Chủ Nhật, Tháng hai 2, 2025
HomeGiáo DụcTheo chân các hướng dẫn viên nhí khám phá Bảo tàng Dân...

Theo chân các hướng dẫn viên nhí khám phá Bảo tàng Dân tộc học Việt Nam

Ban đầu đây là một dự án học tập của nhóm học sinh. Nhiệm vụ của các em là tìm hiểu về 10 công trình kiến trúc ở khu trưng bày ngoài trời tại Bảo tàng Dân tộc học Việt Nam gồm nhà dài Ê Đê, nhà mồ Gia Rai, nhà mồ Cơ tu, nhà trệt H’mông, nhà sàn Tày, nhà Việt, nhà nửa sàn nửa trệt người Dao, nhà trình tường người Hà Nhì, nhà người Chăm và nhà rông Ba Na.

Hình thức báo cáo kết quả học tập chính là thuyết trình trong vai một hướng dẫn viên để giới thiệu tới du khách những nét đặc sắc nhất trong kiến trúc dân gian mà mỗi chi tiết kiến trúc ấy chứa đựng những mật mã văn hóa của mỗi dân tộc. 

Theo chân các hướng dẫn viên nhí khám phá Bảo tàng Dân tộc học Việt Nam - 1

Nhóm học sinh làm hướng dẫn viên nhí tình nguyện tại khu trưng bày ngoài trời Bảo tàng Dân tộc học Việt Nam (Ảnh: Thu Hằng).

Điều khó khăn với nhóm học sinh chính là nguồn tư liệu.

10 công trình kiến trúc tương ứng với 10 nền văn hóa. Trong một công trình kiến trúc lại bao gồm rất nhiều yếu tố văn hóa khác nhau. Từ cái khoảnh sân phía trước đến cách chia không gian sinh hoạt bên trong, từ cái bậc cầu thang đi lên tới cách trổ cửa, từ cách bố trí gian thờ, buồng cô dâu đến những vật dụng gia đình, họa tiết trang trí trên từng xà cột… 

Có quá nhiều thông tin cần tìm hiểu để có thể kể lại cho du khách nghìn lẻ một câu chuyện về chủ nhân của kiến trúc đó trong chiều dài lịch sử hàng thế kỷ một cách mạch lạc và sáng rõ nhất.

Trong khi ấy, Bảo tàng Dân tộc học Việt Nam chỉ có những thông tin tổng quan cơ bản nhất. Nguồn tư liệu số hóa khó kiếm, nhất là với học sinh tiểu học và THCS còn thiếu kỹ năng tra cứu. 

Theo chân các hướng dẫn viên nhí khám phá Bảo tàng Dân tộc học Việt Nam - 2

Chử Nguyễn Ngọc Tú giới thiệu cho khách về không gian sinh hoạt trong nhà của người Dao (Ảnh: Thu Hằng).

Dưới sự hỗ trợ của cô giáo hướng dẫn, nhóm học sinh tranh thủ khai thác những nguồn tư liệu “sống” như các nhân viên của bảo tàng, các cuốn sách nghiên cứu về 54 dân tộc. Thậm chí các em bắt xe buýt lên cả Làng văn hóa các dân tộc Việt Nam với hy vọng có thể tìm được những thông tin mới lạ.

Nguyễn Minh Phương – thành viên của dự án đang học lớp 5, Trường Tiểu học Trần Đăng Ninh (Hà Đông) – tâm sự, thời gian đầu em đã nản chí vì cảm thấy công việc quá khó với mình. 

“Tuần nào con cũng phải đi điền dã tại bảo tàng, trong tuần phải tìm hiểu rất nhiều thông tin. Song song với làm dự án thì con còn học tiếng Anh khá nhiều. Con cảm thấy mình bé quá, chưa đủ khả năng để làm được dự án này.

Nhưng mẹ con đã luôn động viên, chỉ cho con thấy ý nghĩa của dự án nên con cố gắng vượt qua từng tuần một và càng lúc càng thấy thích thú, ham mê”, Minh Phương nói.

Hoàng Bảo Giang – thành viên thuộc nhóm lớn tuổi nhất, học sinh lớp 8 Trường THCS Nguyễn Trường Tộ (quận Đống Đa) – cũng không tránh khỏi bỡ ngỡ trong những tuần đầu tiên. Nhưng cũng như Minh Phương, điều khiến em kiên trì theo đuổi đến cùng dự án này là giá trị của nó.

Theo chân các hướng dẫn viên nhí khám phá Bảo tàng Dân tộc học Việt Nam - 3

Vinh giới thiệu cho khách về nhà mồ Gia Rai (Ảnh: Thu Hằng).

“Thực chất việc tìm hiểu thông tin rồi học thuộc khối lượng kiến thức rất lớn đó không phải vấn đề quá khó với con. Khó là làm sao truyền tải được những điểm đắt giá nhất, chạm được tới du khách và khiến cho họ quay lại đây thêm nhiều lần nữa để tìm hiểu thêm, khám phá thêm. 

Nếu chúng con làm được việc này thì vô cùng ý nghĩa. 

