Thứ ba, Tháng Một 28, 2025
HomeKinh DoanhDự đoán nhiều người bán hàng sẽ rời sàn, KOL đi tìm...

Dự đoán nhiều người bán hàng sẽ rời sàn, KOL đi tìm việc

Dự đoán nhiều người bán hàng sẽ rời sàn, KOL đi tìm việc - Ảnh 1.

Người tiêu dùng tìm kiếm sản phẩm trên sàn thương mại điện tử – Ảnh: HỒNG PHÚC

Giảm mạnh với nhà bán hàng nhỏ lẻ

Thị trường thương mại điện tử Việt Nam đang chứng kiến sự đào thải mạnh mẽ đối với các nhà bán nhỏ lẻ.

Sau một thập kỷ tăng trưởng, số lượng nhà bán đã giảm đáng kể trong năm nay.

“Từ năm 2014-2023, số lượng nhà bán trên các sàn đều tăng, chỉ có năm nay giảm. Khi có thông tin truy thu thuế, số lượng shop trên sàn đóng nhiều”, ông Nguyễn Mạnh Tấn – giám đốc marketing Haravan – nói.

Cạnh tranh cao và đua nhau giảm giá, đặc biệt ở các ngành hàng như làm đẹp, thời trang, mẹ và bé,… khiến nhiều nhà bán hàng nhỏ tìm hướng đi mới thay vì “all in” vào các sàn thương mại điện tử.

Xu hướng dịch chuyển kênh bán hàng chủ đạo từ sàn thương mại qua kênh độc lập (website, mạng xã hội…) diễn ra rõ ở nhóm nhà bán hàng cá nhân, hộ kinh doanh quy mô nhỏ và vừa.

Số liệu từ Metric chứng minh điều này.

Cụ thể 9 tháng đầu năm, tổng số shop trên 5 sàn thương mại điện tử (Shopee, Lazada, Tiki, Sendo, TikTok Shop) giảm 1% so với cùng kỳ 2023.

Nhưng xét riêng quý 3.2024 thì mức giảm đến 17,8% so với cùng kỳ năm ngoái.

Nhìn kỹ hơn vào Shopee – sàn đang dẫn đầu thị phần, có đến 91.459 shop non-mall (nhà bán hàng không phải chủ thương hiệu hoặc được ủy quyền phân phối chính hãng) rời sàn.

Dự đoán nhiều người bán hàng sẽ rời sàn, KOL đi tìm việc - Ảnh 5.

Số lượng nhà bán hàng không phải chủ thương hiệu hoặc được ủy quyền phân phối chính hãng giảm mạnh – Ảnh: HỒNG PHÚC

“Người Việt rất thức thời, đặc biệt là người làm kinh doanh. Họ chuyển hướng rất nhanh khi nhìn thấy khó khăn ở một nơi, còn nơi khác có triển vọng hơn”, bà Dương Mai Anh, giám đốc Cổng thanh toán Paykit, chia sẻ với Tuổi Trẻ Online.

Bà Mai Anh cho biết ít nhất 70% các nhà bán hàng đang có nhu cầu phát triển kênh bán độc lập và cần tích hợp cổng thanh toán khi tìm đến Paykit đều từng sở hữu ít nhất một kênh bán hàng online như Facebook, Instagram, website…

Theo làn sóng “lên sàn”, họ đổ dồn nguồn lực vào đây, nhưng sự thay đổi về chính sách (phí, giao vận, nguồn gốc hàng hóa) và sự cạnh tranh trực diện với hàng Trung Quốc trên sàn buộc họ thay đổi hướng đi.

Sự dịch chuyển này, theo bà Mai Anh, thể hiện nhu cầu kiểm soát tốt hơn hoạt động kinh doanh, giảm sự phụ thuộc vào quy định của sàn để tối ưu lợi nhuận.

