Trên thị trường, có những sản phẩm từng được quảng cáo rầm rộ khiến người dùng kỳ vọng rất cao. Tuy nhiên, sau một thời gian sử dụng, những món đồ này càng lộ ra nhiều nhược điểm làm người mua cảm thấy như bị lừa và dần chúng “rơi vào quên lãng”.
Dưới đây là 7 món đồ từng được săn đón nhiệt tình nhưng giờ đây lại bị đánh giá là không đáng mua, bạn xem đúng không nhé.
1. Máy xử lý rác thải nhà bếp
Từng được quảng bá như “trợ thủ đắc lực” cho gian bếp, máy xử lý rác thải nhà bếp khiến nhiều người tin rằng có thể dễ dàng xử lý rác hữu cơ, giảm tần suất đổ rác, đồng thời ngăn mùi hôi và côn trùng.
Tuy nhiên, thực tế không hề hoàn hảo như lời quảng cáo. Trước hết, vấn đề thường gặp nhất là máy rất dễ làm tắc nghẽn ống thoát nước. Ngay cả khi sử dụng đúng cách, những mẩu rác nhỏ khó nghiền nát vẫn có thể tích tụ lâu ngày và gây tắc.
Ngoài ra, một số máy còn gặp tình trạng rò rỉ nước, đặc biệt ở khu vực ống xả dưới bồn rửa, làm sàn bếp bị ướt hoặc ảnh hưởng đến độ bền của tủ bếp.
Nếu công suất động cơ không đủ mạnh, máy cũng dễ bị kẹt khi xử lý rác, khiến người dùng phải loay hoay sửa chữa. Vì vậy, thay vì vội tin vào quảng cáo, bạn nên cân nhắc kỹ trước khi mua thiết bị này.
2. Máy làm giá đỗ
Máy làm giá đỗ từng được nhiều reviewer khuyến khích sử dụng với lơi giới thiệu là dễ dàng trồng giá đỗ tại nhà. Tuy nhiên, những người đã sử dụng thực tế lại nhận ra rằng nó chẳng tiện dụng chút nào.
Máy yêu cầu rất cao về chất lượng hạt giống; chỉ cần có một vài hạt hư hỏng là sẽ tạo ra mùi hôi rất khó chịu. Bên cạnh đó, bạn cũng cần phải thay nước mỗi ngày, nếu quên thay nước, giá đỗ sẽ bị thối hoặc thậm chí bị mốc. Và mặc dù đã tuân theo hướng dẫn sử dụng nhưng không phải lúc nào cũng có thể đảm bảo giá đỗ sẽ nảy mầm thành công.
Vì giá đỗ không phải là món ăn ăn hàng ngày, nên máy làm giá đỗ sẽ thường xuyên bị bạn bỏ quên và không sử dụng. Điều này khiến máy trở thành một sản phẩm chiếm không gian và tốn tiền mà chẳng đem lại hiệu quả đáng kể.
3. Dụng cụ ép tỏi
Khi mới ra mắt, dụng cụ ép tỏi được quảng cáo với khả năng ép tỏi cực nhanh và dễ. Tuy nhiên, khi sử dụng thực tế, mọi người lại nhận ra rằng hiệu quả không như mong đợi.
Đầu tiên, dụng cụ này yêu cầu lực ép rất mạnh mới có thể ép được tỏi mà rất dễ bắn nước tỏi ra ngoài. Người có lực tay yếu sẽ khó sử dụng món đồ này. Ngoài ra, việc vệ sinh dụng cụ ép tỏi cũng rất phiền phức vì các lỗ nhỏ trên dụng cụ khiến cho việc làm sạch trở nên khó khăn và mùi tỏi cũng dễ dàng bám lại, tạo cảm giác khó chịu.
So với dùng dụng cụ ép tỏi thì dùng dao đập tỏi tuy là cách truyền thống nhưng lại nhanh chóng, tiện lợi và dễ dàng điều chỉnh độ mịn của tỏi.
4. Dao bếp hai lưỡi
Dao bếp hai lưỡi từng hứa hẹn rằng một mặt có thể dùng để cắt rau, mặt còn lại có thể dùng để chặt xương, giúp dao trở nên đa năng và tiện dụng hơn so với dao một lưỡi.