Hơn nữa, việc có thể giúp cho ai đó biết về một điều mới mẻ, một kiến thức thú vị mà họ đã bỏ lỡ khiến con cảm thấy rất đáng để dành trọn 3 tháng hè trong bảo tàng”, Giang chia sẻ.

Trong suốt 3,5 tháng, bao gồm 3 tháng nghỉ hè và nửa tháng vào năm học mới, nhóm học sinh thực hiện nhiều buổi điền dã, lúc dưới nắng lúc trong mưa, quần thảo mọi ngóc ngách trong khu trưng bày ngoài trời đến mức thuộc lòng từng vật dụng trong mỗi ngôi nhà.

Chính các em cũng nhiều lần ngỡ ngàng và tự thốt lên thích thú khi tìm kiếm được một thông tin thú vị nào đó.

Như với Giang là cái cối xay bột trong gian bếp của người Việt, nơi biết bao loại bánh trái truyền thống thơm ngon được tạo ra từ đấy.

Với Nguyễn Gia Vinh (lớp 5, Trường Tiểu học Nguyễn Trãi, Hà Đông) là việc các cô dâu Tày sẽ quay lại nhà mẹ đẻ ngay sau đêm tân hôn và ở đó cho đến khi sinh con mới về nhà chồng. 

Với Lê Nguyễn Cảnh Sang (lớp 6, Trường Ischool Ninh Thuận) là lễ bỏ mả lạ thường và những bức tượng gỗ đẽo bằng rìu “kỳ dị” ở nhà mồ Gia Rai. Hóa ra những bức tượng ấy không có gì “bậy bạ” mà chứa đựng triết lý nhân văn, nhằm an ủi động viên người đã chết.

Với Chử Nguyễn Ngọc Tú (lớp 7, Trường THCS Long Biên) là những lá bùa trong nhà của người Dao cùng cái nhà tắm “ngàn sao” của cô dâu mới. Cái nhà tắm nối liền với gian buồng tân hôn và hoàn toàn không có mái che mà cô bé lớp 8 tưởng tượng ra có thể ngồi trong đó để ngắm sao trời. 

Theo chân các hướng dẫn viên nhí khám phá Bảo tàng Dân tộc học Việt Nam - 4

Nguyễn Minh Phương (áo tím nhạt) và Đỗ Nguyễn Tuệ An thuyết minh về nhà rông của người Ba Na (Ảnh: Thu Hằng).

Trong nửa năm qua, Giang, Tú, Phương, Vinh, Sang… cùng các học sinh khác trong nhóm đã tiếp đón hơn 20 đoàn khách. Phương và Tuệ An từng được khách tặng tiền sau khi giới thiệu cho khách tỏ tường về nhà rông của người Ba Na và văn hóa cồng chiêng của họ. Nhưng cô bé lớp 5 đã nhất quyết từ chối với lý do “chúng con chỉ là hướng dẫn viên tình nguyện”.

Còn Tú gây ấn tượng đặc biệt với các du khách nhí bằng lối thuyết minh dí dỏm, kiểu như “các em có biết không, người Dao chơi “hệ tâm linh” nên nhà dán rất nhiều bùa” hay “nghề “hot” trong bản của người Dao là nghề thầy cúng”.

Tú còn liên tục đưa ra thử thách cho du khách như yêu cầu khách đoán công năng của một đồ vật hoặc một căn phòng bí ẩn nào đó. Trước mỗi đáp án sai, nữ sinh lại thích thú tiết lộ tiếp những câu chuyện mới trong sự chăm chú và ngạc nhiên của khách.

Theo chân các hướng dẫn viên nhí khám phá Bảo tàng Dân tộc học Việt Nam - 5

Mỗi khi có khách đặt hàng, nhóm học sinh sẽ luân phiên sắp xếp đi dẫn đoàn theo lịch cá nhân phù hợp (Ảnh: Thu Hằng).

Nhóm học sinh chưa có dự tính sẽ kết thúc dự án. Các em vẫn nhận lời dẫn đoàn khi có khách đặt hàng tham quan bảo tàng vào dịp cuối tuần. Trừ Sang phải chuyển vào Ninh Thuận cùng gia đình, hầu hết các em luân phiên nhau dẫn khách theo lịch phù hợp.

Sang tiếc nuối khi phải chia tay các bạn nhưng em cho biết những giá trị mà em nhận được trong quá trình làm dự án sẽ giúp ích cho em trong học tập lẫn cuộc sống, dù đi bất cứ đâu.

Một trong những giá trị ấy là vốn kiến thức phong phú về các nền văn hóa trong cộng đồng các dân tộc Việt Nam, và từ đó, hiểu biết dẫn lối cho một tinh thần sống hòa hợp trong sự đa dạng.

Nguồn: https://dantri.com.vn/giao-duc/theo-chan-cac-huong-dan-vien-nhi-kham-pha-bao-tang-dan-toc-hoc-viet-nam-20250126183544955.htm

DanTri Logo

Hello Mình là Cải

Theo dõi
Thông báo của
0 Góp ý
Mới nhất
Cũ nhất Được bỏ phiếu nhiều nhất
Phản hồi nội tuyến
Xem tất cả bình luận

Tin Nóng Hôm Nay