Những dự án giao thông vùng Đông Nam Bộ đã và đang triển khai giúp nâng cao khả năng kết nối giao thông, rút ngắn thời gian di chuyển
Thời gian qua, các địa phương trong vùng Đông Nam Bộ đã đẩy nhanh việc triển khai xây dựng những công trình giao thông kết nối liên vùng như: Dự án cao tốc Biên Hòa – Vũng Tàu, cao tốc TP HCM – Thủ Dầu Một – Chơn Thành, cầu Bạch Đằng 2, đường Vành đai 3 và 4 – TP HCM, cầu Phước An…
Nối nhịp đôi bờ
Sau gần 3 năm thi công, cầu Bạch Đằng 2 bắc qua sông Đồng Nai nối xã Bạch Đằng (TP Tân Uyên, tỉnh Bình Dương) với xã Bình Lợi (huyện Vĩnh Cửu, tỉnh Đồng Nai) chính thức thông xe vào tháng 9-2024. Cầu Bạch Đằng 2 hoàn thành đưa vào sử dụng giúp rút ngắn thời gian đi lại, cũng như góp phần phát triển kinh tế – xã hội của hai địa phương và khu vực, nâng cao tiềm năng quỹ đất, phát triển các khu đô thị mới.
Cô Nguyễn Thị Hương, ngụ xã Bạch Đằng (TP Tân Uyên, tỉnh Bình Dương), cho biết trước đây khi chưa có cầu Bạch Đằng 2, việc đi lại giữa Đồng Nai và Bình Dương chủ yếu bằng phà rất vất vả. “Nhà tôi ở xã Bạch Đằng (Bình Dương) nhưng kinh doanh buôn bán ở TP Biên Hòa (Đồng Nai) nên mỗi ngày phải dậy từ 4 giờ sáng để đi phà đi làm mất khoảng 45 phút, nhưng từ ngày có cầu, thời gian đi từ nhà đến chỗ làm mất chưa tới 20 phút và tiết kiệm được khoản chi phí tiền phà” – cô Hương nói.
Một trong những dự án giao thông trọng điểm khác của vùng Đông Nam Bộ là cầu Phước An. Dự án cầu Phước An dài hơn 4,3 km, tổng mức đầu tư khoảng 4.877 tỉ đồng từ nguồn vốn ngân sách, nối liền tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu với tỉnh Đồng Nai, trong đó có phần đường dẫn kết nối với cảng Phước An, được khởi công cuối năm 2022, dự kiến hoàn thành năm 2027.
Cầu Phước An sau khi hoàn thành sẽ có vai trò kết nối đường liên cảng Cái Mép – Thị Vải với hệ thống các tuyến cao tốc trong khu vực như Bến Lức – Long Thành, TP HCM – Long Thành – Dầu Giây… Đồng thời, kết nối toàn bộ nhóm cảng biển số 5 với khu vực Đông Nam Bộ, Tây Nam Bộ, góp phần rất lớn vào sự phát triển kinh tế – xã hội của các tỉnh, thành Bà Rịa – Vũng Tàu, Đồng Nai, TP HCM nói riêng và vùng kinh tế trọng điểm phía Nam nói chung, giúp giải tỏa ùn tắc giao thông, giảm tải cho tuyến Quốc lộ 51 và các tuyến đường khác.
Dự án không chỉ thúc đẩy giao thương giữa các vùng kinh tế mà còn mở rộng cơ hội phát triển cho ngành công nghiệp và logistics. Thuận lợi về giao thông kết nối sẽ giúp tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu có lợi thế hơn để thu hút nguồn hàng về cụm cảng Cái Mép – Thị Vải.
Để bảo đảm tiến độ và chất lượng công trình, các nhà thầu đã đầu tư hệ thống máy móc, thiết bị hiện đại. Những chiếc cần cẩu trục lớn, các máy khoan, máy cắt bê-tông… hoạt động không ngừng. Các kỹ sư với những bản vẽ kỹ thuật chi tiết trong tay, không ngừng kiểm tra, giám sát quá trình thi công. Mỗi công đoạn đều được thực hiện tỉ mỉ, chính xác, bảo đảm chất lượng công trình. Mỗi ngày trôi qua, hình hài của cây cầu hiện đại này dần rõ nét hơn.
