“Bảo tàng nghệ thuật sống”
Ngồi trong căn nhà nhỏ, nhấp ngụm trà, già làng Bh’riu Pố ở xã Lăng (huyện Tây Giang, Quảng Nam) nói nhà gươl của người Cơ Tu như một “bảo tàng nghệ thuật sống”, nơi lưu giữ những giá trị tinh thần thiêng liêng, nơi gửi gắm niềm tin vào thần linh, ông bà tổ tiên. Trên từng vách hoặc thanh ngang, dọc trong và ngoài gươl, người Cơ Tu đều tái hiện đời sống sinh hoạt cộng đồng bằng những bức tượng, bức tranh được điêu khắc tinh xảo. Hình tượng con rắn nằm giữa gươl.
Từ lâu, già Bh’riu Pố được biết đến là bậc thầy của điêu khắc gỗ. Những tác phẩm do chính tay ông tạo ra đều rất tinh xảo. Hầu hết nhà gươl ở huyện Tây Giang đều có bóng dáng và ý tưởng của ông. Năm 2007, nghệ nhân Bh’riu Pố tham gia trại sáng tác điêu khắc tại huyện Buôn Đôn (Đắk Lắk), sáng tác 2 bức tượng độc đáo là “rắn thần” và “già làng”. Hai tác phẩm này sau đó được giữ lại trưng bày tại Vườn tượng Buôn Đôn cùng tác phẩm điêu khắc của các nghệ nhân nổi tiếng ở Tây nguyên.
Già Bh’riu Pố kể theo thuyết rắn thần (bhi’dưa) có trách nhiệm gìn giữ cái hũ của thần nước. Chính vì vậy, rắn thần chỉ sống ở vùng đầm lầy, ao hồ, sông suối… Trong làng, nếu người nào có ý nghĩ, lời nói hoặc việc làm xấu xa thì qua những vùng có nước sẽ bị rắn thần trừng phạt. “Người Cơ Tu rất tin ở sự hiển linh của rắn thần. Trong tâm thức của người Cơ Tu, rắn có ý nghĩa răn đe, giáo dục những người sống trong buôn làng, cộng đồng phải ăn ở hòa thuận, suy nghĩ trong sáng, không nói xằng bậy, không làm điều xấu, điều ác để cuộc sống tốt đẹp hơn. Ngoài ra, rắn cũng đại diện cho sự mềm mại, hiếu khách trong văn hóa của người Cơ Tu”, già Pố nói.
Theo già Pố, trên gươl của người Cơ Tu, hình tượng con rắn dù không xuất hiện phổ biến, nhưng lại chiếm lĩnh vị trí khá quan trọng trong tín ngưỡng của cộng đồng. Vì thế, việc chạm khắc và đặt vị trí hình tượng rắn trên gươl cũng được cân nhắc kỹ lưỡng và có sự đồng ý của hội đồng già làng. Người Cơ Tu thường điêu khắc 2 loài rắn (trăn và cạp nong). Hình tượng rắn được tạo hình với nhiều hình dạng khác nhau, nhưng chủ yếu là tư thế đang di chuyển. Hình rắn thường được tạc vào những thanh ván ngang, dọc ở chính diện nhà gươl như một bức phù điêu khắc nổi, thể hiện sự tôn trọng tuyệt đối.
BIỂU THỊ CỦA SỰ TÔN SÙNG
Trang trí cho gươl, những nghệ nhân Cơ Tu đã tạo nên những bức tượng, bức tranh trên gỗ rất đa dạng và sống động. Trên dãy Trường Sơn, nhà gươl là công trình đầu tiên được người Cơ Tu chọn đất để dựng nên mỗi khi họ lập làng, với sự chung sức của cộng đồng làng. Các buôn làng Cơ Tu dù giàu hay nghèo đều có gươl. Gươl không chỉ là ngôi nhà có kiến trúc độc đáo, mà là sản phẩm văn hóa đặc sắc, nơi thể hiện tinh túy của nghệ thuật điêu khắc, hội họa và tri thức bản địa.
Già làng Alăng Bê, ở thôn BhLô Bền (xã Sông Kôn, huyện Đông Giang, Quảng Nam), nhớ lại ngày xưa, nếu trên không gian của gươl truyền thống càng nhiều hình tượng thú rừng càng chứng tỏ làng đó rất giàu có và quyền lực. Mỗi hình tượng kiến trúc, mỗi linh vật khi đưa vào gươl đều mang ý nghĩa chung, phản ánh câu chuyện tâm linh của cả cộng đồng.
Ví dụ, hình tượng hổ biểu đạt về sức mạnh, tinh thần kiên cường, không chịu khuất phục trước cuộc sống; phượng hoàng đất (chim tring) mang vẻ đẹp quyền năng, thể hiện cuộc sống tự do tự tại; con trâu hàm nghĩa về sự siêng năng, cần cù, không lười biếng… Đây là những động vật hoang dã, có sức mạnh dũng mãnh, thể hiện uy quyền trong thế giới tự nhiên. “Riêng hình tượng con rắn được khắc họa trên gươl biểu thị sự tôn sùng, tạo giá trị độc đáo trên công trình chung của cộng đồng người Cơ Tu. Bằng hình tượng này, đồng bào Cơ Tu cầu mong sự may mắn, vừa nâng cao giá trị kiến trúc gươl, vừa thể hiện niềm tin vào thần linh cai quản vùng đất nơi họ lập làng”, già Alăng Bê nói.
Ông Arất Blúi, Phó chủ tịch UBND huyện Tây Giang, cho hay những tác phẩm điêu khắc trên thanh ngang, dọc trong gươl hoặc cây nêu của đồng bào Cơ Tu đều mang những giá trị độc đáo, phong phú. Bằng kinh nghiệm, bằng sự tiếp nối truyền thống và khả năng quan sát thực tiễn, các nghệ nhân Cơ Tu đã tạo nên những tác phẩm điêu khắc mộc mạc. Từ ý tưởng, đường nét, bố cục cho đến màu sắc đều biểu đạt quan niệm nhân sinh quan, thế giới quan của người Cơ Tu. “Hình tượng rắn xuất hiện ở một số gươl mang ý nghĩa rất cao về mặt tâm linh với những điềm lành. Trong tiềm thức văn hóa của người Cơ Tu, rắn đại diện cho sự hiếu khách. Hiếu khách là giá trị truyền thống, thể hiện quan điểm sống của người Cơ Tu ở dãy Trường Sơn”, ông Arất Blúi bộc bạch.
Người Cơ Tu khắc họa hình tượng các con vật trên gươl làng không đơn thuần là để trang trí, mà còn biểu đạt về sức mạnh cộng đồng. Ông Arất Blúi quả quyết mỗi kiến trúc, hình tượng mang ý nghĩa, giá trị khác nhau nhưng đều có điểm chung về nghệ thuật sống, tinh thần gắn kết cộng đồng.
Nguồn: https://thanhnien.vn/hinh-tuong-ran-trong-van-hoa-co-tu-185241231214052753.htm