Thứ năm, Tháng Một 23, 2025
HomeSức KhỏeCắt quả thận ung thư, cụ ông 86 tuổi không phải lọc...

Cắt quả thận ung thư, cụ ông 86 tuổi không phải lọc máu

TP HCMMột quả thận ung thư phải cắt bỏ, thận còn lại suy giảm chức năng nhưng hai năm qua ông Thanh không phải lọc máu nhờ dùng thuốc và chế độ dinh dưỡng.

“Trường hợp ông Thanh đặc biệt bởi chỉ còn một quả thận nhưng chức năng thận vẫn có thể phục hồi, chưa cần lọc máu”, Thầy thuốc ưu tú, BS.CKII Tạ Phương Dung, Phó giám đốc Trung tâm Tiết niệu – Thận học – Nam khoa, Trưởng khoa Nội thận – Lọc máu, Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh TP HCM, nói.

Hôm 22/1, ông Thanh, 86 tuổi, tự chạy xe máy đến Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh TP HCM tái khám định kỳ. Trước đó, lần đầu đến khám, ông Thanh phải ngồi xe lăn, chức năng thận gần chạm đáy, bác sĩ chỉ định lọc máu. Song sau hai năm tuân thủ phác đồ thuốc và dinh dưỡng cá thể hóa, các xét nghiệm ghi nhận chức năng thận của người bệnh cải thiện so với những lần tái khám trước.

Bác sĩ Phương Dung (phải) tái khám cho ông Thanh. Ảnh: Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh

Bác sĩ Phương Dung (phải) tái khám cho ông Thanh. Ảnh: Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh

Ông Thanh phát hiện mắc ung thư niệu mạc (lớp lót của các cơ quan trong hệ tiết niệu) ở thận phải sau một cơn đau bụng dữ dội ngày 30 Tết năm 2023. Lần đó ông được bác sĩ phẫu thuật cắt toàn bộ thận phải để triệt căn tế bào ác tính.

Vượt qua ung thư, ông lại bị suy thận mạn, độ lọc cầu thận (eGFR – chỉ số đánh giá khả năng lọc máu của thận) giảm còn gần 15 ml/phút/1,73 m2. Nếu giảm dưới mức này, bệnh suy thận mạn chuyển sang độ 5, tức giai đoạn cuối, ông cần chạy thận nhân tạo. Ông còn mắc nhiều bệnh nền khác như tăng mỡ máu, tăng huyết áp, thiếu máu, tăng axit uric máu, xơ vữa động mạch… Đây đều là những bệnh góp phần đẩy nhanh tốc độ suy giảm chức năng thận.

Thông thường, khi mất đi một quả thận, quả thận còn lại sẽ tăng cường hoạt động để bù trừ chức năng cho quả thận đã mất, giúp duy trì sức khỏe bình thường cho người bệnh trong một thời gian nhất định. Tuy nhiên, ở trường hợp ông Thanh, quả thận còn lại cũng bị suy giảm chức năng xấp xỉ giai đoạn cuối, nguy cơ cao phải chạy thận.

Ông Thanh không muốn chạy thận vì các con đang làm việc xa phải trở về chăm sóc cho mình. Bác sĩ Dung cho biết kỹ thuật chạy thận nhân tạo hiện đại có thể cải thiện sức khỏe và chất lượng cuộc sống cho người bệnh, tuy nhiên bác sĩ xây dựng phác đồ thuốc dành riêng để ông Thanh không phải lọc máu. Các loại thuốc nhằm mục tiêu bảo vệ chức năng thận, không tăng độ suy thận, đồng thời ổn định các bệnh nền ảnh hưởng tới thận và kiểm soát các biến chứng do bệnh thận mạn gây ra (thiếu máu, tăng axit uric máu). Ngoài ra, bác sĩ cũng cân nhắc kỹ thuốc điều trị các bệnh nền của ông Thanh với mục tiêu kiểm soát bệnh nhưng không gây tác dụng phụ ảnh hưởng đến thận, đồng thời điều chỉnh liều lượng sử dụng phù hợp từng loại thuốc.

Hai năm qua, mỗi ngày ông Thanh đều đặn uống thuốc ba lần sau bữa ăn theo toa của bác sĩ, thay đổi chế độ dinh dưỡng phù hợp với bệnh suy thận mạn. Ông chủ yếu ăn thịt heo nạc, còn cá hay thịt gà, thịt vịt phải bỏ da; tránh thịt bò; rau nhiều kali như rau muống, mồng tơi, rau ngót, hay ít kali như su hào, su su, cà rốt đều cần phải luộc kỹ. Ông không được ăn đồ chiên, xào, nướng, đồ sấy khô, nước dừa, cam, xoài, nho… Đồ uống chủ yếu là nước lọc, thỉnh thoảng uống nước tắc vì lượng kali thấp.

