Thứ ba, Tháng Một 28, 2025
HomePháp LuậtPháp Đình kỳ cục chuyện 2024

Pháp Đình kỳ cục chuyện 2024

(PLO)- Năm qua bớt chuyện om sòm, thế nhưng đâu đó pháp đình vẫn xảy ra những câu chuyện dở khóc dở cười.

Pháp đình xứ Việt năm qua không còn chuyện rượt đuổi thẩm phán, kiểm sát viên, cũng không còn cảnh bị cáo quỳ tỏ tình với đồng phạm hay hôn nhau trong phiên xử…

Âu cũng là vì công đường ngày càng quy củ, tôn nghiêm. Hơn nữa camera chạy bằng điện và chạy bằng cơm giăng bủa khắp nơi nên đã bớt bớt những chuyện ngẫu hứng lý tào lao của nhiều người.

Nói là bớt thôi chứ nghía nghía thì cũng còn không ít chuyện tầm phào.

Quý bà đến tòa và… cởi

Tháng 5-2024, TAND TP Đà Nẵng đưa vào danh sách “ghi-net” hoạt động tố tụng ở tòa này một vụ án lạ.

Chuyện là cuối năm 2022, bà ĐTH kiện UBND xã Hòa Sơn ra TAND huyện Hòa Vang về quyết định hành chính và hành vi hành chính trong lĩnh vực đất đai.

Quá trình tòa xử án, bà H chẳng ngán ai, chửi từ UBND xã đến kiểm sát viên và tất nhiên, bà được mời về trụ sở công an làm việc. Tưởng mọi chuyện đã êm, gần 20 ngày sau bà quay lại tòa để… chửi tiếp. Thế nhưng lần này cái sự chửi có khác lần trước. Để cho đã cái nư, người phụ nữ 58 tuổi này bèn cởi luôn… để… chửi phụ họa!

Thế là từ người khởi kiện, bà H có thêm tư cách tố tụng là bị cáo và bị TAND TP Đà Nẵng xử phạt một năm tù về tội gây rối trật tự công cộng.

Pháp Đình kỳ cục chuyện 2024
Pháp Đình kỳ cục chuyện 2024

“Chiếm sóng” nhưng không chịu “tắt đài”

Đầu tháng 1-2024, bà NTĐ đến TAND huyện Châu Thành (Tiền Giang) liên hệ giải quyết một vụ tranh chấp. Khi gặp thẩm phán, chỉ sau vài câu, bà đã lớn tiếng xỉa xói, chửi bới.

Xui là bà đứng ngay sát phòng xử án, lại mở volume hết cỡ nên tiếng chửi bới, xỉa xói thẩm phán của bà đã “chiếm sóng” phòng xử.

Lập tức công an có mặt, yêu cầu bà “tắt đài” nhưng bà vẫn không chịu stop. Khi bị công an mời ra về, bà Đ tiếp tục “phát sóng” từ phòng làm việc ra tới cổng tòa…

Hành vi “chiếm sóng” của bà cuối cùng bị khởi tố, bắt tạm giam về tội gây rối trật tự công cộng. Khả năng cao là xuân này bà Đ chưa được về…

Mang dao vào múa chốn pháp đình

Tháng 2 năm rồi, TAND TP Châu Đốc, tỉnh An Giang đưa 33 bị cáo của hai nhóm giang hồ ra xét xử. Hay tin, nhóm thanh thiếu niên liên quan cũng đến hóng xem anh em xã hội của mình bị tòa xử thế nào.

Đang hóng xử án, Lê Anh Kiệt (20 tuổi) và đám bạn phát hiện nhóm đối thủ từng rượt đánh mình cũng có mặt nên chạy về nhà lấy dao đến hầu chuyện.

Khỏi phải nói, thấy Kiệt cầm dao chạy đến, mọi người chạy tán loạn. Thế nhưng, bản thân Kiệt thì không thể chạy thoát khỏi các anh cảnh sát tư pháp đang làm nhiệm vụ tại tòa. Kiệt bị khống chế và sau đó bị bắt tạm giam về tội gây rối trật tự công cộng.

Có lẽ do trẻ người non dạ mà bày đặt hành sự giang hồ nên bạn này mới không biết trời cao đất dày, dám xông vô pháp đình làm xằng. Thấy cũng tội mà thôi cũng kệ, cứ “vào trỏng” để được dạy dỗ cho đàng hoàng, mơi mốt ra đời làm công dân có ích cho xã hội.

dad46.jpg
Ảnh Minh Họa

Không đọc nội dung vẫn ký ban hành bản án

Tháng 2-2024, ông V gửi đơn đến TAND Cấp cao tại Đà Nẵng đề nghị coi giùm cái bản án đã có hiệu lực pháp luật mà ông là nguyên đơn, do TAND huyện Krông Pắc (Đắk Lắk) xử từ năm 2022. Lý do là bản án ông nhận với bản ở cơ quan thi hành án không giống nhau.

Hai bản án cùng số, cùng các ký hiệu tương tự nhưng phần nhận định của VKSND huyện Krông Pắc khác hoàn toàn. Đặc biệt là tên nguyên đơn, bị đơn cũng khác…

Theo thẩm phán chủ tọa, sở dĩ bản án có… dị bản là vì thư ký phiên tòa đã copy phần phát biểu quan điểm của đại diện VKS vụ án khác đưa vào bản án vụ ông V. Thư ký cũng copy, paste nhầm tên đương sự vụ khác…

Ngay sau khi phát hiện, ông đã trao đổi miệng, thu hồi bản án và sửa lại nội dung, ban hành lại bản án chuẩn. “Lúc đó tôi xử nhiều vụ kiện liên quan đến đất đai nên chủ quan, không rà soát hết các nội dung nên sơ sót” – thẩm phán trần tình.

Ai cũng có sơ sót, chủ quan nhưng ký vào bản án “nhân danh nước CHXHCN Việt Nam” mà không đọc lại thì… rất khó coi. Cũng may, xét cho cùng thì sai sót này đúng là do “lỗi của cậu đánh máy”!

***

Pháp đình xứ Việt năm qua cũng ghi nhận những chuyện éo le, cười ra nước mắt. Chẳng hạn như nhiều người, có cả quan tòa bắt tay làm giả kết quả giám định tâm thần; hay gần chục bị cáo cười đùa, trêu nhau khi chờ tòa tuyên án… Nhưng bao trùm lên tất cả vẫn là văn hóa pháp đình ngày càng được gìn giữ, bảo vệ trang nghiêm.

TAND quận 1 tham gia nhiều hoạt động chăm lo người nghèo dịp Tết
Theo dõi Báo Pháp Luật Tp HCM trên Google News

Nguồn: https://plo.vn/phap-dinh-ky-cuc-chuyen-2024-post829393.html

PLO Logo

Hello Mình là Cải

Theo dõi
Thông báo của
0 Góp ý
Mới nhất
Cũ nhất Được bỏ phiếu nhiều nhất
Phản hồi nội tuyến
Xem tất cả bình luận

Tin Nóng Hôm Nay