu, tín dụng đi vào các lĩnh vực sản xuất kinh doanh, lĩnh vực ưu tiên và các động lực tăng trưởng theo chủ trương của Chính phủ; kiểm soát chặt chẽ tín dụng đối với các lĩnh vực tiềm ẩn rủi ro; nâng cao năng lực đánh giá, thẩm định tín dụng; kịp thời phát hiện, xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm pháp luật trong hoạt động cấp tín dụng; tiếp tục tiết giảm chi phí, tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số… để có dư địa tiếp tục phấn đấu giảm mặt bằng lãi suất cho vay.


Nguồn: https://thanhnien.vn/tang-von-tin-dung-vao-nen-kinh-te-185250101160016455.htm

ThanhNien Logo

Hello Mình là Cải

Theo dõi
Thông báo của
0 Góp ý
Mới nhất
Cũ nhất Được bỏ phiếu nhiều nhất
Phản hồi nội tuyến
Xem tất cả bình luận

Tin Nóng Hôm Nay