Các hóa thạch ở Argentina, Brazil và Zimbabwe đã giúp chúng ta vẽ nên bức tranh về những ngày đầu tiên của thế giới khủng long cổ đại.
Tuy nhiên, một nghiên cứu mới cho biết dường như chúng ta đã tìm kiếm sai địa điểm để xác định tổ tiên đầu tiên của loài vật đặc biệt này.
Nghiên cứu này vừa được công bố trên tạp chí “Sinh vật học Ngày nay”.
Báo cáo nghiên cứu cho biết những con khủng long đầu tiên xuất hiện ở vùng đất Gondwana cổ xưa, vốn là vùng đồng bằng khô và nóng, chứ không phải vùng ôn đới như chúng ta vẫn nghĩ trước đây. Nơi này ngày nay là rừng nhiệt đới Amazon, vùng đồng bằng ở Congo và sa mạc Sahara.
Hóa thạch khủng long lâu đời nhất được biết đến có niên đại 230 triệu năm. Tuy nhiên, những hóa thạch này đã cho thấy sự khác biệt về mặt tiến hóa, chứng tỏ khủng long đã tồn tại hàng triệu năm trước khi hài cốt của chúng xuất hiện ở Argentina và Zimbabwe.
Điều này có nghĩa là khủng long có thể đã đến từ nơi khác và sau đó mới di chuyển đến những vùng đất này.
Không may là chúng ta chưa có đầy đủ bằng chứng về giai đoạn trước đó. Vì thế vẫn còn một khoảng trống đáng kể trong hồ sơ hóa thạch. Để cố gắng lấp đầy khoảng trống này, các nhà nghiên cứu đã sử dụng các kỹ thuật mô hình tiên tiến để tái tạo lại địa lý cổ đại và các mốc thời gian tiến hóa.
Các phân tích khoa học dựa trên giả định rằng các khu vực Amazon và Trung Phi là chưa có dữ liệu chứ không phải là không có khủng long sinh sống.
Từ đó, các phát hiện cho thấy những loài khủng long sớm nhất có khả năng đến từ Gondwana ở vĩ độ thấp, nơi có nhiệt độ nóng như thiêu giống như các sa mạc và thảo nguyên cây bụi ngày nay.
Những con khủng long đầu tiên cũng khác xa với những loài khổng lồ như T-rex hay Diplodocus. Những sinh vật ban đầu này rất nhỏ, có kích thước bằng một con gà hoặc một con chó cỡ trung bình, đi lại nhanh nhẹn bằng hai chân. Chúng phát triển mạnh ở vùng khí hậu đầy thách thức cùng với các loài bò sát khác.
Chúng sống như vậy trong hàng triệu năm. Khủng long chỉ là một nhóm trong số rất nhiều loài, thường không có gì nổi bật so với các loài bò sát khác. Nhưng điều đó đã thay đổi vào khoảng 201 triệu năm trước khi các vụ phun trào núi lửa gây ra sự tuyệt chủng hàng loạt vào cuối kỷ Trias.
Với việc nhiều đối thủ cạnh tranh bị tiêu diệt, khủng long nhanh chóng đa dạng hóa, trở thành loài động vật trên cạn thống trị trong 135 triệu năm sau đó.
Cho đến nay, những khu rừng rậm rạp ở Amazon và sa mạc cát ở Sahara phần lớn vẫn chưa được khám phá để tìm hóa thạch. Các cuộc thám hiểm trong tương lai có thể khám phá những bằng chứng còn thiếu giúp chúng ta cuối cùng hiểu được khủng long đến từ đâu.
Khi các nhà khoa học tiếp tục xâu chuỗi câu chuyện tiến hóa của chúng lại với nhau, chúng ta sẽ tiến gần hơn đến việc giải mã những bí mật về nguồn gốc cổ xưa của loài vật kỳ lạ này và có lẽ cả những bí mật về chính chúng ta.
Nguồn: https://dantri.com.vn/khoa-hoc-cong-nghe/khoa-hoc-tim-ra-cau-tra-loi-khung-long-tu-dau-den-20250202234154427.htm