Hình ảnh về các hàng xe ngăn nắp dừng chờ đèn đỏ trong những ngày đầu năm mới được chia sẻ rộng rãi. Không khí trên đường dường như bớt đi sự hối hả và lộn xộn thường thấy.
Một số người dí dỏm bình luận, đường phố Việt Nam giờ cũng chẳng thua kém gì Nhật Bản hay các quốc gia phát triển khác. Người đi bộ qua đường đã có thể an tâm đi đúng tín hiệu đèn mà không sợ xe vượt đèn đỏ gây nguy hiểm, phải thấp thỏm như trước.
Các quy tắc giao thông cơ bản mà bất kỳ ai trước lúc thi lấy bằng lái đều đã học, nhưng một bộ phận tài xế không mấy khi coi trọng, nay được thực hiện một cách đồng đều lại tạo nên thay đổi kỳ lạ. Tình trạng xe máy, ô tô lấn vạch, vượt đèn đỏ, đi ngược chiều giảm đáng kể, thế là bỗng thấy đường thông, hè thoáng hẳn ra. Kể cả khi tắc đường, ứng xử của người tham gia giao thông cũng trở nên văn minh hơn, ít đi tình trạng bấm còi thúc giục.
Thậm chí, có tình huống đèn tín hiệu giao thông ở ngã ba Bến Gỗ (phường Long Bình Tân, TP Biên Hòa) gặp sự cố, đèn đỏ bị “đơ” không chuyển qua đèn xanh, khiến hàng trăm xe máy, ô tô trên quốc lộ 51 ùn tắc kéo dài. Tuy nhiên, theo ghi nhận tại một clip quay lại hiện trường thì cả trong trường hợp đó cũng không có tài xế nào dám vượt. Nhiều người đi xe máy nói lớn “vượt đèn đỏ là mất 6 triệu đồng” dù phía trước rất thông thoáng.
Có lẽ, sự thay đổi nhanh chóng như thế này sẽ khó xảy ra nếu như không có quy định tăng nặng mức phạt vi phạm tại Nghị định 168, có hiệu lực từ 1/1 năm nay. Đơn cử, hành vi vượt đèn đỏ với người điều khiển ô tô sẽ bị xử phạt 18-20 triệu đồng, lái xe máy vượt đèn đỏ sẽ bị phạt 4-6 triệu đồng.
Cố ý vi phạm, làm xấu văn hóa giao thông như vượt đèn đỏ, đi ngược chiều mới chỉ là một trong 3 nhóm hành vi bị tăng mức tiền xử phạt, bên cạnh nhóm hành vi xâm phạm trật tự quản lý nhà nước như dùng biển số giả, che biển số và nhóm hành vi gây ra tai nạn giao thông.
Một số vi phạm dễ gặp phải như dùng tay cầm và sử dụng điện thoại khi lái xe ô tô sẽ bị phạt 4-6 triệu đồng và 800.000-1 triệu đồng với xe máy. Ngay cả dùng ô dù khi ngồi xe đạp cũng bị phạt 100.000-200.000 đồng.
Với mức phạt ngang cả tháng lương/thu nhập như nêu trên, ở một góc độ nào đó, người tham gia giao thông những ngày gần đây đã chịu khó xem lại luật lệ, đi đường để ý đèn tín hiệu, biển báo và cũng thông cảm cho nhau hơn. Điều mà chúng ta vẫn gọi là “văn minh ra đường” đã có thể quan sát bằng mắt thường!
Tuy nhiên, bất cứ chính sách nào khi áp dụng vào thực tế, đặc biệt là với những quy định “mạnh”, cũng sẽ gặp phản ứng nhất định.
Dù vi phạm ít hơn nhưng không phải là không có. Theo ghi nhận của phóng viên, tình trạng vượt đèn đỏ, đi ngược chiều vẫn xảy ra, nhất là tại các khu vực không có cảnh sát giao thông. Một số người vi phạm giải thích do “vội” đi học, đi làm; do không biết về mức phạt mới và không chú ý biển báo, đèn tín hiệu… Một số cho rằng mức phạt quá cao so với thu nhập bình quân của người dân, ví như những người giao hàng, người chở xe thuê… phải thường xuyên đi lại, thu nhập khiêm tốn mà mỗi lần vi phạm đều xử phạt thì dễ dẫn đến kiệt quệ tài chính, ảnh hưởng gia đình.
