Chúng tôi có 5 ngày để vượt 1.800 km qua Thái Lan, những lo lắng với chiếc VF 3 hay “cụ” Land Rover không xảy ra, mà đến từ những điều không lường tới.
Trái với suy nghĩ của nhiều người e ngại khi đi xa bằng xe điện, Thái Lan có hạ tầng khá tốt cho dòng xe này. Ngay sau khi nhập cảnh, chúng tôi đã gặp nhiều trạm sạc cho xe điện, tuy nhiên, cấp độ hoành tráng thì thua xa Việt Nam, bởi mỗi trạm thường chỉ có một trụ với hai họng sạc 60 kW chuẩn CCS2 (xe VinFast) và GB-T (xe Trung Quốc).
Việc đi xe điện so với xe xăng ra nước ngoài thực tế không phải việc khó, nhưng cũng không hẳn dễ nếu không có kế hoạch trước. Trước khi đi, tôi sử dụng Google Map để vẽ lịch trình ăn nghỉ và sạc xe. Tuy nhiên, lịch trình thay đổi khá nhiều do thực tế có nhiều trạm sạc hơn trên Google Map hiển thị. Ở Thái Lan có nhiều đơn vị cung cấp trạm sạc cho tất cả các loại xe – kể cả xe tải, nhưng tôi chọn hệ thống trạm sạc của PTT, tập đoàn năng lượng lớn nhất nước này. Họ có gần 1.000 trạm sạc xe điện, thậm chí có cả ở Lào.
Gần như các cây xăng lớn trên quốc lộ của Thái Lan đều có trạm sạc với ký hiệu EV rất dễ nhận biết trên biển báo. Ở xứ chùa vàng, tất cả trạm sạc đều dùng app và điều kiện cần là bạn có thẻ thanh toán Visa và một số điện thoại Thái Lan.
Hành trình của chúng tôi trên đất Thái Lan dài hơn 1.800 km và bị giới hạn ngày vào, ngày ra. Chúng tôi có 5 ngày để qua Thái, như vậy mỗi ngày cần đi trên dưới 400 km. Trước khi đi, mọi người thường lo chiếc VF 3 chỉ có quãng đường 210 km một lần sạc đầy, tuy nhiên, cá nhân tôi lại luôn hồi hộp với chiếc Land Rover. Một chiếc xe có vẻ như không có gì để hỏng, bởi kết cấu thuần cơ khí, nhưng với 50 tuổi đời, bất kể chi tiết nào của xe cũng có thể bị hỏng do chính hao mòn cơ khí. Nhưng thực tế, rủi ro mọi người nghĩ ra đã không xảy đến với cả hai xe trên đất Thái, nó nằm ở chỗ khác.
Ở Thái mọi người lái xe rất nhanh. Nhưng lo ngại cho sức khỏe của “cụ” Land Rover, chúng tôi quy ước là VF3 chạy trước với tốc độ 65 km/h trên tỉnh lộ và xe trước luôn phải nhìn thấy xe sau. Nhưng tôi cũng quên mất một điều là “cụ” nhiều lúc lực bất tòng tâm. 65km/h trên đường bằng thì được nhưng lên dốc khó. Đôi lúc tôi mải nghe nhạc nên để mất dấu phía sau, nhưng cũng rất nhanh sẽ có tiếng bộ đàm thất thanh “chờ tôi mới”! Nói vậy, nhưng hai xe vẫn giữ được hòa khí và chuyện rắc rối không xảy ra ở đây.
Chúng tôi có hẹn ăn tối lúc 20h với anh em chơi Land Rover Thái Lan – họ vô cùng khâm phục vì chiếc xe trị giá bằng một phần mười những chiếc Land Rover láng coóng của họ lại có thể “sống sót” cho một chuyến đi dài như vậy. Biết trước giao thông Bangkok kinh khủng thế nào nên chúng tôi rất thận trọng. Hai xe luôn duy trì tốc độ đều và bám sát nhau.
23h chúng tôi mới gặp các bạn Thái Lan. Họ vẫn mòn mỏi đứng chờ và nhà hàng đã đóng cửa. Nhưng chuyện chỉ thế thì không đáng nói. Kế hoạch của tôi hàng ngày là luôn sạc đầy pin trước khi đi ngủ; sáng ra chạy khoảng 50, 70 km đến trạm sạc ăn sáng café, đến giờ ăn trưa ở trạm sạc sau sẽ đi được khoảng 250, 260 km. Ăn trưa và nghỉ ngơi khoảng một tiếng rưỡi là xe lại có thể đi thêm hơn 200 km nữa.
