Có độ cao không phải top đầu nhưng về độ khó thì Chuva 12 được các Trekker đánh giá ở mức độ thuộc nhóm hàng đầu. Đây cũng là một trong những cung đường giữ được nét bình yên, không xô bồ nhưng đầy tính thử thách và hấp dẫn các Trekker Việt.
Chọn Chuva 12 – Can Chua Thìa Sảng làm điểm đến cho chuyến leo núi
Hiện nay, có nhiều cung leo núi được các đơn vị khai thác tổ chức hàng tuần. Do đó, cứ đến cuối tuần, ở các cung leo núi “quốc dân” mang tên Lảo Thẩn, Tà Chì Nhù, Lùng Cúng, Tà Xùa…, cảnh lán nghỉ không còn chỗ ngủ dường như đã quen thuộc.
Có sở thích muốn khám phá và trải nghiệm gần gũi với thiên nhiên núi rừng, anh Doãn Bách (làm việc tại Hà Nội) từng bắt đầu xỏ giày tham gia cung leo núi cách đây ngót nghét hơn chục năm trước.
Biển mây bồng bềnh trôi.
Anh Bách đã trải qua hàng chục cung leo núi từ dễ đến khó khác nhau. Lần này, anh Bách chọn cho mình một cung leo núi có độ cao không thuộc top, nhưng về độ khó chắc đang xếp thứ hạng nhóm đầu.
“Sau những giờ phút làm việc căng thẳng, giữa nhịp sống vội vã của chốn phố thị, tôi muốn tìm đến một nơi được tận hưởng cảm giác an yên, có thể nghe tiếng chim hót vang lừng, nghe tiếng suối chảy róc rách bên tai và được lắng nghe tiếng gọi thân thương của đất trời.
Chính vì thế, chúng tôi chọn Chuva 12 – Can Chua Thìa Sảng cho chuyến leo núi lần này vì còn hoang sơ và gần như chưa bị khai thác nhiều”, người đàn ông tuổi 40 chia sẻ.
Chuva 12 là ngọn núi có độ cao 2.751m thuộc dãy núi Hoàng Liên Sơn, nằm ở địa phận tỉnh Lai Châu. Ngọn núi này có độ cao không phải top đầu nhưng về độ khó hiện tại đang được các Trekker đánh giá ở mức độ thuộc nhóm hàng đầu.
Nhóm anh Bách tham gia chuyến leo lần này có 4 người. Tất cả anh em từng tham gia hàng chục các cung leo núi từ trước nên ít nhiều có đủ kinh nghiệm và sức khoẻ để có thể tự tổ chức chuyến leo lần này mà không cần qua đơn vị làm tour.
Họ chọn ngày xuất phát từ tối thứ 5, lệch một chút so với lịch cuối tuần để tránh việc gặp phải sự đông đúc từ lúc di chuyển xe cộ đến sinh hoạt trên núi.
Thành quả cho hành trình leo núi gian nan.
Nhóm lựa chọn lịch trình leo 3 ngày 2 đêm để có nhiều thời gian hơn trong việc tận hưởng và cảm nhận vẻ yên tĩnh, hoang sơ của núi rừng thiên nhiên, được chứng kiến nhiều khoảnh khắc đặc biệt từ lúc bình minh đến hoàng hôn từ góc view 360 độ trên đỉnh.
Rảo bước qua khu rừng thảo quả xanh mướt
Sau hành trình di chuyển bằng xe khách, khoảng 4h sáng sớm, nhóm đến cầu Chuva (thuộc bản Chuva 12, huyện Tam Đường).
Hơn 6h sáng, các thành viên đánh thức nhau dậy, lấy xe máy lên chợ trên thị trấn Tam Đường để ăn sáng và mua thực phẩm, trang phụ kiện… phục vụ hành trình leo núi.
