Thứ sáu, Tháng Một 24, 2025
HomeĐời SốngThủ tục khám bệnh, chữa bệnh mới theo Luật BHYT sửa đổi

Thủ tục khám bệnh, chữa bệnh mới theo Luật BHYT sửa đổi

Thủ tục khám bệnh, chữa bệnh mới theo Luật BHYT sửa đổi - 1

Bệnh viện không được yêu cầu người bệnh sao chụp thẻ BHYT hoặc chi trả cho khoản chi phí này (Ảnh minh họa: Bảo hiểm xã hội TPHCM).

Để triển khai thực hiện Luật BHYT năm 2024, Bộ Y tế đã ban hành Nghị định số 02/2025/NĐ-CP.

Tại Khoản 2 Điều 1, Nghị định số 02/2025/NĐ-CP đã sửa đổi, bổ sung thủ tục khám bệnh, chữa bệnh BHYT quy định tại khoản 1 Điều 28 của Luật BHYT.

Nghị định số 02/2025/NĐ-CP quy định rõ thủ tục đăng ký khi khám chữa bệnh BHYT trong 5 trường hợp cụ thể.

Thứ nhất, người tham gia BHYT khi khám bệnh, chữa bệnh phải xuất trình thông tin về thẻ BHYT bằng thẻ BHYT, mã số BHYT, căn cước, căn cước công dân, tài khoản định danh điện tử mức độ 2 trên ứng dụng VNeID đã tích hợp thông tin về thẻ BHYT.

Trường hợp thẻ BHYT chưa có ảnh thì phải xuất trình thêm một trong các giấy tờ tùy thân có ảnh: căn cước, căn cước công dân, giấy chứng nhận căn cước, hộ chiếu, tài khoản định danh điện tử mức độ 2 trên ứng dụng VNeID hoặc giấy tờ chứng minh nhân thân khác do cơ quan, tổ chức có thẩm quyền cấp hoặc giấy xác nhận của công an cấp xã hoặc giấy tờ khác có xác nhận của cơ sở giáo dục nơi quản lý học sinh, sinh viên.

Thứ hai, đối với trẻ em dưới 6 tuổi chỉ xuất trình thẻ BHYT hoặc mã số BHYT. Trường hợp chưa được cấp thẻ BHYT thì xuất trình giấy khai sinh bản gốc hoặc bản sao hoặc trích lục khai sinh, giấy chứng sinh bản gốc hoặc bản sao hoặc căn cước.

Đối với trẻ vừa sinh, cha hoặc mẹ hoặc thân nhân của trẻ ký xác nhận trên hồ sơ bệnh án hoặc người đại diện cơ sở khám bệnh, chữa bệnh ký xác nhận trên hồ sơ bệnh án trong trường hợp trẻ không có cha, mẹ hoặc thân nhân.

Thứ ba, người tham gia BHYT trong thời gian chờ cấp lại thẻ, thay đổi thẻ BHYT hoặc thông tin về thẻ BHYT khi đến khám bệnh, chữa bệnh phải xuất trình giấy tiếp nhận hồ sơ và hẹn trả kết quả cấp, cấp lại và đổi thẻ BHYT, thông tin về thẻ BHYT do cơ quan bảo hiểm xã hội hoặc tổ chức, cá nhân được cơ quan bảo hiểm xã hội ủy quyền tiếp nhận hồ sơ cấp lại thẻ, đổi thẻ và một loại giấy tờ chứng minh về nhân thân của người đó.

Thứ tư, người đã hiến bộ phận cơ thể người phải xuất trình thông tin về thẻ BHYT theo quy định tại trường hợp thứ nhất hoặc thứ ba.

Trường hợp chưa có thẻ BHYT thì phải xuất trình giấy ra viện do cơ sở khám bệnh, chữa bệnh nơi lấy bộ phận cơ thể người cấp cho người đã hiến bộ phận cơ thể người và một trong các giấy tờ chứng minh nhân thân của người đó: Căn cước, căn cước công dân, giấy chứng nhận căn cước, hộ chiếu, tài khoản định danh điện tử mức độ 2 trên ứng dụng VNeID hoặc giấy tờ chứng minh nhân thân khác do cơ quan, tổ chức có thẩm quyền cấp.

Trường hợp phải điều trị ngay sau khi hiến thì đại diện của cơ sở khám bệnh, chữa bệnh nơi lấy bộ phận cơ thể và người bệnh hoặc thân nhân của người bệnh ký xác nhận vào hồ sơ bệnh án.

Thứ năm, trường hợp cấp cứu, người tham gia BHYT phải xuất trình các giấy tờ theo quy định tại trường hợp thứ nhất, hoặc thứ hai, hoặc thứ ba trước khi kết thúc đợt điều trị.

Nghị định số 02/2025/NĐ-CP cũng quy định cơ sở khám bệnh, chữa bệnh, cơ quan bảo hiểm xã hội không được quy định thêm thủ tục khám bệnh, chữa bệnh BHYT ngoài các thủ tục trên.

Đặc biệt, trường hợp cơ sở khám bệnh, chữa bệnh, cơ quan bảo hiểm xã hội cần sao chụp thẻ BHYT, các giấy tờ liên quan đến khám bệnh, chữa bệnh của người bệnh để phục vụ cho công tác quản lý thì phải tự sao chụp sau khi có ý kiến đồng ý của người bệnh hoặc người giám hộ người bệnh, không được yêu cầu người bệnh sao chụp hoặc chi trả cho khoản chi phí này.

Nguồn: https://dantri.com.vn/an-sinh/thu-tuc-kham-benh-chua-benh-moi-theo-luat-bhyt-sua-doi-20250114170703185.htm

DanTri Logo

Hello Mình là Cải

Theo dõi
Thông báo của
0 Góp ý
Mới nhất
Cũ nhất Được bỏ phiếu nhiều nhất
Phản hồi nội tuyến
Xem tất cả bình luận

Tin Nóng Hôm Nay