Công tác thanh tra, kiểm tra là một trong những nội dung quan trọng, ngoài kiểm tra việc tuân thủ pháp luật thì thanh tra, kiểm tra giúp phản ánh nhu cầu từ cuộc sống với cơ quan quản lý nhà nước.
Thời gian qua, công tác thanh tra, kiểm tra và giải quyết khiếu tố của ngành tài nguyên và môi trường đã góp phần quan trọng trong việc từng bước nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước về tài nguyên và môi trường, góp phần ổn định và phát triển nền kinh tế-xã hội.
Ðáng chú ý, qua công tác thanh tra, kiểm tra đã kịp thời phát hiện, ngăn chặn, xử lý nghiêm các hành vi vi phạm pháp luật về tài nguyên và môi trường; đồng thời đã có những kiến nghị rất có giá trị cho việc sửa đổi, bổ sung các văn bản quy phạm pháp luật quan trọng về lĩnh vực tài nguyên và môi trường.
Thông qua công tác thanh tra, giải quyết tranh chấp, khiếu nại, tố cáo và xử lý vi phạm về đất đai đã thực hiện trao đổi chuyên môn, nghiệp vụ và tổng hợp, tháo gỡ kịp thời những vướng mắc, bất cập trong thi hành công vụ.
Ðánh giá về công tác thanh tra, kiểm tra giải quyết khiếu nại, tố cáo của ngành tài nguyên và môi trường, Chánh Thanh tra Bộ Tài nguyên và Môi trường Lê Vũ Tuấn Anh cho biết, năm 2024, Bộ tiếp tục chỉ đạo quyết liệt việc đổi mới toàn diện về công tác thanh tra, đã bám sát ý kiến chỉ đạo của Quốc hội, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Thanh tra Chính phủ và thực hiện quản lý nhà nước về tài nguyên và môi trường, trong đó chú trọng đến đề xuất từ thực tiễn tại các địa phương; chỉ đạo các đơn vị trực thuộc Bộ có các giải pháp đổi mới từ quá trình xây dựng định hướng chương trình thanh tra cho đến xây dựng và triển khai kế hoạch thanh tra hằng năm phải bảo đảm trọng tâm, trọng điểm có tính khả thi cao, tránh chồng chéo; bảo đảm kịp tiến độ, chặt chẽ, khách quan, đúng pháp luật.
Ðáng chú ý, việc đổi mới cách thức thanh tra, kiểm tra được triển khai, bao gồm nắm bắt, thu thập thông tin, tài liệu để phục vụ cho việc xây dựng kế hoạch thanh tra, kiểm tra hằng năm của Bộ và chuẩn bị cho việc triển khai các đoàn thanh tra.
Quá trình nắm bắt, thu thập thông tin, tài liệu được triển khai thường xuyên thông qua công tác làm việc, nắm bắt tình hình tại địa phương, đơn vị, nắm bắt thông tin qua các phương tiện thông tin truyền thông và phản ánh của người dân…
Từ sự chuẩn bị kỹ càng đó, các cuộc thanh tra, kiểm tra đã rút ngắn được 50% thời gian trực tiếp làm việc tại địa phương, đơn vị hoặc tại địa bàn thanh tra, kiểm tra nhưng vẫn bảo đảm được tính hiệu lực, hiệu quả.
Trong năm 2024, lực lượng thanh tra đã tiến hành 591 cuộc thanh tra, kiểm tra đối với 1.682 tổ chức, cá nhân; ban hành 540 quyết định xử phạt đối với các tổ chức, cá nhân với số tiền là 113.921 triệu đồng, kiến nghị truy thu nộp ngân sách nhà nước 6.749 triệu đồng.
Không chỉ làm tốt công tác thanh tra, kiểm tra, trong thời gian qua, tình hình khiếu nại, tố cáo, phản ánh kiến nghị thuộc lĩnh vực tài nguyên và môi trường, nhất là trong lĩnh vực đất đai tuy có giảm nhưng vẫn chiếm số lượng lớn, nhiều vụ việc đông người, phức tạp kéo dài.
Trong quá trình giải quyết, luôn chú trọng công tác đối thoại, hòa giải và tuyên truyền chính sách, pháp luật để công dân được hiểu và tự nguyện rút đơn khiếu nại, do đó số vụ việc đã đình chỉ giải quyết khiếu nại lên tới 53% số vụ việc đã giải quyết thuộc thẩm quyền.
Tuy nhiên, thực tế cho thấy, công tác thanh tra, kiểm tra và giải quyết khiếu nại, tố cáo của ngành cũng còn một số tồn tại, hạn chế chưa được khắc phục triệt để như: Công tác xây dựng kế hoạch thanh tra, kiểm tra chưa thật sự đạt yêu cầu; còn tình trạng chưa xác định đúng đối tượng; nội dung thanh tra, kiểm tra chưa sát thực tiễn, chưa tập trung vào các vấn đề bức xúc của xã hội; việc khắc phục sai phạm kiến nghị về thanh tra, kiểm tra chưa triệt để, việc tổ chức thực hiện nội dung kết luận thanh tra, kiểm tra còn chậm, phải đôn đốc nhiều. Trong khi đó, nhiều vụ việc chỉ được triển khai khi các vi phạm đã được các phương tiện thông tin đại chúng phát hiện hoặc do Thủ tướng Chính phủ, lãnh đạo Bộ chỉ đạo.
Ðể công tác quản lý nhà nước nói chung và công tác thanh tra, kiểm tra về tài nguyên và môi trường nói riêng đạt được những hiệu quả đáp ứng được yêu cầu, Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Nguyễn Thị Phương Hoa cho rằng, Thanh tra Bộ tiếp tục nghiên cứu định hướng xử lý các vướng mắc, tồn tại và khẳng định công tác thanh tra, kiểm tra rất quan trọng. Ngoài việc đánh giá công tác triển khai các văn bản quy phạm pháp luật, việc thanh tra, kiểm tra còn giúp phản ánh văn bản đó đã phù hợp chưa và hệ thống pháp luật có những điểm gì cần tiếp tục hoàn thiện. Trong năm 2025, Thanh tra Bộ phối hợp cùng Thanh tra Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn triển khai rà soát, thống nhất phương án sắp xếp phòng ban, nhân sự. Xây dựng kế hoạch và triển khai bảo đảm chất lượng công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật, đồng thời khẩn trương xây dựng các văn bản hướng dẫn thực hiện về tài nguyên và môi trường như: Luật Ðất đai, Luật Tài nguyên nước…
Mặt khác, thủ trưởng các đơn vị tăng cường kiểm tra, giám sát các đoàn thanh tra, kiểm tra bảo đảm các cuộc thanh tra, kiểm tra có chất lượng, hiệu quả, đúng tiến độ, nhất là việc tuân thủ các quy định của pháp luật về việc ban hành báo cáo, kết luận thanh tra, kiểm tra; tăng cường công tác kiểm tra, đôn đốc thực hiện kết luận, kiến nghị thanh tra; tiếp tục hoàn thiện cơ sở dữ liệu về công tác thanh tra, kiểm tra; thiết lập cơ chế trao đổi thông tin để khắc phục tình trạng chồng chéo, trùng lặp giữa bộ, ngành và địa phương trong lĩnh vực tài nguyên và môi trường; tập trung giải quyết dứt điểm các vụ việc Thủ tướng Chính phủ giao và các vụ việc thuộc thẩm quyền, trách nhiệm phạm vi đơn vị quản lý.
Nguồn: https://nhandan.vn/nang-cao-hieu-luc-thanh-tra-kiem-tra-linh-vuc-tai-nguyen-va-moi-truong-post857791.html