Khoảng 9h, mọi người trở lại nhà porter gần điểm xuất phát ở chân núi. Anh em thay trang phục, giày leo núi, chuẩn bị đủ đồ ăn, nước uống… Lần này, nhóm có 4 người leo đã có kinh nghiệm nên chỉ nhờ thuê thêm 2 anh porter bản địa dẫn đường và cõng theo lều bạt, túi ngủ, đồ ăn cho cả nhóm.
9h30, anh em bắt đầu có mặt tại điểm leo ở chân núi. Khởi đầu hành trình ai cũng hồ hởi, sức khoẻ vẫn còn tốt, mọi người rảo bước qua những khu rừng thảo quả xanh mướt.
Đoạn đầu này, địa hình chủ yếu đi trong rừng có bóng cây mát, độ dốc cũng chưa quá lớn. Mọi người vừa đi thong dong vừa chụp hình. Bắt đầu độ dốc tăng dần lên, nhiều đoạn ẩm ướt dễ trơn trượt hơn.
“Chúng tôi bắt đầu cảm nhận được sự mệt mỏi và nhiều khó khăn đang chờ đợi phía trước. Ngày đầu tiên này, cung đường đi dọc theo những đoạn suối cạn, đa số mùa này không còn nước”, anh Bách cho hay.
Hơn 12h, cả nhóm dừng chân lại nghỉ ngơi, ăn trưa tại bãi đá bên cạnh suối. Đã quá giờ trưa muộn, mọi người vừa đói vừa mệt. Bữa trưa lần này được các bạn porter chuẩn bị gồm xôi, giò…
Chuyến leo núi nhiều kỷ niệm của các thành viên đam mê khám phá nét đẹp thiên nhiên.
Các thành viên tiếp tục di chuyển trên những đoạn dốc đi trong rừng nhưng dốc bắt đầu dài hơn, xuất hiện vài đoạn leo nguy hiểm hơn. Mấy anh em luôn di chuyển gần nhau.
Gần 16h, cả nhóm lên đến lán nghỉ. Hai anh em porter đi kiếm củi nhóm bếp lửa và chuẩn bị nấu nướng cho bữa tối. Lán nghỉ được anh em porter bản địa dựng ở nơi khá kín gió, có mái tôn che chắn ổn định. Gần khu vực lán không xa, có một khe nước nhỏ, có thể cung cấp đủ nước cho mọi người ăn uống.
Bữa tối ngày đầu tiên ấm cúng. Mấy anh em hôm đầu leo mệt nhưng vui. Gần 21h, mọi người ngồi bên bếp lửa nói vài ba câu chuyện, rồi mỗi người tìm cho mình một góc chăn ấm…
Ngắm ánh bình minh rực rỡ
Tầm 5h30 sáng hôm sau, mọi người dần tỉnh giấc. Hơn 6h, sắc màu đỏ rực bao phủ phía đường chân trời hướng mặt trời mọc. Cả nhóm ngồi ngắm ánh bình minh rực rỡ qua góc ngắm hạn chế từ phía lán nghỉ mà tiếc hùi hụi vì không lên đỉnh chờ đón bình minh từ lúc sớm.
Khoảng 7h, mọi người di chuyển từ lán nghỉ lên đỉnh Chuva. Sau khoảng 40 phút leo với người có sức khoẻ leo trung bình, các anh em có mặt trên đỉnh. May mắn, thời tiết khá chiều lòng người. Trời trong xanh, mát mẻ, không quá nóng, cũng không quá lạnh.
Đó là lý do khiến cả nhóm ở trên đỉnh gần 2 tiếng đồng hồ để check-in và chụp ảnh không chán. Góc ngắm trên đỉnh Chuva siêu rộng, view được cả về 4 phía.
Đứng trên đỉnh Chuva 12, bạn có thể ngắm được nóc nhà Đông Dương Fansipan ở rất gần, dãy Ngũ Chỉ Sơn, đỉnh Lảo Thẩn, đỉnh Bạch Mộc, đỉnh Nhìu Cồ San, đỉnh Putaleng…
Bắt gặp khung cảnh thiên nhiên tuyệt đẹp.
