Khi mặt trời vừa lên cao, anh Phạm Minh Tuấn (53 tuổi) và vợ là chị Nguyễn Thị Hà (49 tuổi) đã kết thúc buổi sáng chuẩn bị thức ăn cho đàn khỉ trên đảo Rều (hay còn gọi là đảo Khỉ), Cẩm Phả, Quảng Ninh. Họ ngồi nghỉ ngơi trước hiên nhà, trò chuyện cùng chúng tôi về những ký ức đầy tự hào của gia đình trên hòn đảo này.
“Ông ngoại tôi là một trong những thế hệ đầu tiên ra đảo, thời điểm nơi đây còn hoang sơ, chỉ có cây rừng và tiếng sóng. Khi trung tâm chăn nuôi được xây dựng, ông đưa cả gia đình ra đảo sinh sống. Từ đó, đảo trở thành nhà của chúng tôi qua 3 thế hệ”, anh Tuấn hồi tưởng.
Bố mẹ anh theo ông bà ra đảo làm, lấy nhau rồi sinh anh trên đảo. Tính tới nay, anh Tuấn công tác được 35 năm, gần một nửa đời người.
“Với tôi, đảo Khỉ không chỉ là nơi làm việc mà còn là nhà. Ngày trước, mọi thứ thiếu thốn vô cùng – không điện, không sóng điện thoại – nhưng tình yêu với nơi này đã giúp chúng tôi vượt qua tất cả”, anh Tuấn tâm sự.
Đảo Rều thuộc Trung tâm Nghiên cứu sản xuất vaccine và sinh phẩm y tế (Bộ Y tế). Nằm cách cảng Vũng Đục (phường Cẩm Đông, TP Cẩm Phả) khoảng 3km, đảo Rều có diện tích 22ha và là nơi sinh sống của hàng trăm chú khỉ được nuôi bán tự nhiên, phục vụ công tác thử nghiệm vaccine.
Ở đây, có những gia đình 3, 4 thế hệ đã đổi sự tiện nghi của đất liền để sống như những “Robinson” trên đảo.
Anh Tuấn, chị Hà là một trong 4 cặp vợ chồng sinh sống tại đảo Rều. Hơn nửa thế kỷ tồn tại, nhiều thế hệ bác sĩ, nghiên cứu sinh, kỹ thuật viên đến rồi đi. Đến nay, trên đảo có 13 cán bộ nhân viên. Phần lớn họ đều có kết nối từ nhiều thế hệ.
Gia đình anh Nguyễn Huy Phương, Phó Trưởng trại chăn nuôi động vật thí nghiệm, làm việc tại đảo Khỉ tới nay là đời thứ ba. Cũng 3 thập kỷ trôi qua, anh Phương trở thành “Robinson” chính hiệu.
“Hồi đó, bố mẹ tôi làm việc trên đảo, nên cả gia đình sống ở đây. Tôi lớn lên cùng đàn khỉ và những câu chuyện về công việc đặc biệt của bố mẹ. Chính những ngày tháng ấy đã ươm mầm trong lòng tôi tình yêu và niềm đam mê với công việc này”, anh Phương chia sẻ.
Khi biết rằng những con khỉ ở đây được nuôi dưỡng để phục vụ nghiên cứu khoa học, anh Phương càng trân trọng công việc chăm sóc chúng. Sau đó, người đàn ông nối tiếp truyền thống gia đình làm công việc trên đảo.
Cũng có những người bén duyên với công việc một cách tình cờ. Họ không chủ động xin việc, hay được cử ra đảo Khỉ để làm việc, mà đến với đảo bằng… tình yêu.
Chị Lê Thị Hường và anh Võ Văn Tuấn gặp gỡ và nên duyên vợ chồng nhờ những chuyến ra thăm họ hàng trên đảo của chị.
Chồng chị Hường, anh Văn Tuấn là người Nghệ An, cách đảo hơn 500km. Anh ra đảo làm việc từ năm 1995, phụ trách công việc quản lý điện nước, và giờ đây anh phụ trách thêm lái tàu.
Năm 2002, từ một người phụ nữ thành phố, chị Hường bắt đầu với cuộc sống trên đảo với những trải nghiệm khác lạ.
Chị Hường kể: “Hồi tôi mới về đây làm, chưa quen và cũng là phụ nữ nên cũng hơi sợ. Nhìn chú khỉ đầu đàn mà không dám lại gần, sợ bị cắn và đuổi. Ấy thế mà đã hơn 22 năm rồi, giờ đàn khỉ như những bạn của mình, cuộc sống hàng ngày đều xoay quanh chúng”.
