Thứ sáu, Tháng Một 24, 2025
HomeThời SựĐội tuyển Việt Nam và bóng đá đẹp lên ngôi ở Đông...

Đội tuyển Việt Nam và bóng đá đẹp lên ngôi ở Đông Nam Á

Tối qua, chúng ta đã được chứng kiến một trận chung kết không thể gay cấn, căng thẳng và kịch tính hơn. Có lẽ rất lâu sau nữa, nhiều người vẫn sẽ say sưa kể về những giây phút từ tột cùng hồi hộp lo lắng tới vỡ òa niềm vui khi các “chiến binh sao vàng” của đội tuyển Việt Nam lần thứ 2 chinh phục “ngọn núi” Thái Lan để chính thức ngự trên đỉnh cao của bóng đá khu vực.

Xin cảm ơn thầy Kim và Xuân Son!

Trước tiên, trong vai trò một người hâm mộ bóng đá Việt Nam, tôi muốn đặc biệt dành lời tri ân đối với 2 nhân vật đặc biệt trong hành trình đầy gian nan mà cũng rất đỗi hào hùng ấy của đội tuyển bóng đá Việt Nam tại giải vô địch Đông Nam Á kỳ này.

Với huấn luyện viên (HLV) Kim Sang-sik, ông đã rất thành công khi áp dụng chính sách “xoay tua” cầu thủ, qua đó giúp tạo nên một đội bóng có bề dày lực lượng, gần như không có khoảng cách nhiều giữa các vị trí được xếp đá chính với dự bị.

Nhiều người từng lo lắng sẽ “lợi bất cập hại” về việc thiếu tính ổn định của đội tuyển, nhưng HLV Kim đã biết cách để phát huy tối đa cái “lợi” và giảm thiểu khả năng ảnh hưởng từ cái “hại” trong 2 mặt của vấn đề. Sự thật là, dù cầu thủ được đá chính hay dự bị, thì đội tuyển về cơ bản vẫn được vận hành một cách gắn bó.

Đội tuyển Việt Nam và bóng đá đẹp lên ngôi ở Đông Nam Á - 1

Việt Nam trở thành nhà vô địch AFF Cup 2024 (Ảnh: Hướng Dương).

Ngay cả Quang Hải, Duy Mạnh hay Tiến Linh, những ngôi sao sáng nhất dưới thời “thầy Park” cho tới hiện tại, vẫn sẵn sàng vui vẻ nhường chỗ cho các đồng đội khác, miễn điều đó tốt cho đội trong bối cảnh cụ thể, và họ đều luôn “cháy” hết mình khi được tung vào sân. Tuyệt đối không hề có dấu hiệu nào của sự “khẩu phục tâm bất phục” của các cầu thủ, thay vào đó là tinh thần chấp hành kỷ luật đấu pháp gần như triệt để. Làm được điều này là rất khó, đòi hỏi HLV trưởng phải rất giỏi trong việc trao đổi, giải thích cho các cầu thủ để họ thấu hiểu và tuân theo sự chỉ đạo của thầy!

Chúng ta đã thấy trong cả 2 trận chung kết, Quang Hải đã tung ra những đường chuyền sắc bén như thế nào để góp công vào bàn thắng của Xuân Son (lượt đi) hay Tuấn Hải (lượt về). Chúng ta cũng đã thấy Tuấn Hải – người vắng mặt trong cả 3 trận ở vòng trực tiếp trước đó (2 trận bán kết và chung kết lượt đi), ngay trong lần đầu ra sân ở đội hình xuất phát đã tỏa sáng ra sao. Chúng ta cũng đã thấy một Hai Long sau khi vào sân đã chơi hay, đồng thời rất láu lỉnh, khôn khéo tung ra cú dứt điểm vào khung thành bỏ trống của Thái Lan để ấn định chiến thắng 3-2, đồng nghĩa với chấm dứt mọi hy vọng của đội bạn…

Nhìn chung, mọi thứ đều chứng minh con mắt nhìn người của thầy Kim rất sáng suốt, ông luôn gây bất ngờ không chỉ với các cổ động viên mà với cả các nhà chuyên môn sành sỏi nhất (đương nhiên là khiến đối thủ cũng bị bất ngờ).