Phóng tầm mắt ra xa, từng đợt mây bay tràn xuống phía thung lũng, những tầng mây mỏng vắt vẻo qua khe núi. Những luồng ray sáng bình minh chiếu rọi vào mây núi, trông không khác gì những bức tranh thuỷ mặc mà ta vẫn thấy trên phim ảnh.
“Cảm giác trên đỉnh chỉ có 4 anh em và bạn porter bao trọn cả đỉnh thật đặc biệt vô cùng”, anh Bách cho hay.
Khoảng 10h, cả nhóm check-in kiểu tập thể với chóp Chuva 12. Mấy anh em thu dọn đồ đạc và xuống núi về lán nghỉ ăn trưa. Lần này leo từ đỉnh xuống lán mất ít thời gian hơn lúc sáng, chỉ mất khoảng 30-35 phút di chuyển.
Nhóm ăn trưa xong, thu dọn rác, đồ cá nhân. Gần 12h, cả đoàn di chuyển vượt qua đoạn sống lưng khủng long tiến về hướng chóp Can Chua Thìa Sảng.
Đoạn sống lưng này có lẽ đẹp nhất, được ngắm cảnh thiên nhiên hung vĩ nhất của cung đường leo. Nhiều đoạn đi qua, anh Bách không dám nhìn xuống vực hẻm núi phía sâu, cứ cắm mặt tìm đám gốc cây và thân cây ven đường mà túm lấy để bước đi.
Đoạn địa hình này không lên dốc cao nhiều, tuy nhiên mọi người di chuyển đúng lúc khung giờ giữa trưa nắng mà gần như không có bóng cây to để trú mát nên cũng tốn khá nhiều sức.
Thỉnh thoảng dưới thung lũng, từng đợt mây ùa lên phả vào mặt, cảm giác mát rượi xua tan bớt đi sức nóng của ánh mặt trời. Mọi người đi bám sát gần nhau, giữa khoảng cách vừa đủ để vừa bao quát được đồng đội và cũng không di chuyển sát nhau, giẫm chân vào nhau.
Băng qua đoạn sống lưng, mọi người lại xuống dốc vòng xuống hẻm núi. Hết hẻm núi lại leo lên dốc sang ngọn núi khác, khi này cảm giác mệt và khát nước lại bắt đầu xuất hiện.
Bữa ăn ngon lành giữa chốn núi rừng.
Hành trình ngày thứ 2 này, nước uống bắt đầu không thoải mái như ngày đầu. Cả đoàn đã phải dùng đến những chai nước đun sôi mà porter lấy từ khe suối mang đi uống dần. Mỗi lần vượt được qua con dốc cao tới được bãi đất trống, các thành viên lại ngồi nghỉ, uống nước, ăn vài viên kẹo hay bánh để nạp thêm năng lượng.
Khoảng hơn 15h, nhóm di chuyển đến chân đoạn vách núi đá cao dựng đứng và nguy hiểm nhất hôm ấy. Trong đoàn có 3 anh em đã từng leo đi qua từ mấy năm trước rồi, giờ quay lại đoạn này, cảm giác vẫn hơi hơi lo lắng. Con dốc dài, có độ cao khá gắt, chủ yếu là đá, vách bám tay nhỏ và hẹp.
Hôm đó, thời tiết nắng và khô ráo nên cũng bớt phần nguy hiểm hơn. Có lẽ nếu các bạn leo đoạn này gặp phải thời tiết ướt át sẽ phải cẩn trọng hơn nhiều vì lúc ấy mặt núi đá dễ trơn trượt và khó bám hơn.
“Tôi như nín thở, cắm mặt bám dò tìm từng gốc cây nhỏ, bám từng điểm bám nhỏ trên vách đá di chuyển thật nhanh lên phía trên. Mọi thứ chỉ trôi qua khoảng hơn 1 phút và tôi đã vượt qua, lên đến đỉnh dốc. Chút sợ hãi của bản thân dần biến mất”, anh Bách lể.
