AFP ngày 21.1 đưa tin lực lượng an ninh của Hamas tiếp tục hoạt động tại Dải Gaza sau khi đạt được thỏa thuận ngừng bắn với Israel. Quan chức Mahmud Abu Watfah của Hamas đã thị sát lực lượng cảnh sát vũ trang, trước khi họ tuần tra những đường phố do bom đạn tàn phá tại TP.Gaza. Hoạt động trên diễn ra dù giới lãnh đạo Israel, trong đó có Thủ tướng Benjamin Netanyahu, nhiều lần nhấn mạnh mục tiêu chiến dịch quân sự ở Gaza là loại bỏ năng lực quân sự và điều hành của Hamas.
Xem khoảnh khắc vỡ òa khi con tin Israel được thả gặp lại người thân
Thế nan giải
Theo tờ The Times of Israel, sau khi Bộ trưởng An ninh quốc gia Itamar Ben Gvir và đảng Quyền lực Do Thái của Thủ tướng Netanyahu rút lui để phản đối lệnh ngừng bắn, liên minh của ông Netanyahu chỉ còn 62/120 ghế tại quốc hội. Bộ trưởng Tài chính Bezalel Smotrich cũng dọa từ chức nếu Israel không quay lại chiến đấu với Hamas. Do đó, nếu tiếp tục thỏa thuận giai đoạn 2, ông Netanyahu sẽ phải hy vọng Hamas tuân thủ việc trao trả con tin, còn chuyện Hamas không nắm quyền về quân sự hay chính trị tại Gaza là điều khó xảy ra.
Một lựa chọn khác là Israel khôi phục chiến dịch quân sự sau 6 tuần của giai đoạn 1. Điều này sẽ gây nguy hiểm cho các con tin còn lại và đưa Israel trở lại cuộc chiến chưa lường hậu quả. Lựa chọn này cũng khiến ông Netanyahu đối diện áp lực lớn từ Mỹ khi Washington và các bên trung gian khác đều hy vọng thỏa thuận sẽ mang lại hòa bình lâu dài, chấm dứt chiến sự ở Gaza. Tuy nhiên, ông Netanyahu hiện tỏ thái độ khác. Phát biểu công khai lần đầu sau thỏa thuận, nhà lãnh đạo gọi đó là “lệnh ngừng bắn tạm thời”, tuyên bố rằng phía Mỹ “hoàn toàn ủng hộ quyền quay trở lại chiến đấu của Israel” nếu các cuộc đàm phán không tiến triển. Ông cũng bác bỏ việc giảm số binh sĩ tại Hành lang Philadelphi ở Gaza trong giai đoạn 1 như trong thỏa thuận.
Chỉ còn tàu liên quan Israel là mục tiêu của Houthi ở biển Đỏ
Bên đàm phán đề phòng
Trong khi đó, việc triển khai lệnh ngừng bắn ở Gaza hôm 19.1 bị trễ 3 giờ và vụ các binh sĩ Israel nổ súng vào những người Palestine tiến đến phía họ vào một ngày sau đó cho thấy nhiều sự cố có thể xảy ra. Để đề phòng, 2 nước trung gian gồm Qatar và Ai Cập đã thành lập một trung tâm liên lạc để đối phó. Làm việc tại trung tâm này là những quan chức từng tham gia nhiều tháng đàm phán, nhằm ngăn chặn các cuộc đụng độ mới có thể xảy ra giữa Israel và Hamas, theo Reuters.
“Những thỏa thuận như thế này không bao giờ dễ duy trì. Bất kỳ bên nào cũng có thể coi mối đe dọa là lý do để vi phạm các điều khoản của thỏa thuận. Khi đó, chúng tôi sẽ phải vào cuộc và tìm cách nối lại lệnh ngừng bắn”, theo phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Qatar Majed Al-Ansari. Giới quan sát cho rằng với mức độ tin cậy cực kỳ thấp giữa 2 bên vốn đã đối đầu nhau qua nhiều thế hệ, nhiều cạm bẫy tiềm ẩn từ những cuộc đối đầu vô tình hoặc cố ý trong thời gian rút quân, cho đến những tranh cãi về danh tính và tình trạng của các con tin được trao trả đều có thể xảy ra.
Hamas nói rõ đợt thả con tin tiếp theo
Reuters hôm qua dẫn thông báo của Hamas khẳng định việc trao trả con tin đợt tiếp theo sẽ diễn ra theo thỏa thuận, sau khi một quan chức lực lượng này trước đó cho hay kế hoạch có thể trễ hơn một ngày. Theo kế hoạch, Hamas trao trả 3 con tin vào ngày thứ nhất của thỏa thuận và đã tiến hành để đổi lấy 90 tù nhân Palestine bị Israel giam giữ. Tiếp theo, Hamas sẽ thả 4 con tin vào ngày thứ bảy và 26 con tin còn lại trong những tuần tiếp theo. Trong một diễn biến khác, Văn phòng Điều phối các vấn đề nhân đạo của LHQ cho hay 915 xe tải chở hàng viện trợ đã vào Gaza hôm 20.1, sau đợt đầu gồm 630 chiếc vào một ngày trước đó.
Nguồn: https://thanhnien.vn/bai-toan-kho-cua-thu-tuong-israel-185250121221043667.htm