Tại hội nghị tổng kết công tác năm 2024 và triển khai nhiệm vụ năm 2025 của Chính phủ và chính quyền địa phương ngày 8/1, Tổng Bí thư Tô Lâm đã phát biểu chỉ đạo, nêu nhiều vấn đề gợi mở đối với công tác điều hành của Chính phủ và hoạt động của cả hệ thống chính trị để thúc đẩy đổi mới toàn diện công tác quản lý kinh tế và phát triển bền vững, nhằm đạt mức tăng trưởng GDP 8% trong năm 2025, phấn đấu lên mức hai con số trong các năm tiếp theo.
Người đứng đầu Đảng ghi nhận những thành tựu trong năm 2024 khi chúng ta hoàn thành cả 15/15 chỉ tiêu đặt ra. Kinh tế vĩ mô ổn định, đặc biệt là tăng trưởng GDP trên 7%, cao nhất khu vực và thế giới trong bối cảnh khó khăn toàn cầu. Cơ cấu kinh tế tiếp tục chuyển dịch theo hướng công nghiệp hóa và hiện đại hóa. Tỷ trọng các ngành công nghiệp, xây dựng và dịch vụ tăng, trong khi nông nghiệp giảm. Xuất siêu kỷ lục gần 24,8 tỷ USD. Các lĩnh vực kinh tế số và kinh tế xanh trở thành động lực tăng trưởng mới, phù hợp với xu hướng phát triển bền vững toàn cầu.
Tuy nhiên, Tổng Bí thư cũng thẳng thắn chỉ ra những tồn tại hạn chế, cùng những thách thức đang đặt ra với các cấp, ngành trong việc xây dựng và thực hiện các giải pháp giữ vững đà tăng trưởng của nền kinh tế. Nhất là năm nay, năm cuối thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế – xã hội 5 năm 2021-2025, là năm tăng tốc, bứt phá, về đích, chuẩn bị tiền đề cho kế hoạch phát triển trong nhiệm kỳ Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIV, thực hiện thắng lợi Chiến lược phát triển kinh tế – xã hội giai đoạn 10 năm (2021-2030), đánh dấu thời điểm đất nước bước vào kỷ nguyên mới, kỷ nguyên vươn mình, phát triển giàu mạnh, thịnh vượng của dân tộc.
Trên tinh thần này, Tổng Bí thư đã lưu ý một số nội dung, định hướng trọng tâm. Trong đó, cần thống nhất nhận thức và hành động về sự cấp bách phải tiếp tục tiến hành công cuộc đổi mới về kinh tế; cần phải đổi mới mạnh mẽ, dứt khoát, quyết liệt, cách mạng, toàn diện hơn nữa trong quản lý kinh tế để Việt Nam vững vàng bước vào kỷ nguyên thịnh vượng, giàu mạnh và phát triển. “Ưu tiên hàng đầu là tinh gọn tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị theo hướng: Tinh – Gọn – Mạnh – Hiệu năng – Hiệu lực – Hiệu quả”, Tổng Bí thư nói.
Cùng với lưu ý một số nội dung, định hướng trọng tâm, Tổng Bí thư cũng đã nêu những câu hỏi gợi mở ở tầm cao chiến lược. Theo tôi, đây là những gợi mở thực sự ấn tượng và đều là những việc cần làm ngay.
Tổng Bí thư nêu vấn đề: Chúng ta đã nói rất nhiều về việc chuẩn bị “Tổ” cho “Đại bàng”, điều này rất đúng, rất nên làm. Nhưng tại sao chúng ta ít đề cập tới kế hoạch chuẩn bị những “cánh rừng”, những “cánh đồng” cho các “đàn ong” lấy hoa làm mật? Tại sao chúng ta chưa đưa ra các chỉ tiêu tạo ra việc làm mới cho từng giai đoạn, cho từng lĩnh vực? Giai đoạn tới sẽ có khoảng 100.000 lao động rời khỏi khu vực nhà nước do tác động của việc tinh gọn tổ chức bộ máy hệ thống chính trị và 100.000 thanh niên hoàn thành nghĩa vụ quân sự trở về địa phương. Vậy Chính phủ có chính sách gì để khu vực ngoài nhà nước có thể tiếp nhận một phần trong số đó? Chính sách gì để phát triển thị trường lao động, thị trường việc làm? Cơ cấu lại nền kinh tế phải có cơ cấu việc làm”.
