(PLO)- Theo các doanh nghiệp Nhật Bản, ngành thiết bị điện, điện tử và linh kiện, hóa chất, dược phẩm và dệt may, tỉ lệ cung ứng nội địa đều thấp chỉ dưới 30%.
Tổ chức Xúc tiến Thương mại Nhật Bản tại Việt Nam (JETRO) công bố kết quả khảo sát thực trạng doanh nghiệp (DN) Nhật Bản đầu tư tại nước ngoài năm tài chính 2024.
Khảo sát nhằm nắm bắt thực tế hoạt động của các DN Nhật Bản đang đầu tư tại 20 quốc gia, khu vực Châu Á, Châu Đại Dương. Tại Việt Nam có gần 900 doanh nghiệp Nhật Bản ở các ngành chế tạo và phi chế tạo tham gia khảo sát.
DN Nhật kỳ vọng có lãi
Kết quả khảo sát cho biết, tỉ lệ DN Nhật Bản kỳ vọng “có lãi” năm 2024 là 64,1%, lần đầu tiên sau 5 năm kể từ trước dịch COVID-19 tỉ lệ này vượt trên 60%. Về triển vọng lợi nhuận kinh doanh năm 2025, có 50,4% doanh nghiệp dự báo “cải thiện” và 9,2% doanh nghiệp dự báo “xấu đi”. Nhiều doanh nghiệp kỳ vọng kết quả kinh doanh năm 2025 khả quan.
Kết quả khảo sát cho biết, top 10 yếu tố hàng đầu là lợi thế môi trường đầu tư của Việt Nam, trong đó “quy mô thị trường/tiềm năng tăng trưởng”, “chi phí nhân công rẻ”, “tình hình chính trị xã hội ổn định” vượt trên mức trung bình của ASEAN.
Top 10 yếu tố hàng đầu rủi ro trong môi trường đầu tư của Việt Nam thì “thủ tục hành chính phức tạp”, “thiếu minh bạch” cao hơn 20 điểm so với trung bình của ASEAN.
“Chi phí nhân công giá rẻ” hầu như không thay đổi kể từ năm 2019. “Thủ tục hành chính phức tạp, hệ thống pháp luật chưa hoàn thiện, việc thực thi thiếu minh bạch” có tỉ lệ DN Nhật Bản trả lời tăng mạnh so với năm 2019. Tại các quốc gia chính ASEAN, tỉ lệ trả lời liên quan đến các yếu tố này đã giảm.
Tỉ lệ cung ứng nội địa tại Việt Nam ổn định
Về tỉ lệ cung ứng nội địa tại Việt Nam đạt 36,6%, giảm 5,3 điểm so với khảo sát năm trước. Trong đó, tỉ lệ cung ứng từ các doanh nghiệp địa phương tại Việt Nam chiếm 15,7% trong tổng số cung ứng (giảm 1,5 điểm so với năm trước). Trong suốt 10 năm qua, tỉ lệ cung ứng nội địa tại Việt Nam vẫn giữ nguyên mức ổn định là 36,6%. So với Indonesia, Thái Lan, Malaysia, tỉ lệ này vẫn ở mức thấp và chỉ tương đương với Philippines.
Theo ngành nghề, ngành thực phẩm, giấy, sản phẩm gỗ, in ấn có tỉ lệ cung ứng nội địa trên 50%. Các ngành thiết bị điện/điện tử và linh kiện, hóa chất/dược phẩm, và dệt may/quần áo có tỉ lệ cung ứng nội địa đều dưới 30%.
Theo JETRO, “chi phí nguyên vật liệu và linh kiện gia tăng do lạm phát toàn cầu”, “logistics gia tăng do lạm phát toàn cầu” đã tác động lớn đến chính sách cung ứng của Việt Nam trong 5 năm gần đây (2019-2024) nhưng cả hai yếu tố này đều thấp hơn mức trung bình của ASEAN.
Về tỉ lệ cung ứng nội địa trong 1-2 năm tới tại Việt Nam, có 50,9% doanh nghiệp trả lời “mở rộng” (tăng 7,7 điểm so với năm trước), cao hơn đáng kể so với mức trung bình của ASEAN là 37,7%. Việt Nam xếp sau Ấn Độ và Pakistan nhưng đứng đầu ASEAN. Xét theo từng ngành nghề, các DN thiết bị điện, điện tử, dệt may và máy móc nói chung mong muốn mở rộng cung ứng nội địa ở mức cao.
Đáng chú ý, kết quả khảo sát cho thấy, 5 năm gần đây (2019-2024) tỉ lệ DN đã dịch chuyển chức năng sản xuất từ những quốc gia, khu vực khác sang Việt Nam là 24,8%, cao nhất cả về số lượng và tỉ lệ trong khu vực Châu Á, Châu Đại Dương. Việc dịch chuyển sản xuất từ Nhật Bản, Trung Quốc sang ASEAN tăng rõ rệt, với Việt Nam là điểm đến chủ yếu.
Trong tổng số 176 trường hợp dịch chuyển sản xuất từ Trung Quốc sang ASEAN, Việt Nam chiếm hơn một nửa với 90 trường hợp. Về quy mô dịch chuyển sản xuất sang Việt Nam, có khoảng 60% DN trả lời là dịch chuyển từ “1 đến 50%”, nhưng có khoảng 10%-20% DN trả lời đã dịch chuyển hoàn toàn “100%” sản xuất.
Doanh nghiệp Việt Nam là đối thủ cạnh tranh của Nhật Bản
Kết quả khảo sát cho biết, so với năm 2019, có 57,4% DN Nhật Bản trả lời số lượng đối thủ cạnh tranh đã “tăng lên” tại Việt Nam. Đây là tỉ lệ cao thứ hai trong khu vực Châu Á/Châu Đại Dương, chỉ xếp sau Trung Quốc. Theo các công ty Nhật Bản, cạnh tranh đang ngày càng trở nên gay gắt hơn. Tại Việt Nam, doanh nghiệp địa phương chiếm 73,7%, tiếp theo là DN Nhật Bản với 62,4%, DN Trung Quốc chỉ chiếm 47,1%.
Theo ngành nghề, ngành giấy, sản phẩm gỗ, in ấn và thực phẩm, hơn 90% DN Nhật Bản trả lời đối thủ cạnh tranh là DN trong nước. Ở các lĩnh vực như linh kiện thiết bị điện, dệt may, trên 80% công ty Nhật Bản trả lời doanh nghiệp Trung Quốc là đối thủ cạnh tranh. Trong lĩnh vực xây dựng, kinh doanh bất động sản/cho thuê, khai khoáng/năng lượng và du lịch/giải trí, 100% DN Nhật Bản được hỏi trả lời họ coi DN Việt Nam là đối thủ cạnh tranh.
Nguồn: https://plo.vn/doanh-nghiep-nhat-ban-mong-mo-rong-cung-ung-noi-dia-nganh-may-mac-post831346.html