Nếu như dưới thời HLV Park Hang-seo, đội tuyển Việt Nam dù rất thành công vẫn chưa từng thắng Thái Lan thì tới HLV Kim Sang-sik, chỉ trong một giải đấu, đội tuyển đã 2 lần làm được điều ấy. Xin cảm ơn thầy Kim khi ông đã giữ vững “lời hứa” làm tất cả những gì có thể để giúp đội tuyển Việt Nam chinh phục “núi cao” thành công!

Tôi cũng muốn dành lời cảm ơn tới Nguyễn Xuân Son, cầu thủ đã chơi vô cùng xuất sắc, là một phần vô cùng quan trọng trong hành trình tới ngôi vô địch của đội tuyển Việt Nam tại giải đấu năm nay. Thật tiếc khi chứng kiến Son bị gãy chân trong pha bóng ấy, ở thời điểm cuối hiệp 1, và rồi không thể có mặt trực tiếp tại sân Rajamangala để đón nhận cú đúp danh hiệu cá nhân (vua phá lưới và cầu thủ xuất sắc nhất giải).

Tôi đã xem bức ảnh Son nằm trong bệnh viện, chân phải bó bột, cùng các bác sĩ và người vợ chưa cưới mà anh vừa cầu hôn trước trận chung kết lượt đi chia vui với đội tuyển qua… màn ảnh nhỏ. Và tôi thật sự xúc động khi 2 lần thấy Quang Hải và Duy Mạnh cầm chiếc áo số 12 của Son lên nhận thay các danh hiệu cá nhân.

Xin cảm ơn Son – một ngôi sao thật sự, vừa là một “mắt xích” quan trọng, vừa tạo nên nguồn cảm hứng tuyệt vời cho đội tuyển chúng ta.

Tuyệt vời tinh thần chiến đấu quả cảm và fair-play!

Trở lại với trận chung kết lượt về, có lẽ quý bạn đọc cũng giống tôi, đã trải qua trọn vẹn những cung bậc cảm xúc trong suốt diễn biến hơn 110 phút của trận đấu đầy kịch tính ấy (ngoài 90 phút chính thức còn được kéo dài thêm tới khoảng hơn 20 phút bù giờ).

Đầu tiên là niềm vui với bàn thắng mở tỷ số rất sớm của Tuấn Hải, qua đó nhân đôi cách biệt tổng tỉ số. Nhưng sau đó là sự lo lắng khi Thái Lan liên tục gia tăng sức ép rồi có bàn gỡ hòa từ sai sót cá nhân của Ngọc Tân – tiền vệ đã chơi rất hay ở trận lượt đi. Nỗi lo càng lớn thêm khi Xuân Son buộc phải rời sân trong đau đớn vì chấn thương ngay trong hiệp 1. Và đúng như những gì người ta từng lo ngại về sức mạnh của tuyển Thái khi họ liên tục tổ chức các đợt tấn công như sóng vỗ bờ, các đường bật nhả chớp nhoáng khiến hàng thủ của đội tuyển Việt Nam phải nhiều lần không theo kịp. Phải công nhận Thái Lan có nhiều cầu thủ rất hay, rất khéo, rất nhanh… Cái họ thiếu chỉ là… tinh thần fair-play (chơi đẹp) mà thôi.

Đội tuyển Việt Nam và bóng đá đẹp lên ngôi ở Đông Nam Á - 2

Các cầu thủ Việt Nam phản đối bàn thắng thiếu fair-play của Thái Lan (Ảnh: Hướng Dương).