Vài phút trôi qua, thành viên cuối cùng của nhóm đã lên được đỉnh dốc. Lúc này, cả nhóm ngồi nghỉ, trêu đùa nhau, nhìn xuống phía dưới với vẻ tự hào khi vừa tự vượt qua giới hạn của bản thân.
Đoạn này cũng là đoạn gần chóp Can Chua Thìa Sảng có độ cao 2.403m, chiều nay cả đoàn dừng chân, dựng lều và nghỉ qua đêm nơi đây. Mới khoảng 15h30, cả nhóm đã có mặt tại điểm dựng lều và nghỉ của ngày thứ 2. Mọi người nghỉ ngơi, bắt tay vào dựng 2 lều ngủ. Ở trên khu này, diện tích không quá rộng và thoải mái để dựng lều rộng. Ước lượng cả đoàn khoảng hơn chục người dựng lều ngủ ở đây là vừa.
Hai bạn porter đi kiếm nhặt cành củi khô từ phía xa để đốt bếp nấu nướng, chuẩn bị đồ ăn tối. Nước uống và sinh hoạt ở đây cực hiếm và gần như không có, chủ yếu nhờ lượng nước được 2 bạn porter cho vào túi nilon kín, gùi từ lán nghỉ ngày đầu tiên mang sang.
Do lều được dựng gần ngay trên đỉnh núi, không có cây to che chắn, thoáng gió nên về đêm khá lạnh. Hoàng hôn chiều hôm ấy thật đẹp. Phía bên dưới vách núi mây bay từng đám bốc dần lên chỗ mọi người ngồi.
Mặt trời dần lặn xuống phía chân trời, luồng ánh sáng vàng như mật ong rọi lên từng đám mây. Mọi người ngồi ăn tối mà xung quanh như là đại dương mây bồng bềnh. Cảm giác thật đặc biệt và yên bình, dường như chỉ muốn thời gian dừng lại nơi đây.
Trời nhá nhem tối, mọi người chuẩn bị đèn pin, ngồi nói chuyện bên đống lửa hồng ấm áp. Tối hôm ấy trăng khuyết nhưng khá sáng. Họ ngồi ngắm sao, hàn huyên đủ mọi chuyện trên trời dưới biển.
Khoảng 20h30, thấy trời lạnh dần, cả nhóm bảo nhau về lều ngủ cho kín gió, ngủ sớm giữ sức khoẻ để ngày hôm sau dậy sớm đón bình minh ngay trên đỉnh Can Chua Thìa Sảng.
Chiêm ngưỡng cảnh mây vờn núi
Sáng hôm cuối cùng, khoảng 5h30, mấy anh em đánh thức nhau dậy, mặc đồ ấm ra khỏi lều đón bình minh.
Thác mây phía xa xa, phía chân trời ánh sáng chuyển từ xanh – ửng hồng – vàng rực. Sáng thức giấc, mở cửa lều bước ra đã thấy cảnh mây vờn núi, thưởng thức một cốc cafe ấm nóng thật tuyệt. Các thành viên tha hồ chụp ảnh, đến tầm 7h30 cả đoàn ăn sáng, thu dọn lều trại đồ đạc gọn gàng để chuẩn bị xuống núi.
Chiêm ngưỡng cảnh mây vờn núi.
Khoảng hơn 8h, cả nhóm chụp bức ảnh tập thể check-in với chóp Can Chua Thìa Sảng, rồi xuống núi. Đoạn đường về chủ yếu đi trong rừng trúc lùn, có độ dốc cao. Vượt qua đỉnh thấp hơn Khang Su Tho San, họ tiến sâu vào rừng ra hướng xuống bản. Cả nhóm liên tiếp đu dây, leo xuống thang.