Kế hoạch là vậy. Nhưng vì lạc nhau nên ăn tối với các bạn Thái xong, phải 12h đêm tôi mới đi sạc. Tự tin vì khả năng thao lược của mình, tôi ung dung tìm một trạm sạc ở xa trung tâm Bangkok. Quy trình quá quen thuộc, quét mã, cắm sạc và ấn Enter trên app. Nhưng xe không sạc, cứ báo lỗi. Các xe bắt đầu xếp hàng sau tôi. Rất ái ngại vì làm phiền người khác, tôi nhường họ sạc trước và trong đầu nhảy múa các phép tính cho một giải pháp khả thi.
Tôi chờ các xe sạc xong và cắm thử lại. Vô vọng, lần 2 lần 3 đều báo lỗi. Thôi, đành dùng Google Dịch để hỏi anh em taxi. Hóa ra, cũng như ở Việt Nam, anh em đều đi sạc đêm để có điện giá rẻ. Ban ngày có thể lên 8 bath cho 1 Kw (6.000 đồng), nhưng đêm chỉ hơn 6 bath (4.000 đồng). Vì đông người sạc nên họ phải đặt chỗ trước. Ra thế! Khi đặt chỗ, nhà cung cấp sẽ chia mỗi lần sạc 30 phút giá 20 bath. Bạn muốn sạc bao lâu phải đặt đủ nếu không người khác sẽ chen vào sạc mất. Rắc rối thế chứ.
Chuyện sạc còn phiêu lưu hơn ở đường về, sau khi nhập cảnh Thái Lan, xe đã không thể sạc được vì trạm nào cũng báo lỗi. Ở vùng biên giới ít người biết tiếng Anh nên không dễ dàng để hỏi. Dùng Google Dịch thì nội dung chỉ là báo lỗi, không nhận sạc. Tôi bắt đầu lo vì nếu không có trạm sạc thì rất khó để đi 1.800 km trong 5 ngày. Tuy nhiên, tôi vẫn phải thử xem khả năng đi thực tế của xe thế nào. Sau khi xe chạy được đến km thứ 180, tôi chuyển chế độ chạy Economy. Với tốc độ 55 km/h, tôi đi thêm được 50 km – tức 230 km cho một lần sạc đầy. Như vậy, nếu chạy khéo tôi hoàn toàn có thể đi được 225 km cho một lần sạc (bằng máy phát hay điện lưới).
Vậy nếu không có trạm sạc, tôi vẫn có thể về nhà bằng cách sạc 2 lần trong ngày. Tuy nhiên, nghĩ đã thấy mệt. Chỉ sạc cũng hết ngày! Vấn đề vẫn có thể giải quyết được nếu tôi chịu khó động não.
Sáng hôm sau tôi gọi tổng đài PTT. Sau rất nhiều lần kết nối thì cũng có người nói tiếng Anh và ngay lập tức họ cử người xuống trợ giúp. Hóa ra việc đơn giản hơn tôi nghĩ nhiều. Họ thay app mới trong thời gian tôi ở Malaysia. Có thể họ đã thông báo qua app nhưng tôi bỏ qua tin nhắn.
Về cơ bản, đường Thái đẹp, giao thông quy củ, độ phủ trạm sạc đủ lớn nên đi xe điện cũng nhàn. Tuy nhiên, ở vùng giáp ranh với Malaysia đang là mùa mưa. Chúng tôi đi trong tình trạng thấp thỏm vì đã là ngày cuối phải ra khỏi Thái Lan, mà Google luôn báo khu vực lũ lụt gần biên giới.
Cuối cùng thì điều tôi sợ nhất đã xảy ra. Khi cách cửa khẩu 30 km, toàn bộ tuyến đường độc đạo lên biên giới đã bị ngập, ngay cả xe tải cũng không đi được. Tình thế không thể tồi tệ hơn khi ở đây không có sóng điện thoại nên tôi không thể liên lạc được với phía Malaysia đang chờ đón ở bên kia biên giới. Sáng nay tôi đã báo họ chúng tôi sẽ có mặt ở cửa khẩu lúc 14h30.
Bây giờ đã là 15h và chúng tôi bắt buộc phải ra khỏi Thái Lan trong hôm nay và qua cửa khẩu này.
Làm sao bây giờ? Lại nhức đầu tôi rồi!
Hải Kar
Nguồn: https://vnexpress.net/6-800-km-cung-vinfast-vf-3-gian-nan-tren-dat-thai-4839063.html