Năm nay, thời gian nghỉ Tết Nguyên Đán kéo dài 9 ngày cùng điều kiện thời tiết thuận lợi nên các hoạt động du lịch diễn ra sôi động ở hầu hết các điểm đến du lịch trong cả nước.
Đáng chú ý, TPHCM vẫn là địa phương dẫn đầu cả nước về lượng khách và doanh thu, khi đón 2,1 triệu lượt khách trong 9 ngày và thu về gần 7.690 tỷ đồng, tăng 17,4% so với cùng kỳ 2024.
Đứng vị trí thứ 2 là thủ đô Hà Nội với tổng doanh thu đạt 3.530 tỷ đồng, tăng 7,85% so với cùng kỳ năm 2024. Địa phương này ước đón khoảng một triệu lượt khách.
Quảng Ninh, một điểm nóng du lịch khác nổi tiếng với khách quốc tế và nội địa, đạt doanh thu hơn 2.665 tỷ đồng, tăng 71% so với cùng kỳ năm 2024, với tổng lượng khách khoảng 969.000 lượt.
Đà Nẵng vẫn tiếp tục khẳng định vị thế của mình trên bản đồ du lịch Việt Nam, đạt tổng doanh thu trong dịp Tết khoảng 1.887 tỷ đồng, tăng 19,4% so với cùng kỳ năm 2024.
Ở vị trí thứ 5 là Kiên Giang, ước đón 471.191 lượt khách, tăng 19,9%; tổng thu từ khách du lịch ước đạt khoảng 1.886 tỷ đồng, tăng 49,5% so với cùng kỳ năm 2024.
Cũng trong dịp này, một số địa phương khác cũng đạt được những con số ấn tượng như Khánh Hòa cán mốc 1.246 tỷ đồng; Lào Cai thu về 1.201 tỷ đồng; Thanh Hóa ước đạt 570 tỷ đồng; Bà Rịa – Vũng Tàu cũng có doanh thu cao, khoảng 558 tỷ đồng.
Từ những con số trên có thể thấy, trong vài năm trở lại đây, TPHCM liên tục là địa phương đạt doanh thu du lịch đứng đầu cả nước.
Bà Bùi Thị Ngọc Hiếu, Phó giám đốc Sở Du lịch TPHCM cho biết, từ năm 2021 tới nay, thành phố đã xây dựng mỗi quận huyện để có những sản phẩm du lịch đặc trưng văn hóa, ẩm thực, lịch sử, sinh thái nhằm phục vụ nhu cầu đa dạng của du khách.
Hiện thành phố có 62 sản phẩm trải dài hết các quận huyện. Theo bà Hiếu, trước kia các sản phẩm du lịch nội đô của TPHCM khiến du khách chỉ khám phá nửa ngày hoặc một ngày là hết, thì nay phải cần tới 3 ngày.
Ngoài ra, thành phố cũng tạo được chuỗi sản phẩm kết nối các điểm đến với nhau để giữ chân khách ở lại ít nhất 3 ngày mới trải nghiệm hết. Văn hóa lịch sử hiện là sản phẩm du lịch thế mạnh của TPHCM.
Ngoài ra, theo Cục Du lịch Quốc gia, dịp nghỉ Tết Nguyên Đán năm nay, ngành du lịch cả nước phục vụ khoảng 12,5 triệu lượt khách nội địa (tăng khoảng 19% so với cùng kỳ năm 2024).
Trong đó, đáng chú ý ở chỗ, công suất phòng trung bình tại một số điểm đến đạt khá cao vào thời gian cao điểm. Cụ thể, Sapa (Lào Cai) có công suất phòng cao nhất lên tới 90-95%; Kiên Giang có tỷ lệ lấp đầy phòng khoảng 73,4%; TPHCM ước đạt 65%, TP Huế đạt 63%…
Cũng vào dịp này, lượng khách quốc tế được ghi nhận tăng cao tại nhiều địa phương.
Trong đó, tỉnh đón lượng khách nước ngoài cao nhất thuộc về Quảng Ninh với 228.700 lượt khách; Đà Nẵng ước đón hơn 228.000 lượt khách; Hà Nội ước đón 142.000 lượt khách và tăng 15,8%; TPHCM ước đón 87.358 lượt khách (so với năm trước tăng 16,5%); Kiên Giang ước đón 76.653 lượt khách; Lào Cai ước đón 13.000 khách.
Theo nhận định của các chuyên gia, số lượng khách quốc tế đến Việt Nam tiếp tục trên đà tăng so với cùng kỳ năm 2024 nhờ hiệu ứng từ chính sách thị thực thuận lợi, định hướng đúng trong cơ cấu lại thị trường khách du lịch, sự nỗ lực của các doanh nghiệp, địa phương trong làm mới sản phẩm và hoạt động xúc tiến, quảng bá được triển khai rộng khắp.
Nguồn: https://dantri.com.vn/du-lich/5-tinh-thanh-dat-doanh-thu-du-lich-tren-1000-ty-dong-dip-tet-nguyen-dan-20250203002819288.htm