Đau sưng khớp, thay đổi trên da gây đỏ, bóng và nóng là triệu chứng rõ nét cảnh báo giai đoạn khởi phát bệnh gout.
Bác sĩ Hoàng Quyết Tiến, Trung tâm Thông tin Y khoa, Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh TP HCM, cho biết giai đoạn đầu của bệnh gout thường diễn ra âm thầm, với nồng độ axit uric trong máu tăng cao nhưng chưa gây ra các cơn viêm cấp điển hình. Ở nữ giới, chỉ số axit uric vượt quá 6 mg/dL và ở nam giới trên 7 mg/dL là yếu tố nguy cơ chính dẫn đến bệnh gout sau này.
Khi có các biểu hiện ban đầu dưới đây, người bệnh cần đi khám sớm để kiểm soát và xử lý kịp thời.
Đau khớp là dấu hiệu đặc trưng của giai đoạn này, thường xảy ra vào ban đêm và tăng dần về cường độ. Các vị trí thường gặp nhất bao gồm ngón chân cái, đầu gối, mắt cá chân, cổ tay hoặc ngón tay. Cơn đau kéo dài trong vài giờ, sau đó giảm nhưng có thể có cảm giác khó chịu trong nhiều ngày.
Sưng tấy tại khớp cũng là triệu chứng phổ biến, nhất là ở khu vực ngón chân cái. Tình trạng này khiến vùng tổn thương sưng to, đau đớn và cản trở vận động, ảnh hưởng đến các sinh hoạt hàng ngày.
Thay đổi trên da tại vị trí bị tổn thương khiến da đỏ, bóng và nóng. Độ nhạy cảm cao khiến việc tiếp xúc với quần áo hoặc chăn mền trở nên khó chịu. Khi cơn đau dịu đi, da có thể bong tróc hoặc ngứa, gây thêm bất tiện cho người bệnh.
Ngoài các biểu hiện trên, bệnh nhân gout trong giai đoạn này thường cảm thấy uể oải, khó chịu hoặc gặp các vấn đề như tiểu khó và cứng khớp nhẹ. Những dấu hiệu này là kết quả của sự tích tụ axit uric trong cơ thể và cần được lưu ý để có biện pháp can thiệp kịp thời.
Bệnh gout thường gặp ở nam giới hơn nữ giới. Phụ nữ có nguy cơ cao hơn sau mãn kinh. Các yếu tố làm tăng nguy cơ mắc bệnh bao gồm béo phì, huyết áp cao, cholesterol cao, tiểu đường, bệnh thận, viêm xương khớp, bệnh vảy nến và tiền sử gia đình mắc bệnh gout. Sử dụng một số loại thuốc không phù hợp, chế độ ăn giàu purine, uống rượu quá mức hoặc các tình trạng di truyền như hội chứng Kelley-Seegmiller và Lesch-Nyhan cũng làm tăng nguy cơ.
Để phòng ngừa bệnh gout, bác sĩ Tiến khuyến cáo mọi người nên có chế độ sinh hoạt, ăn uống khoa học, thường xuyên luyện tập thể thao. Hạn chế thực phẩm giàu purine như thịt đỏ, hải sản và rượu. Ăn nhiều rau xanh, trái cây và uống đủ nước hàng ngày. Duy trì cân nặng lý tưởng, thường xuyên kiểm tra sức khỏe định kỳ giúp phát hiện và ngăn ngừa bệnh gout trước khi trở nên nghiêm trọng.
Bổ sung các dưỡng chất như Collagen Type 2 không biến tính, Eggshell Membrane và Turmeric Root có thể làm chậm quá trình thoái hóa, tăng độ bền và dẻo dai cho xương khớp. Từ đó bác sĩ hỗ trợ phòng ngừa bệnh gout bằng cách giảm nguy cơ tích tụ axit uric trong khớp và bảo vệ sức khỏe xương khớp.
Đình Diệu
Độc giả gửi câu hỏi về bệnh cơ xương khớp tại đây để bác sĩ giải đáp |
Nguồn: https://vnexpress.net/dau-hieu-canh-bao-khoi-phat-gout-4841128.html