Theo Ban Quản lý dự án giao thông khu vực cảng Cái Mép – Thị Vải (chủ đầu tư dự án), đến nay tiến độ bảo đảm theo đúng kế hoạch đã được UBND tỉnh phê duyệt. Riêng gói thầu số 39 – xây lắp hạng mục cầu chính từ trụ T37 đến trụ T40 – đang vượt tiến độ đề ra. Dự án cũng đang được đẩy nhanh tiến độ giải ngân.
Lãnh đạo tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu cho biết việc hoàn thiện về hạ tầng giao thông sẽ giúp địa phương phát huy tối đa các tiềm năng kinh tế của tỉnh như du lịch, cảng biển, công nghiệp… cũng như thu hút được nhiều hơn đầu tư trong và ngoài nước.
Động lực quan trọng
Theo Quy hoạch mạng lưới đường bộ Việt Nam thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050, tuyến cao tốc Biên Hòa – Vũng Tàu kết nối trực tiếp với các cụm cảng Cái Mép – Thị Vải, sân bay Long Thành và vùng kinh tế trọng điểm phía Nam. Dự án cao tốc Biên Hòa – Vũng Tàu giai đoạn 1 dài 53,7 km, tổng vốn đầu tư hơn 19.000 tỉ đồng. Đây là một trong những dự án trọng điểm quốc gia, có ý nghĩa quan trọng đối với việc phát triển kinh tế – xã hội của các địa phương trong vùng Đông Nam Bộ.
Dự án không chỉ góp phần nâng cao khả năng kết nối giao thông, rút ngắn thời gian di chuyển đáng kể giữa TP HCM và các tỉnh lân cận mà còn được kỳ vọng sẽ là một động lực quan trọng, hình thành những không gian phát triển mới, tạo điều kiện thuận lợi cho việc vận chuyển hàng hóa, thu hút đầu tư vào các khu công nghiệp, cảng biển.
Hiện nay, dự án đường cao tốc Biên Hòa – Vũng Tàu đang được 2 tỉnh Đồng Nai và Bà Rịa – Vũng Tàu tập trung triển khai thi công. Tại tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu, ghi nhận những ngày cuối năm 2024, dọc tuyến dự án thành phần 3 cao tốc Biên Hòa – Vũng Tàu, không khí làm việc khẩn trương, hối hả. Tiếng máy móc vang rền, những chiếc xe tải nối nhau chở vật liệu xây dựng, các công nhân miệt mài làm việc bất kể ngày đêm. Chỉ sau 18 tháng thi công, đến nay dự án đã được thảm nhựa và gần như thông suốt, khối lượng đạt gần 70% – bảo đảm đúng tiến độ, liên danh nhà thầu cam kết sẽ thông xe kỹ thuật trước ngày 30-4-2025.
Ông Dương Hồng Quân, Chỉ huy trưởng công trường thuộc Công ty TNHH Tập đoàn Sơn Hải, cho biết trên công trường đang triển khai 5 mũi thi công với gần 100 thiết bị và 200 nhân sự. “Để kịp tiến độ đề ra, chúng tôi triển khai “3 ca, 4 kíp”, thi công xuyên Tết, bao gồm kiểm soát tiến độ thi công hằng tuần và áp dụng biện pháp tăng cường nếu có chậm trễ” – ông Quân nói.
Còn tuyến cao tốc Biên Hòa – Vũng Tàu đoạn qua địa bàn tỉnh Đồng Nai, giữa tháng 1-2025, các kỹ sư, công nhân, máy móc, thiết bị bắt đầu triển khai thảm những mét nhựa đầu tiên. Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Nai Võ Tấn Đức khẳng định khi hoàn thành, đường cao tốc Biên Hòa – Vũng Tàu sẽ góp phần giảm tải tình trạng ùn tắc giao thông trên Quốc lộ 51, tăng cường liên kết vùng, thúc đẩy phát triển kinh tế – xã hội của tỉnh nói riêng và vùng Đông Nam Bộ nói chung.
