Thứ ba, Tháng Một 28, 2025
HomeGiải TríBộ vàng mã quan thần linh trong lễ cúng ông Công ông...

Bộ vàng mã quan thần linh trong lễ cúng ông Công ông Táo hóa khi nào?

Ông Công ông Táo là những vị thần quen thuộc và gần gũi trong tín ngưỡng dân gian Việt Nam, đặc biệt gắn liền với ngày lễ cúng Táo Quân vào 23 tháng Chạp âm lịch hàng năm. Đây là một phong tục truyền thống mang đậm nét văn hóa và tâm linh của người Việt.

Người Việt tin rằng ông Công ông Táo là những vị thần ghi chép những việc làm tốt xấu của gia chủ trong suốt một năm và vào ngày 23 tháng Chạp sẽ cưỡi cá chép lên Thiên đình để báo cáo với Ngọc Hoàng. Việc cúng ông Công ông Táo thể hiện lòng thành kính, biết ơn của gia chủ đối với các vị thần đã phù hộ cho gia đình trong suốt một năm qua.

Lễ cúng ông Công ông Táo cũng là dịp để gia chủ cầu mong những điều tốt lành cho năm mới, mong các vị thần tiếp tục phù hộ cho gia đình được ấm no, hạnh phúc, gặp nhiều may mắn. Tục cúng ông Công ông Táo là một nét đẹp văn hóa truyền thống của người Việt, được lưu truyền từ đời này sang đời khác. Nó góp phần làm phong phú thêm đời sống tinh thần và thể hiện lòng biết ơn đối với tổ tiên.

Bộ vàng mã cúng ông Công ông Táo gồm những gì?

Vào ngày 23 tháng Chạp, các gia đình Việt Nam thường chuẩn bị mâm cỗ cúng ông Công ông Táo với các lễ vật như:

– Mũ, áo, hia (giày) giấy: Thường là ba bộ, hai bộ cho hai ông Táo và một bộ cho bà Táo.

– Cá chép vàng: Cá chép sống tượng trưng cho phương tiện để các Táo về trời.

– Trầu cau, hoa quả, vàng mã: Các lễ vật cúng tế thông thường.

– Xôi, gà luộc, các món ăn truyền thống: Tùy theo từng gia đình và vùng miền.

Sau khi cúng, người ta thường hóa vàng mã và thả cá chép ra sông, hồ để “tiễn” các Táo về trời.

Bộ vàng mã quan thần linh trong lễ cúng ông Công ông Táo hóa khi nào?- Ảnh 1.

Bộ vàng mã cúng ông Công ông Táo thông thường. Ảnh: Vũ Thu Hương.

Bộ vàng mã quan thần linh kèm theo bộ ông Công ông Táo hóa khi nào?

Khá nhiều người tỏ ra thắc mắc rằng trong bộ vàng mã mua dâng mâm cúng ông Công ông Táo ngày 23 tháng Chạp thường có thêm bộ vàng mã quan thần linh. Câu hỏi đặt ra rằng sau khi cúng, bộ vàng mã quan thần linh đó hóa khi nào?

Có người cho rằng đều hóa vàng sau khi cúng, cũng có người cho rằng bộ quan thần linh để lại đến đêm Giao thừa mới hóa.

Bộ vàng mã quan thần linh trong lễ cúng ông Công ông Táo hóa khi nào?- Ảnh 2.

Bộ vàng mã có kèm bộ quan thần linh có thể hóa cùng nhau trong lễ cúng ông Công ông Táo. Ảnh: Cherry Ly

Trước khi đi tìm câu trả lời về vấn đề này, chúng ta cần hiểu một chút về việc phân biệt ông Công ông Táo.

Trong cuốn Hội hè lễ Tết của người Việt, cụ Nguyễn Văn Huyên đã chỉ ra rằng:

“Thần bếp, Táo quân, thường hay bị lẫn với thổ công hay thổ địa, là thần đất trong nhà, bản thân thần này là lệ thuộc của thần thành hoàng, tức thần đất của làng, và thần Xã tắc là vị thần vua, hiện thân của đất nước.

Đôi khi, ý thức dân gian tìm cách phân biệt những thần này, nhưng sự phân biệt này luôn luôn rất mơ hồ. Dù sao khi người ta phân biệt được các thần đó, thì thổ công được trình bày trên bàn thờ bằng một cặp vợ chồng, còn Táo quân là một bộ ba gồm một thần nữ có hai thần nam kèm bên.

Tuy nhiên, người ta thường công nhận rằng thổ công được gộp trong bộ ba đó, gồm thổ kỳ, thổ địa và thổ công, theo lời dạy của các nhà nho. Các vị này được tiêu biểu ba hòn gạch xếp thành cái kiềng đun bếp: Hòn thứ nhất tiêu biểu cho đất nói chung, hòn thứ hai là đất trong nhà, và hòn thứ ba là thần bếp”.

Bộ vàng mã quan thần linh trong lễ cúng ông Công ông Táo hóa khi nào?- Ảnh 3.

Bộ vàng mã trong lễ cúng ông Công ông Táo thông thường chỉ cần bộ 3 mũ áo, hia là đủ.

Như vậy, với bộ vàng mã tượng trưng cho Táo quân và thổ công, chỉ cần 3 bộ áo, mũ, hia giấy là đủ. Với trường hợp, gia chủ mua thêm bộ quan thần linh cũng có thể hóa luôn sau khi cúng.

Bộ quan thần linh mọi người thường để dành hóa đêm Giao thừa là bộ vàng mã dành cho quan Hành khiển năm mới. Mỗi một vị Hành khiển năm mới sẽ đi kèm một vị Hành binh cùng Phán quan. Theo dân gian, các vị này sẽ thay mặt Ngọc Hoàng trông coi mọi việc trên thế gian. Chẳng hạn, năm Ất Tỵ sẽ là Ngô Vương Hành khiển, Thiên Hao Hành binh chi thần, Hứa Tào phán quan.

Và theo thuyết ngũ hành thì các vật lễ cúng cần theo các màu sau: Năm hành Kim (Canh, Tân) màu trắng; Mộc (Giáp, Ất) màu xanh lá; Thủy (Nhâm, Quý) màu xanh nước biển, đen; Hỏa (Bính, Đinh) màu đỏ, Thổ (Mậu, Kỷ) màu vàng.

Bởi vậy, bộ vàng mã dành cho quan thần linh năm mới Ất Tỵ 2025 sẽ là màu xanh lá cây. Cho nên nếu như bộ quan thần linh gia chủ mua kèm bộ ông Công ông Táo màu xanh lá cây thì sẽ giữ lại hóa đêm Giao thừa, còn màu sắc khác có thể hóa cùng luôn.

Nguồn: https://kenh14.vn/bo-vang-ma-quan-than-linh-trong-le-cung-ong-cong-ong-tao-hoa-khi-nao-215250122093236049.chn

Kenh14 Logo

Hello Mình là Cải

Theo dõi
Thông báo của
0 Góp ý
Mới nhất
Cũ nhất Được bỏ phiếu nhiều nhất
Phản hồi nội tuyến
Xem tất cả bình luận

Tin Nóng Hôm Nay