Thứ hai, Tháng Một 27, 2025
HomeGiải TríThở phào vì năm qua sắm được mảnh đất, cuối năm cũng...

Thở phào vì năm qua sắm được mảnh đất, cuối năm cũng dư hơn nửa cây vàng

2024 đã dần đến hồi kết. Dù năm qua, bạn có thành công cán đích những mục tiêu đã đề ra hay không, thì những chia sẻ dưới đây cũng sẽ phần nào tiếp thêm động lực tích góp cho bạn, trong năm tới.

2024 chốt sổ bằng 1 mảnh đất, không có tiền tiết kiệm vẫn thấy vui!

Minh Phương (sinh năm 1992) hiện đang sinh sống ở Hà Nội cho biết: Từ năm 2019 đến nay, vợ chồng cô không năm nào có tiền tiết kiệm, nhưng bù lại, cứ mỗi năm, gia đình cô lại có thêm 1 tài sản mới. Không phải sổ hồng thì cũng là ô tô.

Thở phào vì năm qua “sắm” được mảnh đất, cuối năm cũng dư hơn nửa cây vàng- Ảnh 1.

Ảnh minh họa

“Chúng mình kết hôn vào năm 2019. Cưới nhau xong, 2 đứa vét sạch toàn bộ tiền tiết kiệm trước đó, tiền mừng cưới và vàng cưới, và vay bạn bè 100 triệu để mua mảnh đất đầu tiên.

Sau khi trả hết nợ vay mua mảnh ấy, chúng mình tiết kiệm lại từ đầu, đến khi hòm hòm thì bàn chuyện mua thêm đất. Tiền tiết kiệm không đủ thì đi vay, xong rồi lại cày cuốc trả nợ. Trả xong nợ, lại tiết kiệm, rồi lại đi vay để mua xe hoặc mua đất tiếp.

Tháng 9/2024, chúng mình mua mảnh đất thứ 3. Tính ra trung bình cứ 1,5 năm là nhà mình lại mua thêm đất. Nói chung, lúc nào chúng mình cũng trong cảnh… đang đi vay nợ cả. Ngoài tiền chi tiêu sinh hoạt hàng tháng, vợ chồng mình chỉ có khoảng 10-12 triệu phòng thân thôi, cũng chẳng có sổ tiết kiệm luôn” – Minh Phương chia sẻ.

Dù không tiết lộ mức thu nhập cụ thể của từng người, nhưng Minh Phương cho biết trung bình hàng tháng, tổng thu nhập của hai vợ chồng rơi vào khoảng 60 triệu, bao gồm cả tiền lương từ công việc phụ.

Với mức thu nhập như vậy, mỗi tháng vợ chồng Minh Phương chỉ chi tiêu khoảng 17-19 triệu là tối đa, số tiền còn lại, thì gom để trả nợ, mà trả hết nợ rồi thì tích dần, để dành mua đất.

“Vì vợ chồng mình chưa có con, nên chi tiêu thoải mái lắm cũng chỉ hết 17-19 triệu là tối đa. Trong đó:

– Tiền thuê nhà cùng tiền điện nước, phí dịch vụ, phí gửi xe (1 xe máy, 1 ô tô): 7,8 triệu đồng

– Tiền ăn: 5 triệu đồng

– Mua sắm đồ dùng gia đình (dầu gội, sữa tắm, nước giặt,…): 1 triệu đồng

– Tiền tiêu vặt của 2 vợ chồng (chủ yếu là để giao lưu bạn bè): 4 triệu đồng

– Tiền xăng: 1,2 triệu đồng

Đấy là mình tính xông xênh, chứ thực ra có tháng, 2 đứa còn tiêu không đến 15 triệu. Nói chung là đi làm cũng bận, lại chưa có con nhỏ và cũng không ham mua sắm, nên việc quản lý chi tiêu với chúng mình cũng nhẹ nhàng, không quá áp lực” – Minh Phương khẳng định.

Lương 12 triệu/tháng, cuối năm dư 6,5 chỉ vàng!

Đây là thành quả của Tâm Đan (sinh năm 1997), hiện đang sống và làm việc tại Hà Nội.

Thở phào vì năm qua “sắm” được mảnh đất, cuối năm cũng dư hơn nửa cây vàng- Ảnh 2.

Ảnh minh họa

Tính đến thời điểm hiện tại, Tâm Đan đã đi làm được gần 5 năm, nhưng chỉ đến năm 2024, cô mới bắt đầu học cách tiết kiệm và tích sản, còn những năm trước, Tâm Đan cũng giống khá nhiều bạn trẻ khác, lúc nào cũng trong cảnh hết tiền vì “kiếm bao nhiêu, tiêu bấy nhiêu”.

“Năm nay mình cũng 27 tuổi rồi, cũng nghĩ đến việc lấy chồng. Kết hôn mà trong tay không có tài sản gì thì cũng không ổn, bản thân mình thấy không tự tin. Thế nên mình mới học cách tiết kiệm, nhưng nếu giữ tiền thì mình lại rất hay tiêu lẹm vào.

Cuối cùng, mình nghe mẹ, mỗi tháng đều gửi cho mẹ 5 triệu, nhờ mẹ mua nửa chỉ vàng hoặc đợi 2 tháng rồi mua 1 chỉ. Mẹ mua xong cũng giữ giúp mình luôn, chứ mình đang đi thuê nhà ở Hà Nội, ở chung với người khác nữa, nên giữ vàng cũng không yên tâm” – Tâm Đan chia sẻ.

Với mức lương 12 triệu, Tâm Đan cho biết trong những tháng đầu tiên quyết tâm “gửi mẹ 5 triệu để mua vàng”, cô cũng gặp không ít khó khăn. Có những tháng, phải đi vay bạn bè vài trăm ngàn trong lúc chờ lương, vì tiền đã gửi mẹ rồi, mẹ không cho lấy lại. Nhưng cũng nhờ thế mà đến giờ này, cô mới có 6,5 chỉ vàng và cũng đã học được cách quản lý chi tiêu, để không còn quá bí bách những ngày cuối tháng.

Tâm Đan phân bổ chi tiêu như sau, để đảm bảo cuộc sống với 7 triệu đồng/tháng:

– Tiền thuê nhà, phí dịch vụ, điện, nước: 2,1 triệu đồng

– Tiền xăng: 320k (80k/tuần)

– Dự phòng: 500k

– Tiền mua sắm (dầu gội, sữa tắm, mỹ phẩm,…): 500k

– Tiền ăn (mua thực phẩm, cà phê với bạn bè,…): 3,5 triệu đồng

Với cách phân bổ chi tiêu như vậy, Tâm Đan cho biết cô không thể mua sắm linh tinh quá nhiều, cũng không thể ăn ngoài thường xuyên như ngày xưa, vì nếu như vậy, chỉ khoảng 1-2 tuần là sẽ hết sạch tiền.

Nguồn: https://kenh14.vn/tho-phao-vi-nam-qua-sam-duoc-manh-dat-cuoi-nam-cung-du-hon-nua-cay-vang-215241227183748215.chn

Kenh14 Logo

Hello Mình là Cải

Theo dõi
Thông báo của
0 Góp ý
Mới nhất
Cũ nhất Được bỏ phiếu nhiều nhất
Phản hồi nội tuyến
Xem tất cả bình luận

Tin Nóng Hôm Nay