ThS Nguyễn Ngọc Tuấn, Phó Chủ tịch Hội Xuất nhập khẩu Đồng Nai, cho hay hiện việc vận chuyển hàng hóa từ các khu công nghiệp ở Long Thành, Nhơn Trạch đến cảng Cái Mép – Thị Vải (Bà Rịa – Vũng Tàu), cảng Gò Dầu (Đồng Nai) đều đi qua Quốc lộ 51 dẫn đến tuyến đường này ùn tắc từ nhiều năm khiến chi phí logistics bị đội lên cao. Cho nên, tuyến cao tốc Biên Hòa – Vũng Tàu sau khi hoàn thành sẽ cơ bản giải quyết bài toán giao thông liên vùng, tạo thuận lợi lưu thông hàng hóa xuất nhập khẩu, giảm chi phí cho doanh nghiệp.
Ông Hoàng Vĩnh Hưng, Viện trưởng Viện Quy hoạch đô thị và nông thôn quốc gia, nhìn nhận tất cả dự án giao thông kết nối vùng tại Đông Nam Bộ rất quan trọng, trước hết là kích thích sự lưu thông hàng hóa của vùng, từ đó mở rộng thị trường tiêu thụ cho các sản phẩm, thúc đẩy sản xuất – kinh doanh. Đây cũng là một trong những yếu tố quan trọng thu hút các nhà đầu tư trong và ngoài nước, tạo ra nhiều cơ hội việc làm và tăng thu nhập cho người dân.
Tuyến đường bộ kết nối TP HCM với Campuchia
Dự án xây dựng đường cao tốc TP HCM – Mộc Bài là tuyến đường bộ kết nối TP HCM với Campuchia qua cửa khẩu quốc tế Mộc Bài dài hơn 50 km với đoạn qua địa phận TP HCM hơn 24 km, đoạn qua tỉnh Tây Ninh hơn 26 km; tổng mức đầu tư sơ bộ 19.617 tỉ đồng. Khi hoàn thành, tuyến cao tốc sẽ phục vụ phát triển chuỗi công nghiệp Mộc Bài – TP HCM – cảng Cái Mép – Thị Vải gắn với hành lang kinh tế xuyên Á. Dự án tạo điều kiện phát triển các khu công nghiệp, khu chế xuất dọc tuyến, đặc biệt là Khu Kinh tế cửa khẩu Mộc Bài.
UBND tỉnh Tây Ninh đã ban hành kế hoạch thực hiện dự án thành phần 4: “Bồi thường, hỗ trợ, tái định cư cao tốc TP HCM – Mộc Bài đoạn qua tỉnh Tây Ninh”, với tổng mức đầu tư 5.270 tỉ đồng. Trong đó, các địa phương bị ảnh hưởng bởi dự án gồm: Huyện Gò Dầu, Bến Cầu và thị xã Trảng Bàng đã thông báo thu hồi đất đến các hộ dân và tổ chức có đất thu hồi đạt tỉ lệ cao.
Theo Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng ngành giao thông tỉnh Tây Ninh, hiện nay tiến độ triển khai thực hiện dự án thành phần 4 đã hoàn thành công tác thông báo thu hồi đất và thông qua chủ trương dự án đến từng hộ dân, với tổng số 1.716 hộ. Ban Quản lý dự án xây dựng ngành giao thông đã hoàn thành công tác đo đạc, phục vụ bồi thường giải phóng mặt bằng.
(Còn tiếp)
Nguồn: https://nld.com.vn/suc-bat-ha-tang-giao-thong-vung-dong-nam-bo-mo-bung-cua-ra-vao-196250120221800249.htm