Chủ Nhật, Tháng hai 2, 2025
HomePháp LuậtTrợ giúp pháp lý cho người yếu thế

Trợ giúp pháp lý cho người yếu thế

Do có những mâu thuẫn trong cuộc sống gia đình, anh T.V.K. và chị N.T.L. (trú tại Thái Bình) quyết định ly hôn. Tuy nhiên, gia đình thuộc diện hộ nghèo và anh T.V.K. là người tàn tật, cuộc sống có nhiều khó khăn, kiến thức pháp luật còn hạn chế , không có điều kiện tìm hiểu các quy định cũng như thủ tục pháp lý liên quan đến ly hôn cho nên anh T.V.K. quyết định tìm đến Trung tâm trợ giúp pháp lý, thuộc Sở Tư pháp tỉnh Thái Bình để được trợ giúp.

Tại đây, các cán bộ của trung tâm đã trợ giúp miễn phí từ việc tư vấn cũng như hướng dẫn các quy trình thủ tục cho anh T.V.K. Theo hướng dẫn của các cán bộ, sau khi tiếp nhận đơn ly hôn, cơ quan tòa án sẽ phối hợp với chính quyền địa phương tổ chức hòa giải theo hai hình thức hòa giải tại cơ sở và hòa giải tại tòa án. Nếu các bước hòa giải không thành công, vụ việc sẽ được đưa ra giải quyết trước tòa dựa trên những căn cứ mà hai vợ chồng cũng như các bên liên quan cung cấp. Sau khi tư vấn, trợ giúp cho anh T.V.K. về các thủ tục pháp lý, Trung tâm trợ giúp pháp lý đã phối hợp với cơ quan tòa án và chính quyền địa phương tổ chức hòa giải hai vợ chồng. Qua nhiều lần hòa giải, hai vợ chồng đã thấu hiểu và thông cảm cho nhau, từ đó quyết định rút đơn ly hôn, tránh được sự đổ vỡ hạnh phúc gia đình và tương lai của con cái. Anh T.V.K. chia sẻ, nhờ có cán bộ Trung tâm trợ giúp pháp lý giải thích mà vợ chồng anh không chỉ hiểu rõ các quy định của pháp luật liên quan đến hôn nhân và gia đình mà còn hiểu rõ những khó khăn cũng như ảnh hưởng của việc ly hôn đối với tương lai của mỗi người trong gia đình, từ đó hai vợ chồng quyết tâm gạt bỏ những bất đồng, mâu thuẫn thường ngày trong cuộc sống để xây dựng hạnh phúc.

Trên đây chỉ là một trong rất nhiều trường hợp người dân được trợ giúp pháp lý miễn phí khi thực hiện các thủ tục liên quan đến pháp luật mà các cán bộ làm công tác trợ giúp pháp lý trên 63 tỉnh, thành phố của cả nước đã thực hiện trong nhiều năm qua. Theo báo cáo của Cục Trợ giúp pháp lý, Bộ Tư pháp, năm 2024, các tổ chức thực hiện trợ giúp pháp lý trên toàn quốc thực hiện hơn 63 nghìn vụ việc, trong đó thụ lý mới 39 nghìn vụ việc (chủ yếu là vụ việc trợ giúp pháp lý tham gia tố tụng với 32 nghìn vụ) tăng cao hơn so với năm 2023.

Thông qua hoạt động nghiệp vụ, trợ giúp viên pháp lý đã trở thành lực lượng thực hiện trợ giúp pháp lý ngày càng trở nên chuyên nghiệp trong việc cung cấp dịch vụ trợ giúp pháp lý bằng hình thức tham gia tố tụng cho người được trợ giúp pháp lý. Không chỉ tăng về số lượng, chất lượng vụ việc tham gia tố tụng cũng được nâng cao hơn, với các tiêu chí thẩm định, đánh giá cụ thể, hầu hết các vụ việc được thẩm định, đánh giá đều đạt chất lượng từ loại khá trở lên. Từ số liệu nêu trên cho thấy, người dân nói chung và người được trợ giúp pháp lý nói riêng được bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp kịp thời, góp phần bảo vệ quyền con người, quyền công dân, quyền công bằng trong tiếp cận công lý và công bằng trong xét xử.

