Thứ năm, Tháng Một 23, 2025
HomeGiải TríChuyên gia lý giải vì sao cỗ cúng dùng gà trống mà...

Chuyên gia lý giải vì sao cỗ cúng dùng gà trống mà không dùng gà mái

Trong mâm cúng đêm giao thừa và ngày lễ tết, giỗ chạp của người Việt Nam thường có đĩa xôi và một con gà luộc chín, miệng ngậm bông hồng đỏ. Điều dễ dàng nhận thấy là gà cúng luôn phải là gà trống.

Tại sao cúng gà trống mà không cúng gà mái?

Trả lời phóng viên Báo điện tử VTC News, TS Trần Long, nguyên Trưởng bộ môn Văn hoá Việt Nam, khoa Văn hóa học, Trường ĐH Khoa học xã hội và Nhân văn,  ĐH Quốc gia TP.HCM cho biết, tập tục dùng gà trống trong cúng tế có từ thời phong kiến ở Việt Nam, khi tư tưởng Nho giáo chi phối lễ giáo xã hội.

Nho giáo đề cao Ngũ thường gồm Nhân, Lễ, Nghĩa, Trí, Tín; các nghi thức tế lễ cũng quy vào đó. Sở dĩ người xưa có tục cúng gà trống vì gà trống được cho là có đủ các phẩm chất này. Cụ thể, khi tìm được mồi, gà trống thường gọi gà mái và gà con đến cùng ăn, đó là Nhân –  đạo lý làm người, biết yêu thương chia sẻ.

Gà trống có mào to đẹp như đội chiếc mũ trang trọng, giống như các quan khi thượng triều đều phải đội mão, đó là biểu hiện của Lễ – tuân thủ lễ nghi, giữ đúng tôn ti, kính trên nhường dưới. Mão quan được phân định theo cấp bậc, từ nhất phẩm đến cửu phẩm, mọi người phải tùy vị trí mà ứng xử cho đúng lễ.

Chuyên gia lý giải vì sao cỗ cúng dùng gà trống mà không dùng gà mái- Ảnh 1.

Bạn có biết vì sao phải cúng gà trống mà không cúng gà mái? (Ảnh: Minh Đức)

Loài gà có tập tính là khi được người nông dân cho ăn 3 ngày thì nó sẽ ở lại nhà họ, đây là biểu hiện của Nghĩa – trọng tình nghĩa, tôn trọng lẽ phải, biết tri ân, đền đáp những ai tốt với mình.

Gà trống cũng là biểu tượng của Dũng – tinh thần dũng cảm, thượng võ, dám thắng dám thua. Gà trống luôn chiến đấu hết mình, đi đến cùng trong trận chiến. Nếu thua, khi gặp lại đối thủ cũ, nó sẽ không thi đấu nữa, thể hiện tinh thần biết chấp nhận thất bại. Theo quan niệm người xưa, Dũng không chỉ là quyết thắng mà còn là dám chấp nhận thua, không sân si, thù vặt.

Chữ Tín cũng là đặc điểm nổi bật của gà trống. Ngày ngày nó đều đặn gáy từ mờ sáng, đánh thức mọi người, cho thấy phẩm chất đáng tin cậy, biết giữ lời hứa và cam kết với người khác.

Theo TS Trần Long, tư tưởng trọng nam khinh nữ thời phong kiến cũng là lý do vì sao người ta cúng gà trống mà không cúng gà mái. Theo đó, trong các nghi lễ cúng tế, người chủ lễ phải là đàn ông; tập tục bày ra cũng theo xu hướng nâng cao phẩm cách người quân tử. Việc cúng gà trống là sản phẩm văn hoá của thời đó; người xưa coi trọng đàn ông có đủ Ngũ thường nên mới cúng gà trống.

Thời nay, phụ nữ Việt Nam cũng có đủ các phẩm chất trên, thậm chí còn xuất sắc hơn với bốn chữ vàng: Anh hùng – Bất khuất – Trung hậu – Đảm đang.

Cúng gà mái có phạm điều cấm kỵ?

Theo TS Trần Long, người Việt Nam hiện đại hoàn toàn có thể cúng gà mái vào các ngày giỗ, Tết. Về mặt văn hóa tâm linh, điều này không vi phạm cấm kỵ hay gây nguy hại gì.

Trong thực tế, nhiều gia đình có cúng gà mái nhưng trước khi dâng lên thì chặt miếng, bày đĩa như một món ăn trong mâm, thay vì đặt cả con dáng chầu như gà trống. Nhiều người có quan điểm cúng gà mái tơ sẽ cầu được may mắn, bình an.

Trong các dịp cúng ngày rằm, cúng tháng cô hồn, cúng gia tiên, thắp hương cửa hàng, nhiều người cũng sử dụng gà mái để cúng. Với mâm cúng mang ý nghĩa dâng hương, cỗ cúng gà mái đang ngày được ưa chuộng vì gà mái luộc ăn sẽ thơm, ngon hơn.

Nguồn: https://kenh14.vn/chuyen-gia-ly-giai-vi-sao-co-cung-dung-ga-trong-ma-khong-dung-ga-mai-215250115153335902.chn

Kenh14 Logo

Hello Mình là Cải

Theo dõi
Thông báo của
0 Góp ý
Mới nhất
Cũ nhất Được bỏ phiếu nhiều nhất
Phản hồi nội tuyến
Xem tất cả bình luận

Tin Nóng Hôm Nay