Bản thân người viết với nhu cầu di chuyển thường xuyên trong khu vực đô thị và lái xe đường dài, ngay trước thềm năm mới cũng đã nhận được nhắc nhở từ người thân, dặn dò kỹ lưỡng về các hành vi bị xử phạt. Thậm chí, có những người cho biết, do không đủ tự tin, họ quyết định bắt xe công nghệ đi làm.
Trong hàng trăm, nghìn phương tiện tham gia giao thông, mục đích chính đều là “ra đường kiếm cơm”, người học hành tạo nền tảng cho sự nghiệp, người tới công sở, người gặp đối tác, người đi ký hợp đồng, người vận chuyển hàng hóa, người thì chở khách… Ai cũng đều có lý do để vội vã. Ai cũng có thể sơ suất mà vi phạm. Và đương nhiên không ai muốn bị xử phạt. Nhưng bất kỳ ai trong chúng ta cũng có thể là nguyên nhân gây ra tai nạn cho người khác và chính bản thân, bởi những khoảnh khắc bất cẩn, không tập trung đó.
“Nhanh một giây, chậm cả đời” – câu khẩu hiệu tuyên truyền này rất phổ biến, nhưng đa số lại chỉ nhận ra khi có hậu quả. Phải vào khu vực cấp cứu, chấn thương chỉnh hình… trong các bệnh viện mới thấy mối nguy hại của sự vội vã, không chú ý quan sát, vi phạm luật giao thông.
Thống kê của nhà chức trách cho hay, 21.532 vụ tai nạn giao thông đường bộ đã xảy ra trong năm 2024 làm chết 9.954 người, bị thương 16.044 người mà nguyên nhân chính đến từ việc không chấp hành quy tắc giao thông. Trước đây, một vị lãnh đạo Chính phủ từng phải thốt lên: “Một đất nước đang xảy ra chiến tranh cũng không có nhiều người chết như tai nạn giao thông ở Việt Nam”.
Khi so sánh mức phạt hiện hành với thu nhập thì quả là rất cao, nhưng cũng bởi cao như vậy nên việc tái vi phạm sẽ ít đi, và người chưa vi phạm cũng “rén” hơn, cẩn trọng hơn lúc ra đường. Chẳng hạn quy định về phạt nồng độ cồn dù cũng vấp nhiều tranh cãi, nhưng dễ thấy là bớt được rất nhiều tình trạng người say xỉn cầm lái gây tai nạn, tình trạng ép uống bia rượu cũng giảm rõ. Nếu đặt các tranh luận lên bàn cân với sự an toàn và tính mạng của con người thì có lẽ, chúng ta tự biết nên nghiêng về bên nào!
Việc dùng luật pháp để nắn chỉnh hành vi, xử phạt nặng để răn đe là cần thiết, nhưng đi cùng với đó cần có những biện pháp đồng bộ khác.
Khi mà hạ tầng giao thông không đảm bảo, đèn báo cũ kỹ, bị lỗi không được thay thế kịp thời, không có người điều khiển túc trực; khi mà các biển chỉ báo không có tác dụng hướng dẫn (đặt ở vị trí dễ bị che khuất), bị thay đổi liên tục… thì các đơn vị quản lý cũng cần chịu trách nhiệm. Và để công bằng, minh bạch trong xử phạt thì cần tăng cường áp dụng công nghệ xử lý bằng phạt nguội, hạn chế tiếp xúc trực tiếp giữa lực lượng chức năng và người dân.
Tác giả: Bích Diệp tốt nghiệp chuyên ngành Kinh tế Đối ngoại trường Đại học Ngoại thương; là phóng viên báo Dân Trí từ năm 2012. Chị chuyên đưa tin về kinh tế, hoạt động doanh nghiệp, thị trường chứng khoán…, và gắn bó với mục Blog – Tâm điểm từ năm 2016.
Chuyên mục TÂM ĐIỂM mong nhận được ý kiến của bạn đọc về nội dung bài viết. Hãy vào phần Bình luận và chia sẻ suy nghĩ của mình. Xin cảm ơn!
Nguồn: https://dantri.com.vn/tam-diem/vai-giay-vuot-den-do-mat-ca-thang-luong-20250104214004832.htm