Bên cạnh việc trực tiếp trợ giúp, tư vấn pháp lý, hướng dẫn các quy định về pháp luật cho người dân, Trung tâm trợ giúp pháp lý các địa phương đã tăng cường phối hợp với các đơn vị liên quan như tòa án, viện kiểm sát, công an để trợ giúp pháp lý trong điều tra hình sự và trợ giúp pháp lý tại tòa. Đến nay, tất cả 63 tỉnh, thành phố trên cả nước đã ký kết chương trình, kế hoạch phối hợp giữa Sở Tư pháp và Tòa án nhân dân tỉnh về thực hiện trợ giúp pháp lý trực tiếp tại tòa. Trung tâm trợ giúp pháp lý các địa phương đã tiếp nhận hơn 3 nghìn lượt thông tin từ tòa án nhân dân, trong đó có 2.550 vụ việc trợ giúp pháp lý khi việc triển khai Chương trình phối hợp trực tiếp trợ giúp pháp lý trong điều tra hình sự được ký kết giữa Bộ Tư pháp và Bộ Công an.

Nhằm tiếp tục phát huy hiệu quả công tác trợ giúp pháp lý cho người dân, người yếu thế trong xã hội, trong thời gian tới, cùng với việc nâng cao chất lượng hoạt động trợ giúp pháp lý nói chung, Bộ Tư pháp đã chỉ đạo các đơn vị liên quan tiếp tục đẩy mạnh hoạt động gắn với việc thực hiện các chính sách an sinh xã hội. Trong đó, tiếp tục triển khai nội dung về trợ giúp pháp lý trong 3 chương trình mục tiêu quốc gia về phát triển kinh tế-xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, về giảm nghèo bền vững, về xây dựng nông thôn mới và “kết nối, đẩy mạnh các hoạt động trợ giúp pháp lý trong các chương trình, chính sách về an sinh xã hội” theo yêu cầu Nghị quyết số 68/NQ-CP ngày 9/5/2024 của Chính phủ.

Đồng thời, gắn với việc triển khai Chương trình mục tiêu quốc gia phòng, chống ma túy và Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển văn hóa vừa được Quốc hội thông qua chủ trương tháng 11/2024, qua đó góp phần nâng cao vai trò của dịch vụ pháp lý này trong thực hiện các chính sách an sinh xã hội. Bộ Tư pháp đề nghị các địa phương tiếp tục quan tâm kiện toàn số lượng, chất lượng trợ giúp viên pháp lý trong số lượng người làm việc được giao tại địa phương, phù hợp với vị trí việc làm được cấp có thẩm quyền phê duyệt. Tăng cường đào tạo, bồi dưỡng nâng cao năng lực cho đội ngũ thực hiện trợ giúp pháp lý về kiến thức chuyên môn, nghiệp vụ và kỹ năng thực hiện trợ giúp pháp lý, về công tác phối hợp, thông tin về trợ giúp pháp lý nhằm nâng cao chất lượng hoạt động trợ giúp pháp lý cho người dân, nhất là những người yếu thế trong xã hội.

Cùng với các biện pháp nêu trên, hiện các cơ quan chức năng đang nghiên cứu, đề xuất sửa đổi quy định về trợ giúp pháp lý trong Luật Người khuyết tật theo hướng quy định rõ việc trợ giúp pháp lý cho người khuyết tật được thực hiện theo quy định pháp luật trợ giúp pháp lý để bảo đảm tính đồng bộ, tính thống nhất trong hệ thống pháp luật.

Theo Luật Trợ giúp pháp lý 2017, đối tượng được trợ giúp pháp lý miễn phí gồm: người thuộc hộ nghèo; trẻ em; người dân tộc thiểu số cư trú ở vùng có điều kiện kinh tế-xã hội đặc biệt khó khăn; người bị buộc tội từ đủ 16 tuổi đến dưới 18 tuổi; người bị buộc tội thuộc hộ cận nghèo; người có công với cách mạng; cha đẻ, mẹ đẻ, vợ, chồng, con của liệt sĩ và người có công nuôi dưỡng khi liệt sĩ còn nhỏ; người nhiễm chất độc da cam; người cao tuổi; người khuyết tật; người từ đủ 16 tuổi đến dưới 18 tuổi là bị hại trong vụ án hình sự; nạn nhân trong vụ việc bạo lực gia đình; nạn nhân của hành vi mua bán người theo quy định của Luật Phòng, chống mua bán người; người nhiễm HIV.

Nguồn: https://nhandan.vn/tro-giup-phap-ly-cho-nguoi-yeu-the-post858331.html

NhanDan Logo

Hello Mình là Cải

Theo dõi
Thông báo của
0 Góp ý
Mới nhất
Cũ nhất Được bỏ phiếu nhiều nhất
Phản hồi nội tuyến
Xem tất cả bình luận

Tin Nóng Hôm Nay