Trên đảo Rều, có người gắn bó từ đời ông bà, cha mẹ, có người mới đặt chân tới đảo lập nghiệp. Dù là thời điểm nào, những cán bộ, nhân viên đã chọn gắn bó với đảo Rều, không chỉ vì trách nhiệm, mà còn bởi tình yêu lớn lao dành cho công việc và mảnh đất này.
Vậy nên khi cơn bão Yagi quét qua khiến hàng loạt cây cối gãy đổ, các cán bộ trên đảo cảm thấy như chính ngôi nhà của mình bị tàn phá.
“Ngày trước, cả đảo được phủ xanh bởi các cây lớn lâu năm, khó thấy bầu trời. Sau đợt bão Yagi, các cây lớn đổ gãy, con đường bị vỡ, nứt toác khiến đảo không còn xanh như trước nữa”, anh Phương kể lại. Trải qua 3 tháng sau bão, các cán bộ trên đảo vẫn đang nỗ lực khắc phục hậu quả của bão để đảo khỉ trở lại như xưa.
“Một năm có 365 ngày thì đã có đến hơn 300 ngày ở đảo”, anh Phương mô tả về cuộc sống đặc biệt của mình cũng như nhiều cán bộ khác đang bám đảo.
Công việc ở đảo Rều kéo dài gần như quanh năm, chỉ có cuối tuần và lễ Tết, các cán bộ ở đây mới thay phiên nhau trở về đất liền.
Mỗi gia đình được cấp một gian nhà nhỏ. Cuộc sống nơi đây xoay quanh việc chăm sóc đàn khỉ. Các cán bộ, từ người trực tiếp chăn nuôi, bác sĩ thú y, đến người quản lý đều có một lịch làm việc kín mít.
Từ sáng sớm, chị Hà và anh Minh Tuấn đã chuẩn bị gạo lật, đỗ đen, đỗ tương và lạc nấu chín để kịp giờ ăn sáng cho đàn khỉ. Mỗi bữa, đàn khỉ dùng hết 21kg thức ăn. Trong lúc đó, anh chị cũng chuẩn bị sẵn hoa quả nếu có và vệ sinh không gian khu vực bếp, khu tập kết ăn của khỉ.
9h30, Phó trưởng đảo Phương gõ một hồi kẻng dài báo hiệu giờ ăn trưa của bầy khỉ, từng đàn khỉ hò hét nhau, lũ lượt kéo về 3 khu nhà ăn. Trong lúc đó chị Hà gánh 2 gánh cơm lật nấu cùng đỗ đen, đỗ tương thơm nức mũi. Mùi hương thu hút đàn khỉ chạy tới ngay.
Chỉ một lúc sau, anh Phạm Minh Tuấn gánh 2 rổ chuối vàng ươm đi ra. Cứ mỗi tuần bầy khỉ lại được một lần ăn hoa quả ngon. Không đợi đồ ăn đến điểm tập kết, những chú khỉ nhanh chân chạy đến, tay thoăn thoắt “trộm” chuối trên gánh hoa quả.
Hai lần mỗi ngày, vào 9h30 và 13h30, họ đảm bảo khỉ được chăm sóc chu đáo, từ bữa cơm đến nước uống. Khu vực nấu ăn hay tại ba điểm tập kết ăn uống của khỉ được lát đá hoa và luôn được quét dọn.
Việc cung cấp đều thực phẩm cho đàn khỉ nhiều khi cũng là thách thức. Như những ngày mưa gió, bão kéo dài vài ngày liền, tiếp tế cho đảo gặp nhiều khó khăn, cán bộ nhân viên trên đảo thay phiên nhau tìm nguồn thức ăn cho khỉ.
Chị Hà chia sẻ: “Người đói thì được, còn đàn khỉ thì không được để chúng đói vì trên đảo hiếm thức ăn, mà chúng chẳng biết dựa vào đâu ngoài chúng tôi”.
Từ đảo Rều đi cano thêm 1km nữa sẽ đến đảo Rều Đá: Nơi thực nghiệm và kiểm định các loại vaccine trên khỉ. Đây chính là những chú khỉ được chọn lọc định kỳ ở đủ mọi lứa tuổi từ đảo Rều.
Hàng năm, hơn 100 con khỉ khỏe mạnh phục vụ sản xuất vaccine phòng chống các bệnh nguy hiểm như: bại liệt, viêm gan A, H5N1… Mỗi con khỉ chiết xuất được gần một triệu liều vaccine.
“Tôi chăm sóc đàn khỉ từ bé đến lớn coi như con, đến khi chúng bị bắt đi làm thí nghiệm vaccine cũng thấy buồn lòng. Nhưng nhờ những chú khỉ ấy mà biết bao thế hệ người Việt được tiêm vaccine phòng các bệnh nguy hiểm. Đó là hành động rất ý nghĩa”, anh Phương xúc động.