Song song điều trị bằng thuốc và thay đổi dinh dưỡng, bác sĩ Dung cũng chỉ định người bệnh mổ cầu tay để mở đường kết nối với máy chạy thận nhân tạo, luôn sẵn sàng lọc máu khi cần thiết. Hằng tháng, ông Thanh đến bệnh viện tái khám theo lịch hẹn để kiểm tra chức năng thận và cầu tay nhằm đảm bảo có thể sử dụng ngay nếu cần.

Có những thời điểm, độ lọc cầu thận eGFR xuống dưới 11 ml/phút/1,73 m2 da, tức chuyển sang giai đoạn cuối. Song nhờ kiên trì tuân thủ phác đồ điều trị, chức năng thận của ông Thanh dần phục hồi và ổn định qua từng tháng. Từ tháng 9/2023 đến nay, eGFR liên tục tăng sau mỗi lần tái khám, lên gần 17 ml/phút/1,73 m2 da, tức về suy thận độ 4, không phải lọc máu.

Sức khỏe ổn định, ông Thanh có thể tự chạy xe máy, làm việc vặt trong nhà như bắc cầu thang thay bóng đèn… “Tôi mong sức khỏe duy trì như hiện tại, đến cuối đời không phải chạy thận”, ông nói.

Bác sĩ Dung cho biết khoa Nội thận – Lọc máu, Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh TP HCM, đang điều trị bảo tồn chức năng thận cho nhiều người bệnh cao tuổi, giúp họ kéo dài thời gian không phải lọc máu, cải thiện sức khỏe và chất lượng cuộc sống. Tuy nhiên, người bệnh đều còn đủ hai quả thận nên ông Thanh là trường hợp đặc biệt đang được điều trị tại khoa.

Chức năng thận được xác định giảm (suy thận) khi độ lọc cầu thận dưới 60 ml/phút/1,73 m2 da. Độ lọc cầu thận có xu hướng giảm theo tuổi tác, nhất là từ sau 50 tuổi. Người càng lớn tuổi, nguy cơ mắc các bệnh ảnh hưởng chức năng thận như đái tháo đường (tiểu đường), tăng huyết áp, xơ vữa mạch máu… cao hơn. Do đó, nguy cơ suy thận mạn ở người lớn tuổi cao hơn các nhóm khác.

Suy thận mạn phát triển âm thầm, khi các triệu chứng rõ ràng, bệnh đã chuyển sang giai đoạn muộn. Một số biểu hiện cảnh báo mà người cao tuổi cần lưu ý như chán ăn, buồn nôn, cơ thể mệt mỏi, giấc ngủ rối loạn, nước tiểu có bọt lâu tan, lượng nước tiểu nhiều hoặc ít hơn bình thường, phù nề mặt hay tay chân, ngứa da, đau đầu, chóng mặt, khó thở…

Để giảm nguy cơ suy thận mạn ở người cao tuổi, bác sĩ Dung khuyên cần ăn nhạt, chế biến thức ăn đơn giản bằng cách luộc hoặc hấp, hạn chế nêm nhiều gia vị hay chiên xào. Bổ sung đạm phù hợp độ tuổi, ăn nhiều rau xanh, hạn chế bia rượu, thuốc lá, không dùng bất kỳ loại thuốc nào khi chưa được bác sĩ tư vấn. Người cao tuổi nên đi khám sức khỏe định kỳ 6-12 tháng một lần để sớm phát hiện dấu hiệu bệnh thận mạn và điều trị phù hợp.

Thắng Vũ

*Tên người bệnh đã được thay đổi

Độc giả gửi câu hỏi về bệnh thận tại đây để bác sĩ giải đáp

Nguồn: https://vnexpress.net/cat-qua-than-ung-thu-cu-ong-86-tuoi-khong-phai-loc-mau-4841437.html

VnExpress Logo

Hello Mình là Cải

Theo dõi
Thông báo của
0 Góp ý
Mới nhất
Cũ nhất Được bỏ phiếu nhiều nhất
Phản hồi nội tuyến
Xem tất cả bình luận

Tin Nóng Hôm Nay