Tuy nhiên, thực tế thì loại dao này rất mất an toàn. Dao khá nặng, nếu không để đúng cách rất dễ gây thương tích. Hơn nữa, dao hai lưỡi mất đi ưu điểm của dao một lưỡi là có thể dùng lòng bàn tay ấn vào lưng dao để tận dụng lực, khiến việc sử dụng trở nên khó khăn hơn.
Đối với các gia đình thông thường, 1 con dao bếp chất lượng tốt với lưỡi đơn là đã đủ để đáp ứng nhu cầu nấu nướng hàng ngày, không cần phải thử nghiệm với loại dao hai lưỡi tiềm ẩn nguy hiểm này.
5. Thớt inox
Thớt inox từng được quảng cáo là sản phẩm lý tưởng vì tính bền bỉ, dễ vệ sinh và không bị mốc meo. Tuy nhiên, khi sử dụng thực tế, những vấn đề của nó lại dần bộc lộ rõ rệt.
Khi cắt thực phẩm, thớt inox phát ra tiếng kêu chói tai, gây khó chịu, ảnh hưởng đến cảm giác nấu nướng của người sử dụng. Bề mặt thớt quá láng, khiến thực phẩm dễ bị trượt, việc cắt thái trở nên khó khăn, thậm chí có thể gây tai nạn, làm người dùng dễ bị cắt vào tay.
Hơn nữa, việc sử dụng thớt inox lâu dài sẽ làm dao bị mài mòn, khiến tuổi thọ của dao bị rút ngắn.
So với thớt inox, thớt gỗ hoặc thớt tre truyền thống mang lại cảm giác thoải mái và an toàn hơn khi sử dụng.
6. Thiết bị tiết kiệm điện
Nhà sản xuất quảng cáo rằng thiết bị tiết kiệm điện có thể tiết kiệm từ 30% đến 50% tiền điện, khiến nhiều người mua vì tin vào lời hứa này. Tuy nhiên, thực tế lại hoàn toàn khác. Món đồ này chỉ là vài miếng tụ điện và bảng mạch đơn giản bên trong, hoàn toàn không có khả năng tiết kiệm điện.
Ngược lại, chính bản thân thiết bị này cũng tiêu tốn điện năng và nếu sử dụng không đúng cách còn có thể gây hư hỏng cho các thiết bị điện tử trong nhà.
Để tiết kiệm điện, cách tốt nhất vẫn là rèn luyện thói quen sử dụng điện hợp lý thay vì trông chờ vào các sản phẩm tiết kiệm điện không đáng tin cậy.
7. Chảo chống dính tổ ong
Chảo chống dính tổ ong khi mới xuất hiện đã thu hút nhiều người tiêu dùng nhờ thiết kế độc đáo với lớp chống dính hiệu quả. Tuy nhiên, khi sử dụng lâu dài, những hạn chế của nó dần lộ rõ:
Lớp chống dính của chảo tổ ong rất dễ bị hư hỏng, một khi lớp chống dính bị tổn thương, hiệu quả chống dính sẽ mất đi và có thể phát tán các chất độc hại, gây nguy hiểm cho sức khỏe. Đó là chưa kể trong quá trình nấu nướng, cấu trúc tổ ong dễ bị bẩn và tích tụ dầu mỡ, khiến việc làm sạch trở nên vô cùng khó khăn, tốn nhiều thời gian và công sức.
Một số chảo chống dính tổ ong kém chất lượng có thể tạo ra mùi lạ khi nấu ở nhiệt độ cao, làm ảnh hưởng đến hương vị và chất lượng thực phẩm.
Vì vậy, khi mua chảo chống dính, người tiêu dùng nên thận trọng với chảo chống dính tổ ong và chọn những loại chảo chống dính khác có chất lượng đảm bảo hơn.
Nguồn: Toutiao
Nguồn: https://kenh14.vn/neu-duoc-nguoc-ve-qua-khu-toi-xin-the-se-khong-mua-7-mon-lua-dao-nay-215250105205749285.chn