Cụ thể là cú sút xa nâng tỷ số lên 2-1 của Supachok (cân bằng tổng tỷ số trận chung kết lượt đi và lượt về đến lúc đó là 3-3) sau tình huống cố tình không trả bóng lại. Các cầu thủ Việt Nam đã rất tập trung, chơi lăn xả và gần như vô hiệu hóa đa số đường tấn công trực diện của đối thủ. Nhưng họ đã không thể ngờ tới việc các cầu thủ đội bạn lại “trơ trẽn” đến thế khi tổ chức phối hợp rất nhanh và ghi bàn trong khi lẽ ra cần trả lại bóng (thủ môn Đình Triệu ném bóng ra biên để săn sóc cho một đồng đội bị đau trước đó). Những ai yêu vẻ đẹp thuần khiết của bóng đá hẳn đều không khỏi bực bội khi chứng kiến cảnh các cầu thủ Thái Lan ăn mừng bàn thắng ấy. Nó không sai luật, nhưng hoàn toàn phi thể thao!

Tổng tỷ số được cân bằng 3-3, và niềm lo âu càng gia tăng trong lòng mọi người yêu bóng đá Việt. Nhưng, các tuyển thủ của chúng ta đã thêm một lần chứng tỏ bản lĩnh tuyệt vời trước sức ép. Thử thách đầy gian khó càng khiến họ thêm quyết tâm chiến đấu. Chiếc thẻ đỏ dành cho trung vệ Weerathep của Thái Lan có thể xem là một bước ngoặt, nhưng bước ngoặt kế tiếp chính là bàn đá phản của trung vệ chủ nhà sau cú sút của Tuấn Hải, san bằng tỷ số trận chung kết lượt về (2-2), đồng thời tái lập cách biệt 1 bàn cho đội tuyển Việt Nam (4-3). Ngồi xem bên cạnh, vợ tôi nhận xét chiếc thẻ đỏ và bàn đá phản chính là “quả báo đến sớm” cho sự thiếu fair-play của Thái Lan trước đó, cũng là để tái lập sự công bằng cho cuộc chơi.

Và cuối cùng, khi Thái Lan liên tục dồn ép tất tay (cả thủ môn Thái cũng có mặt trong khu vực cấm địa của tuyển Việt Nam) với hy vọng có thể san bằng cách biệt thì Hai Long tung cú sút vào khung thành bỏ trống, nâng tỷ số trận lượt về lên 3-2 và tổng tỷ số lên 5-3 cho tuyển Việt Nam.

Cảm xúc vỡ òa đến nghẹn ngào. Đội tuyển Việt Nam đã cùng nhau chiến đấu, chứng minh tinh thần và ý chí Việt Nam và hạ bệ “nhà vua của bóng đá Đông Nam Á” ngay tại thánh địa của họ. Hàng triệu người đã lại xuống đường ngay trong đêm. Hôm nay (6/1), những người hùng của bóng đá và thể thao Việt Nam ấy sẽ trở về trong vòng tay của vô vàn người hâm mộ.

Liệu có phải một chương mới của bóng đá Việt Nam cũng đã được chính thức mở ra từ chiến tích ấy?!

Tác giả: Nhà báo Hữu Bình là Phó giám đốc Trung tâm Thông tin – Truyền thông Thể dục thể thao (Cục Thể dục Thể thao, Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch). Ông từng có nhiều năm phụ trách Ban nội dung của Báo Thể thao TPHCM và Tạp chí Thể thao; Ủy viên thường vụ Hội Thể thao điện tử và Giải trí Việt Nam.

Chuyên mục TÂM ĐIỂM mong nhận được ý kiến của bạn đọc về nội dung bài viết. Hãy vào phần Bình luận và chia sẻ suy nghĩ của mình. Xin cảm ơn!

Nguồn: https://dantri.com.vn/tam-diem/doi-tuyen-viet-nam-va-bong-da-dep-len-ngoi-o-dong-nam-a-20250106073021096.htm

DanTri Logo

Hello Mình là Cải

Theo dõi
Thông báo của
0 Góp ý
Mới nhất
Cũ nhất Được bỏ phiếu nhiều nhất
Phản hồi nội tuyến
Xem tất cả bình luận

Tin Nóng Hôm Nay