(PLO)- Trà có xuân – hạ – thu – đông, tính vị của trà gắn liền với chuyển động của đất trời, trà xuân là thứ trà tươi mới nhất của một năm.
Trà xuân khơi gợi nhiều hưng phấn và mộng tưởng, khác hẳn với trà thu là thứ trà đằm thắm của sự chiêm nghiệm. Trà xuân không phải là trà Tết vì qua thu là cây trà bắt đầu “ngủ”. Trạng thái ngủ ấy tiếp diễn qua những ngày người ta nao nức chuẩn bị Tết, qua cả lúc đào, mai nở nộ.
“Bao giờ cho đến tháng Ba
Hoa gạo rụng xuống bà già cất chăn.”
Khi hoa gạo đầu tiên rụng xuống, chiếc chăn bông cuối mùa gấp lại, cây trà mới bừng tỉnh và bật ra nụ biếc. Ấy chính là trà xuân!
Thưởng trà, thưởng thanh-hương-vị
Trà xuân có thể chia làm ba loại là tảo xuân trà (còn gọi là trà đầu xuân), thu hoạch từ tiết Lập Xuân đến 10 ngày trước tiết Thanh Minh; trung xuân trà (trà chính xuân), thu hoạch trong khoảng 10 ngày trước và sau tiết Thanh Minh và vãn xuân trà (trà cuối xuân), thu hoạch từ 10 ngày sau tiết Thanh Minh đến trước tiết Cốc Vũ.
Trà xuân quý vì thời gian thu hái ngắn, đặc biệt là trà trong đợt hái đầu tiên của mùa xuân. Cầm cốc trà xuân trên tay cũng là cách mừng mùa xuân mới, chào đón những gì tươi mới nhất của đất trời.
Cùng là trà nhưng cách thưởng thức mỗi nơi một khác. Trà Nhật Bản truy cầu cái thường gọi là hòa, kính, thanh, tịch, thực chất chính là vươn tới cái tính không của đạo. Với người Nhật, uống trà là một trạng thái gần với đạo chứ không phải trạng thái giao tế.
Trà Trung Quốc trọng hương, văn hương (nghe hương) là một khâu quan trọng trong việc thưởng trà. Để chiết ra hương cần nhiều công phu nên phù hợp với văn hóa “công phu” của Trung Hoa, tức mọi thứ đều cần công sức và thời gian mới có thể luyện thành. Người Trung Quốc thích uống trà một mình, hưởng chút tĩnh lặng nội tâm, ngẫm nghĩ sự đời xoay chuyển. Thưởng trà đối với họ trước tiên là một cách tu tâm dưỡng tính, thứ đến mới là để đãi khách.
Người nông dân thu hoạch trà xuân. Ảnh: Nguyễn Hoành Sơn
Trà Việt Nam trọng vị. Người Việt Nam thích trà đậm vị và thường ủ trà trong ấm để chiết cho hết cái vị của trà. Người Việt uống trà thì ít mà uống cái tình thân trong trà thì nhiều. Do đó, uống trà ở ta thường gắn với một trạng thái quây quần. Nếu có ấm trà ngon, người Việt nhất định phải tìm người uống cùng.
Trong truyện ngắn Những chiếc ấm đất của nhà văn Nguyễn Tuân, cụ Sáu cho con trai mang biếu sư cụ chùa Đồi Mai một bình trà đầu xuân vì cụ đang tiếp khách quý, nhân uống trà với khách mà gửi trà đến mời cả sư cụ. Trà xuân quả là rất hợp với cái tình sẻ chia ấy.
Thưởng trà để hiểu để thương
Trong lá trà có thành phần L-theanine, một acid amin tự nhiên có tác dụng giải lo âu, giúp con người dễ dàng bước vào một tâm trạng tốt hoặc trạng thái tĩnh mà không gây nghiện.
Nhiều người biết trà có cả hàm lượng cafein nhưng lại ít người biết cafein trong trà được tiết ra nhiều hay ít tùy theo “mức độ stress” của trà. Trà chẳng khác chi con người, sống nơi thấp và đông đúc thì stress hơn sống nơi cao và vắng vẻ; bị hỏi han, quan tâm nhiều sẽ stress hơn được sống tự do tự tại theo ý mình. Vậy nên cafein trong trà được trồng công nghiệp, chăm bón mỗi ngày sẽ trội hơn so với trà trồng tự nhiên hay trà bị lãng quên trên núi cao, trong rừng thẳm. Trà vườn thường đắng hơn, gây kích thích mạnh hơn, thể hiện lượng cafein vượt trội so với những loại trà được sống đời thần tiên. Ngược với cafein, L-theanine trong cây trà được sống đời thần tiên bao nhiêu càng được sản sinh mạnh mẽ bấy nhiêu.
Uống trà xuân, đặc biệt là trà đầu xuân thường thấy vị nhạt, êm dịu, chính bởi sau một thời gian dài ngủ đông và được tạm quên lãng, trà đã giảm stress nhiều, lượng L-theanine tăng cao giúp tạo cảm giác yên tĩnh như một sớm mùa xuân.
Thế nên trà xuân rất quý, giống như tâm trạng mùa xuân một năm chỉ có một lần. Hiểu thế để biết thương trà cũng như thương chính ta. Sau khi được nạp lại năng lượng trong mấy ngày Tết, nhận rõ ngày vui chẳng tày gang lại tiếp tục lao vào một guồng xoay mới.
Nguồn: https://plo.vn/tra-xuan-co-khac-tra-ha-post829745.html