Số liệu từ TikTok Shop cho thấy số lượng nhà bán hàng phát live trên nền tảng này năm 2023 đã tăng 286% so với năm trước đó. Sang năm nay, số lượng này chỉ tăng 24%.

Theo ông Nguyễn Mạnh Tấn, thị trường bán hàng trên TikTok Shop đã dần ổn định, nhà bán mới ít đi và “cực kỳ khó cạnh tranh, miếng bánh ngon thuộc về nhà bán lớn”.

Nhiều KOL, KOC sẽ đi tìm việc

Ngoài các nhà bán hàng nhỏ lẻ, lượng KOL và KOC cũng đối mặt nguy cơ bị đào thải.

Mặc dù được thúc đẩy mạnh mẽ nhờ TikTok, sự bùng nổ này được dự báo không kéo dài lâu.

“Từ giữa năm 2025, sẽ có rất nhiều KOL và KOC phải quay lại thị trường tìm việc làm. Người có năng lực mới tồn tại được”, ông Nguyễn Thành Hiếu, CEO Vela Group, nhận định.

Theo ông Hiếu, trong năm 2024 thị trường chứng kiến xu hướng nhân sự từ các công ty xin nghỉ việc đi bán hàng online. Nhưng năm sau, thị trường lao động sẽ xuất hiện nhiều hồ sơ ứng viên tìm việc, với kinh nghiệm từng làm KOL, KOC.

Kinh doanh luôn đòi hỏi sự chuẩn chỉnh, đặc biệt là về pháp lý. Chính điều này sẽ khiến nhiều nhà bán hàng không đáp ứng được yêu cầu bị đào thải.

Nhưng đây sẽ là cơ hội cho những nhà bán hàng tuân thủ quy định pháp luật.

Theo ông Hiếu, các nhà bán hàng không nên nhìn về vấn đề thuế và pháp lý như một khó khăn, mà nên xem đó là lợi thế cạnh tranh.

“Dữ liệu trên sàn đều được thu thập đầy đủ và cơ quan thuế nắm bắt được. Ba lần bị gọi lên có thể khiến bạn mất đi vài năm làm ăn”, ông Hiếu nói.

Temu sớm quay lại

Sau thời gian “náo loạn” thị trường thương mại điện tử Việt Nam, Temu được dự đoán sẽ sớm quay lại sau khi hoàn tất các vấn đề về pháp lý.

Khi nền tảng này quay lại cũng là lúc cạnh tranh giữa các nền tảng càng trở nên gay gắt, với sự xuất hiện của hàng loạt sàn từ Trung Quốc.

“Tầm tháng 3 Temu sẽ quay lại, kéo một sàn cùng quay lại là Shein. Tabao cũng sẽ vào sớm”, ông Nguyễn Mạnh Tấn dự đoán.

Sự gia nhập của Temu vào thị trường Việt Nam và một số động thái từ các sàn cung cấp hàng giá rẻ khác đến từ Trung Quốc (như 1688, Taobao) làm gia tăng áp lực cạnh tranh.

Phần lớn thị trường hiện tại thuộc về Shopee và TikTok Shop, nhưng trong thời gian tới thị phần sẽ được phân tranh.

“5 năm qua, nhiều doanh nghiệp từng tăng tốc rồi sa sút vì những biến động và cả việc siết thuế. Ai tiếp tục sẽ là người hiểu rõ hơn cách tuân thủ cuộc chơi bài bản và cách tối ưu hiệu suất vận hành”, ông Lê Anh Tuấn, CEO A1Demy, nhận định.

Nguồn: https://tuoitre.vn/du-doan-nhieu-nguoi-ban-hang-se-roi-san-kol-di-tim-viec-20241220133342845.htm

TuoiTre Logo

Hello Mình là Cải

Theo dõi
Thông báo của
0 Góp ý
Mới nhất
Cũ nhất Được bỏ phiếu nhiều nhất
Phản hồi nội tuyến
Xem tất cả bình luận

Tin Nóng Hôm Nay