Việc nuôi dưỡng, phát triển đàn khỉ có tầm quan trọng đặc biệt trong nghiên cứu khoa học và bảo vệ sức khỏe cộng đồng. Do vậy nơi đây được cách ly hoàn toàn với đất liền và tuyệt đối không tiếp nhận khách du lịch để tránh lây bệnh cho khỉ và giữ gìn vệ sinh trên đảo.
Những ngày này, một mình anh Phạm Xuân Thái, Phòng thực nghiệm “canh giữ” đảo Rều Đá.
“Hiện tại, chúng tôi đang theo dõi các tác động của vaccine trên khỉ. Sau khi tiêm, tôi phải quan sát biểu hiện của chúng trong 21 ngày, từ chế độ ăn uống đến vận động. Đôi khi chỉ một dấu hiệu nhỏ, như chân bị yếu sau 48 hoặc 72 giờ, cũng cần chú ý kỹ lưỡng”, anh Phạm Xuân Thái chia sẻ.
Ghi chép xong dữ liệu của ca sáng, anh Thái tranh thủ gọi video về cho vợ ở đất liền. Căn phòng rộng hơn 10 mét vuông là nơi người đàn ông này một mình bám đảo những ngày qua.
Anh Thái nói có mạng để trò chuyện với người thân đã là “tiện nghi lắm”. Nhớ lại những ngày đầu nhận nhiệm vụ, một mình ở nơi không điện, không sóng chỉ “thèm” hơi người.
Khó khăn lớn nhất với các cán bộ trên đảo Rều là sự cô lập. Trẻ con trên đảo phải gửi vào đất liền học từ mẫu giáo.
Nhiều gia đình không có ông bà hỗ trợ phải nhờ người thân chăm sóc. Dẫu vậy, các cán bộ luôn tìm thấy niềm vui từ sự gắn kết giữa đồng nghiệp và với những chú khỉ được họ coi như gia đình.
“Con cái phải gửi vào đất liền học từ tuổi mẫu giáo. Nhà nào không có ông bà thì phải gửi con cho họ hàng hoặc người thân chăm giúp. Vậy mà các cháu đều chăm ngoan học giỏi, ai cũng đỗ đại học, có cháu đạt học bổng toàn phần đi du học”, anh Phương chia sẻ.
Trên chiếc cano đang khởi động máy ở cảng Vũng Đục, anh Nguyễn Huy Phương vẫy tay tạm biệt vợ lần cuối trước khi theo nhịp sóng lênh đênh trở lại với đảo Rều. Chuyến đi này, anh Phương sẽ ở lại đảo xuyên Tết.
Nhiều khó khăn nhưng những người canh giữ đảo chưa từng có ý định rời bỏ nơi này cũng như nhiệm vụ thầm lặng, ít ai biết của mình.
Chị Hà, anh Tuấn, anh Phương… luôn kể về những ngày đầu gian khó, khi mọi thứ đều thiếu thốn như động lực để tiếp tục bám đảo, vì giờ đã “sướng hơn rất nhiều”.
Niềm tự hào lớn nhất của những “Robinson” đảo Rều là tình yêu nghề được truyền từ thế hệ này đến thế hệ khác.
Với anh Phạm Xuân Thái, từ nhỏ, đã quen với hình ảnh bố mẹ chăm sóc đàn khỉ. “Tôi yêu những con vật này từ bé, coi chúng như bạn. Đó là lý do tôi chọn ngành chẩn đoán bệnh động vật để nối nghiệp gia đình”, anh Thái chia sẻ.
Anh Nguyễn Huy Phương kể: “Bà và bố mẹ tôi đều từng làm việc ở đây. Tôi sống từ bé trên đảo nên mọi thứ đã ngấm vào máu. Khi lớn lên, tôi không chọn nghề khác vì cảm thấy nơi này như nhà mình”.
Điều đặc biệt là tình yêu với đảo không dừng lại ở thế hệ hiện tại. Con trai anh Nguyễn Huy Phương đang học cao học ngành bác sĩ thú y, cũng bày tỏ mong muốn quay lại đảo sau khi tốt nghiệp.
Năm nay, sẽ lại có nhiều “Robinson” đón Tết xa gia đình. Anh Phương kể, cũng như mọi năm, đêm giao thừa mọi người sẽ lại tụ tập ở khoảng sân nơi rìa đảo, đón khoảnh khắc thiêng liêng với mâm cỗ giản dị.
Nhìn lại một năm đã qua, những người hùng thầm lặng này lại cùng chúc nhau “giữ lửa nghề” để phụng sự cho khoa học.
Nguồn: https://dantri.com.vn/suc-khoe/nhung-gia-dinh-3-the-he-bam-dao-nuoi-dan-khi-hien-than-cho-y-hoc-20250124084842927.htm