Những câu hỏi, dù được Tổng Bí thư gọi là “mang tính gợi mở”, nhưng thiết nghĩ đây chính là các vấn đề từ thực tiễn, đòi hỏi phải đặt lên bàn nghị sự trong công tác điều hành, hoạch định chính sách năm 2025 và những năm tiếp theo.
Riêng về tình hình lao động, việc làm, theo số liệu của Tổng cục Thống kê, tính chung năm 2024 lực lượng lao động từ 15 tuổi trở lên của Việt Nam là 53 triệu người, tăng hơn 575.000 người so với năm trước. Lao động có việc làm là 51,9 triệu người, tăng trên 585.000 người (tương ứng tăng 1,1%) so với năm trước. Trong đó, khu vực thành thị là 19,9 triệu người, tăng hơn 831 nghìn người so với năm trước; khu vực nông thôn 32 triệu người, giảm hơn 246 nghìn người.
Tỷ lệ thất nghiệp trong độ tuổi lao động năm 2024 là 2,24%, giảm 0,04 điểm phần trăm so với năm trước, trong đó khu vực thành thị là 2,53%; khu vực nông thôn là 2,05%.
Vài số liệu nêu trên để chúng ta hình dung được phần nào bức tranh chung về tình hình lao động, việc làm. Và chắc chắn rằng trong bối cảnh tinh gọn tổ chức bộ máy hệ thống chính trị thì áp lực về lao động, việc làm nói chung thời gian tới sẽ lớn hơn nhiều so với các năm trước đây. Kinh nghiệm thế giới cũng như thực tiễn Việt Nam cho thấy tỷ lệ người dân có việc làm (số liệu tạo việc làm mới) là một trong những thước đo về sức khỏe của nền kinh tế, cần được chú trọng đúng mức bên cạnh các chỉ tiêu khác về kinh tế – xã hội.
Hiện nay kinh tế tư nhân đang đóng góp gần 45% GDP cả nước, 1/3 thu ngân sách, hơn 40% vốn đầu tư thực hiện toàn xã hội, tạo ra công ăn việc làm cho 85% số lao động cả nước… Hay nói cách khác, cần phải tạo điều kiện thuận lợi hơn nữa cho kinh tế tư nhân phát triển, bằng cách tháo gỡ những điểm nghẽn để người dân “bung sức” sản xuất kinh doanh, tạo việc làm mới.
Về câu chuyện ký kết các thỏa thuận với nước ngoài, Tổng Bí thư cũng đặt câu hỏi, “từ 2021 đến nay chúng ta có 579 cam kết, thỏa thuận, dự án hợp tác được ký kết qua hoạt động đối ngoại với 69 đối tác. Vậy có ai theo dõi việc triển khai hay thúc đẩy các thỏa thuận, hợp đồng này? Tác dụng thế nào? Hay ký chỉ để mà ký?”.
Trả lời các câu hỏi trên, tức là để thúc đẩy đi vào thực chất hơn nữa, hiệu quả hơn nữa các cam kết, thỏa thuận, dự án hợp tác trong bối cảnh Việt Nam đang ngày càng hội nhập sâu rộng với thế giới.
Những câu hỏi không chỉ gợi mở về tư duy mà đặt ra yêu cầu hành động để đưa đất nước phát triển nhanh, bền vững trong kỷ nguyên vươn mình.
“Và còn rất nhiều câu hỏi tương tự đang đến với chúng ta”, như Tổng Bí thư đã nói.
Tác giả: Ông Nguyễn Vân Thiêng là nhà báo với hơn 30 năm trong nghề, hiện công tác tại Đài Tiếng nói Việt Nam.
Chuyên mục TÂM ĐIỂM mong nhận được ý kiến của bạn đọc về nội dung bài viết. Hãy vào phần Bình luận và chia sẻ suy nghĩ của mình. Xin cảm ơn!
Nguồn: https://dantri.com.vn/tam-diem/nhung-goi-mo-cua-tong-bi-thu-to-lam-20250109162539348.htm