“Lưu ý, mọi người đi đoạn này phải có găng tay bảo vệ, mặc áo dài tay, quần dài vì khi leo xuống sẽ dùng hai tay đu bám dây hoặc bám vào cây trong rừng. Các bạn đặc biệt cần lưu tâm chuẩn bị đôi giày có độ bám thật tốt vì địa hình trơn trượt”, anh Bách chia sẻ.
Đu dây liên tục, mọi người vượt xuống đoạn địa hình đồi cỏ lau. Cả nhóm ngồi nghỉ uống nước, nghỉ ngơi nạp năng lượng, rồi tiếp tục hành trình. Mọi người đến đoạn vách đá nguy hiểm dù không dài. Họ phải men theo vách đá, phía dưới sâu là vực thẳm.
Mấy anh em đi bám sát, động viên nhau rồi cũng vượt qua. Qua đoạn này gần như đã hết nguy hiểm, mấy anh em băng xuống đồi cỏ lau. Địa hình dốc, về gần trưa nắng nên ai cũng thấm mệt.
Hơn 11h, nhóm xuống được ngọn đồi thấp phía gần bản chân núi. Tầm 12h30, cả nhóm đã xuống được khu ruộng bậc thang gần chân núi và chờ xe của các bạn porter chở về nhà.
Xuống núi sớm hơn dự kiến, cả nhóm nghỉ ngơi rồi chạy lên khu thị trấn Tam Đường tham quan Thác Tác Tình và bản người Dao – Sì Thâu Chải.
Chiều muộn, mấy anh em quay trở lại nhà bạn Porter A Vảng ăn bữa cơm thân mật cùng gia đình, rồi trở về Hà Nội.
Mặc dù chuyến leo núi trở lại nơi này nhưng vẫn nguyên cảm xúc đặc biệt khi được gặp lại những người bạn, đồng đội cũ – những người leo núi có kinh nghiệm, từng đồng hành từ nhiều cung leo núi. Cảnh vật thiên nhiên mây trời thay đổi liên tục nên mỗi lần đi và trải nghiệm, mang đến những ấn tượng khác nhau.
“Chuyến đi lần này thành công tốt đẹp, thuận lợi ngoài sự mong đợi. Cảm xúc khi chinh phục và lên đỉnh rất vui và tự hào, vì bản thân mọi người đều tự vượt qua giới hạn của bản thân một lần nữa. Nếu có dịp, mình vẫn muốn trở lại Chuva12 – Can Chua Thìa Sảng”, anh Bách cho hay.
Bức tranh thiên nhiên hùng vĩ.
Lưu lại những khoảnh khắc tuyệt đẹp của đất trời.
Các du khách chinh phục được ngọn núi.
Can Chua Thìa Sảng có độ cao 2.403m.
Chuyến leo núi thú vị của các du khách.
Hành trình leo núi còn là khoảng thời gian vượt qua giới hạn của bản thân.
Du khách đặt chân lên đỉnh Chuva 12.
Các thành viên trong đoàn cùng lưu lại tấm ảnh kỷ niệm.
Cảnh mây trời bên ngoài chiếc lều.
Bức tranh thiên nhiên hùng vĩ.
Vẻ đẹp thiên nhiên khiến du khách mê mẩn.
Sự hùng vĩ, nên thơ của Chuva12 – Can Chua Thìa Sảng khiến du khách muốn gặp lại vào lần sau.
Khung cảnh tuyệt đẹp của đất trời, mây núi hòa quyện vào nhau.
Cô gái thuộc thế hệ GenZ Thảo Ly vừa có chuyến đi 2 ngày một đêm, bước vào khu rừng rêu và cây thần kỳ đầy mê hoặc và chinh phục đỉnh Samu cao 2.756m.
Nguồn: https://www.24h.com.vn/du-lich-24h/chinh-phuc-ngon-nui-o-day-hoang-lien-son-c76a1637078.html